CHÚA CON ĐÃ SAI THÁNH LINH ĐỂ TIẾP TỤC CÔNG TRÌNH CỦA NGƯỜI Ở TRẦN GIAN
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. Từ thời kỳ của Đức Giêsu.
Vào giờ Đức Giêsu sắp "phải bỏ thánh giá mà về với Chúa Cha", ta thấy có hai giai đoạn trường bài diễn từ sau bữa Tiệc Ly.
- Thời kỳ của Đức Giêsu, thì các môn đệ không làm sao có sức chịu nổi những lời Người.
- Thời kỳ của Thánh Linh thì chính Người sẽ dẫn dắt các ông tới sự thật toàn vẹn.
X. Léon-Dufour quảng giải: "Bấy giờ" của bữa tiệc ly đối tương phản với thời kỳ Đấng Bảo Trợ đến; là việc đến này tùy thuộc vào lễ Vượt Qua của Chúa Con (“Lecture de L’Evangile de St. Jean", cuốn 3, Seuil, trg 231).
2. Đến thời kỳ của Chúa Thánh Thần.
Thần Khí này, Đức Giêsu hứa với các tông đồ: "sẽ dẫn các ông đến sự thật toàn vẹn". Việc Chúa Thánh Thần đến soi sáng vào quá khứ của Đức Giêsu, sẽ khiến cộng đoàn các môn đệ của Người hiểu sâu thêm những lời nói và việc làm của người, hiểu để áp dụng và đi vào cuộc sống. Hơn nữa, Người còn cho các môn đệ thông hiệp vào hiện tại của Đức Giêsu, người Con đã được tôn vinh nơi Thiên Chúa và đang muốn thông ban cho các môn đệ chính con người vinh quang của mình.
- Thần Khí này, Đức Giêsu phán tiếp "sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em". Để dẫn đến sự thật, Thần Khí "sẽ nói lên" hay là "sẽ diễn tả” điều mà Người nhận từ Chúa Con. X. Léon-Dufour giải thích thêm: "Nếu Đức Giêsu ngừng nói bên tai, thì việc Người nói trong tim (đồng nghĩa với “mạc khải”) vẫn còn tiếp tục nhờ trung gian của Thần Khí. Quả vậy Thần Khí không nói nhân danh quyền năng của mình, cũng giống như Đức Giêsu đã không nói tự ý mình; Thần Khí sẽ nhận từ Đức Giêsu cũng giống như Đức Giêsu nhận từ Chúa Cha (8, 26). Tiếng nói của Thần Khí chắc chắn không đập vào lỗ tai, nhưng thấm sâu tận tâm hồn. Như vậy Chúa Con tiếp tục mạc khải của mình bằng cách thế khác trước: “cách thế thần linh", Chúa Thánh Linh sẽ là người biểu lộ Đức Giêsu
BÀI ĐỌC THÊM:
1. “Nguồn suối không hề cạn”
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em". Vào lúc ly biệt, những lời kín đáo này phát ra từ môi miệng Đức Giêsu để kết thúc buổi hàn huyên đầy tình hiệp thông. Vấn đề không tại điều muốn nói, mà tại ý nghĩa thẳm sâu nằm ở những lời ấy. Sánh với những gì nằm sâu trong lòng biển cả bao la, thì lời nói cũng chỉ như đám bọt biển trắng xoá trên mặt mà thôi. Điều mà Thầy muốn ban cho anh em, chia sẻ với anh em là những gì tự đáy lòng Thầy, là những gì là sâu xa nhất từ nội tâm Thầy.
Không phải là Thầy không còn thời giờ, cũng chẳng phải là Thầy còn nói thêm nhiều điều khác. Thầy chỉ mong muốn lặp đi lặp lại mãi mãi điều cốt lõi. Ước chi điều cốt lõi được lặp lại hoài này, luôn có được vẻ tươi mát của buổi bình minh đang xuất hiện.
Nội tâm Thầy như mạch nước muốn vọt lên nhưng lại không vọt lên được. Điều Thầy muốn nói ra thì lại không thể diễn tả được. Và người nghe không bao giờ có thể hiểu, cũng không thể cảm nghiệm được với ánh sáng và cường độ mà Thầy mong muốn vì điều đó thuộc về Thầy một cách quá lạ thường. Cái "tôi" thẳm sâu này không sao tả xiết.
"Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em". Nhưng lúc này, như thế là đủ rồi. Không thể nói thêm nữa, là người nghe cũng không thể tiếp thu hơn. Sự truyền đạt từ người này sang người kia kết thúc, vào lúc mối hiệp thông không còn có thể hiệp nhất thêm nữa.
"Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em". Khi Đức Giêsu tâm sự điều này với các bạn hữu của Người, thì tình Thầy trò thân mật trước lúc chia ly rất phong phú đến nỗi không có thể nói gì hơn nữa.
Vả lại Người còn có thể mạc khải gì hơn về Người hoặc về Chúa Người chăng? Người chẳng phải là mạc khải đầy đủ về Thiên Chúa rồi đấy sao? Đây không phải một "món hàng tàng trữ" ngủ yên trong tủ sắt, hoặc được nâng niu giữ gìn trong hộp quý. Không đâu, đây là một dòng suối không hề cạn kiệt.
Thần Khí, trong khi giúp người ta hiểu biết và nhìn nhận Đức Gtêsu, sẽ khiến người ta không ngừng đói khát muốn hiểu biết hơn nữa. Thần Khí khơi dậy nơi lòng người tín hữu sự hiện diện của Đấng Phục sinh. Người giúp khám phá sự hiện diện đó là gì, có hệ quả gì trong cuộc sống thường nhật cũng như trong những giờ phút trọng đại của lịch sử.
Một sự hiện diện kín đáo và mãnh liệt.
Một sự hiện diện đầy bình an và tình thương.
Và sự hiện diện này là Sự sống.
2. Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải, Người là ai?
(N. Quesson trong “Les entretiens du dimanche. Année C".
Roguet -Ardant. trg 101-102)
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, cũng như tất cả những mầu nhiệm đặc biệt Kitô giáo, không tự nhiên dễ hiểu đối với những trí tuệ thích lý luận của con người. Mới đây một đứa trẻ đã nói với cha nó rằng: "Ba mà cũng còn tin những chuyện ấy à? Phản ứng của đứa trẻ này minh họa rõ ràng cái não trạng vụ khoa học mà ta đã bị thấm nhiễm, và não trạng đó có khuynh hướng chủ trương cái gì có thể kiểm nghiệm được, mới được coi là có thật.
Tuy nhiên, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một trong những mầu nhiệm đáp ứng được những ước mơ thâm sâu nhất của nhân loại. Bí mật của thế giới chúng ta không phải là cái gì trừu tượng, hoặc một sức mạnh vô danh tăm tối, nhưng là một tình thương; có thể nói được rằng: "đó là nhịp đập của ba trái tim thương yêu nhau" hoặc nói theo ngôn ngữ truyền thống hơn, nhưng cùng một thực lại lạ lùng đó, ta nói: Thiên Chúa là ba ngôi vị, nhưng Ba Ngôi là một Chúa duy nhất.
Thật vậy bạn hãy mở sách Tin Mừng bất kể trang nào, bạn sẽ thấy rằng Đức Giêsu không khi nào đóng vai giáo sư dạy môn tôn giáo hoặc môn triết học. Người đã không hề giảng bài về Chúa Ba Ngôi. Người cũng không bao giờ nói ra từ ngữ đó. Không! Nhưng đơn giản là Người đã sống. Người đã sống như một Người Con. Người chỉ mang trong tim, chỉ nói ra nơi cửa miệng cái tên của lòng yêu thương, các tên của Đấng mà, các trẻ nhỏ Do Thái ngày nay vẫn còn dùng để gọi cha của chúng trên các đường phố Giêrusalem.
Chúng ta vừa mới nghe những lời rất đơn sơ của Tin Mừng: Mọi sự thuộc về Cha, do thánh Gioan kể lại (Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu phiên dịch cách hồn nhiên là: à Papa le Bon Dieu; thuộc về “Ba" Chúa Trời) những gì thuộc về Cha Thầy, là của Thầy. Rồi Người nói tiếp liền: "Thần Khí sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em".
Như vậy, cách xử sự và những lời của Đức Giêsu đưa ta vào làm quen với "Ba Ngôi" vừa hoàn toàn tách biệt, tuy nhiên, lại vừa hoàn toàn liên kết nên một. Vâng, Đức Giêsu là Đấng luôn "qui hướng về Đấng khác".
Quả thật, trong suốt lịch sử của nhân loại đi tìm kiếm từ tôn giáo, Đức Giêsu và chỉ một mình Đức Giêsu là người đủ bạo dạn để dám nghĩ rằng: Thiên Chúa không phải là Đấng cô đơn, xoay tròn chung quanh mình, giam hãm mình trong một thứ ích kỷ thánh thiêng, nhưng Thiên Chúa là Đấng khởi nguồn và làm nẩy sinh mối liên hệ yêu thương.
Fiches Dominicales