Công Nhân Việt Nam Tại Malaysia Được Bồi Thường Nhờ BPSOS Can Thiệp



Thursday, March 27, 2008

Hình bên: TS Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc điều hành của BPSOS, ký thỏa thuận thư với Esquel Enterprises tại Virginia vào ngày 18 tháng 3, 2008 với sự chứng kiến của GS Nguyễn Quốc Khải, chủ tịch của Committee to Protect Vietnamese Workers-USA, một thành viên của CAMSA.

WASHINGTON DC 27-3 (TH).- Một liên minh tranh đấu nhân quyền và bảo vệ quyền lợi lao động của người Việt tại Hoa Kỳ đã tranh đấu cho công nhân lao động người Việt Nam ở Malaysia được bồi thường.

Ðây là điều chứng tỏ nhà cầm quyền Hà Nội đã “đem con bỏ chợ” sau khi nuốt của người dân những số tiền môi giới xuất khẩu lao động kếch xù, rồi sau đó, mặc kệ dân đen sống chết ra sao.

Bản tin của báo điện tử Vietnam Review cho hay 1,300 công nhân người Việt trong tổng số 2,600 của công ty Esquel Enterprises hoạt động tại Malaysia đã được bồi thường đầy đủ nhờ vụ kiện do liên minh bảo vệ nhân quyền-lao động CAMSA đưa ra.

“Sau gần hai năm theo dõi và điều tra, Boat People SOS và Coalition to Abolish Mordern-Day Slavery in Asia (CAMSA), đã nhanh chóng kết thúc trong vòng 3 tuần vụ án kiện Esquel Enterprises có tru sở ở Hồng Kông với thương vụ hàng năm là $600 triệu trước sự kinh ngạc và khâm phục của tổ chức Lao Ðộng Hoa Kỳ và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.” Vietnam Review viết. “Công ty Esquel Enterprises đã vội vã xin điều đình với BPSOS và CAMSA ngay sau khi đơn kiện đệ nạp tòa án ở Malaysia. Ngoài việc bồi thường xứng đáng cho 1,300 công nhân Việt Nam, thỏa hiệp cũng áp dụng cho 1,300 công nhân ngoại quốc khác. Tổng giám đốc Esquel Malaysia đã bị cách chức. Ðại điện các công ty quốc doanh môi giới tuyển người đã bị trả về Việt Nam.”

Theo nguồn tin trên, dịp này, GS Nguyễn Quốc Khải đã kêu gọi “tất cả các anh chị em lao động Việt Nam trong và ngoài nước hãy tố cáo với CAMSA, BPSOS, ISHR, hoặc CPVW-USA tất cả những bất công, bóc lột, lạm dụng mà công nhân phải cam chịu bấy lâu nay. Mọi thông tin sẽ được giữ tuyệt đối kín đáo. Người đưa tin tức sẽ được thưởng công xứng đáng, nếu những tin tức này tạo được bằng chứng đưa đến hình phạt giới chủ nhân thiếu trách nhiệm”.

Vẫn theo tin của Vietnam review, “trong lá thư đề ngày 17 tháng 3, 2008 của ông Ilango Karuppannan, phó đại sứ Malaysia tại Washington-DC, gửi cho BPSOS và CPVW-USA, chính phủ Malaysia thừa nhận những than phiền của công nhân do CAMSA-BPSOS đệ trình là đúng với sự thật. Mặc dù CAMSA- BPSOS đồng ý hủy bỏ vụ án, tòa án Malaysia tiếp tục truy tố Esquel Malaysia theo luật pháp của quốc gia này. Ðây là một bài học cho tất cả những công ty muốn làm giàu trên mồ hôi và nước mắt của người lao động trong môi trường toàn cầu hóa.”

Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển và Công Ty Esquel Enterprises vừa chính thức ký thỏa thuận thư nhằm giải quyết các khiếu nại của công nhân ở hãng Esquel Malaysia.

Các thỏa thuận bao gồm việc trả bù tiền thù lao từ Tháng Giêng năm ngoái cho đến nay, điều chỉnh chế độ thù lao trong tương lai, cải thiện chương trình huấn luyện tay nghề, thiết lập cơ chế để công nhân khiếu nại, và đền bù cho những người bị hồi hương ngoài ý muốn.

“Chúng tôi có ấn tượng tốt về cách công ty Esquel giải quyết những khiếu nại của công nhân”, TS Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc điều hành UBCNVB, nhận xét. Ủy ban này đại diện cho Liên Minh CAMSA trong việc điều đình với công ty Esquel.

Tháng 10 năm ngoái 1,300 công nhân Việt ở chi nhánh Mã Lai của công ty Esquel đình công để phản đối việc trả lương quá thấp. Sau khi thương lượng với công nhân, ban quản trị Esquel Malaysia sa thải và trục xuất hơn 80 công nhân bị tình nghi là chủ chốt trong cuộc đình công.

Tháng 2 năm nay, liên minh CAMSA, qua sự điều hợp của UBCNVB, phát động kế hoạch hành động đồng bộ ở nhiều quốc gia nằm đối phó với tình trạng này.

“Công ty Esquel đã hành động nhanh chóng và quả quyết bằng cách thành lập toán đặc nhiệm từ trung ương nhằm điều tra các lời cáo buộc của công nhân. Công ty Esquel đã làm việc chặt chẽ với chúng tôi để tìm giải pháp thích ứng”, TS Thắng nói tiếp.

Theo ông, liên minh CAMSA sẽ làm việc chặt chẽ kể từ nay với công ty Esquel nhằm thực thi các điều khoản thỏa thuận.

Nhằm hướng dẫn cho công nhân về việc thực thi các điểm thỏa thuận cũng như giải đáp các thắc mắc của họ, liên minh CAMSA đã thiết lập trang blog newsesquel.wordpress.com và chỉ cho công nhân thường cách tiếp cận.

Tháng Hai vừa qua, 200 công nhân Việt Nam làm cho một hãng giày da người Hoa đặt tại Jordan (Trung Ðông) bị đánh đập, bóc lột sức lao động ngày đêm trong khi tiền lương trả chỉ từ 120 đến 130 đô la/tháng mà bản hợp đồng tuyển dụng của công ty môi giới CSVN nói 220 đô la/tháng.

Bị bạc đãi, công nhân đình công thì bị đánh, một số người bị thương tích trầm trọng. CAMSA hay tin này đã can thiệp ngay với tổ chức lao động quốc tế, chính phủ Jordan cũng như chính phủ Mỹ.

Chế độ Hà Nội không những không lo bảo vệ công nhân của nước mình mà còn tuyên bố rằng cuộc đấu tranh chống bóc lột và lường gạt lao động mà nhà cầm quyền Hà Nội đóng vai môi giới và ăn chặn trong đó là đã bị “chính trị hóa”.

Cách đây ít năm, cũng nhờ sự đầu tranh của nhiều tổ chức người Việt hải ngoại mà hàng trăm công nhân Việt Nam làm cho một hãng may người Hàn Quốc ở đảo Samoa đã được đưa sang Mỹ định cư. Các người này là nạn nhân của một vụ buôn người mà kẻ chủ mưu không ai khác hơn các cơ quan quốc doanh của nhà nước CSVN.