Chiến dịch Hỗ trợ và Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

Los Angeles (Catholic Online) – Điều quan tâm rất lớn đối với chúng tôi ở Cơ quan Thông tấn Catholic Online, cũng như đối với hàng triệu người Công giáo, những tín hữu Kitô giáo khác, những người có đức tin khác, và tất cả mọi người có thiện chí, là muốn bày tỏ nỗi bất bình đối với cách cư xử của một số ít sinh viên và ban giảng huấn trường đại học La Sapienza ở Roma, những kẻ đã đe dọa dùng biểu tình bạo động khiến Đức Thánh Cha phải trì hoãn cuộc thăm viếng trường.

Những đe dọa của số ít người này xảy ra trước khi công bố một diễn từ quan trọng của ngài về sự liên hệ giữa đức tin và lý trí trong việc kiếm tìm chân lý.

Một cuộc viếng thăm của người kế vị Thánh Phêrô đáng lẽ phải được hoan nghênh tại bất cứ trường đại học nào, tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Điều đó đúng ngay cả trong trường hợp trường đại học cố duy trì tính chất thế tục như một cách tách xa khỏi bất cứ ảnh hưởng “tôn giáo” nào. Cách xử sự của một thiểu số sinh viên và giáo sư này tại đại học La Sapienza là một hành vi thiếu tinh thần bao dung. Kết quả tạo ra chẳng khác gì chính sách ngăn chặn, kiểm duyệt.

Điều nghịch lý là nó xảy ra, trá hình như là mối quan tâm về “khoa học” và “tự do học thuật”.

Đáp ứng lại, Đức Thánh Cha, bằng cung cách nhân hậu và quan tâm cố hữu của ngài, đã công bố những nhận định đã soạn thảo sẵn của mình, để cho những ai trong cộng đồng giáo dục đó đã bị nghèo nàn đi (về kiến thức) do cách hành xử của một số ít người đã ngăn không cho ngài đến để nói chuyện, có thể xem xét bản diễn từ.

Trong bài diễn văn đó, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đặt ra một số câu hỏi sáng suốt liên quan đến bản chất của một Đại học đường và bản chất của chân lý:

“Trường đại học là gì? Đâu là nhiệm vụ của nó? Nguồn gốc đích thực, riêng tư của trường đại học nằm ở việc đi tìm kiếm kiến thức cố hữu của nhân loại. Con người muốn biết những gì chung quanh mình. Con người muốn chân lý…Chân lý không bao giờ chỉ có tính cách lý thuyết… Chân lý không chỉ có nghĩa là tri thức.

“Mục đích sự hiểu biết về chân lý là hiểu biết điều thiện hảo…Đâu là điều thiện hảo làm cho chúng ta có thực? Chân lý làm cho chúng ta thành thiện hảo, và điều thiện hảo là chân lý. Niềm lạc quan này sống động trong dức tin Kitô giáo, bởi vì (đức tin đó) cho ta nhận ra “Logos”, Lý Trí sáng tạo, lý trí mà, trong sự nhập thể của Thiên Chúa, tự tỏ bày ra là Thiện hảo, là chính sự Thiện hảo.”

Trong bàì diễn từ, Đức giáo hoàng tìm cách đề cao một hình thức đối thoại rất mực cần thiết trong một thời đại mà hòa bình bị đe dọa khắp nơi. Vậy mà sự bất bao dung, rất thường xuất hiện ẩn dấu dưới điều tự cho là “khai sáng”, tiếp tục ngăn chặn bước tiến cùng nhau của chúng ta như là một công đồng nhân loại.

Cơ quan Thông tấn Catholic Online quan tâm sâu xa về những sự bất bao dung đang lớn mạnh nhắm vào các tín hữu Kitô giáo trung thành. Nó đang lớn mạnh tại cộng đồng Âu châu, Mỹ châu và khắp thế giới. Trong vai trò là một nguồn tin tức quốc tế, chúng tôi không ngừng thông báo về hậu quả của nó.

Khuynh hướng bất bao dung nhắm vào người Kitô hữu đã thúc đẩy cho sự hình thành một từ ngữ mới: ”Christianophobia (ghét và sợ người Kitô giáo)”. Cách sử dụng chữ này đang được chấp nhận ngay cả trong các giới thuộc giáo hội. Từ ngữ này chỉ một sự sợ hãi hoặc ghét bỏ bất hợp lý người theo Kitô giáo. Chúng tôi tin rằng cách hành xử của một số ít sinh viên và giáo sư tại đại học La Sapienza Sapienza ở Roma đã ngăn cản cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng là một thí dụ về ”Christianophobia”.

Để đáp lại, Đức Hồng y Camillo Ruini mời gọi tất cả người Kitô hữu ở Roma tập hợp tại quảng trường Thánh Phêrô trong buổi đọc kinh Truyền tin buổi trưa ngày chủ nhật 20 tháng giêng năm 2008 để bày tỏ sự kết hiệp và hỗ trợ Đức Thánh Cha. Đức Hồng y đề cập đến cuộc tụ họp này như một “…cử chỉ ưu ái và an lạc, một biểu hiện hân hoan chúng ta cảm nhận vì có Bênêđictô XVI là giám mục, là giáo hoàng của chúng ta.”

Đức Hồng y nói thêm: “Trong trường hợp này, toàn thể thánh đô đã bị tác động một cách đau đớn, Giáo hội Rôma bầy tỏ lòng hiếu thảo và thân thiết với Đức Giám mục và Giáo hoàng của mình, và bầy tỏ lòng thương mến, tin cậy, kính phục và biết ơn Đức Bênêđictô XVI, người ở trong tâm tưởng của dân chúng Rôma.”

Nguồn tin tại Roma cũng cho biết Hồng y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone đã gửi một lá thư cho viện trưởng đại học La Sapienza, trong đó có đoạn như sau:

”Không may, vì điều kiện tiên quyết cho một cuộc đón tiếp xứng đáng và trang nghiêm không có được do tác động cố ý của một nhóm thiểu số giáo sư và sinh viên, chúng tôi xét thấy việc đình hoãn cuộc viếng thăm đã dự trù là cơ hội để làm mất đi lý do các cuộc biểu tình có thể tạo ra những điều không may cho mọi người liên hệ.”

Sau đây là những lời của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong bài diễn từ không được đọc:

“Giáo hoàng trước nhất và trên hết là Giám mục của Roma, và trong cương vị đó, vì là người kế vị Tông đồ Phêrô, có nhiệm vụ giám mục đối với toàn thể Giáo hội Công giáo. Nhưng cộng đồng mà Giám mục phải chăm sóc, dù nhỏ dù lớn, cũng sống động trên thế giới này; tình trạng, sự tiến triển, gương sáng và lời nói của cộng đồng đó sẽ ảnh hưởng không tránh được cho toàn thể cộng đồng nhân loại.”

”Vị giáo hoàng cất tiếng nói như là người đại diện của một cộng đồng tín hữu…, như là đại diện của một cộng đồng chứa đựng trong nó sự phong phú về kiến thức luân lý đạo đức, về kinh nghiệm, đó là những điều quan trọng cho toàn thể nhân loại. Trong đường hướng này, tiếng nói của giáo hoàng là đại diện cho lý trí đạo đức.”

Nơi phần kết luận bài diễn từ của mình, ĐGH Bênêđictô XVI đặt ra một câu hỏi sâu sắc:

“Điều gì giáo hoàng phải làm hoặc nói với một đại học?” Và ngài trả lời: “Chắc chắn giáo hoàng không tìm cách áp đặt trên người khác, theo lối dùng quyền uy, đức tin mà chỉ có thể ban phát trong điều kiện tự do.”

ĐGH kết luận: “Trên cả sứ vụ làm Mục tử của Giáo hội và trên căn bản tính chất nội tại của sứ vụ mục tử này, nhiệm vụ của giáo hoàng là duy trì nhận thức của con người về chân lý, luôn luôn và một lần nữa, mời gọi lý trí đi tìm kiếm chân lý, sự thiện hảo, Thiên Chúa, và trong cuộc hành trình này, khuyến khích lý trí chú trọng đến các ánh sáng giá trị đã nổi bật lên trong suốt lịch sử đức tin của Giáo hội.”

Chúng tôi kêu gọi mọi người Công giáo, những tín hữu Kitô giáo khác và mọi người có thiện chí hãy liên kết lại để bày tỏ sự hiệp thông với Đức Thánh Cha bằng cách sử dụng quà tặng phi thường là Mạng Lưới Toàn Cầu (World Wide Web) để kéo dài sự ủng hộ và lời cầu nguyện ra bên ngoài cả buổi kinh Truyền tin ngày chủ nhật 20 tháng giêng năm 2008.

Catholic Online phục vụ cộng đồng Công giáo toàn cầu, các tín hữu Thiên Chúa giáo khác, những người có đức tin khác, và tất cả mọi người có thiện chí, bằng cách cung cấp các tin tức trung thực, quan điểm và nội dung trên mạng lưới thông tin liên hợp.

Chúng tôi xử dụng các nguồn kỹ thuật mới và truyền thông hội tụ bằng cách đem chúng phục vụ sứ mạng toàn cầu của chúng tôi. Làm như thế chúng tôi tham dự vào sứ mạng của toàn thể giáo hội Công giáo để thông truyền văn hoá và các giá trị do đức tin Công giáo chỉ dẫn.

Mạng lưới của chúng tôi vươn tới 220 quốc gia và có đến 18 triệu lượt người đọc mỗi tháng. Chúng tôi muốn kéo dài điều khởi sự chủ nhật này trên khắp thế giới và chúng tôi sẽ sử dụng tài nguyên của chúng tôi để thực hiện điều đó.

Đó là lý do tại sao chúng tôi phát động Chiến Dịch Tiếp Tục Kết Hiệp vơi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

Chúng tôi mời gọi những ai truy cập, đọc hay coi mạng lưới của chúng tôi hãy tham gia cùng chúng tôi:

1. Ký tên trong bản tuyên bố ủng hộ, và

2. Tiếp tục cầu nguyện cho Đức Thánh Cha trong truyền thống thường gợi là “Bó Hoa Thiêng”.

Đã đến lúc chúng ta phải cùng đứng chung trong Tình Đoàn Kết và bày tỏ sự ủng hộ đối với tiếng nói của Người Đại diện đấng Kitô và các nỗ lực của ngài nhằm đề cao đức tin chân chính hướng tới chân lý.

Cùng nhau chúng ta có thể lột trần và ngăn chặn sự tiến lên tai hại của “Christianophobia” và quan trọng hơn nữa, cùng nhau chúng ta có thể xúc tiến nhiệm vụ gieo rắc Chân lý.

Đây là lời của Chúa Giêsu: "Nếu các con ở lại trong lời của Ta, thì các con thật là môn đệ Ta; các con sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các con." (Gioan 8:32)

Xin ký tên trong bản tuyên bố ủng hộ tại www.catholic.org
Phụng Nghi