Bài Giáo Lý mới XVII của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô: Thánh Phaolô và Việc Thờ Phượng chân chính


Dưới đây là bản dịch bài huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong buổi triều yết chung ngày 7 tháng 1, 2009 tại Đại Sảnh Phaolô VI. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Thánh Phaolô

* * *

Anh chị em thân mến,

Trong buổi triều yết chung đầu tiên của năm 2009, cha muốn chúc anh chị em những lời cầu chúc nồng nhiệt nhất cho Năm Mới vừa bắt đầu. Chúng ta hãy phục hồi quyết tâm mở rộng trí khôn và tâm hồn cho Đức Kitô, để làm và sống như bạn hữu chân chính của Người. Sự đồng hành của Người sẽ biến năm nay là thành một con đường đầy tràn niềm vui và an bình, dù vẫn có những khó khăn không thể tránh được của nó. Thật ra, chỉ khi nào chúng ta tiếp tục kết hợp với Chúa Giêsu thì Năm Mới sẽ thật sự là một năm tốt lành và hạnh phúc.

Dấn thân sống kết hiệp với Đức Kitô là mẫu gương mà thánh Phaolô để lại cho chúng ta. Tiếp tục những bài Giáo Lý dành cho Thánh Nhân, hôm nay chúng ta dừng lại để suy niệm về một khía cạnh quan trọng trong tư tưởng của ngài, việc phụng tự mà các Kitô hữu được mời gọi hiến dâng. Trong quá khứ chúng ta hay nói về khuynh hướng chống-phụng-tự của Thánh Tông Đồ, về việc “tâm linh hóa” tư tưởng phụng tự. Ngày nay chúng ta tốt hơn là hiểu rằng Thánh Phaolô nhìn thấy nơi Thập Giá của Đức Kitô một khúc quanh lịch sử, là khúc quanh biến đổi và canh tân tận gốc thực tại của việc phụng tự. Trên hết, có ba đoạn từ Thư gửi tín hữu Rôma mà trong đó nhãn quan mới về phụng tự này được trình bày.

1. Trong Roma 3:25, sau khi nói về “ơn cứu độ do Đức Chúa Kitô Giêsu đem lại”, Thánh Phaolô nói tiếp về một công thức bí nhiệm đối với chúng ta” khi ngài nói: “Thiên Chúa đã định cho Người [Chúa Giêsu] như [công cụ] đền tội, qua đức tin, bằng máu của Người”. Qua cách diễn tả có vẻ rất xa lạ đối với chúng ta -- “công cụ đền tội” – Thánh Phaolô ám chỉ điều mà người ta gọi là bàn xá tội, tức là cái nắp đậy trên hòm bia giao ước; nắp ấy được coi như điểm tiếp xúc giữa Thiên Chúa và loài người, vì nắp Hòm Bia diễn tả sự hiện diện bí nhiệm của Thiên Chúa trong thế giới loài người. “Bàn xá tội” này, trong ngày đại lễ Xá Tội -- Yom Kippur -- được rảy bằng máu của thú vật sát tế, là máu mang cách tượng trưng những tội lỗi của năm trước đến tiếp xúc với Thiên Chúa, và như thế các tội ấy được ném vào vực thẳm lòng nhân từ của Thiên Chúa và được sức mạnh của Thiên Chúa thu hút, thắng vượt và tha thứ. Như vậy cuộc đời đươc làm lại từ đầu.

Thánh Phaolô nhắc đến nghi lễ ấy và nói rằng: Nghi lễ này diễn tả ước mong là tất cả các lỗi lầm của chúng ta thực sự được ném vào vực thẳm của lòng xót thương của Thiên Chúa, và như thế chúng biến mất. Nhưng với máu của loài vật, tiến trình đó không được nên trọn. cần phải có một sự tiếp xúc thực tế hơn giữa lỗi lầm của con người và tình yêu của Thiên Chúa. Sư tiếp xúc này đã xảy ra nơi Thập Giá của Đức Kitô. Đức Kitô, Con Thiên Chúa, đã trở nên người thật, đã tự mình gánh lấy tất cả mọi tội lỗi của chúng ta. Chính Người là điểm tiếp xúc giữa sự khốn cùng của loài người và lòng xót thương của Thiên Chúa; trong trái tim Người, toàn khối các sự dữ đau buồn mà nhân loại đã tạo ra được phai nhạt và sự sống được canh tân.

Khi bày tỏ sư thay đổi này, Thánh Phaolô bảo chúng ta: Với Thánh Giá của Đức Kitiô -- cử chỉ tuyệt đỉnh của tình yêu Thiên Chúa, được biến đổi thành tình yêu nhân loại -- việc hiến tế các loài vật theo kiểu cũ trong đền thờ Giêrusalem đã chấm dứt. Cách thờ phượng tượng trưng này, thờ phượng bằng lòng muốn, giờ đây đã được thay thế bằng một cách thờ phượng chân chính: là tình yêu của Thiên Chúa Nhập Thể trong Đức Kitô, được thi hành đến trọn vẹn trong cái chết trên Thập Giá. Cho nên, đây không phải là tâm linh hóa việc phụng tự thật, mà trái lại, là sự thờ phượng đích thực, tình yêu thật của Thiên Chúa-loài người, thay thế việc thờ phượng tượng trưng và tạm thời. Thánh Giá của Đức Kitô, tình yêu bằng xương thịt và máu huyết của Người, là việc thờ phượng thật, theo thực thể của Thiên Chúa và loài người. Ngay trước khi đền thờ bị phá hủy bề ngoài, đối với Thánh Phaolô, thời đại của đền thờ và việc thờ phượng ở đó đã chấm dứt: Chúng ta tìm thấy ở đây là Thánh Phaolô hoàn toàn đồng ý với những lời của Chúa Giêsu, Đấng đã công bố sự chấm dứt của đền thờ và công bố về một đền thờ khác “không do bàn tay người phàm làm ra” -- đền thờ của Thân Xác Phục Sinh của Người (x. Mc 14,58; Ga 2,19 tt.). Đó là đoạn thứ nhất.

2. Đoạn thứ nhì về phụng tự mà Cha muốn nói đến hôm nay được tìm thấy ở câu đầu tiên của chương 12 trong thư gửi tín hữu Roma. Chúng ta đã nghe câu này và cha xin lặp lại một lần nữa: “Cho nên, tôi van nài anh em, vì lòng thương xót của Thiên Chúa, hãy hiến dâng thân xác anh em như một hy lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó là cách thờ phượng thiêng liêng của anh em.” (12,1).

Trong những lời này, một điều xem ra mâu thuẫn được thực hiện: Trong khi việc hiến tế thường đòi buộc lễ vật phải chết, còn Thánh Phaolô thì nói đến sự sống của các Kitô hữu. Câu nói “dâng hiến thân xác anh em” được kết hợp với quan niệm về hy tế đi theo sau đó, một việc phụng tự có sắc thái của việc “cho đi trong của lễ, việc hiến dâng”. Lời khuyên “hãy hiến dâng thân xác anh em” ám chỉ toàn thể con người. Thực ra, trong Rôma 6:13, Thánh Phaolô đưa ra lời mời gọi “hãy hiến mình anh em cho Thiên Chúa.” Còn những câu còn lại, việc nhắc đến một cách dứt khoát những chiều kích thể lý của Kitô hữu trùng hợp với lời mời gọi “tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cr 6:20 ). Đó là việc tôn vinh Thiên Chúa trong cuộc sống thường nhật cụ thể nhất, bằng một sự rõ ràng có thể liên hệ và cảm nhận được.

Cách sống theo kiểu này được Thánh Phaolô coi là “hy lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”. Chính ở đây chúng ta tìm thấy từ “hy lễ.” Theo cách sử dụng thông thường, từ này làm thành một phần nội dung thánh và được dùng để chỉ việc cắt cổ một con vật, mà một phần của nó được đốt để kính các thần minh và phần kia được những người dâng của lễ dùng trong bữa tiệc. Thay vào việc ấy, Thánh Phaolô áp dụng nó vào đời sống của Kitô hữu. Thực ra ngài xắp loại hy lễ như thế bằng cách dùng ba tĩnh từ. Tĩnh từ thứ nhất là – “sống động” - để diễn tả một sức sống. Tĩnh từ thứ nhì là – “thánh thiện” -- nhắc lại quan niệm về sự thánh thiện của Thánh Phaolô là quan niệm không liên quan đến nơi chốn hay đồ vật, nhưng với chính con người của Kitô hữu. Tĩnh từ thứ ba – “đẹp lòng Thiên Chúa” – có thể là nhắc đến cách diễn tả về mùi thơm tho của lễ vật (x. Lêvi 1:13 , 17; 23:18 ; 26:31, vv…).

Ngay sau đó, Thánh Phaolô định nghĩa cách sống mới này: đây là “cách thờ phượng thiêng liêng của anh em”. Việc dịch cụm từ Hy Lạp (tēn logikēn latreían) không phải dễ dàng. Tiếng La Tinh dịch la “rationabile obsequium [cách thờ phượng hợp lý]”. Cùng một chữ “rationabile” được thấy trong Kinh Nguyện Thánh Thể, Nghi Lễ Rôma: Trong đó chúng ta cầu nguyện để Thiên Chúa chấp nhận của lễ này như “phải đạo”. Truyền thống dịch thuật tiếng Ý dịch là “việc thờ phượng thiêng liêng” [một hiến lễ trong tinh thấn], không phản ảnh tất cả những chi tiết của bản văn Hy Lạp, và ngay cả bản văn La Tinh. Dù trong trường hợp nào đi nữa thì đó không phải là việc thiếu thờ phượng chân chính hoặc chỉ là một việc thờ phượng ẩn dụ, nhưng là một việc thờ phượng cụ thể và thực tế hơn, một việc thờ phượng mà trong đó chính con người, trong toàn thể con người của mình, như một người có lý trí, được biến đổi thành sự thờ phượng và vinh danh Thiên Chúa hằng sống.

Công thức của Thánh Phaolô lại xuất hiện một lần nữa trong Kinh Nguyện Thánh Thể Rôma, là kết qủa của một sự phát triển lâu dài của kinh nghiệm tôn giáo trong các kỷ nguyên trước Đức Kitô. Trong kinh nghiệm này, chúng ta tìm thấy những phát triển thần học của Cựu Ước và các trào lưu tư tưởng Hy Lạp. Cha xin đan cử ít ra là một vài yếu tố điển hình của sự phát triển này. Các ngôn sứ và nhiều Thánh Vịnh đã mạnh mẽ phê bình các hiến tế đổ máu trong đền thờ. Thí dụ Thánh Vịnh 50 (49), trong đó chinh Thiên Chúa là Đấng đã phán rằng: “Ta mà đói, Ta đâu cần nói ngươi hay, vì trái đất với mọi loài, chính Ta làm chủ. Thịt bò là thức Ta ăn sao? Máu chiên là đồ Ta uống ư? Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ của ngươi” (Câu 12-14).

Trong cùng một ý nghĩa ấy, Thánh Vịnh 51 (50) sau đó nói, “…Vì Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm; con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê, một tấm lòng khiêm cung” (Câu 18 trở đi).

Trong Sách Đaniel, vào thời kỳ đền thờ bị phá hủy trong tay chế độ Hy Lạp (Thế kỷ thứ 2 B.C.), chúng ta thấy những bước mới đi theo cùng một hướng. Giữa đám lửa – đó là bách hại và đau khổ -- Adaria cầu nguyện thế này: “Ngày nay chẳng còn vị thủ lãnh, chẳng còn bậc ngôn sứ, chẳng còn người chỉ huy. Lễ toàn thiêu, lễ hy sinh đã hết, lễ tiến, lễ hương cũng chẳng còn, chẳng còn nơi dâng của đầu mùa lên Chúa để chúng con được Chúa xót thương. Nhưng xin nhận tâm hồn thống hối và tinh thần khiêm nhượng của chúng con, thay của lễ toàn thiêu chiên bò, và ngàn vạn cừu non béo tốt. Ước gì hy lễ chúng con thượng tiến Ngài hôm nay cũng làm đẹp ý Ngài như vậy. Ước gì chúng con theo Ngài mãi đến cùng.” (Dan 3:28tt).

Trong việc đền thánh và việc phụng tự bị phá hủy, trong hoàn cảnh bị tước đoạt mọi dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa, các tín hữu dâng hiến như của lễ toàn thiêu chân chính một tâm hồn thống hối, một ước ao về Thiên Chúa.

Chúng ta thấy một sự phát triển quan trọng, đẹp đẽ, nhưng vớì một nguy hiểm. Có một sự tinh thần hóa và luân lý hóa việc phụng tự: Phụng tự trở nên một điều gì chỉ thuộc về con tim và tinh thần. Nhưng thiếu thể xác và cộng đoàn. Như chúng ta hiểu rằng thánh vịnh 50 và Sách Daniel chẳng hạn, tuy có phê bình việc phụng tự, vẫn muốn trở về thời kỳ của việc hiến tế. Nhưng đó là thời canh tân, trong một tổng hợp chưa được nhìn thấy, mà cũng chưa ai nghĩ đến.

Chúng ta hãy trở lại với Thánh Phaolô, là người thừa hưởng các phát triển này của ước muốn phụng tự đích thực, mà trong đó chính con người trở thành vinh quang của Thiên Chúa, việc thờ phượng sống động với tất cả con người của mình. Theo nghĩa này, ngài nói với tín hữu Rôma: “Anh em hãy hiến dâng thân xác anh em như một của lễ sống động, … việc thờ phượng thiêng liêng của anh em” (Rom 12:1).

Như thế, Thánh Phaolô lập lại những điều ngài đã nói đến ở chương 3: Thời của các hiến tế bằng loài vật, hiến tế thay thế, đã chấm dứt. Thời của việc phụng tự đích thực đã đến. Nhưng ở đây cũng có nguy cơ gây ra một sự hiểu lầm: Việc phụng tự mới này có thể dễ dàng bị người ta giải theo nghĩa luân lý – qua việc dâng hiến đời sống mình chúng ta làm thành việc phụng tự đích thực. Bằng cách này, việc phụg tự bằng [việc hiến tế] súc vật được thay thế bằng việc sống theo luân lý: Mọi người sẽ tự mình làm mọi sự dựa vào sức mạnh luân lý của mình. Và đây chắc chắn không phải là mục đích của thánh Phaolô.

Nhưng vấn đề vẫn còn là: Vậy thì chúng ta phải giải thích “phụng tự thiêng liêng cách hợp lý” này như thế nào? Thánh Phaolô luôn luôn giả thiết rằng chúng ta trở nên “một trong Đức Chúa Kitô Giêsu” (Gi 3:28 ), rằng chúng ta đã chết trong bí tích Thánh Tẩy (Rom 1) và giờ đây sống với Đức Kitô, nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô. Qua sự kết hiệp này, trong Người và với Người, chúng ta có thể trở thành một “của lễ sống động” và dâng lên một “phụng tự đích thực”. Súc vật được hiến tế đáng lẽ phải thay thế con người, sự tự hiến của con người, nhưng chúng không thể thay thế được. Đức Chúa Giêsu Kitô, trong việc hiến mình cho Thiên Chúa Cha và cho chúng ta, cũng không phải là một sự thay thế, nhưng thay vào đó, Người đã đem theo trong Người con người nhân loại, các tội lỗi của chúng ta và ao ước của chúng ta; Người thật sự đại diện cho chúng ta và mang lấy chúng ta trong Chính Người. Trong sự kết hợp với Đức Kitô, được hiện thực trong Đức Tin và trong các bí tích, chúng ta, dù còn khuyết điểm, được biến đổi thành hy lễ sống động: “Việc phụng tự đích thực” được hoàn thành.

Cách tổng hợp này được tìm thấy ở cuối Nghi Lễ Rôma mà trong đó chúng ta cầu xin cho của lễ này được “phải đạo” để việc thờ phượng thiêng liêng đuợc thể hiện. Hội Thánh biết rằng trong bí tích Thánh Thể rất thánh, sự tự hiến của Đức Kitô, hiến tế thật của Người, được làm cho hiện diện. Nhưng Hội Thánh cầu xin để cho cộng đoàn cử hành được thực sự kết hợp với Đức Kitô, được biến đổi. Hội Thánh cầu nguyện để chính chúng ta được trở thành điều mà chúng ta không thể trở thánh bằng những cố gằng riêng của mình: hiến lễ “hợp lý” đẹp lòng Thiên Chúa. Bằng cách này Kinh Nguyện Thánh Thể giải thích một cách đầy đủ những lời của Thánh Phaolô.

Thánh Agustinô đã làm sáng tỏ tất cả những điều này một cách kỳ diệu trong cuốn sách thứ 10 của tác phẩm ”Thành của Thiên Chúa” của ngài. Cha chỉ xin đan cử hai câu: “Đây là hiến lễ của các Kitô hữu: tuy nhiều nhưng chúng ta chỉ là một thân thể duy nhất của Đức Kitô.”... “Toàn cộng đoàn được cứu độ, cộng đoàn và xã hội của các thánh, đang dâng lên Thiên Chúa qua vị Thượng Tế, là Đấng đã tự hiến mình” (10,6; CCL 47,27 tt.).

3. Sau cùng, cha muốn để lại một suy niệm ngắn về đoạn thứ ba trong Thư gửi tín hữu Rôma, nói vể cách phụng tự mới. Thánh Phaolô nó thế này trong chương 15: “ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi làm một thừa tác viên của Ðức Giêsu Kitô giữa các Dân Ngoại trong chức vụ là tư tế của Tin Mừng của Thiên Chúa để của lễ của các Dân Ngoại được thánh hoá bởi Chúa Thánh Thần trở nên đẹp lòng Thiên Chúa” (15:15tt.).

Cha chỉ muốn nhấn mạnh hai bình diện của bản văn tuyệt diệu này và một bình diện của ngữ thuật độc đáo trong các thư Thánh Phaolô. Trước tất cả những người khác, Thánh Phaolô giải thích công việc truyền giáo của ngài giữa các dân trên thế giới để xây dựng Hội Thánh Hoàn Vũ, như là một hành động tư tế. Loan báo Tin Mừng để kết hợp các dân tộc trong sự hiệp thông với Đức Kitô Phục Sinh là một hành động “tư tế”. Vị tông đồ của Tin Mừng là một tư tế đích thực, làm điều nằm ở tâm điểm của chức vụ tư tế là chuẩn bị hy lễ đích thực.

Và bình diện thứ nhì: mục đích của hoạt động truyền giáo là -- chúng ta có thể nói cách này -- phụng tự vũ trụ: các dân kết hợp với Đức Kitô, thế giới như thế trở thành vinh danh Thiên Chúa, “của lễ thơm tho, được thánh hóa trong Chúa Thánh Thần”. Ở đây lại xuất hiện một bình diện có sức năng động, bình diện hy vọng trong quan niệm của Thánh Phaolô về phụng tự: Sự tự hiến của Đức Kitô ám chỉ sức lôi cuốn tất cả mọi người vào sự hiệp thông trong Thân Thể của Người, để kết hợp thế giới lại. Chỉ trong sự hiệp thông với Đức Kitô, Con Người gương mẫu, làm một với Thiên Chúa, thế giới mới trở nên như mọi người chúng ta mong ước: là một tấm gương phản ánh tình yêu Thiên Chúa. Động năng này luôn hiện diện trong bí tích Thánh Thể[1]; động năng này phải gợi hứng và uốn nắn cuộc đời chúng ta. Và với động năng này chúng ta mở đầu năm mới. Cám ơn anh chị em đã kiên nhẫn lắng nghe.
___________________________________________________
[1] Bản tiếng Anh của Zenit.org dịch là Thánh Kinh, trong khi bản tiếng Ý và tiếng Pháp viết là Thánh Thể.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ