Tháng Các Linh Hồn, nhớ tới Cha thân yêu

Tháng cầu cho các linh hồn, tôi nhớ đến người cha thân yêu của mình. Còn hơn một tháng nữa là đến ngày giỗ đầu của ông. Khi còn sống, phần lớn niềm vui và nỗi buồn của ông gắn với nhà thờ nên tôi cứ tự hỏi: không biết ba tôi có phải là một Kitô hữu nhiệt thành hay không?

Ba tôi là một ông trùm một xứ đạo nhưng cũng là người đàn ông bình thường như bao người khác với những ưu điểm, khuyết điểm trong cuộc đời. Song chặng đường dài bốn mươi năm cộng tác với các cha xứ tại giáo xứ Vinh Sơn, cứ đặt trong tâm tư tôi về thái độ của một người cần yêu mến Chúa và phục vụ như thế nào trong vị trí giáo dân của mình.



Mấy chục năm về trước, ba tôi là một cậu bé giúp lễ ở nhà thờ chánh tòa Bùi Chu, là một đội viên trong “nghĩa binh”(thiếu nhi Thánh Thể); những sinh hoạt nhà thờ nơi vùng quê thanh bình đó chắc là có dấu ấn đậm đà trong lòng đạo của ba tôi nên ông rất thích những công việc gì liên quan đến nhà thờ. Vì thế, di cư vào nam được một hai năm, ông lại làm việc nọ việc kia ở ngôi nhà thờ trong vùng toàn những người theo đạo Công giáo. Môi trường này làm cho tinh thần của ba tôi được vui tươi và sự sốt sắng của ông được no thỏa

Nhờ gắn bó và hay hỏi ý kiến linh mục, ba tôi đã tránh được nhiều chuyện không hay khi ông làm việc tại Tòa Đại Sứ Mỹ. Chắc là vì thế ông có lòng kính trọng các linh mục khá đặc biệt. Mỗi khi có quí cha đến thăm nhà, ông rất thích được chụp hình với linh mục ấy. Ba tôi không biết Đức cha Trần Xuân Tiếu là ai, nhưng ông cầm tấm hình Đức cha tặng cho tôi, giơ lên trước ngực rồi cười rất tươi để chụp hình! Những lần đi dạo quanh nhà thờ mà gặp được cha xứ nói chuyện gì đó, lúc về ba tôi vui và nói chuyện nhiều trong bữa ăn.

Có lần tôi nói với ba tôi: “Ba là một ông trùm xứ đạo, nếu quí cha có sai sót gì hay nhà thờ có cái gì chưa đúng, ba khéo léo nói nhỏ, góp ý, như thế mới là yêu mến Chúa tích cực.” Ông cười và hóa giải được hết mọi chuyện trong suy nghĩ của mình: “Chúa thông biết mọi sự mà, lại có Chúa Thánh Thần soi sáng cho các cha và điều khiển mọi người, mình cứ im lặng cầu nguyện là tốt nhất.” Tôi muốn bắt chước thái độ của ông nhưng sao thấy khó quá!

Dù nhà thờ là một môi trường tốt lành, thế nhưng vẫn có những chuyện xảy ra làm ba tôi buồn, ông vẫn không bỏ cuộc! Một lần, có lẽ vì ganh tức sao đó, một người trong khu vực cáo gian làm cha xứ và ba tôi phải dắt nhau ra phường. Ông buồn bã rồi ngồi đọc kinh trong lời an ủi của má tôi; sáng hôm sau, không biết ông đã nói gì tại phường mà cha xứ và ba tôi về nhà vui vẻ, còn người kia bị cảnh cáo và xấu hổ ra về. Sau lần ấy ông càng yêu mến Chúa hơn và can đảm hơn trước một số biến cố đặc biệt của giáo xứ Vinh Sơn.

Khi ba tôi được cha xứ Giuse Trần Trung Nghĩa đề bạt làm trưởng hội thừa tác viên, cho rước lễ ở nhà thờ, ông vui vô cùng. Bốn mươi năm cộng tác với các cha xứ, có lẽ việc làm này giúp ông bình an trong tâm hồn và ít va chạm nhất.



Thỉnh thoảng, ba tôi nói với em tôi rằng: “Con không được làm điều gì bất chính”. Tưởng những lời khuyên đó là thừa, vì em trai tôi là một họa sĩ hiền lành, có thẻ phóng viên trong một tòa báo của Nhà Nước; nhưng khi bước vào tuổi trung niên, tôi mới hiểu rằng lời khuyến cáo đó không thừa vì dù hiền lành thì vẫn có những đường dẫn tinh vi của ma quỉ làm cho người ta biến chất, bổ nhào rất nhanh trong công việc của mình.

Còn tôi, với cách giữ đạo khá thoáng, ăn ngủ không nề nếp, làm ba tôi phải nhắc nhở thường xuyên. Ông rất khó chịu khi tôi không giữ chay trước khi đi lễ, còn tôi thì nghĩ rằng, ăn một chút gì đó cho êm cái bụng thì tỉnh táo dâng lễ vẫn tốt hơn. Những lúc như vậy, tôi chỉ cười trừ.

Có lần đi công tác xã hội về, tôi mệt và uống nửa lon bia cho dễ ngủ, ông mắng: “Mẹ Têrêsa đi giúp người nghèo về thì ăn chay cầu nguyện, còn đây (ý nói tôi) có đi làm xã hội xong thì về “nhậu”! Tôi cười khúc khích rồi “lý sự cùn”: “Trên thiên đàng, có mẹ Têrêsa Calcutta thánh thiện, chưa có bà thánh nào vừa thương người nghèo vừa “nhậu” vui vẻ cả, con phấn đấu chọn chỗ ấy ba ạ!” Thế là cả nhà cùng cười, ba tôi cũng cười.

Khi má tôi qua đời, gia đình tôi đọc kinh tối; chẳng hiểu sao cứ đọc được ngắm thứ hai là chị em tôi cười khúc khích, còn ba cứ ngồi im lặng chờ chúng tôi cười xong lại đọc kinh tiếp, không la mắng mà cũng chẳng cười cùng. Ông rất sốt sắng khi đọc kinh, chẳng bù cho tôi, ngọ ngoạy liên tục.

Ba tôi thương con quí cháu. Tiền bạc có được, ông để dành, khi có dịp sẽ đóng góp vào nhà thờ. Ông ao ước trúng số với ý định là một nửa sẽ cùng quí cha làm một việc gì đó, còn một nửa sẽ xin lễ… từ từ!



Những việc rất đời thường ấy, làm cho tôi nghĩ rằng có một người cha mang lòng đạo sốt sắng cũng thật là vui. Những lời giảng của cha chánh xứ dành cho ba tôi trong thánh lễ tại gia, hẳn là làm ba tôi thật hạnh phúc. Tôi thầm cảm ơn Chúa đã tín nhiệm ba tôi trong vị trí người giáo dân cho đến khi ông qua đời.

Khi ba tôi qua đời, người con gái đầu lòng mà ông rất yêu quí và hợp tánh tình không thể có mặt. Nhìn bộ áo tang, khăn sô vắt ngang qua quan tài của ông, tôi cứ chảy nước mắt mà nghĩ rằng: tục lệ của người Việt Nam trong tang chế làm như thế là để diễn tả nỗi khắc khoải của người cha chờ mong con, hay là tấm lòng oằn oại đau xót của người con vắt ngang tình cha?

Cuộc sống của tôi bây giờ không còn ý nghĩa gia đình khi tôi thức dậy bằng điện thoại di động, buổi trưa đi mua cơm ăn một mình; chiều tối đi làm và đi lễ về, tôi cùng em gái mỗi người ôm lấy cái ti vi cho đến hết ngày; không còn tâm sự với ba tôi về việc này việc nọ.

Sau này về với Chúa, nếu không được gặp lại ba má thì tôi thất vọng biết bao. Hay gặp lại cha mẹ ở một “trạng thái” mà tôi không được thốt lên tiếng “ba” “má” thì tôi sẽ buồn nản biết bao! Không! Tôi tin rằng Thiên Chúa sẽ cho những người Kitô hữu được gặp lại người thân trong tình trạng hạnh phúc, trọn vẹn hơn khi còn ở trần gian này.

Tháng cầu cho các linh hồn, cầu nguyện cho người cha của mình, tôi thầm mong có nhiều người biết chung tay vui đắp cho Giáo hội, qua bàn tay nhỏ bé bậc giáo dân, để khi chiếc ghe nhỏ đời mình trôi qua bao sóng gió, linh hồn được ngả vào lòng Chúa một cách êm ả, vì đã yêu mến Hội Thánh của Người.

Maria Vũ Loan