Results 1 to 1 of 1

Thread: T - Tấm Lòng Vàng - Chương V: Những Đức Tính Khác

  1. #1
    Moderator Dan Lee's Avatar
    Join Date
    Jan 2007
    Location
    Tigard, Oregon
    Posts
    11,776

    Default T - Tấm Lòng Vàng - Chương V: Những Đức Tính Khác

    Tấm Lòng Vàng

    Chương V: Những Đức Tính Khác


    Hy Sinh - Thầy Martin có đức hy sinh tột bậc, sau đây là những bằng chứng: Lúc ấy tu viện phải trả ngay một món nợ cần kíp mà không tìm đâu ra tiền, cha bề trên lo lắng, bất đắc dĩ phải đem bán một vài báu vật của tu viện. Cha vừa ra khỏi cổng thầy Martin hối hả chạy theo vừa thở vừa nói:

    - Thưa cha bề trên, nhà Dòng cần tiền trả nợ, nhờ ơn Chúa con có cách trả được. Bề trên quay nhìn thầy, ngạc nhiên hỏi

    - Con trả nợ bằng cách nào ?

    - Thưa cha, con là một người da đen hèn mọn, chẳng làm ích gì cho nhà Dòng, nên xin cha bề trên đem bán con đi để lấy tiền trả nợ cho người ta. Xin cha ban cho con đặc ân này, không chừng con lọt vào tay kẻ khác, họ sẽ bắt con làm những việc vất vả và hữu ích hơn.

    Nghe nói, Cha bề trên vừa buồn vừa cảm động, Ngài ôn tồn bảo thầy trở về tu viện.

    Hãm mình - thầy Martin hãm mình và hành khổ xác đến nỗi không mấy khi nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi trong phòng riêng. Thầy thức suốt đêm trông coi người đau ốm, khi mệt quá buồn ngủ, thầy chỉ nằm trên một chiếc băng ca nghỉ ngơi một chút thôi.

    Một ngày mùa đông giá lạnh, thầy bị cơn sốt rét dữ dội mà vẫn thản nhiên không nghỉ ngơi và cũng không dùng thuốc men chi cả, cho nên sức lực thầy kém dần rồi đau yếu.

    Thấy vậy các tu sĩ lo ngại cho sức khỏe của thầy, nên đi trình bề trên thì người bắt buộc thầy phải về phòng nằm dưỡng bệnh. Thầy vâng lời, nhưng thay vì nằm trên giường nệm êm ấm, thầy đã bỏ nệm đi và nằm với cả quần áo và giầy dép. Thấy vậy, có người đi báo bề trên cho rằng thầy không tuân lệnh. Cha bề trên nhã nhặn nói với tu sĩ ấy rằng: " Thầy Martin là người đạo đức, đã vâng lời nhưng lại ưa hãm xác".

    Rồi bề trên đến ra lệnh cho thầy phải nghỉ ngơi như những tu sĩ khác. Thầy khiêm nhường trả lời: "Thưa cha muốn ra lệnh cho con phải nằm trên giường êm ấm, thứ giường mà trước đây ngoài thế gian con không hề biết đến ư ? Xin cha đừng bắt con sống xa hoa như thế !"

    Tuy nhiên đêm ấy thầy cũng vâng lời nằm trên giường nệm nhưng tìm được cách hãm mình khác, không cho xác thịt mình sung sướng. Có người trông thấy đến báo cho cha Luis de Bilbao biết, cha liền nghiêm nghị nói với thầy Martin:
    - Martin, thầy vâng lời ta như thế à?

    Thầy Martin thưa : - Thưa cha, bệnh con đã thuyên giảm nhiều, con được chiêu đãi như thế này cũng đủ lắm rồi. Con mặc quần áo nằm trên giường nệm êm ấm là con đã tuân lệnh cha. Thân con chỉ đáng thế thôi.

    Khó khăn - Thầy Martin thản nhiên sống trong cảnh nghèo một cách vui vẻ. Thầy chỉ dùng 2 bộ quần áo rách vá nhiều mảnh. Thầy cho rằng đã hiến thân cho Chúa trong tu viện thì quần áo cũ rách càng hay.

    Theo gương Chúa Giêsu khó nghèo, Thầy lấy hai bộ quần áo là đầy đủ rồi. Bộ áo nào giặt sạch sẽ thì thầy không mặc, chỉ thích dùng các đồ cũ mà người ta loại ra. Nếu tu viện phát cho thầy đôi giày mới, thầy đem ngay cho người nghèo khác mượn đi cho đến khi mòn mới lấy về dùng.

    Có lần, một tu sĩ hỏi thầy sao làm như vậy? Thầy trả lời: Dùng quần áo rách, đi giày cũ thì không phải bận tâm giữ gìn, giặt giũ lau chùi và nếu có thất lạc cũng không đáng tiếc. Có người cho tính nết thầy Martin kỳ cục gần như gàn dở. Trong nhà Dòng Đa Minh tại Lima từ tu sĩ đến giáo sĩ đều đeo tràng hạt ở cổ thì thầy Martin lại đeo thêm chuỗi nữa ở thắt lưng.

    Phòng của thầy cũng tỏ rõ tinh thần thanh bần: không bàn không ghế võn vẹn chỉ có một cái chõng để thầy nằm nghỉ khi mỏi mệt mà thôi. Trên tường treo tượng chuộc tội, ảnh Đức Mẹ và ảnh Thánh Đa Minh. Thật ra thì thầy Martin ít khi ở trong phòng, thầy quần quật làm việc suốt ngày. Hết ở trong kho quần áo, lại sang bệnh viện hoặc ra ngoài phố để giúp đỡ người nghèo khổ. Thầy không chịu đứng yên ở đâu cả. Làm việc vất vả như vậy suốt ngày, đêm về thầy trở về phòng lại hành khổ thân xác và cầu nguyện.

    Những ơn đặc biệt - Bề trên đã cho một thanh niên Tây Ban Nha, tên là Juan Vesquez làm phụ tá cho thầy Martin. Anh được ở ngay trong tu viện. Một đêm, cả thành Lima bị động đất, nhà cửa rung chuyển dữ dội, Juan Vasquez choàng thức vậy, sợ hãi chạy đến phòng thầy Martin để trú ẩn, cậu gõ cửa nhiều lần mà không thấy trả lời, cậu lấy tay đẩy mạnh cửa mở toang. Một cảnh tượng kinh khủng hiện ra trước mắt cậu: Thầy Martin nằm dưới đất, hai tay giang ra, tay cầm tràng hạt, mắt lờ đờ. Cậu đến bên kêu hoài mà thầy không thưa, cậu níu áo lôi mà thầy không cục cựa, trong phòng thì sáng rực như ban ngày. Hoãng sợ, Juan Vasquez tưởng thầy Martin đã chết liền bỏ chạy trốn.

    Lại một đêm khác, Juan Vasquez vừa bước đến cửa phòng thầy Martin, thấy thầy quì lơ lửng trên không, hai tay giang ra, mắt nhìn thẳng lên tượng Thánh Giá, Vasquez khiếp sợ chạy đi tìm thầy thủ môn tu viện tên là Ferdinando Aragón và kể lại cho thầy nghe biết câu chuyện. Thầy Aragón mỉm cười nói:

    - Em đừng thấy làm lạ, không phải lần thứ nhất người ta thấy như vậy đâu ! Em sẽ còn thấy thầy Martin ngất trí nhiều lần nữa!

    Một hôm, Thầy Martin Cabezas vội vã đi tìm thầy Martin đến giúp cha Antonio d'Arco đang hấp hối. Khi đến trước cửa phòng thấy thầy Martin đang bay trên không để hôn ảnh Thánh giá ngay chổ vết đinh máu chảy chan hòa. Trông thấy sự kiện ấy, thầy Cabezas kinh ngạc, chạy đi báo tin cho cha Diégo Borrionuevo và Esleban Mariano và dẫn hai cha đến chứng kiến phép lạ.

    Đến nơi, các ngài chưa kịp nói thì thầy Martin tuyên bố: " Tôi đã biết và đã đến thăm bịnh nhân, nhưng cha Antonio phải dọn mình chết lành vì giờ chết của ngài đã tới."

    Một đêm kia, đang khi anh em đang đọc kinh trong nhà thờ, bỗng có ánh sáng trong bàn thờ chiếu ra, soi thẳng vào mặt thầy Martin. Các tu sĩ đều thấy thầy đang ngất trí. Thiên Chúa đã làm phép lạ này để anh em trong nhà biết thầy Martin rất đẹp lòng người.
    Last edited by Dan Lee; 06-16-2011 at 09:23 PM.

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts