Sao không dâng lời Tạ ơn
Đức Giêsu nói: “Không phải cả 10 người đều được sạch sao? Thế thì 9 người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17,17-18).
Đoạn Tin Mừng trên đã khiến tâm hồn tôi dao động, suy nghĩ nhiều về hai chữ Tạ ơn, tạ ơn Chúa và cám ơn nhau. Theo dõi thời sự những ngày gần đây, nước Nhật bị động đất và sóng thần, nước Libya đang bị các đợt không kích của liên quân… Bao người mất tích, hàng chục ngàn người đã chết, nhưng cũng không thiếu những con người đã được cứu sống hay thoát hiểm trong gang tấc, cụ thể như:
1/ Tin 2 bà cháu sống 9 ngày trong đống đổ nát
Cậu thiếu niên Jin Abe, 16 tuổi đã chiến đấu trong suốt 9 ngày để cùng sống sót với bà ngoại 80 tuổi khi bị mắc kẹt trong nhà của họ sau trận sóng thần ở Ishinomaki, Nhật Bản.
Jin và bà của cậu đã được tìm thấy hôm 20/3/2011. Lực lượng cứu hộ đã nghe thấy tiếng kêu cứu của Jin từ trong đống đổ nát. Khi đội cứu hộ đến, Jin và bà của cậu đã kiệt sức, thân nhiệt thấp và ở trong tình trạng rất gần với cái chết.
Ở trong nhà của Jin còn một chút thức ăn trong tủ lạnh và cũng còn một ít nước. Không có tín hiệu từ bên ngoài. Tuy nhiên, Jin đã kiên nhẫn chờ đợi cùng với bà ngoại của mình trong suốt một thời gian dài mà không nản lòng. Hai bà cháu đã được đưa đi cấp cứu ngay sau đó.
(Tin: http://vietnamnet.vn/vn/tin-nhanh/13...ng-do-nat.html)
2/ Thủ tướng Đức thoát hiểm trong sự cố rơi máy bay
(DVT.vn) - Trực thăng chở Thủ tướng Đức Angela Merkel đã rơi tự do từ độ cao 1.600m trong 2 phút ở không phận Augsburg gần biên giới với Thụy Sỹ hôm 16/3.
Thủ tướng Đức đã thoát hiểm khi chiếc trực thăng Super Puma 332 rơi tự do trên bầu trời trong gần 2 phút do động cơ bị mất điện. Các phi công chỉ khởi động lại được động cơ khi máy bay cách mặt đất vài trăm mét.
Sự cố xảy ra khi Thủ tướng Merkel đang trên đường tới tham dự một cuộc vận động bầu cử địa phương cho Đảng CDU của bà.
Chiếc máy bay 21 chỗ ngồi này chỉ mới bắt đầu hoạt động vào tháng 12/ 2010. Các quan chức đã phát động một cuộc điều tra khẩn cấp để tìm ra nguyên nhân gây ra sự cố này.
Một cảnh sát nói: “Đó là một tình huống nguy hiểm khi cả 2 động cơ đều bị trục trặc. Phi hành đoàn đã phản ứng nhanh chóng và khởi động lại động cơ”. (Tin: http://www.diemtin.com/The-Gioi/)
3/ Sự vô cảm của người thân sau khi thoát hiểm
Có lần người bạn thân của tôi đã tâm sự: “Trong chuyến đi công tác từ nước ngoài về, máy bay bay vào vùng thời tiết xấu và trúng phải một cơn bão lớn, có thể rơi bất cứ lúc nào. Mọi người đều lo âu, sợ hãi… Nhưng may mắn thay, ngay vào thời khắc nguy hiểm này, với sự bình tĩnh và kinh nghiệm của tổ lái, máy bay đã hạ cánh an toàn.
Về đến nhà, anh ta không ngừng kể cho mọi người nghe về tai nạn và may mắn thoát chết. Thế nhưng, hình như không ai, ngay cả vợ và con anh cũng không quan tâm đến chuyện thoát chết trong gang tấc của anh!
Tôi thầm tự nhủ, không biết những người được cứu sống hay thoát chết, họ có biết Tạ ơn Thiên Chúa hay không?
- Tạ ơn Chúa vì được sinh ra, lớn lên và làm con của Cha trên trời.
- Tạ ơn Chúa, vì được tin vào Chúa Giêsu là Đấng đem lại sự sống và sự sống lại.
- Tạ ơn Chúa, vì được phục vụ và hy sinh cho người khác.
- Tạ ơn Chúa, vì con vừa được sống lại từ trong cõi chết...
Suy nghĩ đến đây, tôi thầm xét lại mình! Nhân chuyến công tác đầu tháng 3/2011 tại miền Trung. Xe đang lên dốc trên đường từ Phan Rang về Đà Lạt, tới giữa khúc ngoặt nguy hiểm nhất của đèo Ngoạn Mục, xe chúng tôi bị chết máy. Trời đã xế chiều, trên xe chỉ có 3 người nên không thể đẩy xe qua khúc cua! Nhưng để xe lùi xuống sẽ rất nguy hiểm! Chúng tôi lấy hòn đá chèn bánh xe và chờ người phụ giúp. Thế nhưng xe lên đèo thì cố gồng mình leo dốc, xe xuống đèo thì bám chặt vách núi để thả dốc… chẳng xe nào chịu dừng lại!
Ngắm nhìn cảnh hoàng hôn, tôi bình tâm và âm thầm xin Chúa giúp cho xe chúng tôi nổ máy lại được. Nửa tiếng sau, xe nổ máy lại và chúng tôi đã đến thành phố Đà Lạt bình an. Khi ngang qua nhà thờ chính tòa Đà Lạt, tôi mới giật mình và thầm đọc kinh Lạy Cha để cảm ơn Chúa.
Thế đấy, chính bản thân tôi là người Kitô hữu, vậy mà khi khốn cùng thì chạy đến Chúa, nhưng khi đạt được nguyện ước, thì quên tạ ơn Chúa, cho dù tạ ơn Chúa là một việc rất quen trong đạo.
Ước mong mỗi người, dù trong mọi hoàn cảnh, luôn thể hiện tâm tình tạ ơn Chúa với nhiều hình thức: Âm thầm như những lời chân thành tự đáy lòng, hoặc những việc hy sinh lặng lẽ kèm với tâm tình cảm tạ; đơn sơ như dâng một bông hoa, một cây nến, một chút tiền để trên bàn thờ; trọng thể như tổ chức Thánh lễ, kiệu tượng ảnh, khắc bia tạ ơn… Như vậy, việc tạ ơn vừa ca tụng quyền năng của Chúa, mà cũng vừa xác nhận sự yếu đuối của ta.
Thể hiện tâm tình tạ ơn trong bản thân ta đã là việc khó, phương chi giữ được tâm tình đó trong một tập thể đông đảo lại càng khó hơn. Vì thế, việc tạ ơn Chúa luôn đòi sự tỉnh thức đi đôi với lòng khiêm tốn.
Giữ được tâm tình như thế, chúng ta mới thực hiện được lời thánh Phaolô khuyên ta: "Trong mọi hoàn cảnh và trong mọi sự, các con hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha" (Ep 5,20).
Văn Chiến