Diễn văn của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI với các Giám Mục Hoa Kỳ
Đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiệm tại Washington, D.C.


Thứ tư, 16/4/2008

Anh em Giám mục thân mến,

Cuộc gặp gỡ với anh em ngày hôm nay, khi bắt đầu chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, đem lại cho tôi một niềm vui lớn, và tôi cám ơn Hồng y George vì những lời tốt đẹp mà ngài đã gởi đến tôi nhân danh anh em. Tôi muốn cám ơn tất cả anh em, đặc biệt các viên chức của Hội đồng Giám mục, vì những công việc nặng nề nhằm chuẩn bị cuộc viếng thăm này. Sự cảm kích và biết ơn của tôi cũng hướng đến ban giám đốc và các thiện nguyện viên của Đền thánh Quốc gia, đã đón tiếp chúng tôi tại đây chiều hôm nay. Người Công giáo Hoa Kỳ nổi tiếng về lòng tận tuỵ trung thành với Toà Thánh. Chuộc viếng thăm mục vụ của tôi tại đây là một cơ hội để củng cố hơn nữa mối giây hiệp thông đã nối kết chúng ta. Chúng ta đã bắt đầu bằng cách cử hành giờ Kinh Chiều trong Vương cung Thánh đường này dâng kính Đức Nữ Đồng Trinh Vô Nhiễm Maria, một đền thánh có ý nghĩa đặc biệt đối với người Công giáo Hoa Kỳ, ở ngay trung tâm Thủ đô. Tụ họp cầu nguyện với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, chúng ta âu yếm giao phó cho Chúa Cha Dân Thiên Chúa tại mọi miền đất của Hoa Kỳ.

Đối với các cộng đoàn Công giáo ở Boston, New York, Philadelphia và Louisville, đây là một năm cử hành đặc biệt, đánh dấu kỷ niệm 200 năm thiết lập các Giáo hội địa phương này thành giáo phận. Tôi hiệp với anh em dâng lời cảm tạ vì muôn ơn lành đã ban xuống cho Giáo hội nơi đây suốt hai thế kỷ. Vì năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 200 năm nâng Toà giám mục Baltimore thành Tổng giáo phận, tôi có dịp nhắc lại với lòng thán phục và biết ơn cuộc đời và sứ vụ của John Carroll, vị giám mục đầu tiên của Baltimore – một vị lãnh đạo đáng kính trọng của cộng đoàn Công giáo trong quốc gia vừa mới độc lập của anh em. Những nỗ lực không mệt mỏi của ngài để loan truyền Tin mừng trong mảnh đất rộng lớn dưới sự chăm sóc của ngài đã đặt những nền tảng cho đời sống giáo hội và giúp cho Giáo hội tại Hoa Kỳ tăng trưởng đến mức trưởng thành. Hôm nay cộng đoàn Công giáo mà anh em phục vụ là một trong những cộng đoàn lớn nhất trên thế giới, và một trong những cộng đoàn có ảnh hưởng nhất. Vì thế quan trọng biết bao việc làm cho ánh sáng của anh em chiếu toả trước đồng bào của anh em và trước thế giới, “để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Nhiều dân tộc mà John Carroll và các đồng bạn Giám mục của ngài đã chăm sóc suốt hai thế kỷ qua đã làm cuộc hành trình từ những miền đất xa xôi. Sự khác biệt về nguồn gốc của họ đã được phản ánh trong sự đa dạng phong phú của đời sống giáo hội tại Hoa Kỳ ngày hôm nay. Anh em Giám mục thân mến, tôi muốn khích lệ anh em và cộng đoàn anh em tiếp tục chào đón người di dân đang gia nhập hàng ngũ của anh em hôm nay, để chia sẻ vui mừng và hy vọng của họ, nâng đỡ họ trong những sầu muộn và thử thách, và giúp họ triển nở trong quê hương mới. Quả vậy, đó chính là điều mà đồng bào của anh em đã từng làm qua bao thế hệ. Ngay từ đầu, họ đã mở cửa cho những người mệt mỏi, nghèo đói, “đám đông khao khát hít thở sự tự do” (x. Bài thơ khắc ghi trên tượng thần tự do). Đó là những dân tộc mà Hoa Kỳ đã đón nhận làm của mình.

Trong số những người đến đây để xây dựng một đời sống mới, nhiều người đã có khả năng tận dụng các tài nguyên và cơ hội gặp được, và đạt tới một mức độ sung túc cao. Quả thế, người dân xứ này nổi tiếng về sinh lực và sáng tạo. Họ cũng được biết đến do lòng quảng đại của họ. Sau cuộc tấn công toà tháp đôi tháng 9 năm 2001, và sau cơn bão Katrina năm 2005, người dân Mỹ đã tỏ ra sẵn sàng đến cứu giúp các anh chị em đang túng quẫn. Trên bình diện quốc tế, sự đóng góp của dân tộc Mỹ trong công tác cứu trợ sau cơn sóng thần tháng 12 năm 2004 là một minh hoạ thêm nữa về lòng thương xót ấy. Xin cho phép tôi được diễn tả sự cảm kích riêng của tôi vì nhiều hình thức cứu trợ nhân đạo mà người công giáo Hoa Kỳ cung cấp qua các tổ chức bác ái và các cơ quan khác. Lòng quảng đại của họ đã sinh hoa trái qua việc chăm lo đến những người nghèo và thiếu thốn, và qua hoạt động xây dựng mạng lưới toàn quốc các giáo xứ, bệnh viện, trường học và đại học công giáo. Tất cả những điều đó đem lại lý do lớn lao để tạ ơn.

Hoa Kỳ cũng còn là một miền đất có đức tin mãnh liệt. Dân tộc anh em rõ rệt có lòng nhiệt tình tôn giáo và hãnh diện vì thuộc về một cộng đoàn thờ phượng. Họ tin tưởng vào Thiên Chúa và không ngần ngại đưa ra những lý lẽ luân lý bén rễ từ đức tin Kinh Thánh trong các cuộc đàm luận công khai. Tôn trọng tự do tôn giáo ăn sâu trong ý thức của người Mỹ – một sự kiện đã góp phần làm cho quốc gia này trở nên lôi cuốn đối với những thế hệ các người di cư, khi họ tìm kiếm một ngôi nhà nơi đó họ có thể tự do thờ phượng theo niềm tin của họ.

Liên hệ tới điều đó, tôi sung sướng tỏ lòng biết ơn sự hiện diện giữa anh em của các giám mục từ tất cả các Giáo hội Đông phương đáng kính thông hiệp với Đấng kế vị thánh Phêrô, mà tôi chào thăm với niềm vui đặc biệt. Anh em thân mến, tôi xin anh em bảo đảm cho các cộng đoàn anh em về tình yêu sâu đậm và các lời cầu nguyện liên tục của tôi, cả cho họ lẫn cho những anh chị em của họ đang ở lại trong miền đất nguyên thuỷ của họ. Sự hiện diện nơi đây của anh em là một nhắc nhớ về chứng tá can đảm cho Đức Kitô của nhiều thành viên trong cộng đoàn anh em, thường sống trong đau khổ, trong các quê hương tương ứng của họ. Đây cũng là một sự phong phú lớn lao của đời sống Giáo hội tại Hoa Kỳ, khi trao ban một diễn tả sống động về tính công giáo của Giáo hội và sự đa dạng của các truyền thống phụng vụ và thiêng liêng.

Anh em Giám mục thân mến, chính trong mảnh đất màu mỡ này, được nuôi dưỡng từ rất nhiều nguồn mạch khác nhau, mà tất cả anh em được mời gọi gieo vãi hạt giống Tin mừng ngày hôm nay. Điều này dẫn tôi đến việc đặt ra câu hỏi, làm thế nào để một giám mục trong thế kỷ XXI này có thể chu toàn cách tốt đẹp nhất lời kêu gọi “canh tân mọi sự trong Chúa Kitô, niềm hy vọng của chúng ta?” Làm thế nào để dẫn đưa đoàn chiên đến “gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống”, là nguồn mạch của niềm hy vọng biến đổi cuộc sống như Tin Mừng vẫn nói (Spe salvi,4)? Có lẽ giám mục cần bắt đầu bằng cách loại bỏ một số hàng rào ngăn cản cuộc gặp gỡ với Chúa. Tuy quốc gia này nổi bật về một tinh thần tôn giáo chân thành, nhưng ảnh hưởng tinh vi của trào lưu tục hóa có thể tác động tới cách thức dân chúng để cho niềm tin ảnh hưởng đến cách cư xử của họ. Có thích hợp không khi một đàng tuyên xưng đức tin ở nhà thờ vào ngày chúa nhật, và rồi trong tuần, lại làm ăn hoặc cổ võ những tiến trình y khoa trái ngược với niềm tin ấy? Có thích hợp không khi các tín hữu công giáo thực hành đạo không biết tới hoặc khai thác bóc lột người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, cổ võ những lối sống tính dục trái ngược với giáo huấn luân lý Công giáo, hoặc chấp nhận những lập trường trái ngược với quyền sống của mỗi người, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên? Cần phải chống lại mọi xu hướng coi tôn giáo chỉ là một sự kiện riêng tư. Chỉ khi nào đức tin thấm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống, thì các tín hữu Kitô mới thực sự cởi mở đối với quyền năng biến đổi của Tin Mừng.

Đối với một xã hội sung túc, một chướng ngại khác cản trở cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống là ảnh hưởng tinh vi của chủ nghĩa duy vật, là quá dễ dãi tập trung chú ý vào phần gấp trăm mà Thiên Chúa hứa cho lúc này đây, mà quên đi sự sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa hứa vào thời sẽ tới (Mc 10,30). Dân chúng ngày nay cần được nhắc nhở về mục đích tối hậu của đời sống họ. Họ cần nhìn nhận rằng cắm rễ sâu trong lòng họ là một niềm khao khát sâu xa đối với Chúa. Họ cần được những cơ hội để uống từ giếng tình yêu vô biên của Chúa. Người ta dễ bị cám dỗ vì khả năng hầu như vô giới hạn của khoa học và kỹ thuật mang lại cho chúng ta, và dễ đi tới sai lầm mà nghĩ rằng ta có thể thỏa mãn những nhu cầu sâu xa nhất với những cố gắng riêng của chúng ta. Đó là một ảo tưởng. Nếu không có Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể ban cho chúng ta điều mà tự mình chúng ta không thể đạt được (Spe salvi 31), thì cuộc sống chúng ta chỉ là trống rỗng. Dân chúng cần được thường xuyên nhắc nhở để vun trồng một tương quan với Người, Đấng đến để chúng ta có được sự sống dồi dào (x. Ga 10,10). Mục tiêu của công cuộc mục vụ và giáo lý chúng ta, đối tượng giảng thuyết của chúng ta, và chủ điểm của tác vụ bí tích của chúng ta phải là giúp đỡ dân chúng thiết lập và vun trồng mối tương giao sống động với “Đức Kitô Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta” (1 Tm 1,).

Trong một xã hội đề cao tự do và quyền tự quyết của cá nhân, thật dễ quên mất sự lệ thuộc của chúng ta vào người khác cũng như trách nhiệm của chúng ta đối với họ. Sự nhấn mạnh tới cá nhân chủ nghĩa này cũng ảnh hưởng tới Giáo Hội (Spe Salvi 13-15), làm nảy sinh một hình thức đạo đức đôi khi nhấn mạnh quan hệ riêng tư với Thiên Chúa và gây thiệt hại cho lời kêu gọi trở thành những phần tử của một cộng đoàn được cứu chuộc. Song le ngay từ đầu, Thiên Chúa thấy rằng “con người ở một mình không tốt” (St 2,18). Chúng ta được tạo thành như những hữu thể xã hội, chỉ tìm được sự viên mãn trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Nếu chúng ta thật sự hướng nhìn về Ngài, Đấng là nguồn mạch niềm vui chúng ta, chúng ta cần hành động như là thành viên của Dân Thiên Chúa (x. Spe Salvi, 14). Nếu điều đó có vẻ như đối lập với văn hoá, rõ ràng là có một nhu cầu cấp bách phải phúc âm hoá lại nền văn hoá.

Nơi Nước Mỹ này, anh em được chúc phúc với một tầng lớp giáo dân công giáo có một sự khác biệt văn hoá đáng kể, họ đặt các ân huệ đa dạng của họ để phục vụ Giáo hội và xã hội nói chung. Họ chờ mong anh em đem đến cho họ sự khích lệ, lãnh đạo và hướng dẫn. Trong một thời đại đầy dẫy thông tin, tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin đúng đắn về đức tin không phải là cường điệu. Người Công giáo Hoa Kỳ có truyền thống đề cao giá trị của nền giáo dục tôn giáo, cả trong các trường học và trong bối cảnh những chương trình huấn luyện cho người lớn. Những điều đó cần được bảo tồn và mở rộng. Đông đảo những người nam nữ quảng đại dấn thân cho các hoạt động từ thiện cần được giúp đỡ để canh tân sự dấn thân của họ nhờ việc “huấn luyện con tim”: “một sự gặp gỡ với Thiên Chúa trong Đức Kitô, làm thức tỉnh tình yêu và mở rộng tinh thần cho kẻ khác” (Deus Caritas Est, 31). Trong một thời buổi mà những tiến bộ y khoa đem lại niềm hy vọng mới cho nhiều người, chúng cũng làm nảy sinh những thách đố đạo đức trước đây không bao giờ nghĩ tới. Điều đó tạo nên sự cần thiết hơn bao giờ hết là mang lại cho những người công giáo dấn thân trong việc săn sóc sức khỏe một sự huấn luyện thấu đáo về giáo huấn luân lý của Giáo Hội. Những hướng dẫn khôn ngoan là cần thiết trong tất cả những công tác tông đồ này để chúng mang lại hoa trái; nếu đúng là cần phải cổ võ mặt tốt của con người thì cũng cần làm cho chúng mới mẻ trong Đức Kitô, niềm hy vọng của chúng ta.

Là những người rao giảng Tin mừng và lãnh đạo cộng đoàn công giáo, anh em cũng được mời gọi tham gia vào việc trao đổi ý tưởng tại những nơi công cộng, khi định hình những thái độ văn hoá. Trong bối cảnh mà những phát biểu tự do được đề cao và những tranh luận sôi nổi và thẳng thắn được khuyến khích, tiếng nói của anh em là những tiếng nói đáng kính trọng có nhiều điều đóng góp cho cuộc tranh luận về những vấn đề xã hội và luân lý cấp bách của ngày nay. Bằng cách bảo đảm rằng Tin mừng được nghe cách rõ ràng, anh em không những đào tạo dân chúng thuộc về cộng đoàn của anh em, nhưng bởi vì sự vươn rộng toàn cầu của phương tiện truyền thông, anh em làm cho sứ điệp hy vọng kitô giáo lan rộng khắp trái đất.

Rõ ràng, ảnh hưởng của Giáo hội trên cuộc tranh luận công khai xảy ra trên nhiều bình diện khác nhau. Tại Hoa Kỳ cũng như bất kỳ nơi nào khác, có những pháp luật hiện hành và được đề nghị đã gây ra những lý do quan tâm từ quan điểm luân lý, và cộng đoàn công giáo, dưới sự hướng dẫn của anh em, cần đưa ra một chứng tá rõ ràng và thống nhất về vấn đề ấy. Càng quan trọng hơn nữa là việc mở rộng dần dần tâm trí và con tim của cộng đoàn rộng lớn hơn cho chân lý luân lý. Nơi đây vẫn còn nhiều điều phải làm. Chủ yếu trong vấn đề này là vai trò của người giáo dân phải hành động như “men” trong xã hội. Tuy vậy không thể cho rằng mọi công dân công giáo đều suy nghĩ phù hợp với giáo huấn của Giáo hội về những vấn đề đạo đức chủ chốt của ngày hôm nay. Một lần nữa, anh em có nhiệm vụ đảm bảo cho việc huấn luyện luân lý ở mọi cấp độ trong đời sống Giáo hội phản ảnh giáo huấn chân chính của Tin Mừng sự sống.

Liên quan đến điều đó, một vấn đề mà chúng ta hết sức quan tâm là tình trạng của gia đình trong xã hội. Quả thế, Hồng y George đã đề cập trước rằng anh em đã bao gồm việc củng cố hôn nhân và đời sống gia đình vào trong các ưu tiên cần quan tâm trong những năm tới. Trong sứ điệp Ngày Quốc tế Hoà bình năm nay, tôi đã nói tới sự đóng góp thiết yếu mà đời sống gia đình lành mạnh đem lại cho hoà bình trong và giữa các quốc gia. Trong ngôi nhà gia đình, chúng ta kinh nghiệm “một vài yếu tố nền tảng của hoà bình: công bình và tình yêu giữa anh chị em, vai trò của quyền bính được các cha mẹ diễn tả, mối quan tâm yêu thương dành cho những thành viên yếu kém hơn vì tuổi trẻ, bệnh hoạn hay tuổi già, sự giúp đỡ lẫn nhau khi thiếu thốn trong cuộc đời, sẵn sàng chấp nhận nhau và nếu cần, tha thứ cho họ” (số 3). Gia đình cũng là nơi đầu tiên để phúc âm hoá, để tiến tới đức tin, để giúp người trẻ hiểu rõ giá trị và tầm quan trọng của các thực hành tôn giáo và giữ ngày Chúa nhật. Làm sao chúng ta có thể không băn khoăn khi thấy sự suy sụp đột ngột của gia đình như một yếu tố cơ bản của Giáo hội và xã hội? Ly dị và sự không chung thủy gia tăng, và nhiều người trẻ nam và nữ quyết định hoãn lại hôn phối hoặc coi như không có hôn phối. Đối với một số bạn trẻ Công giáo, mối dây bí tích hôn phối chẳng khác gì hôn phối dân sự, hoặc coi hôn phối chỉ là một sự thỏa thuận sống với nhau một cách hình thức và không bền vững. Vì thế, có sự giảm sút đáng báo động về hôn phối Công giáo tại Hoa kỳ, đồng thời có sự gia tăng các cặp nam nữ sống chung mà không kết hôn, trong đó sự hiến thân cho nhau của đôi vợ chồng noi gương Đức Kitô, được đóng ấn bởi lời hứa công khai thể hiện đòi buộc dấn thân không thể chia lìa suốt cuộc đời thì đơn giản vắng bóng. Trong hoàn cảnh đó, các trẻ em không có được môi trường an toàn mà chúng cần để đích thực triển nở như một con người, và xã hội không có được khối nhà vững chắc mà nó cần nếu sự dính kết và chú tâm luân lý của cộng đoàn cần được duy trì.

Như vị tiền nhiệm của tôi, Đức Gioan Phaolô II đã dạy: “Vị có trách nhiệm chính yếu trong Giáo phận về việc chăm sóc mục vụ gia đình là giám mục… ngài phải dành cho nó sự quan tâm cá nhân, chăm sóc, thời giờ, nhân sự và tài nguyên, nhưng trên hết sự nâng đỡ cá nhân đối với các gia đình và tất cả những ai… giúp đỡ ngài trong việc chăm sóc mục vụ các gia đình” (Familiaris Consortio, 73). Nhiệm vụ của anh em là mạnh dạn tuyên bố những lý lẽ từ đức tin và lý trí nhằm bảo vệ thể chế hôn nhân, được hiểu như sự dấn thân suốt đời giữa một người nam và một người nữ, hướng mở cho sự truyền sinh. Sứ điệp này phải vang vọng nơi dân chúng ngày hôm nay, bởi vì đây cốt yếu là một “tiếng xin vâng” vô điều kiện và không hạn chế cho sự sống, một “tiếng xin vâng” cho tình yêu, và một “tiếng xin vâng” cho những khát vọng trong con tim của nhân loại, khi chúng ta nỗ lực chu toàn khát vọng sâu xa của chúng ta muốn sống thân mật với người khác và với Chúa.

Trong số những dấu hiệu phản Tin mừng sự sống ở Hoa Kỳ và nơi khác có một dấu hiệu gây tủi hổ sâu xa: đó là sự lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Nhiều người trong anh em đã nói với tôi về nỗi đau khổ hết sức lớn lao mà cộng đồng anh em phải chịu khi giáo sĩ phản bội những bó buộc và nghĩa vụ của linh mục qua cách hành xử vô luân trầm trọng như vậy. Khi anh em nỗ lực tiêu diệt sự xấu này nơi nào nó xảy ra, anh em được bảo đảm bởi sự nâng đỡ và lời cầu nguyện của Dân Thiên Chúa trên khắp thế giới. Thật là đúng đắn khi anh em ưu tiên chứng tỏ sự cảm thông và chăm sóc các nạn nhân. Trách vụ Chúa trao cho anh em như những chủ chăn, là băng bó các vết thương do sự hủy hoại sự tín nhiệm gây nên, thăng tiến sự chữa lành, cổ võ hòa giải và tìm gặp những người sai trái trầm trọng như vậy với lòng quan tâm yêu thương.

Đáp trả với hoàn cảnh ấy thì không phải dễ và, như vị Chủ tịch Hội đồng giám mục đã biểu lộ, “đôi khi rất khó mà giải quyết”. Giờ đây tầm mức và sự trầm trọng của vấn đề đã được hiểu biết rõ ràng hơn, anh em đã có thể đưa ra những giải pháp chữa trị và kỷ luật tập trung hơn và cổ võ một môi trường an toàn bảo vệ chắc chắn hơn người trẻ. Trong khi phải luôn ghi nhớ rằng đám đông trổi vượt các giáo sĩ và tu sĩ tại Hoa Kỳ thực hiện công việc nổi bật là đem sứ điệp giải phóng của Tin mừng cho người dân được phó cho sự chăm sóc của họ, vô cùng quan trọng là những người dễ bị tổn thương phải được bảo về khỏi những kẻ gây hãm hại. Như thế, những cố gắng chữa lành và bảo vệ của anh em đang đem lại những hoa quả lớn lao không những cho những ai đang hưởng trực tiếp sự chăm sóc mục vụ của anh em mà còn toàn thể xã hội nữa.

Tuy nhiên nếu gia đình phải hoàn thành mục tiêu trọn vẹn của nó, các chiến lược và chương trình anh em chọn cần được đặt vào trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Các trẻ em đáng được tăng trưởng trong sự hiểu biết lành mạnh về phái tính và chỗ đứng đúng đắn của tính dục trong quan hệ giữa con người với nhau. Chúng phải được tránh khỏi những biểu lộ hèn hạ và sự lôi kéo tục tằn của tính dục đang thịnh hành ngày hôm nay. Chúng có quyền được giáo dục trong những giá trị luân lý đích thực cắm rễ trong phẩm giá con người. Điều đó đem chúng ta trở lại cái nhìn xem gia đình ở trung tâm và nhu cầu cổ võ Tin mừng sự sống. Nói đến việc bảo vệ trẻ em còn có ý nghĩa gì không khi hình ảnh khiêu dâm và bạo lực có thể được xem thấy trong nhiều gia đình qua phương tiện truyền thông sẵn có và phổ biến ngày hôm nay? Chúng ta cần khẩn cấp đánh giá lại các giá trị chống đỡ xã hội, để một nền huấn luyện luân lý lành mạnh có thể trao ban cho người trẻ cũng như người lớn. Tất cả mọi người đều có một trách vụ phải chu toàn trong công việc này, không những các cha mẹ, các vị lãnh đạo tôn giáo, các thầy cô và giáo lý viên, nhưng cả các phương tiện truyền thông và kỹ nghệ giải trí nữa. Quả thế, mỗi thành viên trong xã hội đều có thể góp phần vào sự canh tân luân lý và được lợi ích từ sự canh tân ấy. Chăm lo đích thực đến người trẻ và tương lai của nền văn minh chúng ta có nghĩa là nhìn nhận trách nhiệm cổ võ và sống nhờ những giá trị luân lý đích thực, chỉ mình chúng mới làm cho con người triển nở. Trách nhiệm của anh em, những vị mục tử noi gương Đức Kitô, vị mục tử nhân lành, là loan báo sứ điệp này cách lớn tiếng và rõ ràng, và vì thế nói đến tội lạm dụng trong bối cảnh rộng lớn hơn của luân lý phái tính. Hơn nữa, nhờ hiểu biết và đương đầu vấn đề khi nó xảy ra trong bối cảnh giáo hội, anh em có thể đưa ra một hướng dẫn cho người khác, bởi vì tai hoạ này không phải chỉ được tìm thấy trong các giáo phận, nhưng trong mọi lãnh vực của xã hội. Nó cần đến một đáp trả dứt khoát, tập thể.

Cả các linh mục nữa cũng cần tới sự hướng dẫn và gần gũi trong thời buổi khó khăn. Các ngài đã kinh nghiệm sự tủi hổ vì sự việc đã xảy ra và có những linh mục cảm thấy mất mát phần nào sự tin tưởng và kính trọng họ từng hưởng. Không ít anh em đang cảm nghiệm sự gần gũi với Đức Kitô trong cuộc khổ nạn của Người khi chiến đấu để giải quyết các hậu quả của khủng hoảng. Giám mục, như người cha, người anh em và người bạn của các linh mục, có thể giúp họ rút ra được hoa trái thiêng liêng từ sự kết hiệp này với Đức Kitô bằng cách làm cho họ ý thức đến sự hiện diện tràn ngập an ủi giữa các đau khổ, và bằng cách khuyến khích họ cùng với Chúa bước đi trên nẻo đường hy vọng (x. Spe Salvi, 39). Như Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã lưu ý 6 năm trước: “Chúng ta phải tín thác rằng thời kỳ thử thách đau thương này sẽ mang lại một sự thanh tẩy cho toàn thể cộng đoàn Công giáo”, đưa tới “một hàng ngũ linh mục, giám mục và Giáo hội thánh thiện hơn” (Diễn văn gởi các Hồng y Hoa Kỳ, 23/4/2002, 4). Có nhiều dấu hiệu có thấy trong thời gian qua, sự thanh tẩy ấy đang xảy ra. Sự hiện diện âm thầm của Chúa Kitô giữa những đau khổ của chúng ta dần dần biến tăm tối của chúng ta thành ánh sáng: mọi sự đang được đổi mới trong Chúa Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta.

Vào thời điểm này một phần cốt yếu của nhiệm vụ anh em là tăng cường quan hệ với hàng giáo sĩ của mình, nhất là trong những trường hợp xảy ra căng thẳng giữa các linh mục và giám mục của mình. Điều quan trọng là anh em tiếp tục biểu lộ cho họ sự quan tâm, nâng đỡ họ và hướng dẫn họ bằng gương sáng. Như thế anh em chắc chắn sẽ giúp họ gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, và hướng họ về niềm hy vọng biến đổi cuộc sống mà Tin mừng nói tới. Nếu chính anh em sống một cách đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, vị mục tử nhân lành, Đấng đã thí mạng sống vì đoàn chiên, anh em sẽ gợi hứng cho các anh em linh mục hiến dâng lại chính mình để phục vụ đoàn chiên với sự quảng đại giống như Đức Kitô. Quả thế một sự chú tâm rõ ràng hơn nhằm noi gương Đức Kitô trong đời sống thánh thiện là điều đang cần để chúng ta tiến lên phía trước. Chúng ta cần tái khám phá niềm vui sống của một cuộc đời lấy Đức Kitô làm trung tâm, vun trồng các nhân đức, và chìm sâu trong cầu nguyện. Khi người tín hữu biết vị mục tử của mình là một con người cầu nguyện và hiến dâng mạng sống để phục vụ họ, họ đáp lại với sự nồng ấm và tình cảm vốn nuôi dưỡng và nâng đỡ đời sống của toàn thể cộng đoàn.

Thời gian dành cho cầu nguyện thì không hề uổng công, dầu các nhiệm vụ cấp bách áp lực trên chúng ta từ mọi phía. Việc tôn thờ Đức Kitô, Chúa chúng ta, trong bí tích Thánh Thể kéo dài và tăng cường mối giây hiệp nhất với Người vốn được thiết lập qua việc cử hành Thánh lễ (x. Sacramentum Caritatis, 66). Chiêm ngưỡng các mầu nhiệm mân côi giải toả tất cả quyền năng cứu độ của chúng và nó làm cho ta phù hợp, nối kết và thánh hiến chúng ta cho Đức Giêsu Kitô (x. Rosarium Virginis Mariae, 11, 15). Trung thành với Phụng vụ Các Giờ kinh bảo đảm rằng cả ngày sống của chúng ta được thánh hoá và nhắc nhở chúng ta nhu cầu luôn chú tâm đến sự thực hiện công việc của Thiên Chúa, dù những áp lực và những xao nhãng có thể nảy sinh từ công việc. Vì thế lòng đạo đức giúp chúng ta nói và hành động in persona Christi, dạy dỗ, cai trị và thánh hoá người tín hữu nhân danh Đức Giêsu, đem lại sự hoà giải, chữa lành và tình yêu cho mọi anh chị em yêu dấu. Sự đồng hình đồng dạng triệt để này với Đức Kitô, vị Mục tử nhân lành, nằm ở trung tâm thừa tác vụ mục vụ của chúng ta, và nếu chúng ta mở lòng nhờ lời cầu khẩn quyền năng của Thánh Linh, Người sẽ ban cho chúng ta ân huệ cần thiết để chu toàn nhiệm vụ gây nản chí của chúng ta, để chúng ta không bao giờ “lo lắng phải nói như thế nào và nói gì” (Mt 10,19).

Khi kết thúc những lời tôi nói với anh em chiều nay, tôi phó dâng Giáo hội trong đất nước anh em cách đặc biệt cho sự chăm sóc từ mẫu và lời chuyển cầu của Đức Maria Vô Nhiễm, Bổn mạng của Hoa Kỳ. Nguyện Mẹ là Đấng mang trong cung lòng Mẹ niềm Hy vọng của mọi quốc gia chuyển cầu cho dân chúng nước này, để mọi người được canh tân trong Đức Giêsu Kitô, Con Mẹ. Anh em Giám mục thân mến, tôi bảo đảm cho mọi anh em hiện diện tại đây tình bạn sâu xa và sự thông phần của tôi vào các mối quan tâm mục vụ của anh em. Cho tất cả anh em, cho hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân của anh em, tôi chân thành ban phép lành Toà thánh như một bảo chứng của niềm vui và bình an của Chúa phục sinh.

© Copyright 2008 - Libreria Editrice Vaticana
Lm. Phan Du Sinh, OFM dịch