KHOẢNG CÁCH

Những ngày Tết, tôi được nhiều lời mừng chúc. Lời chúc mừng nào cũng hướng về tương lai. Tâm tình trao tặng nhau, cho dù tốt đẹp đến mấy, vẫn không cản được cảm nghĩ của tôi về khoảng cách.

Tôi cảm thấy mình khác xa trước. Giữa nay và trước có một khoảng cách sâu rộng. Trước là trẻ, nay là rất già.

Chính khoảng cách riêng tư này dẫn tôi nhìn vào một số khoảng cách khác. Những khoảng cách này đang là sự kiện xã hội tôn giáo hôm nay, nhưng đã được báo trước trong Kinh Thánh.

1/ Khoảng cách giữa giàu và nghèo

Sự kiện nổi bật trong Tết vừa qua có lẽ là khoảng cách giữa giàu và nghèo.

Giàu rất giàu, nghèo rất nghèo.

Khoảng cách về của cải là khủng khiếp. Có người làm chủ mấy ngàn tỷ. Đang khi có người tìm tiền mua gạo cho một ngày mà không sao kiếm đủ.

Khoảng cách về tâm lý là thê thảm. Bên thì tự hào mở sang thế giới bạn bè và các tầng lớp xã hội. Bên thì tự rút về thân phận cô đơn, buồn tủi.

Khoảng cách về dự kiến là rất ảm đạm. Giàu thì chắp cánh bay xa bay cao. Nghèo thì bị bó chân bó tay vào những mơ ước nhỏ nhoi, đôi khi còn bị dồn xuống hố thất vọng và tuyệt vọng.

Khoảng cách giàu nghèo hôm nay có thể được nhìn bằng nhiều cách. Cách nhìn mang ý nghĩa nhất là nhìn qua dụ ngôn Chúa Giêsu đã đưa ra về người phú hộ và người hành khất Ladarô.

Người phú hộ mặc toàn đồ sang trọng, ăn toàn những món quý mắc tiền. Còn người hành khất Ladarô thì rách rưới, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng nhà phú hộ, bạn với mấy con chó đói.

Sau này, hai người cùng chết. Trong thế giới bên kia, số phận đổi ngược. Người phú hộ xuống hoả ngục, ông ăn mày được lên thiên đàng. Bởi vì lúc còn sống, người phú hộ đã sống ích kỷ thất đức, còn người ăn mày đã chịu thử thách với lương tâm trong sáng (x. Lc 16,19-31).

Hy vọng khoảng cách đau buồn trên đây tại Việt Nam hôm nay chỉ là lẻ tẻ. Nhưng, theo tôi, cái lẻ tẻ đó vẫn rất đau lòng.

2/ Khoảng cách giữa có với là

Tết năm nay, sự xung đột giữa có và là thực quá rõ.

Trên thực tế, tiêu chuẩn đánh giá con người đặt nặng về phía có. Ai có nhiều tiền của, có quyền cao chức trọng, có uy tín được dư luận tôn vinh, có nhiều bạn sang giàu, đó là người được coi là có giá trị.

Đang khi đó, những người thực chất là đạo đức, thực chất là nhiều khả năng, thực chất là chân chính, thực chất là tu thân, thì lại bị bỏ quên, bị loại trừ, bị khinh chê.

Đáng suy nghĩ nhất là khoảng cách giữa người có quyền và người không có quyền, cho dù người không có quyền là rất tốt.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu luôn đề cao cái là.

"Thầy là cây nho, các con là ngành" ( Ga 15,5).

"Các con là muối cho đời" (Mt 5,13).

"Các con là ánh sáng thế gian" (Mt 5,14).

"Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những ai là kẻ bé mọn" (Lc 10,21).

3/ Khoảng cách giữa đấu tranh và sự hối cải

Tết vừa qua, Hội Thánh Việt Nam đã đón nhận hai sứ điệp. Một sứ điệp là hối cải, do Mùa Chay. Sứ điệp này đã được đọc một cách long trọng ngày 30 Tết nhằm lễ Tro. Một sứ điệp khác là đấu tranh. Sứ điệp này đã được loan đi từ biến cố xảy ra nơi này nơi nọ, do nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Sứ điệp hối cải được ban ra từ Lời Chúa, nên có giá trị vững bền, dẫn về cõi bình an sâu thẳm. Còn sứ điệp đấu tranh bị nhiễu quá nhiều. Nó đã vượt xa biến cố ban đầu, dẫn về một tương lai nhiều thách đố lớn. Nên giá trị thực của nó là ở sự đợi chờ sáng suốt. Đắc thắng hiện tại chỉ là thành công bé nhỏ.

Phần tôi, tôi theo dõi sứ điệp đấu tranh với tâm hồn cầu nguyện và tỉnh thức. Nhưng tôi đón nhận sứ điệp Phúc Âm Mùa Chay với niềm tin tuyệt đối vâng phục ý Chúa.

Kinh Thánh trong sách Khải Huyền có đoạn Chúa gởi cho Hội Thánh ở Ephêsô: "Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: Ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống. Hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu. Bằng không, Ta đến với ngươi, và Ta sẽ đem cây đèn của ngươi ra khỏi chỗ của nó, nếu ngươi không hối cải" (Kh 2,3-5).

Cảnh giác trên đây luôn hữu ích cho phần rỗi.

Mấy khoảng cách trên đây là những thời sự. Suy tư về những thời sự đó trong ánh sáng Phúc Âm cũng là một sinh hoạt ý nghĩa trong xã hội hôm nay.

Xã hội hôm nay đang có những liên kết và những rạn nứt, đang có những hôn nhân và những ly hôn trong nhiều lãnh vực, như gia đình, văn hoá, đời đạo.

Xã hội hôm nay đang có những tảng băng trôi nổi trên bề mặt và có những sóng ngầm nguy hại không dễ phát hiện.

Rất mong những ai đang lo cho nền giáo dục Kitô giáo sẽ quan tâm hơn nữa đến tình hình cụ thể của Việt Nam hôm nay, nhất là bằng cách nêu gương sáng.

Ngày mùng năm Tết Mậu Tý
+ GM G.B. Bùi Tuần