-
Moderator
C - Con Thiên Chúa trở thành quà tặng cho nhân loại
Con Thiên Chúa trở thành quà tặng cho nhân loại
Suy Niệm: (Lc 2, 1-14)
Một bà mẹ, người Mã lai, có cậu con trai, cha mất sớm nên mẹ yêu quí con lắm; chỉ có điều, bà mẹ chỉ có một con mắt. Đứa con đang học Trung học, cảm thấy xấu hổ vì mẹ xấu xí và lại chỉ có một mắt, nên cậu nói với mẹ: “Mẹ đừng đi đón con ở trường nữa. Con có thể đón xe buýt về với bạn con được. Có mẹ, chúng bạn chọc con hoài.” Nghe con nói, bà mẹ chỉ âm thầm rơi lệ… Rồi sau đó, người con đổ đạc cao, có gia đình làm việc ở Singapore, lại có 2 con. Bà mẹ lúc này một mình bên Mã lai, không rõ con thế nào. Bà rất muốn đi thăm con, nhưng sợ con không vui. Nghe nói con đã có hai cháu, bà rất muốn được bồng bế. Thế rồi bà quyết định sang Singapore thăm con, dù chỉ một lần thôi. Khi tới nơi theo người ta chỉ, bà đứng tần ngần ngoài rào trước tòa nhà cao. Bất ngờ người con trai bắt gặp mẹ đứng trước cổng. Đứa con xua đuổi mẹ. Bà mẹ nói: “Mẹ chỉ xin được nói chuyện vài câu với con lần này thôi.” Sau đó bà mẹ ra về, bị đụng xe, bị thương nặng. Người ta đưa vào bệnh viện. Người con được báo tin. Khi đến nơi, bà mẹ đã mất, nhưng để lại lá thư. Trong thư, kể lại lúc 8 tuổi, đứa con mất một mắt; bà mẹ đã tặng cho con, chính con mắt phải của mẹ. Hiểu được điều này đứa con khóc đến cạn nước mắt, nhưng mẹ cũng đã mất rồi… Bà mẹ tặng cho con chính con mắt của mình, thật quí biết bao. Trong lễ giáng sinh, Thiên Chúa tặng cho con người chính Con yêu của mình, cái đó còn quí hơn nhiều. Kính mời anh chị em cùng suy niệm.
a. Phong tục lễ Giáng sinh:
Ngày nay, nói đến Noel là nói đến quà tặng, thiệp chúc mừng. Bên cạnh lễ giáng sinh là lễ nghi riêng của người công giáo, qua bao thế kỷ, có những tập tục được các thế hệ thêm vào: thiệp Giáng Sinh – quà Giáng Sinh – cây thông Noel – máng cỏ - ăn réveillon Giáng Sinh. Các tập tục này ngày hôm nay, không riêng là của người công giáo, không chỉ bên tây mà cả bên đông ngoại giáo nữa, người ta vẫn thích những tập tục này. Trong bài này chỉ chú trọng đến: quà Giáng Sinh và thiệp Giáng Sinh.
Theo truyền thuyết, thánh Giám mục thành Myra, Thổ Nhĩ Kỳ (279 sau Công Nguyên) nổi tiếng vì các hoạt động bác ái và tinh thần yêu thương trẻ em. Người ta gọi ngài là ông già Noel (Père de Noel, Santa Clauss). Lúc còn sống, giám mục Myra đã ném những đồng tiền vàng xuống ống khói nhà của ba cô gái trẻ đến tuổi lập gia đình nhưng không có ai dòm ngó, vì gia đình nghèo quá. Những đồng tiền vàng rơi từ trên ống khói xuống, đúng các đôi bít tất mà các cô treo hong bên lò sưởi. Từ đó có tục trẻ em treo tất (vớ) cạnh lò sưởi để nhận quà của ông Noel.
Các thế kỷ trước, cuối năm là dịp trẻ em đi quanh các nhà ca hát, chúc mừng các gia đình. Để thưởng công, người lớn phát quà cho các em. Tập tục này bắt đầu là của giới quý tộc, sau đó lan rộng đến mọi giới. Bên Âu Mỹ hôm nay, dịp lễ Giáng Sinh, ai ai cũng tặng thiệp cho nhau, với những lời chúc tốt đẹp trong mùa Giáng Sinh. Từng món quà xinh xinh đuợc gói trong giấy hoa đủ màu, đủ loại, để gởi tặng đến những ân nhân, những nguời thân, những bạn bè quen biết.
b. Chúa Hài nhi chính là quà tặng tình thương:
Như trên đã nói, nói đến lễ Giáng sinh là nói đến quà tặng, nói đến thiệp chúc mừng. Ở đây chúng tôi muốn nói đến một món quà quí nhất của nhân loại, quí hơn cả con mắt của bà mẹ ruột tặng cho con mình, như câu chuyện đã kể ở đầu bài suy niệm này. Quà tặng trần gian, có thể dùng tiền để mua được, có thể dùng tình cảm con người đổi lấy được, nhưng quà tặng Tình Thương trong mầu nhiệm Giáng Sinh này, không gì có thể trao đổi, mua bán được. Quà tặng đó chính là Con Thiên Chúa, sinh ra làm người, để cho con người được ơn tha thứ, nhất là được sống lại trong Tình yêu của Thiên Chúa. Đây là một thứ quà tặng bất cân xứng: một bên là Thiên Chúa, đấng quá tốt lành; một bên là con người chẳng có công trạng, chẳng đáng chút nào cả với quà tặng đó. Vậy mà Thiên Chúa vẫn hứa, và vẫn tặng, như lời Thánh Gioan (1, 11): “Người đã đến trong nhà mình, nhưng người nhà không chịu đón nhận.” Thực tế, Con Thiên Chúa được ban tặng cho nhân loại, nhưng không phải ai cũng đón nhận cả; nhưng ai đón nhận sẽ được Chúa cho quyền làm con Thiên Chúa. Câu chuyện sau đây sẽ minh chứng con người sẳn sàng đón nhận quà tặng vô giá là Con Thiên Chúa, nhưng họ cũng sẳn sàng là quà tặng cho nhau:
Maria Cristina Cella Mocellin (1969-1995), một người mẹ trẻ anh dũng, êm ái trút hơi thở cuối cùng ngày 22-10-1995, để lại 3 con thơ, lúc lên 26 tuổi. Cái bướu ung thư ác tính nơi tử cung mắc phải năm 18 tuổi, tưởng đã chữa lành, nào ngờ lại xuất hiện. Nàng đã có hai con một trai một gái: Francesco, 4 tuổi và Lucia 2 tuổi. Cristina có thai, đang đợi đứa con thứ ba. Khi bác sĩ báo hung tin: bà có khối u ung thư ác tính! Cristina im lặng một giây, nhưng vẫn thẳng thắn trả lời: “Tôi đang mang thai, bác sĩ ạ!” Ông bác sĩ hiểu ngay: nàng không chấp nhận trị liệu hóa học, vì sẽ giết chết bào thai! Bà Cristina sinh hạ Riccardo vào tháng 8 năm 1995. Ngay sau đó, nàng bắt đầu các phương pháp trị liệu hóa học, nhưng quá trễ, bướu ung thư đã ăn sâu nơi nội tạng. Người Mẹ trẻ anh dũng êm ái trút hơi thở cuối cùng ngày 22-10-1995, để lại 3 con thơ.
Một tháng trước khi chết, Cristina đã viết bức thư để lại cho đứa con trai Riccardo như sau: “Con yêu quý, con là một hồng ân của Thiên Chúa. Con nên biết rằng con được sinh ra không phải tình cờ, mà là do Thiên Chúa muốn cho con sinh ra….. Mẹ nhớ như in ngày bác sĩ nói với Mẹ: “Bà đang bị ung thư nơi tử cung.” Mẹ đã trả lời ngay: nhưng tôi đang có thai, bác sĩ ạ! Để thắng nỗi sợ hải lúc đó, Mẹ được ban cho sức mạnh khác thường là ước muốn có con. Mẹ mạnh mẽ chống đối việc khai trừ con, mạnh đến nỗi vị bác sĩ hiểu ngay là không nên nói thêm gì cả.
Riccardo, con là một hồng ân cho Ba Mẹ…..Trên đời, thật đáng chịu đau khổ để có được một đứa con!” Chỉ mình THIÊN CHÚA biết rõ rằng Ba Mẹ mong muốn có những đứa con khác… Con xin tạ ơn Chúa.” 22.09.1995. Maria Cristina.
Thật là một bà mẹ can đãm, mạnh mẻ trong đức tin yêu mến Thiên Chúa; bà cũng là một bà mẹ luôn ý thức đem quà tặng của Thiên Chúa, tặng lại cho chính con mình…
c. Gợi ý sống và chia sẻ:
Tham dự thánh lễ hôm nay, chính là mừng kính Con Thiên Chúa sinh làm người, đã trở nên quà tặng cho chúng ta. Điều này có đánh động tâm hồn chúng ta không? Ta có nhận ra quà tặng này là vô giá, quà tặng tiền bạc vật chất không có của nào để so sánh không? Bao lâu nay, ta đã chuẩn bị tâm hồn mình thế nào để lãnh nhận qùa tặng này? Khi nhận rồi, ta có sung sướng đem quà tặng này, tặng lại cho những anh chị em đang rất cần đến nó không?
Ngọc Nga
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules