Sức mạnh của lòng tin

Thứ Hai sau Chúa Nhật XIV Thường niên A

Lời Chúa: Mt 9,18-26


18Người còn đang nói với họ như thế, thì bỗng một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: "Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống."19Đức Giê-su đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người. 20Bỗng một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người, 21vì bà nghĩ bụng: "Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu! " 22Đức Giêsu quay lại thấy bà thì nói: "Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con." Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa. 23Đức Giêsu đến nhà viên thủ lãnh; thấy phường kèn và đám đông xôn xao, Người nói: 24"Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy! " Nhưng họ chế nhạo Người. 25Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy. 26Và tin ấy đồn ra khắp cả vùng.

"Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con." (Mt 9,22)

Suy niệm:


Bài Phúc âm hôm nay ghi lại hai phép lạ Chúa Giêsu đã làm gần nhau. Một phép lạ cho một thiếu phụ mắc bệnh xuất huyết kinh niên, một nữa là phục sinh con gái viên sĩ quan, Marcô ghi rõ tên (Mc 5,21-43) là ông Giairô. Cả hai phép lạ như có một cái gì tương đồng.

1. Thiếu phụ mắc bệnh đã 12 năm, tức là thời gian đứa bé kia bắt đầu sinh ra và khi em bé chết được 12 tuổi (c.20; Mc 5,40)

2. Cả hai phép lạ xảy ra đều do hành động thể lý là chạm tay vào tua áo Chúa (c.21). Chúa cầm lấy tay em bé đã chết (c.25).

Chủ đề của 2 phép lạ này là ơn cứu rỗi qua lòng tin.

Trước hết Chúa nhậm lời kêu xin của viên chủ hội đường Giairô, đi chữa bệnh cho con gái ông. Dân chúng háo hức đi theo chen lấn, các môn đệ cùng đi quanh Chúa. Giữa lúc ấy các môn đệ nhận ra một người đến quì trước Thầy mình. Nhưng lúc ấy, phép lạ đã xảy ra rồi. Đó là thiếu phụ đầy lòng tin vào Chúa Giêsu. Giữa một đám đông mất hút, thiếu phụ nhận ra một vị Thiên Chúa ẩn dật nhưng đầy quyền năng. Bà không dám trực tiếp xin trước mặt mọi người, có thể là vì xấu hổ hoặc ngại ngùng. Ngoài ra chắc là bà cũng biết luật Levi cấm ngặt nữa là khác (Lev 15,25). Cho nên bà len lén đi phía sau tiến lại nghĩ rằng Chúa là Đấng thánh, là sức mạnh, nên chỉ chạm vào tua áo là đủ rồi. Kinh Thánh đã mấy lần nói đến quyền năng lạ lùng của Chúa (Lc 5,17.6,19; Mt 14,36; Mc 6,56). Chúa ban cho các tông đồ (Lc 9,1). Trong sách tông đồ công vụ còn nói bóng rợp của chính thánh Phêrô cũng chữa được bệnh (5,15). Người ta lấy khăn vải chạm vào thánh nhân, rồi đặt trên bệnh nhân, cũng được khỏi (19,12). Ngày nay, các thành tích của các thánh cũng là một bằng chứng.

Riêng thiếu phụ hôm nay đã nói lên lòng tin khá sâu sắc. Chính Chúa thưởng công tấm lòng tin kia “Đức tin của con cứu con” (c.22). Ngày nay, sức mạnh của Chúa và của lòng tin vẫn là một. Người ta biết sức mạnh của Chúa qua 3 cách:

1. Sức mạnh từ phép Thánh Thể. Phép Thánh thể đã nâng đỡ bao thánh nhân từ Thánh nữ Ages đồng trinh trên đường ra pháp trường nói “Khi yêu mến Chúa Giêsu, tôi được trong sạch. Khi chạm vào Ngài, tôi được trinh trong...”. Nhớ mỗi lần rước lễ.

2. Sức mạnh của lời cầu nguyện bằng lòng tin, khiêm nhường, kiên nhẫn.

3. Sức mạnh của đức tin “hạt cải” chuyển núi... cả một đám đông mà chỉ có một thiếu phụ được lành bệnh, vì bà tin hơn ai hết. Phép lạ và đức tin hay đi đôi với nhau. Phép lạ không cưỡng bách đức tin và ngược lại. Nhưng đức tin là ơn huệ.

Phép lạ thứ hai mà Chúa Giêsu làm đó là nơi nhà ông chủ hội đường tên là Giairô. Ông có đứa con thập tử nhất sinh. Người cha bất hạnh này chạy vội quì sụp dưới chân Chúa, một cử chỉ dành riêng cho Thiên Chúa Giavê trong Cựu ước. Cử chỉ này chứng tỏ ông tin và nhận ra Chúa là Đấng thiên sai (Mc 10,17.15,19). Ông xin Chúa đặt tay trên con mình. Cử chỉ này về sau được Giáo hội dùng vào bí tích Thêm sức (Mc 16,18).

Chúa Giêsu chiều lòng ông Gairô mà đến tận nơi. Đứa bé đã chết (c.18). Có tiếng kèn và tiếng khóc theo phong tục. Gia đình nào nghèo cũng có hai người thổi sáo, một người khóc mướn... Lúc ấy, Chúa tách rời đám đông và theo Marcô, Chúa đem theo 3 môn đệ thân yêu nhất là Phêrô, Gioan, và Giacôbê làm nhân chứng và cùng với người cha già là Giarô. Chúa nói với những người trong lúc ấy rằng: “Em bé ngủ” (c.24). Câu nói đó làm cho họ hiểu lầm và nhạo cười Chúa (c.24). Nhưng xét ra, câu Chúa nói đầy ý nghĩa. Phải rồi, giấc ngủ là hình bóng của sự chết. Cho nên chúng ta vẫn nói “ngủ như chết”.

Đối với Chúa, chết trong ơn thánh là một giấc ngủ của thân xác chờ ngày phục sinh. Biết đâu câu nói đó cũng là một lời an ủi hay để sửa soạn một phép lạ lớn lao. Thật ra, đối với Chúa phục sinh một kẻ chết cũng dễ như ta đánh thức một người ngủ say thôi. Và cuối cùng, em bé đã sống lại trước sự kinh ngạc của mọi người. Đám tang trở thành đám tiệc mừng em sống lại.

Chúng ta rút ra từ hai phép lạ:

1. Cảm thấy mình bất lực trước Thiên Chúa là dấu được ơn cứu rỗi.

2. Đức tin không là chuyện hiển nhiên đâu. Chúa Giêsu ẩn trong đám đông.

3. Đức tin ban đầu tuy có bất toàn nhưng sẽ hoàn hảo.

4. Đức tin là yếu tố quyết định để được gặp Chúa và ơn của Ngài ban.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin nhìn đến biết bao phận đời đen tối đang sống trong tuyệt vọng của bệnh tật kéo dài, của sự ác hoành hành, của cô đơn và bạo hành. Xin Chúa củng cố đức tin nơi họ bằng những ơn chữa lành phần hồn và phần xác. Xin cho chúng con luôn nhận ra tình thương của Chúa vẫn đang che phủ cuộc đời chúng con, để dù cuộc đời có lắm khổ đau, và dù đường đời có lắm gian truân chúng con vẫn tin rằng Chúa hằng ở bên chúng con.

Lạy Chúa, xin ban lòng tin cho chúng con, để nhờ đó chúng con vượt thắng những nghi nan trên giòng đời. Xin củng cố đức tin còn yếu kém, để chúng con đặt trọn niềm tin vào quyền năng của Chúa. Xin giúp chúng con biết đặt trọn niềm phó thác cậy trông vào Chúa, để chúng con luôn an vui sống trong sự quan phòng của Chúa. Amen