THƯ GỬI TÍN HỮU GA-LÁT


Muốn hiểu thư Ga-lát, thiết tưởng phải hiểu hoàn cảnh lịch sử của những người nhận thư. Cuộc khủng hoảng ở Ga-lát khiến thánh Phao-lô viết thư này, không phải chỉ là một biến cố có tình địa phương, nhưng là một nấc tiến quan trọng trong lịch sử Hội thánh thời sơ khai. Hội thánh lúc đó phải lựa chọn một thái độ dứt khoát để trung thành với Tin Mừng. Trải qua mọi thời đại, Hội thánh vẫn luôn phải lựa chọn như thế.

1. Hoàn cảnh cuộc khủng hoảng ở Ga-lát

Sách Công vụ cho biết vai trò của thánh Phao-lô trong công việc mở mang Hội thánh. Ngài là tông đồ của các dân ngoại, được dành riêng để rao giảng Tin Mừng cho muôn dân (Cv 9,15; 22,21; 26,17). Ngài vẫn luôn gặp sự chống đối từ phía người Do thái. Thánh Lu-ca đã tóm tắt lập luận của họ như sau: nếu không chịu cắt bì như luật Mô-sê dạy, không ai được cứu rỗi. Họ buộc các tín hữu từ dân ngoại vào đạo phải giữ luật Mô-sê. Cũng theo sách Công vụ, thánh Phê-rô không đồng ý với họ. Được Thánh Thần soi sáng, ngài biết rằng Thiên Chúa ban ơn cho dân ngoại cũng y như cho người Do thái, bởi lẽ họ tin vào Chúa Ki-tô (10,17; 15,7-11) Thánh Gia-cô-bê cũng nhận cho dân ngoại vào Hội thánh; họ chỉ cần giữ một số điều cần thiết như Công đồng Giê-ru-sa-lem chỉ dạy (15,19-21.28)

Sách Công vụ còn cho biết thánh Phao-lô đến Ga-lát nhiều lần. Trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất, ngài đến rao giảng Tin Mừng ở phía Nam Ga-lát, gần các vùng Pi-si-đi-a, Li-ca-ô-ni-a và Phi-gi-a (13,14-14,25). Rồi trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai và thứ ba (16,6; 18,23) ngài đên phía Bắc Ga-lát hai lần. Miền này nằm giữa Ca-pa-đô-ki-a và Biển đen, lan rộng đến chung quanh thị trấn An-xi-rơ (nay gọi là An-ka-ra); dân cư thuộc gốc Âu lai Ấn.

Đó là khung cảnh diễn ra các sự kiện được thuật lại trong thư Ga-lát.

Thánh Phao-lô viết thư này cho ai ? Viết bao giờ và nhằm sửa chữa những sai lầm nào ? Ai là nguời gieo rắc những sai lầm đó ? Trong thư, thánh Phao-lô ám chỉ một tình thế quen thuộc với các độc giả của ngài, nhưng lại xa lạ với độc giả ngày nay. Dựa vào ám chỉ đó, người ta đã đưa ra nhiều giả thuyết. Ở đây chỉ xin nói đến vài giả thuyết quan trọng hơn.

Người nhận thư là ai ? Các nhà chú giải thế kỷ XIX bảo đó là các giáo đoàn miền Nam Ga-lát. Nếu giả thuyết này đúng thì thánh Phao-lô phải viết thư này ít lâu, sau cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất, và đây là thư đầu tiên ngài viết từ An-ti-ô-khi-a vào khoảng năm 49 hay muộn hơn, sau cuộc hành trình được kể lại trong Cv 16,6. Nhưng ngày nay đa số các nhà chú giải lấy lại lập trường của người xưa là thánh Phao-lô viết cho người miền Bắc Ga-lát, sau lần thứ hai dừng chân tại đó như sách Công vụ kể (18,23). Ngài viết thư này vào khoảng cuối thời gian cư ngụ tại Ê-phê-xô (mùa đông năm 56-57), chỉ độ sáu tháng trước khi soạn thư gửi tín hữu Rô-ma, vì thế mới có những điểm tương đồng trong hai thư.

Còn ai gây ra cuộc khủng hoảng ? Họ gieo rắc những sai lầm nào ? Chỉ có một điều xem ra rõ ràng là họ muốn bắt các người ngoại theo đạo mới phải giữ luật Mô-sê (3,2; 4,28; 5,4), đặc biệt phải chịu cắt bì (2,3-4; 5,2; 6,12). Có lẽ đó là phe Do thái được sách Công vu nói đến và tóm tắt lập trường ở 15,1. Trong thư, thánh Phao-lô bảo phải tự do, nhưng không phải tự do quá trớn đi đến chỗ phóng túng (5,13). Như vậy, phải chăng thánh Phao-lô có hai loại đối thủ ? Nhưng không có gì chứng tỏ ngài phải đối phó cùng một lúc với hai đối thủ. Vì thế, người ta lại đưa ra một giả thuyết thứ ba. Có thể phe Do thái chỉ khắt khe vế lễ nghi, còn về luân lý, họ lại phóng túng. Trong trường hợp này, đối thủ chính của thánh Phao-lô là phe chủ trương tôn giáo hỗn hợp như thấy nói trong thư Cô-lô-xê 2,16-23. Thật vậy, cả hai thư đều nói đến một thứ thờ phụng, khiến người ta phải làm nô lệ cho những nhân tố trần gian (Gl 4,3.9). Dường như thánh Phao-lô muốn nói với tín hữu Ga-lát rằng khi chủ trương phải cắt bì là người ta muốn lôi kéo họ trở về với lối thờ phụng trước kia, khi chưa theo đạo. Ngoài ra, ngài còn nhấn mạnh là ai chịu cắt bì thì cũng phải giữ tất cả luật Mô-sê, Nhưng đó không phải là chủ trương của những người kia, vì họ không giữ tất cả. Vì thế, trong câu kết luận, thánh Phao-lô tố cáo họ không giữ luật, trong khi họ bó buộc người khác phải chịu cắt bì.

Giả thuyết có vẻ hấp dẫn. Việc thánh Phao-lô căn dặn không được sống phóng đãng có thể giải thích như sau: người Ga-lát là tín hữu gốc dân ngoại, tâm lý và tác phong của họ chưa được biến đổi hoàn toàn, nên thánh Phao-lô cần xác định cho họ hiểu thế nào là tự do của con cái Thiên Chúa. Đàng khác, việc ngài nhấn mạnh đến các lễ nghi Do thái cũng như cách thờ cúng của dân ngoại không có nghĩa là phe Do thái chủ trương hỗn hợp mà chỉ có nghĩa là chủ trương như vãy có thể lôi kéo tín hữu Ga-lát trở về tình trạng nô lệ trước đây, một tình trạng mà Đức Ki-tô đã kéo họ ra khỏi. Ngài đi đến chỗ dám nói là thà lại thờ cúng như dân ngoại còn hơn, vì như vậy sẽ ra khỏi Hội thánh và không làm biến chất Tin Mừng cũng như gây xáo trộn cho người khác.

2. Ý nghĩa của cơn khủng hoảng và sự cần thiết phải lựa chọn

Thánh Phao-lô làm cho tín hữu Ga-lát ý thức rằng phải lựa chọn và sư lựa chọn này rất quan trọng. Đây không phải là vấn đề cá nhân, nhưng là chân lý của Tin Mừng, vấn đề tự do mà Tin Mừng rao giảng, vấn đề thập giá Đức Ki-tô, nguồn mạch phát sinh ra tự do. Tự do này là đặc tính cốt yếu của đời sống mới nơi con cái Thiên Chúa. Thánh Phao-lô dùng ba cặp từ đối nghịch nhau để diễn tả sự lựa chọn mà Tin Mừng bó buộc mọi người phải thực thi. Cặp từ đức tin và lề luật đối lập hai giai đoạn trong lịch sử cứu độ, hai chế độ tôn giáo: chế độ lề luật chia rẽ Do thái với dân ngoại, chỉ có giá trị để sửa soạn cho chế độ sau là chế độ đức tin. Đức Ki-tô đã chấm dứt chế độ trước và thiết lập chế độ sau. Trong hai chế độ ấy, điểm cốt yếu là ở chỗ nào ? Cặp từ sau sẽ cho thấy rõ.

Cặp thần khí và xác thịt cho thấy con người trong mỗi chế độ có cái gì là nguồn sức sống của mình. Hoặc nguồn sức sống đó là thần khí và con người có lòng tin thì bấy giờ thần khí sẽ tác động trên nó. Hoặc con người cho mình là nguồn sống và có thể tự mình làm được những điều như luật dạy, thì khi ấy nó là con người xác thịt, vì theo thánh Phao-lô, con người xác thịt là con người khép kín trong thái độ tự mãn. Ngược lại, con người sống theo thần khí là con người để cho thần khí tác động, mà trở nên con cái của Thiên Chúa. Con người xác thịt phải làm nô lệ tội lỗi, không tự giải phóng mình được. Do đấy, cặp từ thần khí và xác thịt gắn liền mật thiết với cặp từ thứ ba mà thánh Phao-lô đề ra để cho tín hữu Ga-lát lựa chọn. Đó là tự do và nô lệ.

Phe Do thái rõ ràng đã lầm lạc, vì thái độ của họ là thái độ của con người xác thịt. Tin Mừng giải thoát người tin cho khỏi thái độ đó, và mặc khải cho người ấy biết ơn gọi làm con cái Thiên Chúa.

3. Bố cục và lối hành văn trong thư Ga-lát

Trong chương 1 và 2, thánh Phao-lô nhắc lại cho tín hữu Ga-lát rằng chính Đức Giê-su Ki-tô là khởi điểm sứ vụ và là trung tâm “sứ điệp” của Người. Từ chương 2 đến chuơng 6, tác giả cho thấy khi hoàn thành công cuộc cứu thế, Đức Giê-su Ki-tô đã đem lại cho lịch sử một ý nghĩa là nhờ Người và trong Người, nhân loại được tái sinh.

3,1 Giai đoạn I: 1,1-2,2

1.1-5 mở đầu thư và tuyên bố hai đề tài trong giai đoạn này là sứ vụ của tác giả (1,1-2) và công cuộc rao giảng Tin Mừng (1,3-4). 1,6-10 cho biết tình hình ở Ga-lát. Tin Mừng gặp nguy hại. Tiếp đến là sứ vụ của tác giả (1,11-2,10). Thánh Phao-lô nhận sứ vụ từ Chúa Ki-tô Phục sinh (1,11-24) để rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Ngài đã được gọi và được tuyển chọn để làm công việc này. Ơn cứu độ được ban không cho mọi người nên dân ngoại không phải chịu cắt bì (2,1-10). Đó là chân lý Tin Mừng mà thánh Phê-rô và giáo đoàn Giê-ru-sa-lem đã công nhận.

Tuy vậy, do bị áp lực của phe Do thái, thánh Phê-rô đã không trung thành với nguyên tắc nêu trên, còn thánh Phao-lô vẫn trung thành với nguyên tắc đó và dùng cặp từ đức tin và lề luật để xác định sự lựa chọn căn bản của mình. Ai tưởng mình có thễ dùng việc làm do Luật dạy để trở nên công chính, người đó làm cho cái chết của Đức Ki-tô hóa ra vô ích. Ngược lại, ai tin rằng mình được nên công chính là nhờ Đức Ki-tô và từ bỏ tham vọng tự cứu nổi mình, người đó minh chứng rằng cái chết của Đức Ki-tô trở nên thật sự phong phú cho mình.

3,2 Giai đoạn II (3,1-6,18)

Trước nhan Đức Ki-tô chịu đóng đinh, Đấng đã ban thần khí cho tín hữu Ga-lát, thánh Phao-lô khiển trách họ là đã chọn trở về với “xác thịt” một cách ngu xuần. Theo chương trình của Thiên Chúa, lời hứa cho tổ phụ Áp-ra-ham là nhằm vào Đức Ki-tô và các Ki-tô hữu không phân biệt người nào. Ơn cứu độ Thiên Chúa hứa, nay được thực hiện khi Người ban thần khí cho họ.

Luật không phải là điều kiện để được ơn cứu độ. Thiên Chúa ban Luật cho tội nhân để mạc khải cho họ thấy mình đang làm nô lệ tội lỗi và để chứng tỏ ơn cứu độ là do lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Nhờ Người và trong Người, tội nhân sẽ được giải thoát và đoàn tụ, vì được làm con cái Chúa (3,6-14)

Lịch sử đã hoàn tất trong Đức Ki-tô. Người giải thoát tín hữu khỏi nô lệ thế gian, để được sự tự do của con cái Thiên Chúa, nhờ được lãnh nhận thần khí (4,1-7)

Thánh Phao-lô lo lắng cho tín hữu Ga-lát. Họ đã được Tin Mừng giải thoát, Nay có những người lại muốn đưa họ trở về vòng nô lệ (4,8-20. Muốn được tự do, họ phải là con cái của tổ phụ Áp-ra-ham theo thần khí, chứ không phải theo xác thịt (4.24-31). Chớ gì tín hữu Ga-lát cứ sống trong tự do, bằng cách đón nhận ơn Đức Ki-tô đã ban không cho họ, tức là thần khí đang làm cho họ tin, cậy, mến. Đó chính là đời sống mới trong Đức Ki-tô (5,1-12).

Sự tự do đích thật là hiệu quả của Thần khí, Đấng giải thoát con người khỏi xác thịt (5,13-6,10), Xác thịt và Thần khí hoàn toàn xung khắc nhau (5,13-25), Thần khí giải thoát con người khỏi bị xét xử, vì làm cho nó luôn trung thành với luật của Đức Ki-tô (5,26-6,10).

Thánh Phao-lô đặt tín hữu Ga-lát trước thập giá Đức Ki-tô. Thập giá đã chấm dứt thế giới xấu xa như đầu thư nói tới (1,4); ơn cứu chuộc do Đức Ki-tô thực hiện, đã khai sinh một cuộc tạo thành mới; ai muốn được nhận vào đó phải có lòng tin. Trong thế giới mới này, con người sẽ thoát khỏi ách của Lề Luật, vì sống theo Thần khí (6,11-18)

Đó là bố cục của bức thư. Thư này mang tính duy nhất nhờ mục tiêu thánh Phao-lô nhắm, khi khai triển các đề tài bổ túc cho nhau như mới nói trên. Nó làm cho người ta thấy Thiên Chúa dùng thánh giá của Đưc Ki-tô để can thiệp vào lịch sử, mặc cho lịch sử một ý nghĩa và thực hiện chương trình cứu độ một cách nhưng không.

Kết luận

Thư Ga-lát chất vấn Ki-tô hữu và Hội thánh ở mọi thời. Ki-tô hữu có thật là tín hữu không ? Cò phải Hội thánh cũng đang ở trong một hoàn cảnh giống như hoàn cảnh của tín hữu Ga-lát khi xưa ? Dĩ nhiên không còn phe Do thái, và Ki-tô hữu cũng không còn phải chung đụng và ăn uống với dân ngoại. Nhưng các thể chế của Hội thánh phải chăng nhiều khi còn giữ Ki-tô hữu ở lại trong những khuôn khổ khép kín, trong đó họ chắc mình được dứu rỗi và tự hào vì giữ luật Chúa Ki-tô. Hội thánh đã được khai sinh vào ngày lễ Ngũ Tuần nhờ Thánh Thần, thì không nên tự hào vì nghĩ rằng mình có thể nên hoàn thiện nhờ các việc lành và các cơ chế trần gian.

Bởi thế, Hội thánh nên hỏi xem các thể chế của mình có cỏn phải là để xây dựng một cộng đồng hợp nhất trong tinh thần Tin Mừng, một cộng đồng mà trong đó Thánh Thần được dem đến cho mọi người hay không ? Vấn đề này bao giờ cũng thích thời. Đó là tiếng gọi đổi mới phát ra từ chính sức mạnh của Tin Mừng và cần luôn được khám phá.


(viết dựa theo TOB ân bản 1994 Paris Cerf trg. 2797-2802)
LM An-rê Đỗ xuân Quế, O.P.