BA NGÔI THIÊN CHÚA
Một cô giáo lớp giáo lý giải thích cho học sinh về Thiên Chúa Ba Ngôi. Sau phần trình bầy, cô nói học sinh hãy viết bài trả lời cho câu hỏi này: “Trong Ba Ngôi, em thấy có liên hệ tốt đẹp nhất với Ngôi nào trong thời gian này?”
Tôi muốn chia sẻ với quý vị câu trả lời của ba học sinh. Một em trai viết:
Cha em và em không có sự tương quan gì hết. Em cần một người cha, và vì em không thể nói chuyện với cha em, em quay về với Chúa Cha trên trời. Nhiều khi em nói chuyện với Người về các vấn đề của em theo cùng một kiểu cách mà em muốn nói với cha em.
Một em gái viết:
Anh trai của em sống với cha em, còn em sống với mẹ. Từ khi cha mẹ em ly dị hai năm trước đây, chúng em không còn gặp nhau như trước. Không bao giờ em nghĩ rằng sẽ phải xa anh mình, nhưng sự thật là như vậy. Vì vậy, bây giờ, em muốn chấp nhận Đức Giêsu như một người anh.
Sau cùng, một em trai viết: Mới gần đây em cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Em sẽ lên đại học vào năm tới, và em không biết sẽ lấy môn gì. Em hy vọng Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho em. Dầu gì đi nữa, em cầu xin Người hướng dẫn em.
Tôi thấy những nhận xét này rất thành khẩn. Tôi cũng nhận thấy rằng điều đó khiến tôi tự hỏi mình, “Trong Ba Ngôi, tôi thấy có liên hệ tốt đẹp nhất với Ngôi nào?”
Vì vậy, trong ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, thật xứng hợp để chúng ta suy nghĩ về mầu nhiệm này và về học thuyết Thiên Chúa Ba Ngôi.
Một cách cô đọng, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nói rằng trong sự hiệp nhất của Thiên Chúa, có ba ngôi riêng biệt: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần.
Ngôi Cha là Thiên Chúa, Ngôi Con là Thiên Chúa, và Ngôi Thánh Thần là Thiên Chúa. Tuy nhiên không phải ba chúa, nhưng chỉ có một Chúa.
Để giúp dân chúng có một ý niệm về Ba Ngôi, Thánh Y Nhã dùng thí dụ của một hợp âm. Nó tạo bởi vài nốt nhạc nhưng chỉ có một âm thanh.
Một văn sĩ tân thời dùng thí dụ nước. Nó hiện diện trong ba thể khác nhau – hơi, nước đá và mưa, đó là thể hơi, thể đặc, và thể lỏng – nhưng mỗi thể thì giống nhau về phương diện hoá học.
Nhớ rằng, đây chỉ là những so sánh mờ nhạt, nhưng chúng có thể giúp chúng ta biết quý trọng mầu nhiệm vô cùng cao cả của Ba Ngôi.
Trong Kinh Thánh, sự nhắc đến Ba Ngôi hiển nhiên nhất là trong câu sau cùng của Phúc Âm Mátthêu, khi Đức Giêsu dậy bảo các môn đệ:
“Hãy ra đi… đến với mọi người ở khắp nơi và hãy làm cho họ trở thành môn đệ của Thầy: hãy rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.”
Hình ảnh nhiều ấn tượng nhất trong Kinh Thánh về Ba Ngôi là khi Đức Giêsu chịu thanh tẩy. Thánh Luca viết:
Khi Đức Giêsu đang cầu nguyện, các tầng trời mở ra, và Chúa Thánh Thần ngự trên người dưới hình dạng chim bồ câu. Và từ trời có tiếng phát ra, “Con là con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về con.” (Luca 3:21-22)
Ba Ngôi thường được nhắc đến trong Phúc Âm Gioan. Thí dụ, Đức Giêsu nói về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong các đoạn như đoạn này:
“Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, Người sẽ ở với các con mãi mãi. Người là Thánh Thần, sẽ tiết lộ chân lý về Thiên Chúa” (Gioan 14:16-17)
Những câu nói như vậy làm giới cầm quyền Do Thái rất tức giận đến độ họ quyết định giết Đức Giêsu bởi vì “hắn nói rằng Thiên Chúa là Cha của hắn và như vậy coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Gioan 5:18)
Hiểu biết thần học hấp dẫn nhất về Ba Ngôi thì được thấy trong Luca. Trong Phúc Âm Luca và trong sách Công Vụ Tông Đồ, hiển nhiên rằng thánh sử nhìn thấy lịch sử cứu độ trong viễn cảnh ba ngôi.
Với Luca, thời kỳ Cựu Ước là “thời của Chúa Cha.” Thời Phúc Âm là “thời của Chúa Con.” Và giai đoạn hậu Phúc Âm, được bắt đầu với lễ Pentecost, là “thời của Chúa Thánh Thần.”
Và sau cùng, chúng ta thấy rất nhiều ám chỉ về Ba Ngôi trong các thư của Thánh Phaolô. Tiêu biểu là lời chúc lành của thánh nhân trong bài đọc hai hôm nay. Thư viết:
Nguyện xin ơn sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em. 2 Cor. 13:13
Điều này đưa chúng ta đến phụng vụ. Trong đó có vô số đề cập đến Ba Ngôi. Hãy suy nghĩ một vài điểm.
Chúng ta rửa tội và thêm sức “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.”
Hội Thánh cũng xức dầu bệnh nhân và tha tội cho hối nhân, “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.”
Tuy nhiên, trong Thánh Lễ, Ba Ngôi thường được nhắc đến nhiều nhất. Ngoài lúc bắt đầu và kết thúc “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.”, Thánh Lễ thì đầy dẫy những lời cầu xin với Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
Tiêu biểu là kinh Tin Kính, mà chúng ta sẽ tuyên xưng trong giây lát. Kinh này có cơ cấu ba ngôi. Kinh khởi đầu với Thiên Chúa Cha là Đấng Tạo Hoá, đi sang Chúa Con và Đấng Cứu Thế, và chấm dứt với Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống.
Điều này đưa chúng ta trở về với câu hỏi mà cô giáo đã hỏi học sinh: “Trong Ba Ngôi, quý vị thấy có liên hệ tốt đẹp nhất với Ngôi nào trong thời gian này?”
Có phải chúng ta thấy liên hệ tốt đẹp nhất với Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta và yêu thương chúng ta hơn cả chính chúng ta yêu mình?
Hoặc chúng ta có liên hệ tốt đẹp nhất với Chúa Con, Người đã sống giữa chúng ta và đã chứng tỏ tình yêu dành cho chúng ta bằng cái chết trên thập giá?
Hoặc chúng ta thấy liên hệ tốt đẹp nhất với Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha và Chúa Con đã sai đến để hướng dẫn chúng ta đến đường chân lý và sự thánh thiện?
Hay chúng ta thấy liên hệ với cả Ba Ngôi trong một phương cách chung dưới danh hiệu là Thiên Chúa?
Hãy kết thúc với đoạn trích từ kinh Tin Kính Athanasia, có từ thế kỷ thứ tư:
Đây là đức tin Công Giáo…
Chúng ta thời phượng một Thiên Chúa trong ba ngôi
và ba ngôi trong một Thiên Chúa,
mà không lẫn lộn các ngôi
cũng không chia cách thần tính.
Vì Chúa Cha là một ngôi,
Chúa Con là một ngôi khác,
và Chúa Thánh Thần lại là một ngôi khác nữa.
Nhưng chỉ có một Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần,
cả ba cùng ngang bằng vinh quang và uy nghi vĩnh viễn…
Đây là đức tin thực sự mà chúng ta tin…
Đây là đức tin Công Giáo.
Lm Mark Link, SJ