-
Moderator
Câu truyện Truyền giáo tại Paraguay
Câu truyện Truyền giáo tại Paraguay
PARAGUAY - Một buổi thứ Tư nọ khi chuẩn bị nấu ăn trưa thì có bà quản chạy đến nhờ tôi đi viếng kẻ liệt đang nằm ở trung tâm y tế huyện. Thật sự tôi không muốn đi tý nào vì mới vừa trở về sau khi cử hành nghi thức an táng cho một bà lão ở xa. Trong lòng hơi đắn đo một tý vì nghĩ rằng bệnh nhân nằm bệnh viện thì chưa đến nỗi chết ngay, khi khác đi cũng được chứ có gì đâu mà phải vội.
Nhưng khi nhớ lại một trường hợp ở Việt Nam, vào lúc nửa đêm có ông biện xóm đến rước đi kẻ liệt của một em bé thập tử nhất sinh mới chuyển ở bệnh viện về, lúc đầu cũng chần chừ nhưng rồi lại đi và sau khi xức dầu cho em bé xong thì sáng hôm sau em bé qua đời. Tôi cũng nghĩ nếu mình không đi thì lỡ bệnh nhân này chết thì sao!
Nghĩ như thế nên tôi cất lại những món chuẩn bị nấu trưa để đi kẻ liệt ngay tức khắc. Lại cũng phải đi bộ từ giáo xứ đến trung tâm y tế.
Đường từ giáo xứ đến trung tâm y tế huyện không xa nhưng phải lội qua mấy con dốc nên cảm thấy hơi mệt. Đến trung tâm y tế, tôi phải chờ ở ngoài vì lúc đó người ta mới tắm rửa cho bệnh nhân vì lâu ngày quá nên hôi hám.
Bệnh nhân là một phụ nữ khoảng 45 tuổi bị chứng bệnh ung thư của người phụ nữ khoảng 1 năm nay. Chị ta có vẻ già hơn so với tuổi 45 của mình. Vì là người dân tộc thiểu số nên chị ta chỉ biết nói bập bẹ tiếng Tây Ban Nha.
Sau nghi thức cầu nguyện cho bệnh nhân cùng với vài người đạo đức đi theo, đến phần xưng tội, chị ta hỏi tôi có biết tiếng thổ ngữ của chị không để chị xưng tội. Tôi nói với chị là tôi không biết nhưng tôi đưa tuợng Thánh Giá cho chị và nói với chị rằng chị hãy xưng thú tội lỗi của chị với Chúa Giêsu và người sẽ lắng nghe và tha thứ cho chị, tôi chỉ là dụng cụ của Ngài mà thôi.
Chị đã nhìn tượng Thánh giá và nhìn tôi cách tin tưởng rồi bắt đầu bộc bạch những tội lỗi của mình. Lúc đó, mặc dầu trong phòng bệnh lâu ngày có mùi hôi khó chịu nhưng tôi cảm thấy Chúa Giêsu đã hiện diện thật sự và tôi có cảm giác Chúa thầm thì với tôi và với chị vì dường như tôi hiểu những gì chị đang nói mặc dù tôi không hề biết một tý ngôn ngữ của chị. Sau đó tôi đã ban phép xá giải cho chị và trao Mình Thánh Chúa để chị có Chúa ngự vào lòng sau nhiều năm xa cách Chúa.
Trên đường trở về giáo xứ, bà quản đã báo cho tôi một tin vui là lần trước khi tôi xức dầu cho một bệnh nhân đau nặng, nay bệnh nhân ấy đã khoẻ và có thể đi lại được nên bệnh nhân ấy đã gởi lời thăm và cảm ơn tôi. Cũng chính vì điều đó nên bây giờ có người đau yếu nào họ cũng chạy đến nhờ tôi xức dầu và ban các bí tích. Tôi nói với họ là chẳng phải tôi là thần thánh gì đâu mà chính Chúa làm qua thừa tác viên linh mục mà thôi.
Ngay ngày hôm sau, người phụ nữ bị ung thư ở trung tâm y tế mà tôi vừa xức dầu ngày hôm trước xin được hợp thức hoá hôn nhân với người người đàn ông mà từng sống với chị hơn 18 năm qua và nay đã có hai mặt con. Cũng may là vị linh mục Paraguay vừa mới trở về sau chuyến công tác xa, ngài đã đến bên giường bệnh của chị để chứng kiến và hoàn tất nghi thức hôn phối của gia đình chị. Đối với tôi thì đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một người bệnh thập tử nhất sinh hoàn tất nghi thức hôn phối!
Như thế là chị ta được mãn nguyện và thấy nhẹ nhõm vì những cắn rứt lương tâm của chị trong nhiều năm qua nay đã được giải toả. Chị thều thào trong niềm vui sướng rằng nếu hôm nay Chúa gọi chị trở về thì chị đã mãn nguyện. Và cũng đêm hôm ấy, chị đã trút hơi thở cuối cùng.
Nhiều người Paraguay giữ đạo không mấy sốt sắng nhưng họ rất tin vào chuyện thần thánh, nhất là thích uống nước thánh do linh mục làm phép. Linh mục vừa vào đến nhà thăm bệnh nhân là họ múc ngay một ly nước để các ngài làm phép rồi uống liền.
Họ cũng thích mua các tượng ảnh và nhờ các linh mục làm phép rồi đeo trên người như một tấm bùa hộ mệnh. Các tượng ảnh lớn như tuợng Chúa chuộc tội, tượng Đức Mẹ hay các thánh thì họ thường bỏ vào trong một lồng kính hay một cái trang và khoá lại rất cẩn thận giống như là “nhốt” lại để Chúa, Mẹ và các thánh khỏi chạy ra khỏi nhà họ.
Mỗi quốc gia hình như đều có một nơi Đức Mẹ hiện ra. Nào là Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha, Mẹ Lộ-đức ở Pháp, Mẹ Aparecida ở Brazil, Mẹ La-vang, Mẹ Trà Kiệu ở Việt Nam…, còn ở Parguay thì người dân ở đây có Mẹ Caacupe rất linh thiêng và người dân này cũng đặc biệt sùng kính. Hầu hết các ngày Chúa Nhật Đức Giám mục và các linh mục đồng tế đều dâng thánh lễ và truyền hình trực tiếp ở đây để mọi người cùng cảm tạ Thiên Chúa qua lời bầu cử của Mẹ.
Vào ngày 31.10.2007, ngày cuối tháng Mân Côi, giáo xứ nơi tôi làm việc đã tổ chức lần chuỗi tạ ơn Mẹ cách đặc biệt. Và đúng là đặc biệt thật. Từ lúc 17h30, từng đoàn người của 5 giáo khu thuộc giáo xứ chính đã kiệu ảnh Đức Mẹ trong nhiều màu cờ khác nhau. 5 giáo khu đại diện cho 5 châu lục với 5 màu cờ như : cờ xanh lá cây (verde), tượng trưng cho châu Phi (thay cho màu đen) do một bà quản dẫn đầu vừa đi vừa hát; cờ màu đỏ (rojo), tượng trưng cho châu Mỹ do cha người Paraguay đại diện; cờ màu trắng (blanco), tượng trưng cho châu Âu do thầy người Ba-lan đại diện; cờ màu xanh da trời (azul) tượng trưng cho châu Đại Dương do một ông trùm dẫn đầu; và cuối cùng là màu vàng (amarillo), tượng trưng cho châu Á do tôi, linh mục Việt-nam đại diện.
Chủ đề của buổi lần hạt Mân Côi hôm nay gọi là chuổi Mân Côi truyền giáo. Từng đoàn người thuộc khắp các nẻo đường của vùng quê từ từ tiến vào hội trường của giáo xứ với những bài hát tôn vinh Mẹ thật đơn sơ nhưng cũng thật ấm cúng. Tuy nhiên, khi nhìn vào đoàn rước chỉ toàn thấy các em thiếu nhi, các bà goá và các cụ ông cụ bà nghêu ngao xướng hát. Giới trẻ ở giáo xứ này chỉ thấy lác đác vài ba người và cũng chẳng chịu mở miệng để ca tụng Thiên Chúa. Thật đáng thương cho Giáo hội nhưng cũng thật đáng mừng vì chính nhờ những người chân chất như thế này mà Giáo Hội đã đứng vững từ bao đời nay.
Cũng chia sẻ thêm một tí về cộng đoàn quốc tế mà tôi đang sống (Paraguay-Balan-Việt Nam). Ngay những ngày đầu về giáo xứ, chúng tôi mỗi ngày chia ra mỗi người nấu ăn. Tuy nhiên, các món ăn do cha người Paraguay nấu rất nhiều dầu và chỉ ăn thịt với củ mì hay thỉnh thoảng có súp đậu, món ăn do thầy người Balan nấu lại có nhiều bột và chẳng biết gọi đó là những món gì vì thầy trộn chung bột mì, lòng đỏ trứng gà rồi chiên lên và ăn.
Tới phiên người Việt Nam, tôi đã vận dụng tất cả tài năng nấu nướng đã kinh nghiệm được từ khi ở Việt Nam để nấu các món thuần Việt. Hội Dòng chúng tôi ở Việt Nam có cái mới lạ là khi các thầy bắt đầu bước chân vào học viện tại Sài Gòn hay Đà Lạt, thầy nào cũng phải biết đi chợ và tập nấu ăn. Vì thế, nhờ 6 năm học viện và hai năm giúp xứ, tôi đã biết nấu các món ăn tuy không phải là đầu bếp xuất sắc nhưng cũng đủ để mọi người thưởng thức ngon lành. Chính vì thế, khi tôi nấu các món ăn Việt Nam ở đây, mọi người đã khen rất ngon, nhất là cha người Paraguay và thầy người Balan. Cũng chính vì “bị khen” mà tôi lại “bị khổ” vì từ ngày ấy tôi phải vào bếp thường xuyên hơn sau khi xong việc. Dĩ nhiên là mỗi người mỗi việc, thầy Balan phải lo đi chợ mua thức ăn, cha người Paraguay lo rửa chén và dọn dẹp sau khi ăn xong. Nhờ ăn uống có chất và hợp khẩu vị nên sức khoẻ của chúng tôi cũng khá hơn.
Tháng 11 lại đến, chúng tôi lại có nhiều việc để làm. Các giáo xứ tại Việt Nam thường tổ chức sám hối và xưng tội vào Mùa Chay hoặc Mùa Vọng để giúp mọi người có dịp làm hoà với Chúa. Tuy nhiên, ở đây người ta lại thích đến làm hoà với Chúa trong tháng Các Linh Hồn, nhất là dịp này giáo xứ sẽ có lễ thêm sức cho cả 37 giáo họ. Những người được chọn làm cha mẹ đỡ đầu cảm thấy rất hãnh diện nên họ đã bỏ thời gian để đến tham dự tuần tĩnh tâm và xưng tội. Vì thế, hàng ngày vị linh mục người Paraguay và tôi thường phải ngồi toà ở giáo xứ và các giáo họ.
Vì đang là mùa giông bão nên đường xá khó đi vô cùng. Anh em chúng tôi có chiếc xe tải mục vụ và nhiều lần suýt bị lật vì đường xá trơn trợt. Có những bữa tôi đi xe mô tô với một giáo dân và cũng bị lộn nhào vài lần. Khi đến những giáo họ nói tiếng Guarani nhiều hơn, vị linh mục người Paraguay nói rõ với giáo dân là ai muốn xưng tội bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha thì đến chỗ tôi, còn ai muốn xưng tội bằng tiếng Guarani thì đến chỗ ngài.
Tuy nhiên chỗ tôi lại thường đông hơn vì người ta thích xưng tội với linh mục ngoại quốc dù những người lớn tuổi họ cứ xưng tội với tôi băng tiếng Guarani. Các bạn trẻ thì thích nói tiếng Tây Ban Nha hơn vị chính họ cho rằng nếu nói tiếng Guarani thì người nước ngoài sẽ khinh họ vì tiếng Guarani là tiếng thổ dân! Đây quả thực là một điểu đau lòng khi người dân Paraguay phải nói tiếng nước ngoài ngay trong nhà của mình.
Ngồi toà giải tội tôi phải chịu đựng biết bao nhiêu “mùi đặc biệt” của các hối nhân. Ở xứ tôi không có toà giải tội mà chỉ để 2 cái ghế diện đối diện giữa linh mục giải tội và hối nhân nên các mùi rượu, mùi thuốc lá, mùi thịt nướng, mùi nước hoa… nói chung là các mùi tổng hợp tôi đều lãnh đủ. Tôi thầm cảm ơn Chúa vì ít ra họ cũng còn ý thức về tội lỗi và muốn thay đổi. Qua toà giải tội, tôi muốn nói cho họ biết rằng Chúa luôn yêu mến họ, tha thứ cho họ và muốn họ quay trở về với Ngài.
Nhiều người trong số họ từ rất lâu rồi không biết xưng tội là gì và sau khi tôi ban phép xá giải họ đã hỏi tôi rằng họ có được Chúa tha thứ và được rước mình thánh chúa hay không. Tôi nói với họ là Chúa đã tha thứ cho họ nếu họ thật sự biết ăn năn và họ đã cảm thấy nhẹ nhõm và bình an sau khi rời toà giải tội và đã có những thái độ tích cực vào những ngày sau đó.
Nhiều gia đình ở giáo xứ tôi là những “gia đình liên hiệp quốc” thật sự. Ông nội là người Đức rồi cưới bà nội là người Balan. Sau đó họ đến Paraguay sinh sống từ những ngày xa xưa và sinh con cái. Sau đó, con cái của họ bây giờ là quốc tịch Paraguay lại kết hôn với người Brazil và sinh ra đàn cháu. Rồi đàn cháu ấy lại kết hôn với người Argentina. Hiện giờ tất cả đền nói tiếng Tây Ban Nha nhưng không phải dễ nghe tí nào vì là ngôn ngữ pha trộn, nhất là những người Brazil nói tiếng Tây Ban Nha với giọng Bồ Đào Nha, tương tự như ở Việt Nam, có người thì nói giọng Quảng, giọng Huế, giọng Nghệ An hay giọng Hà-nam-ninh… vậy.
Được dịp ngồi toà và nghe các giọng nói “liên hiệp quốc” dần dà tôi cũng quen và nhận ra rằng ngôn ngữ chỉ là một phương tiện để thông tin, và biết nhiều ngôn ngữ là để phục vụ.
Thế đó, công việc của chúng tôi rất tầm thường nhưng qua đó tôi cảm nhận được một điều là dù công việc nhỏ nhặt nhưng cố gắng chu toàn hết sức có thể sẽ đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho người khác và cho chính mình. Tôi rất thích câu nói: ”Salvar un hombre es salvar el mundo entero” (Cứu một người là cứu cả thế giới). Tôi luôn tâm niệm với lòng mình là cố gắng làm dù những điều nhỏ nhất nhưng với một nhiệt tâm lớn nhất.
Lm. Trần Xuân Sang, SVD
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules