Chiếc xe đò chạy chậm dần khi vào đến trung tâm thành phố, nó lăn bánh trên con đường đại lộ có những hàng cây phượng vĩ đang nở hoa. Những chùm hoa phượng chen chúc trên cành đỏ rực dưới ánh mặt trời ban trưa, làm cho phố xá bừng sáng lên. Lũ ve giấu mình trong những chòm lá xanh mơn mởn đang hân hoan rỉ rả hợp tấu những nốt nhạc ngợi ca một ngày hè nắng đẹp. Linh ngất ngây ngắm nhìn qua khung cửa xe bức tranh sống động của một thành phố xa lạ mà lần đầu tiên chàng đến. Linh biết chàng sẽ ở lại đây một thời gian, rất lâu nữa là đằng khác và dù muốn hay không chàng sẽ gắn bó với cùng con người ở đây. Những hàng phượng vĩ, hàng quán bên đường thong thả, nhẩn nha chạy thụt lùi trong khi chiếc xe lướt nhẹ nhàng trêm mặt nhựa cao su rông thênh thang. Những người đi xe đạp nép sát vào lề tránh đám bụi mù cuốn lên từ từ đống lá khô của những người phu quét đường.
Linh hơi rướn người ra ngoài nhìn mấy chiếc xe rất lạ lùng có những con người đang nằm ngơi nghỉ trong đó, dưới bóng mát của những cây sao cao vút, tàng lá vươn rộng trên bầu trời trong xanh như những cái dù. Chiếc xe dài ngoằng hình thù rất kỳ dị, có cái thùng mà một ông chú nào đó mặc áo thun ba lá đang nằm úp một tờ báo lên mặt ngủ trên một cái nệm bọc vải, rất giống cái thùng xe xích lô trên thành phố Sài Gòn, nơi mà Linh vừa từ giã trong nỗi vương vấn băn khoăn. Kết nối với cái thùng bằng một cái móc thép cong cong có xiên một cái chốt sắt là một chiếc xe đạp kiểu đòn dông. Chắc là chiếc xích lô lục tỉnh. À mà không, dường như phải gọi là "xe lôi" mới đúng. Linh không thể không bật cười nhỏ một mình. Thật ngộ nghĩnh quá đi.
Là dân Sài Gòn chưa từng có dịp xuôi về miền dưới, Linh có nghe biết loại xe lôi Miền Tây. Thỉnh thoảng chàng cũng có nhìn thấy chúng lướt qua trong những cuốn phim thời sự trong rạp hát. Nhưng Linh không thể hình dung được sự ngộ nghĩnh dị kỳ đến tức cười đối với những người từ xa đến như chàng của những chiếc gọi là xe lôi. Tại sao người lục tỉnh lại gọi chúng là xe lôi nhỉ. Chắc là hành khách ngồi trên chiếc thùng , rồi cái anh chàng phu xe ngồi phía trước gò lưng đạp và... lôi chiếc thùng lẫn con người đi đến nơi mà người ta muốn. À đây rồi, chiếc xe đò đang vượt qua mặt một chiếc xe lôi, Linh trông thấy một đôi tình nhân đang ngồi choàng vai nhau trông thật lãng mạn dưới cái nóc xe lợp bằng vải kaki. Bắt gặp cái ngoái cổ và đôi mắt nửa tò mò, nửa hóm hỉnh của Linh, cô gái e thẹn cúi đầu giấu mặt sau vai anh chàng thanh niên. Linh tự hỏi, cái chốt mỏng manh đó có khi nào nó bỗng dưng buồn... tình vuột ra khỏi cái móc thép, chuyện gì sẽ xảy ra cho đôi tình nhân đó nhỉ? Chắc sẽ phải chỏng gọng lên trời mất. Về sau này, khi đã trở thành dân của thành phố đầy hoa phượng vĩ này rồi, Linh cũng có lúc nhìn thấy người ta sút chốt và té chỏng gọng đó chứ. Xe một nơi và cái thùng một nẻo. Nên mỗi lần gọi xe lôi, ngồi lọt thỏm trong đó, Linh hồi hộp dữ lắm.
Đi gần hết con đường tráng nhựa rộng, chiếc xe đò rẽ vào một con đường đôi được ngăn cách bằng một dãy đất rộng có những hàng cây bả đậu rợp màu lá xanh thẫm chạy song song. Khi chiếc xe đậu hẳn vào một bãi đất trống, Linh đứng dậy lấy chiếc vali nhỏ chàng nhét trong cái kệ sắt mắt lưới nhỏ trên đầu bước xuống. Linh lạ lùng, ngơ ngác nhìn quanh, trong lúc hành khách đang ơi ới gọi anh lơ xe đò thả những hành lý và kiện hàng từ trên mui xe. Chẳng lâu la gì, một chiếc xe lôi đã xịch tới ngay bên cạnh chàng trai trẻ, một người phu gầy gò có khuôn mặt đen đúa khắc khổ, nhưng cố mở nụ cười tươi chào:
_ Thầy Hai về đâu tối lấy rẻ cho, thầy không sợ lầm đâu.
Linh nhìn ông già đạp xe, chàng ngại ngần không muốn đi xe lôi, vì chàng thoáng thấy những chiếc xe lam trắng toát đang đậu đằng xa kia. Nhưng nhìn đôi mắt khẩn khoản của người phu già, Lính thấy chàng khó thể từ chối, chàng miễn cưỡng hỏi:
_ Dạ cháu muốn đến trường trung học, bác tính bao nhiêu?
Ông già không trả lời câu hỏi của chàng:
_ Chắc thầy là giáo sư mới đổi về đây phải không?
_ Dạ phải, về trường xa không bác?
_ Không xa mấy, thầy Hai lên đi, xin thầy cho năm đồng.
Linh chẳng rõ ở dưới này cái giá như vậy là rẻ hay đắt, nhưng trên cái xứ Sài Gòn hoa lệ, một cuốc xe gần nhất cũng phải mười đồng. Ông già nhón người lên gò lưng nhấn cái pê đan bàn đạp xuống, chiếc xe lôi ì ạch lăn bánh. Linh ái ngại nhìn tấm thân còm cõi thật tội nghiệp của ông lão. Từng tuổi này mà ông còn đạp xe, chẳng biết con cháu đâu mà để ông lao khổ như thế chứ. Để trả lời nỗi băn khoăn của Linh, ông lão chợt cúi thấp người xuống trong một tràng tiếng ho sù sụ, tưởng chừng như hai lá phổi của ông sắp bể nát đến nơi. Trong lòng xốn xang bứt rứt, Linh nhoài người tới kêu ông lão:
_ Bác sao thế?
Người phu xe già khoát tay:
_ Không... sao... thầy Hai.
_ Gần tới chưa bác... Thôi bác cứ thả cháu xuống đây, cháu đi bộ cũng được.
Ông già hốt hoảng sợ mất khách, càng gò người đạp xe nhanh hơn:
_ Gần tới rồi thầy Hai, thầy Hai thấy cái cổng trường sắt đó không?
Linh đành phải để cho ông lão hoàn thành cuộc hành trình của chàng. Khi chiếc xe lôi vừa ngừng, Linh nhẹ nhàng phóng xuống móc năm đồng trao cho ông lão:
_ Cháu cám ơn bác.
Ông già nhe răng cười, những chiếc răng lểnh khểnh thấp cao như một cái hàng rào củ:
_ Con gái út tui nó học trường nữ bên kia, biết đâu mai mốt nó học với thầy...
Ông thầy giáo trẻ Đặng Thanh Linh ngước nhìn tấm bảng trên trường treo trên hai cái trụ gạch vuông cao mang tên một anh hùng dân tộc của Nước Nam. Cánh cửa sắt nước sơn sậm cũ với những hoa văn kiểu Gotic của người Pháp, đóng im ỉm. Dãy tường quét nước vôi màu vàng cao quá đầu người có cẩn những viên gạch vuông tráng men màu xanh thẫm chạy bao quanh ngôi trường, thấp thoáng bên trong những dãy nhà hai tầng cổ kính ngói đỏ đã lấm tấm ngả sang màu đen vì nhiều mảng rêu phủ lên, có lẽ là qua nhiều năm tháng triền miên dãi dầu. Ngôi trường này hẳn là ít nhất phải có hơn nửa thế kỷ tuổi tác. Linh nhớ mang máng chàng có đọc thấy đâu đó, rằng ngày xưa ngôi trường này là một trại lính cũ của quân đội Pháp được xây cất đầu thế kỷ thứ hai mươi, cho nên cái kiểu kiến trúc của nó được thiết kế làm chỗ ăn ở của con người, chứ không phải là nơi chốn để học hành. Những loại cây dại lá xum xuê bám đầy đặc trên thành tường, với những chùm trái xanh um trông rất giống như những chùm nho, mà Linh không biết gọi tên là gì. Mãi sau, hỏi mấy ông thầy vạn vật, Linh mới biết chúng là loại trái giác có thể ăn được, vị chua, chua đến ê cả răng, dĩ nhiên là chả ai muốn nhai cả, ngoại trừ lũ học trò nhỏ của trường tiểu học gần bên thỉnh thoảng leo lên hái tò mò nhìn xem hơn là ăn.
Toàn thể ngôi trường vừa toát ra một dáng vẻ thâm u tịch mịch như chứa đựng trong cõi quá khứ của nó những giai đoạn lịch sử thăng trầm của đất nước, vừa ngạo nghễ vươn mình lên bầu trời cao như một người cha già giang rộng tay ấp ủ, từ đó những mầm non của đất nước đâm chồi nẩy lộc, mà Linh và những người đồng nghiệp của chàng chính là những người thợ vun tưới chăm bón. Linh tần ngần không biết phải vào trường bằng lối nào, thì may quá một chú tùy phái trông thấy chàng đã chạy ra mở cánh cửa, xởi lởi chào hỏi:
_ Chào thầy, chắc thầy về dạy trường này?
_ Dạ phải, tôi ở Sài Gòn xuống, giờ này văn phòng có làm việc không chú?
_ Dạ có, còn một tuần nữa tựu trường, văn phòng làm việc bận rộn lắm thầy.
Cùng bước song hành với chú tùy phái, Linh nhìn thấy ngay tầng dưới của dãy nhà hai tầng đầu tiên thấp thoáng nhiều người trong những căn phòng chất đống những loại giấy tờ:
_ Chú làm ơn dẫn tôi đến phòng ông hiệu trưởng được không?
_ Dạ ông hiệu trưởng ở Sài Gòn chưa xuống, nhưng có thầy giám học, tui sẽ đưa thầy gặp ổng.
Tiếp chàng là thầy giám học, ông đang ngồi hí hoáy ký một đống giấy tờ nào đó sau chiếc bàn giấy rộng thênh thang, bên trên có những chồng sách triết học Pháp và Việt thì phải. Chắc ông thầy giám học là dân dạy triết rồi đây. Đôi mắt sáng tinh anh của ông giám học hấp háy sau cặp kính nhốp dầy cộm, ông niềm nở đứng dậy bắt tay Linh:
_ Chào thầy, mời thầy ngồi, thầy...
Linh lễ phép cám ơn:
_ Dạ, cám ơn thầy, em là Linh Đặng Thanh Linh, tốt nghiệp ban Toán Lý Hóa...
_ À giáo sư Linh tuổi trẻ tài cao đây rồi, trường mình đang thiếu giáo sư Toán, thầy về đây thật đúng lúc.
Người tùy phái đem vào hai tách trà bốc khói thơm lừng. Thầy giám học bắt đầu câu chuyện tâm tình:
_ Thầy Linh có bà con thân quyến nào dưới này không?
_ Dạ xin thầy cứ gọi tên Linh, em còn trẻ, em trọng thầy như thầy cô em trên Sài Gòn.
Thầy giám học không giấu vẻ hài lòng, giọng thầy rất vui và đượm vẻ thân mật:
_ Nếu vậy thì thầy cho phép... Linh có tìm được chổ ở chưa?
Linh gãi ót bối rối:
_ Dạ chưa, em cu ky có một mình, chẳng có ai quen.
_ Chậc, rất dễ giải quết, tầng trên còn hai phòng trống, nếu Linh thấy tiện thì tôi thu xếp một phòng cho Linh.
Đang lo âu chẳng biết tìm nơi nào để trú ngụ, thì bỗng nhiên ông thầy hiến cho chàng một chỗ tưởng như mơ, Linh chộp lấy liền:
_ Dạ, nếu được vậy em rất cám ơn thầy!
Ông giám học nâng chén trà lên miệng:
_ Ơn nghĩa gì, Linh dùng trà kẻo nguội, nhưng có điều tôi...
Ông thầy đưa đôi mắt bí ẩn chăm chăm nhìn chàng:
_ Có điều ở trong này buồn lắm, đêm hôm cô quạnh, thầy còn trẻ, e có lúc nhớ nhà chăng. Linh có... ngại ở một mình không?
Linh không hiểu ông thầy muốn ám chỉ điều gì, nhưng chàng vẫn quả quyết:
_ Dạ em ở được, lớn quá xá rồi còn nhớ nhà gì nữa!
Ông giám học gục gặc đầu cười:
_ Hì hì, biết đâu đó. Vậy để tôi bảo chú Năm tùy phái giúp Linh dọn dẹp căn phòng nhé.
Chú Năm tùy phái không có được sự tế nhị và sự ẩn dụ khéo léo như ông giám học, vừa dẫn chàng đi lên cầu thang chú Năm đã hỏi ngay:
_ Thấy dám ở trong này một mình sao?
Câu hỏi của chú Năm làm Linh thấy trong lòng dậy lên một cảm giác rờn rợn vu vơ:
_ Thì ở chỗ nào cũng là ở, có gì khác đâu?
Chú Năm nhăn mặt gãi đầu:
_ Mấy ông thầy trước cũng nói như thầy, nhưng rồi mấy ổng dọt ra xóm ngoài gần đây ở hết trơn hà!
Linh bắt đầu mường tượng hiểu chú Năm muốn nói tới cái gì, trong lòng chàng nhộn nhạo, trái tim chàng đánh thình thịch trong một nỗi âu lo xốn xáng:
_ Ở trong này không khá hả chú?
_ Khá hay không là do mình, mình cứ cứng cựa là được. Nhưng thầy đừng có lo, có tui ngủ ở phòng trực dưới này, thầy cứ hù một tiếng là tui lên liền...
Linh nhớ lại cách nói chuyện úp mở của ông giám học, và bây giờ thì chú Năm tùy phái nửa kín nửa hở vén thêm một chút bị mật. Nhưng cứ kệ nó đi, cứ vào ở, chứ giờ này còn chạy đi đâu nữa. Linh chỉ muốn ngã ra giường làm một giấc, rồi có tới đâu thì tới. Chú Năm dẫn Linh lên hai căn phòng với hai cánh cửa màu đỏ sậm đóng lạnh lùng, chú tra chìa khóa mở căn phía bên phải. Linh nhìn vào bên trong, căn phòng nhỏ xíu như một cái hộp quẹt, mỗi chiều chỉ chừng bốn thước, hơn hay kém, nhưng đối với một người độc thân dễ tính như chàng, thì chiếc giường sắt nhà binh kiểu Pháp có một tấm nệm mỏng phủ bằng một tấm drap màu xanh xám khá tươm tất, một cái bàn nhỏ có một cái đèn đứng để làm việc đêm, vài cái ghế cũ cà một cái tủ chứa quần áo. Linh hài lòng lắm, từ đây riêng chàng. Chú Năm trao chìa khóa cho Linh ân cần dặn dò:
_ Ban đêm thầy nên khóa cửa phòng...
Linh đặt chiếc vali lên giường:
_ Bộ ban đêm có ăn trộm hả?
_ Trường ốc mà ăn trộm gì thầy, nhưng mình khóa cửa phòng ngủ thấy nó ấm và... ngon hơn!
Khi chú Năm tùy phái đưa tay đóng cửa, Linh sực nhớ một chuyện:
_ À, ở đây mình muốn tắm rửa và đi... giải quyết chuyện cá nhân thì làm sao?
_ Cuối hai cái hành lang gần hai bên hông trường đều có mấy cái phông tên nước, phía hàng lang bên tay phải có hai dãy cầu tiêu nhưng... không có đèn, thầy phải mang đèn pin theo nếu là bàn đêm.
Chiều hôm đó, thầy giám học cho chú Năm tùy phái lên mời Linh xuống phố đến nhà thầy dùng cơm. Chú Năm tốt bụng đã đèo Linh trên chiếc xe đạp của chú. Bà giám học đã nấu một bữa cơm tuy đơn sơ mà ngon quá đỗi, Linh ăn rất ngon miệng và ăn rất tận tình. Không tận tình cũng không được, vì ông bà cứ thay phiên nhau bới cơm cho chàng. Cho nên khi về đến căn phòng nhỏ trên lầu trường, Linh đã ngã xuống giường và rất dễ dàng thiếp ngay vào giấc ngủ đậm say. Trong cơn mê, có lúc, dường như Linh mơ màng có nghe tiếng bước chân của ai đó bên ngoài cánh cửa, cồm cộp như tiếng guốc khua, hoặc tiếng gậy chống..., rồi âm thanh lạ kỳ đó đi xa dần, nhỏ dần. Thần thức Linh cứ nghĩ rằng, chắc chú Năm đi tuần đêm thì phải. Nhưng tình thực thì sau này Linh khám phá ra rằng, chú Năm cũng đã cố thủ cửa đóng then cài trong căn phòng bên dưới chứ chẳng có tuần với tra gì hết.
Thật may mắn cho Linh, ngày hôm sau chú Năm dắt lên một ông giáo sư trẻ khác ở mãi đâu tận xứ Huế mở căn phòng bên trái cho chàng ta. Nghe động, Linh mở cửa bước ra, chàng trông thấy một thanh niên trông rất trí thức dưới cặp kính trắng. Linh đưa tay bắt chào mừng người bạn trẻ:
_ Chào anh, tôi là Linh, Toán Lý Hóa, Đại Học Sư Phạm.
Bàn tay mềm mại mát lạnh của thầy giáo mới nắm lấy tay chàng, giọng Huế nhẹ như ru:
_ Chào anh, tôi là Trường, Việt Văn, kiêm Triết, kiêm Công Dân Giáo Dục, kiêm luôn Hán Văn... từ Trường Văn Khoa Sài Gòn.
_ Chà chà, thầy Trường kiêm nhiều thứ quá vậy?
_ Hì hì, thì cũng thầy Linh thôi!
Trường đảo mắt nhìn quanh một vòng tỏ vẻ ngại ngần
_ Ở đây vắng và buồn quá...
Linh chợt có ý nghĩ muốn đùa anh bạn mới, chàng bắt chước chú Năm tùy phái ra vẻ nghiêm trọng:
_ Tốt nhất mỗi tối anh nhớ khóa cửa phòng để ngủ cho ấm và cho... nó ngon!
Trường ớn lạnh nhìn hai dãy lớp học hai bên căn phòng với những hành dang dài hun hút, vắng tênh. Chưa đến ngày tựu trường, bàn ghế, bảng xanh và những xịt và lạnh lẽo, mùi rêu hăng hăng trên mái ngói theo cơn gió nhẹ tràn vào quyện lấy với màn hơi nước bốc lên từ những bụi cỏ cao ngoài sân trường, lãng đãng như một lớp khói sương kỳ dị. Toàn ngôi trường chìm ngập trong sự tĩnh mịch âm u khi những sợi nắng nhạt cuối cùng của hoàng hôn đã biến mất đằng sau mái ngói. Chút sinh khí trong ngôi trường này hiện hữu ở duy nhất hai căn phòng của hai chàng giáo sư trẻ, và căn phòng của chú Năm tùy phái. Mỗi buổi chiều, khi chú Năm khép cánh cửa sắt lại và khóa tất cả mọi cánh cửa dẫn vào trường, ba con người cô độc đó thấy mình đang sống trong một cái ốc đảo hoang vắng, đầy dẫy những sự tưởng tượng và ảo ảnh, ngay ở giữa một thành phố nhộn nhịp tràn ngập ánh sáng và sức sống về đêm.
Ông giám học lại mời Linh xuống phố ăn cơm tối. Theo cái thống lệ hiếu khách của nhà thầy, mời anh giáo mới Vũ Minh Trường ăn cơm, không lẽ không mời thầy Linh. Cho nên Linh có dịp ăn thêm một bữa cơm ngon nữa, rồi chàng sẽ nhờ chú Năm đi đặt cơm tháng cho mình. Có thêm ông giáo Trường dạy Triết, tương đắc với sở trường của mình, nên ông giám học hào hứng lắm, cuộc trò chuyện kéo dài đến nửa đêm mới chấm dứt. Chỉ có một nửa chai rượu vang đỏ thôi, mà hai ông giáo trẻ cũng đã thấy đủ khật khưỡng bước thấp bước cao leo lên một chiếc xe lôi, cũng xe lôi nữa. Đã dặn chú Năm trước, hai chàng thanh niên dẽ dàng mở cánh cửa gỗ bên chiếc cống sắt. Đêm không trăng sao, trời tối mịt mù. Chiếc đèn bóng nhỏ gắn ở gần cầu thang đã chẳng đủ soi sáng bất cứ thứ gì, mà trái lại nó còn toát ra một vẻ ảm đạm buồn thiu đầy âm khí. Chú Năm đã rút vào trong căn phòng ngủ đêm của chú từ lâu. Chú độc thân, hoặc vả chú góa vợ thì đúng hơn, con cái ở đâu cũng chẳng biết, chú nhận ngôi trường này làm chốn dung thân và rất hài lòng với cuộc sống cô độc của mình. Mùa hè sắp chấm dứt những cơn gió thu mát và lạnh gờn gợn rít nhẹ trong sân trường. Linh chẳng để ý gì, chàng vốn yếu rượu nên chỉ muốn lăn ra giương ngủ, nhưng Trường đã cảm thấy tái tê, khi chàng phóng mắt nhìn vào khoảng tối đen mênh mang, thấp thoáng dãy lớp học giũa chắn ngang phía trước, nổi lên thành một hình thù rờn rợn như một tòa lâu đài hoang phế. Ở trong cái thế giới đầy dọa nạt đó còn những hai căn phòng trống, mà chúng đang chờ được nuốt gọn những người thầy giáo trẻ khác như chàng. Trường thầm cảm ơn ông giám học đã xếp cho chàng cái phòng bên cạnh anh chàng Linh này ở dãy lớp thứ nhất. Trường không nghĩ là chàng sẽ dám ở một mình trên căn phòng ở dãy lớp học giữa. Chỉ nghĩ thôi mà Trường đã thấy da dẻ mọc ốc rồi.
Ngôi trường có ba hãy lớp dài chạy song song nhau như ba cái nét ngang của chữ Tam, rồi ba dãy lớp này được kết nối với nhau bằng hai cái hành lang có lợp ngói, nên lợp bằng gạch tàu chạy suốt từ đầu trường đến cuối trường. Ở giữa ba dãy lớp là hai cái nhà vệ sinh nằm im lìm sát tường thành, chung quanh có những bụi chuối dại và đám cỏ ống cao quá đầu gối gày bịt bao phủ. Bọn ếch nhái và côn trùng ẩn náu trong đó giờ này đã đau nhau hợp tấu một giai điệu đêm trường bằng những âm thanh oàm oạp, rỉ rả.
Linh khoác vai bạn bước từng bước một lên cầu thang. Trường ái ngại nhìn lên khoảng tối mờ mịt trên cao. Chàng không hình dung được chàng sẽ ngủ nghê ra sao trong cái cõi đen đặc bí hiểm này, nếu không có cái anh chàng Linh làm người hàng xóm. Đột nhiên, Trường vừa thoáng thấy có một cái gì đó rất giống, trời ơi, một cái vệt, hay đúng hơn, một cái bóng trắng vừa vút qua chỗ lan can trước hai căn phòng ngủ. Trường bấu lấy vai bạn ú ớ:
_ Linh... Linh.... cái con... gì kìa!
Linh ngơ ngác dụi mắt nhìn theo hướng bạn, chàng nhún vai lắc đầu:
_ Có cái con gì đâu?
Trường lắp bắp:
_ Có thật mà... mình vừa thấy nó nhoáng một cái trắng xác...
Linh giả bộ lè nhè:
_ Hay là con... mà! Ngươi ta đồn cái trường này ban đem nhiều ma lắm đó... Lính Pháp lính Nhật nó bắt dân vào đây tra tấn rồi chúng nó giết...
Linh nói tới đâu thầy giáo Trường càng nhích sát vào chàng, tóc tai dựng đứng lên tới đó:
_ Thật vậy sao, mình ngoài Huế mình đâu có biết chuyện đó.
_ Thật chứ, ba má tôi hay kể chuyện Tây đi ruồng bắt bớ người ta nhiều lắm...
_ Rồi... rồi... Linh có sợ không?
Linh xua tay ra vẻ bất cần:
_ Sợ cóc gì, đức trọng quỷ thần kinh...
_ Nhưng khốn nỗi mình không có một chút xíu đức nào cả, làm sao ma nó kính?
Linh càng dọa già:
_ Nó không kinh mình thì mình... kinh nó!
Nhìn bạn khổ sở tra chìa khóa mở cửa, Linh thấy mủi lòng, chàng trấn an:
_ Có gì cần thì Trường cứ sang gọi tôi nhé...
Không biết chàng đã ngủ được bao lâu rồi, trong cơn mơ màng, Linh chợt nghe tiếng gõ cửa dồn dập. Linh bừng tỉnh, chàng ngồi dậy hỏi vọng ra:
_ Ai đó?
Linh nghe tiếng của Trường sau cánh cửa đóng, nôn nả và sợ sệt:
_ Linh... Trường đây.
Linh nhảy xuống giường, chỉ có vài bước chàng đã ra đến cửa. Khuôn mặt tái xanh của Trượng hiện ra, đôi mắt đầy vẻ hoảng hốt. Linh kéo bạn vào bên trong, chàng đóng cửa cài khóa cẩn thận. Trường ngồi xuống chiếc ghế, những ngón tay run rẩy nhịp trên mặt bàn, Linh kéo ghế ngồi theo:
_ Chuyện gì vậy Trường, không ngủ được à?
Trường lắc đầu buồn thiu:
_ Ngủ với nghê gì, nó lê guốc đi lộp cộp suốt đêm...
_ Ai lê guốc?
Trường ấp úng:
_ Thì là con... ma của Linh chứ còn ai đi guốc giữa đêm thế này!
Linh cắn môi:
_ Tại sao tôi không nghe thấy kìa?
Bỗng nhiên Linh rờn rợn trong lòng, chàng rùng mình nhớ lại, dường như đêm hôm qua trong cơn mê ngủ chập chờn, chàng có nghe tiếng động ngoài cửa, giống như tiếng guốc, nó đi xa dần về phía cuối cái hành lang dài. Ở đó là lớp học chớt, chứ đâu có phòng ốc gì. Chẳng lẽ chú Năm có gan đi dạo mát lúc nửa đêm trong cõi âm u ma quái này sao. Linh tin lời Trường là thật, chàng mở cửa cầm đèn pin bước hẳn ra ngoài. Hai dãy lớp học hai bên tối om om đầy vẻ bí ẩn, ánh đèn pin yếu ớt làm thành một đường thẳng vàng lọt quét vào từng góc ngách một. Chẳng có gì hết. Linh bước qua cái hành lang hẹp cặp theo hông dãy lớp, ánh đèn chiếu một đường dài hun hút đến cái lớp chót. Ánh đèn nhạt quá, Linh chẳng thấy gì cả. Chỉ là một màu đen thẫm và sự im lặng bí ẩn của đêm thâu. Khi Linh bước trở vào phòng thì Trường đứng lên run giọng:
_ Linh, mình muốn đi nhà cầu...
Linh trao cái đèn pin cho bạn:
_ Bồ cầm lấy cái này...
Trường khẩn khoản:
_ Linh cùng đi cho... vui.
Linh buồn ngủ, chàng định không đi, nhưng nhìn ánh mắt của bạn, chàng gục gặc đầu:
_ Ừ, minh cũng thấy cần phải phóng bớt tí ti.
Linh rọi đèn cho bạn đi xuống trước. Hai người lò dò từng bậc thang một, vì đêm đen đặc như mực. Nhưng khi hai chàng thanh niên sắp đi đến nấc thang chót, thì bỗng nhiên từ phía trên dãy lan can trước cửa hai căn phòng ngủ, có tiếng lộp cộp, thật giống như tiếng guốc nện xuống sàn xi măng. Tiếng guốc vọng đến từ phía lớp học cuối, rõ dần, rõ dần và ngừng hẳn khi "nó" đã đến trước cửa phòng ngủ. Linh phóng từng ba bậc thang một chạy trở lên lầu, ánh đèn pin chiếu vào chỗ tiếng động. Cùng với bước chân nện thình thịch của chàng trên gỗ, Linh nghe tiếng guốc khua dòn. "Nó", cái con "ma" đi guốc đang hổi hả bỏ chạy, tiếng guốc hoảng hốt kéo lê trên nền gạch về phía lớp học cuối, tiềng cồm cộp nhỏ dần, nhỏ dần...
Linh rọi đèn theo suốt dọc dãy hành lang. Thật lạ lùng và ghê rợn, chẳng có cái gì cả. Lần này thì chính Linh nghe rõ ràng từ đôi tai của mình, không thể nói Trường mê sảng được. Linh tần ngần đứng suy nghĩ giữa bóng tối, không biết phải lý giải hiện tượng dị thường này như thế nào. Chàng không có đủ can đảm để mày mò vào cái lớp học cuối đàng xa kia để tìm kiếm "nó", cái con đi guốc trong cái thế giới âm u ghê rợn ở đó. Linh miễn cưỡng trở xuống cầu thang. Nhưng khi chàng đặt chân lên nền gạch tàu của dãy hàng lang bên dưới cất tiếng gọi Trường:
_ Trường ơi...
Chẳng có ai trả lời Linh hết, Trường đã đi đâu mất. Linh kinh hoàng nhận ra rằng, trời ơi, Trường đã biến đi đâu rồi. Chẳng lẽ anh chàng có lá gan lớn đến mực tự đi đến nhà cầu một mình trong cái khối đen dầy đặc dẫy những linh ảnh ma quái như thế này sao. Bây giờ thì máu trong cơ thể của Linh đã thực sự sủi bọt,
Một làn hơi lạnh xẻ sâu vào da thịt Linh như những nhát dao sắc ngọt. Linh bắt đầu thấy... sợ. Nhưng dẫu thế nào thì chàng cũng phải đi tìm Trường cái đã, kẻo thôi anh chàng lại sợ chết khiếp. Linh gọi nhỏ một lần nữa:
_ Trường ơi!
Chỉ có tiếng gió hú lao xao trên những táng cây phượng vĩ đáp lời chàng. Thật quái lạ, anh chàng, Trường này bỗng dưng có thể tan biến đi như một làn khói trong một khoảnh khắc ngắn ngủi hay sao. Linh rọi đèn về phía dãy nhà vệ sinh đầu tiên. Người Pháp xây nhà cầu trên một cái nền cao, phải bước lên nhiều bậc xi măng. Nhà cầu chia làm hai phần. Mốt cái máng bê tông làm chỗ phóng nước tiểu, một nửa còn lại gồm bốn hay năm khung vệ sinh. Thời đó người Pháp thiết kế kiểu nhà cầu ngồi chồm... hổm như người Việt, chứ đâu đã được khoan khoái ngồi vắt chân chữ ngũ trên bồn cầu tà tà hút thuốc và đọc báo như vài chục năm sau đâu. Đước cái đó có cái giật nước rút những cái người ta không còn cần nữa trong cơ thể xuống ống cống. Ánh đèn pin của Linh quét lên cái hình thù nhà cầu nổi thành một khối đen sẫm đứng chơi với giữa mấy bụi chuối rậm. Trong cõi ánh sáng mờ nhạt, yếu ớt dường như Linh trông thầy một bóng người đang đứng bên cái máng nước tiểu. Linh thở phào, trong lòng đã thấy cất đi được một chút lo âu và lo sợ vẩn vơ. Linh rảo bước thật nhanh đi tới, vừa kêu:
_ Trường ...
Cái bóng đen trên nhà cầu chậm rãi quay mặt nhìn Linh. Trời tối quá, Linh không thể nhận rõ khuôn mặt của bạn. Cái bóng đen lặng lẽ đứng im như một bức tượng, lặng thinh chẳng nói năng gì. Linh bước lên bậc tam cấp, mùi khai nồng hắt xuống làm chàng rùng mình kinh tởm. Linh gắng gượng bước vào cái khung máng tiểu, để kinh hoàng nhận ra rằng, chẳng có ai đã đứng trong này hết, Linh sững người như một khối đá, một cảm giác nhợn nhạo chế ngự mọi nhận thức của chàng. Linh không còn biết suy nghĩ cái gì nữa, ngoại trừ mỗi một điều. Chàng SỢ... MA!
Linh đang mãi hùng đứng một mình trong cái khối đen đặc, vừa hôi thối vừa nồng nặc một cái mùi gì lạ lùng lắm, giống như khói nhang rẻ tiền nặng mùi trong những cái đám tang. Trời ơi, đúng là mùi đám... ma, mà thuở nhỏ Linh từng lũ bạn chạy đền đứng xem chiếc quai tài đỏ lòm đằng sau màn khói trắng dầy đặc, trong tiếng khóc thê lương của những con người mặc áo sô gai trắng. Những cái con người áo trắng đó, giờ đây đang chập chờn trở về trong ký ức của Linh, chàng ớn lạnh tưởng tượng giây phút những cái bóng ấy sẽ hiện ra trước mặt chàng. Linh chưa từng trông thấy ma, nhưng chàng đã được nghe người ta kể nhiều chuyện về ma. Ma ở khắp mọi nơi. Chỗ nào có bóng đêm, thì ở đó có ma. Còn ở trong trường này, là cả một khoảng đêm đen mênh mông, làm gì mà chẳng có ma chứ.
Chú Năm đã nói đúng, chàng phải rút vào bên trong căn phòng, khóa cửa để cách biệt với thế giới của cỏi âm bên kia cánh cửa hằng đêm, Linh đã dại dột bước ra ngoài vào cái thế giới không phải dành cho những con người sống, mà là cho những oan hồn còn phưỡng phất ở trần gian.
Trong cơn ghê sợ đến tột cùng, Linh cò giò vừa định phóng xuống bậc tam cấp, mà chàng biết chàng sẽ chạy hộc tốc với những sợi tóc gáy dựng đứng, thì bỗng dưng chàng nghe có tiếng xả nước từ chiếc phông tên gần đó, rồi, trời ơi, dường như, Linh nghe có tiếng hát khe khẽ, giọng trong trẻo, chắc phải là của một... cô gái. Tiếng nước chảy vào tiếng hát của một con người sống giữa đêm trường âm u và ma quái này đã hiện ra đúng lúc để kéo Linh ra khỏi những cảm giác khiếp đảm và cô độc. Linh hoàn toàn quên hẳn Trường, chàng run run bước về phía tiếng hát. Linh lướt tầm mắt nhìn theo hướng đèn. Một cái bóng đen, cũng lại bóng đen nữa, trái tim Linh nhộn nhạo đánh thình thình, đang ngồi lui húi làm một cái gì đó bên cái phông tên nước. Linh nghe tiếng hát của "nàng" rõ dần. Đúng là của một cô gái. Nhưng nàng làm gì giữa bóng tối thâm u như thế này. Bóng đèn chiều lên cái lưng áo bà ba, dù trời tối, nhưng cũng đủ để nhận ra loại vải màu hồng đỏ, và chiếc quần lãnh đen nàng mặc. Có tiếng sột soạt của vải va chạm trong tiếng nước lục ục. Linh thở ra một hơi dài mừng rỡ. Hóa ra nàng đang ngồi giặt quần áo. Cô gái đang mải mê với công việc, chợt nghe tiếng bước chân của người thầy giáo trẻ, nàng giật mình quay lại nhìn. Trông thấy người lạ, cô gái thảng thốt ôm chiếc thau nhôm đứng dậy định bỏ chạy, nhưng Linh đã giang tay ngăn lại:
_ Cô là ai, nửa đêm vào đây làm gì?
Cô gái cúi mặt cắn môi nói nhỏ:
_ Dạ, em giặt đồ...
Linh chợt phì cười. Chàng vừa hỏi một câu rất ngốc, nàng chẳng đang giặt quần áo là gì. Linh lại phun ra một câu rất ngố khác, mà chẳng cô gái nào muốn nghe bao giờ:
_ Trong lúc nửa khuya như vầy, cô không sợ ma sao?
Chiếc thau đầy quần áo đang giặt dở trong lòng cô gái rơi xuống nền đất, một tiếng động khô khan dậy lên, cô gái đưa tay lên ngực, Linh chắc rằng nàng đang tái mặt trong bóng tối:
_ Ái...
Linh bước đến gần vung tay lên trong một cử chỉ che chở:
_ Ấy, tôi nói giỡn thôi, xin lỗi đã làm cô sợ, không có gì đâu!
Chàng trông thấy đôi mắt lóng lánh của nàng ngước lên đăm đăm:
_ Thầy... Linh làm em sợ...
Hai người đứng đối mặt với nhau, Linh đã có thể nhìn rõ hơn và nghe cả hơi thở nhẹ như tơ của nàng. Một cô gái trẻ, còn trẻ lắm, chắc là một cô học trò nhỏ trong trường. Linh có thể ngửi thấy mùi hương thoang thoảng từ mái tóc chấm vai đen bóng của nàng. Hai bàn tay nhỏ nhắn, trắng trẻo đan vào nhau vong trước bụng trong một trạng thái bối rối. Nhưng đôi mắt của nàng lại toát ra một vẻ hóm hỉnh trêu cợt nào đó, làm Linh cũng lúng túng:
_ Cô ở đâu vậy, có gần đây không?
Thiếu nữ trong chiếc áo bà ba bông dịu dàng trả lời:
_ Dạ thưa thầy, em ở xóm ngoài, thỉnh thoảng em vào đây...
Nàng chợt đưa tay lên miệng cười khúc khích:
_ Em lén chú Năm vào đây giặt đồ, chú không biết...
_ Ủa, cô tài thế sao, chú Năm đã khóa cửa hết rồi mà?
Cô gái chỉ về hướng dãy nhà lầu phòng thì nghiệm của trường sát bên tường, đối diện với khu trường trung học nữ bên kia đường:
_ Dạ..., có cánh cửa nhỏ ở đó!
_ Chú Năm không khóa sao?
_ Dạ, cánh cửa đó đã cũ rồi, lâu năm chẳng ai nhớ tới, khóa đã mục, nên em, hích hích, em... đã chun vô...
Nàng lại nhìn Linh đăm đăm bằng một ánh mắt rất lạ lùng, rất quyến rũ, Linh phải xoay mặt tránh né:
_ Xin thấy đừng mét chú Năm, em cám ơn thấy... nhiều, thầy... Linh!
Linh khoát tay:
_ Thôi cô cứ giặt tiếp đi...
Đến lượt chàng nói đùa:
_ Nhưng tôi không hứa là sẽ không mét chú Năm đâu nhé.
Trong bóng tối mà Linh vẫn có thể cảm nhận được nụ cười rất đẹp trên đôi môi nhỏ của nàng:
_ Em biết thầy không nói đâu!
Ngần ngừ một lúc, Linh đành phải nói lời từ giã:
_ Thôi chào cô, tôi phải lên phòng...
Cô gái ngồi xuống kéo chiếc thau hứng nước, giọng thiết tha, trong vắt như tiếng suối chảy:
_ Thầy ở chơi một chút được không, ngồi một mình em... sợ!
_ Rất tiếc tôi phải đi. À, cô có trông thấy anh bạn tôi không?
_ Anh bạn của thầy như thế nào?
_ Thì... cũng tre trẻ như tôi, nhưng có thêm cái mắt kiếng...
Cô gái gục đầu cười khúc khích:
_ Thầy Linh nói chuyện vui quá hà.
Không thể nói chuyện lần khân với một cô gái nữ sinh trẻ giữa đêm vắng như thế này, một nhà mô phạm không được đánh mất tư cánh đạo đức của mình, sự nghiệp giáo chức của chàng có thể đi đứt vì dư luận nghiêm khắc, không khéo chàng trở thành người dứt.. cháo lắm, chứ phải chơi sao. Linh vừa quay lưng bước, thì chàng nghe tiếng gọi nhỏ của nàng:
_ Thầy Linh... Ngày mai em vào giặt đồ, thầy đừng mét chú Năm nhé.
Linh không thể không giật mình. Đó há chẳng phải là một lời hẹn hò quá đỗi tình tứ hay sao. Linh lắc đầu bỏ đi thẳng thề với lòng rằng chàng không cho phép chàng vướng víu vào sự mờ ám tai hại này. Linh bần thần váng vất vì cuộc gặp gỡ kỳ lạ, dường như nó vừa xảy ra trong một cơn mộng mị đẫm đầy chất liêu trai. Nó vướng vất như một cái mạng nhện, càng vùng vẫy thì càng bị những sợi tơ mỏng ấy trói chặt không đường thoát. Ngày xưa Bồ Tùng Linh tiên sinh ngồi viết truyện ma trong một cái mái hiên tịch mịch, ông đã từng ao ước được diện kiến với những con người ở cõi quỷ mị. Linh là lùng dưới một mái hiên quạnh quẽ đó sao. Linh bỗng rùng mình, rờn rợn tự hỏi. Nàng là người hay là... ma. Khi đã thiếp vào giấc ngủ, Linh vẫn chưa kịp nhớ ra rằng, tại sao cô gái nhỏ đó biết được tên của chàng, chỉ ngay trong lần gặp mặt đầu tiên. Linh cũng quên khuấy đi chuyện mất tích quái lạ không thể giải thích được của Trường.
Sáng hôm sau, Linh trông thấy bạn mở cửa bước ra, chàng hỏi ngay:
_ Ông đi đâu hồi đêm, tôi kiếm mãi không thấy?
Trường lạ lùng nhìn Linh lắc đầu:
_ Đêm qua uống mấy ly rượu vang ở nhà ông giám học say quá, về đến phòng mình ngủ mê như chết, có đi đâu đâu?
Linh ngớ người há hốc mồm:
_ Ủa, chẳng phải hôm qua ông gõ cửa phòng tôi sao?
Trường nhún vai:
_ Ông mê ngủ chắc, nửa đêm tôi mò ra cho ma bóp cổ tôi à!
Linh lắc đầu chẳng hiểu gì cả. Chẳng lẽ chàng nằm mơ. Hoặc chàng đã chìm vào trong một khoản khắc mà người ta gọi là ảo ảnh của những người bị chứng hoang tưởng. Chàng đã... điên chưa nhỉ. Rõ ràng chàng đã cầm đèn pin dẫn Trường đi xuống cầu thang, đã nghe tiếng guốc trên hành lang và Trường bỗng dưng biến mật... Hay cái anh chàng Trường này mắc chứng mộng du chăng. Thấy Linh vỗ vỗ đầu suy nghĩ trong một điệu bộ rất ngộ nghĩnh, Trường phi cười:
_ Ông làm gì kỳ vậy, thôi mình ra xóm uống cà phê cái đã.
Hai chàng giáo trẻ thả bộ dọc theo con lộ nhỏ bên hông trường đi xuống một cái xóm nhỏ nằm ở ngã ba hai con đường tiếp giáp nhau. Trong cái xóm nhỏ này, người ta đang họp chợ sáng khá là nhộn nhịp. Họp chợ là một đặc tính rất phổ thông, rất uyển chuyển của người Việt. Chỉ cần một khoảng trống vừa phải, là đã đủ hình thành một cái chợ. Ở đây có rất ít sạp hay gian hàng, hầu hết người buôn gánh bán bưng ngồi chồm hổm trên những chiếc ghế gỗ nhỏ xíu thấp lè tè, trước mặt là những rỗ, thúng, cây trái, đủ loại rau xanh, những cái khay kẽm hay nhôm tròn lớn ngập nước vừa đủ để những con cá trên hay cá lóc đen bóng trườn bò tung tăng trong đó, những tảng thịt bò và heo đỏ lòm nằm chềnh ềnh trên những tấm nylon ố màu đẫm đầy những vết máu đỏ. Một con đường tráng xi măng rộng khoảng một thước tây xẻ đôi cái chợ dẫn vào những hàng quán nhỏ bên trong. Linh cùng bạn vừa đặt chân lên con đường xi măng, thì bỗng chàng nghe có tiếng gọi quen thuộc của ai đó:
_ Thầy ơi!
Linh giật mình nhìn sang, chàng thấy một người đàn ông đang kéo chiếc xe lôi từ phía đối diện. Linh nhận ra ngay ông già đạp xe lôi ở bến xe, chàng gật đầu lên tiếng chào:
_ Chào bác, bác ở tròng này hả?
Ông già nhe răng cười cúi đầu đáp:
_ Dạ, gia đình tui ở trong kia, thầy đi đâu tui chở mở hàng?
_ Dạ không, cháu đi uống cà phê vậy thôi.
Ông già khúm núm kéo chiếc xe nhường đường cho hai ông giáo. Thời đó được làm giáo sư hách xi xằng lắm. Phụ huynh học sinh rất kính trọng những nhà mô phạm, với niềm tin rằng giới giáo chức sẽ dạy dỗ con cháu họ nên thành người hữu ích cho xã hội, trở thành ông này bà nọ và làm vinh dự giòng họ, gia đình. Dưới mắt cha mẹ học sinh, những thầy cô là những con ngươi cao quí thánh thiện và tuyệt hảo, mà con em họ phải lấy đó làm tấm gương sáng. Cho nên giới mô phạm dù muốn hay không cũng vừa tự hào mình là một loại con người ngoại hạng và hảo hạng góp phần quyết định sự tiến bộ của xã hội và đất nước, vừa âu lo cố gìn giữ con người mình thanh cao sao cho tương xứng với niềm kính trọng của xã hội bằng nếp sống mực thước và đạo đức. Truyền thống đạo đức Á Đông đã tôn vinh những thầy cô lên thành một trong ba yếu tố thiêng liêng nhất của quốc gia: Quân - Sư - Phụ. Ngày này thì vua chúa không còn nữa, thay vào đó là Tổ Quốc, rồi vẫn đến thầy cô và cha mẹ. Bất cứ một em học sinh nhỏ nào cũng luôn được nhắc đến rằng: Cha Mẹ có công ơn nuôi nấng chúng ta đến trưởng thành, Thầy Cô có công ơn dạy dỗ chúng ta nên người.
Ngồi uống cà phê với bạn, mà Linh cứ mãi suy nghĩ chuyện đêm qua. Linh định trong lòng rằng, chút nữa chàng sẽ đi đến dãy phòng thí nghiệm xem có phải cô gái đã vào trường bằng cánh cửa cũ. Linh bâng khuâng nhìn ra cái chợ đang lên đến cao điểm nhộn nhịp, chợt ánh mắt chàng tình cờ rơi lên một chiếc áo bà ba bông tím nhỏ trong đám người ồn ào. Linh nghe trái tim chàng nện thình thình trong lồng ngực như muốn nhảy tung ra ngoài. Linh đứng lên để nhìn được rõ hơn. Chàng thấy một thiếu nữ vóc dáng rất giống cô gái giặt quần áo đêm qua, nhưng lúc ấy trời tối quá, Linh không chắc có phải chình là nàng không. Cô gái đang xách một cái giỏ nhựa căng cứng và có lẽ đang đi về. Linh muốn lắm, nhưng chàng không thể đuổi theo để nhận diện một cô gái giữa chôn đông đảo như thế này. Trường kéo tay bạn
_ Linh, đi đâu vậy, để mình kêu hủ tiếu.
Linh đành miễn cưỡng ngồi xuống, tự nhủ lòng rằng thôi cứ quên câu chuyện đó đi. Nói cho cùng thì có cái gì quan trọng đến nỗi chàng phải bận tâm đến thế đâu. Cuộc gặp gỡ chỉ thoáng qua, rồi sẽ phai nhạt dần theo thời gian. Nhưng khi đến lúc Linh sửng sốt trước cánh cửa gỗ bên cạnh dãy phòng thí nghiệm trường, với sợi lòi tói sắt và chiếc ống khóa chắc chắn, thì khuôn mặt chập chờn cùng nụ cười liêu trai huyền ảo của cô gái hồi đêm lại trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng chàng hơn bao giờ hết. Hàng trăm câu hỏi nhảy múa trong đầu của người giáo trẻ, như những con sóng biển vỗ vào ghềnh đá. Có phải nàng đã nói dối với chàng. Làm sao mà một cô gái yểu điệu nhỏ bé như thế có thể ôm một chiếc thau đầy quần áo leo qua dãy tường cao quá đầu người để vào đây chứ. Có thể nào được chứ. Cứ cho là nàng vào được đi, thì làm sao một cô gái trẻ dám ngồi một mình ở giữa khối bóng tối đen thẫm đầy dẫy những dọa nạt ghê rợn, mà chắc chắn nàng phải từng nghe người bên ngoài đã đồn đãi, đã kể cho nhau nghe nhiều chuyện ma quái trong sân trường. Dù chỉ là chuyện thêu dệt hay tưởng tượng đi nữa, đến những chàng trai hừng hực sức sống như Linh và Trường mà còn khóa cửa tử thủ trong phòng ngủ, thì chuyện một cô gái ngồi hát giữa chốn cô quạnh là một chuyện dị thường không thể tin được. Trừ khi Linh bị mắc chứng hoang tưởng thì không kể, chứ rõ ràng chàng đã trông thấy, đã ngửi hương tóc và đã trò chuyện với nàng. Với ngần ấy những điều vô cùng phi lý cho sự hiện diện của cô gái đơn độc giữa đêm khuya, đủ để Linh rùng mình đi đến một kết luận: có phải chàng NÀNG LÀ... MA.
Đột nhiên, trong tận cùng tiềm thức sâu thẳm của Linh, một tia chớp của ký ức bỗng loé lên, trời ơi, chàng đã nhớ ra rằng, ngay từ câu nói đầu, nàng gọi đúng tên Linh của chàng. Linh thẫn thờ ngồi trên cái bục xi măng tròn dưới cột cờ gần đó. Dòng ký ức dẫn dắt Linh trở lại khoảnh khắc tao ngộ, chàng nhớ đến ánh đèn pin chiếu vào chiếc ghế ngồi nhỏ của cô gái áo bông. Linh giật nẩy người như chạm phải điện. Ôi, chàng đã trông thấy đôi... guốc của nàng. Đã đành rằng thời đó những cô gái thường đi guốc, nhưng những tiếng guốc nện trước căn phòng ngủ của Linh và Trường với đôi guốc của thiếu nữ giặt đồ có những ràng buộc kết nối gì không, hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nếu đúng là nàng, thì cô gái muốn gởi đến bọn chàng một bức thông điệp gì, hay chỉ đơn thuần làm cho bọn chàng sợ chết khiếp để nhanh chóng tháo dọn ra ngoài, trả lại cái cõi âm cho những linh hồn đã chiếm ngụ trong đó được bình yên thanh thản đời đời.
Buổi chiều, trong lúc Trường xa xóm chợ tìm thăm những ông giáo đang ngụ cư ngoài đó, chắc chàng ta muốn dọt thì phải, Linh gọi chú Năm cùng chàng đi một vòng những dãy lớp học. Linh tìm cách gạ hỏi chú Năm, mà chàng chắc ràng chú ở đây lâu, chú phải chứng kiến hay ít nhất nghe biết nhiều về những mảnh quá khứ đã xảy ra trong ngôi trường này:
_ Chú Năm ở đây lâu chưa?
Chú Năm nhăn trán suy nghĩ:
_ Năm nay tui sáu mươi rồi, tui vào đây đã hai mươi năm.
_ Lúc trước chú Năm ở đâu?
Giọng chú Năm rầu rầu:
_ Tui ở dưới quê, Pháp ruồng dữ quá nhưng tui với má tui nó còn sống qua ngày rau cháo được. Nhưng tới thời Nhựt thì chịu hết nổi thầy ơi, tụi nó ở có chưa đầy một năm mà làng quê mình tan nát hết...
_ Cháu nghe ông ba cháu kể, nói hồi đó miền Bắc chết đói hai triệu người, miền Nam mình nhiều người mặc quần áo bằng bao bố phải không chú?
Linh nghe tiếng thở dài đau đớn của chú Năm, mắt chú ngấn nước:
_ Còn hơn thế nữa thầy à, Nhật nó ác lắm, nó hốt lúa miền Nam đốt xe lửa chạy cho dân mình chết đói. Mấy đứa con tui tụi nó ở truồng không hà, lần lần rồi má tụi nó cũng... đi...
Chú Năm nghẹn lời, chú chỉ lắc đầu không nói được nữa. Vết thương mấy mươi năm tưởng đã đóng sẹo, giờ đây lại vỡ toác và ứa máu. Linh vô tình gợi lại trong chú Năm những dĩ vãng đau thương của một thời đất nước chìm đắm dưới cùm xích của Pháp, Nhựt, chàng thấy mình có lỗi nhiều. Linh nhẹ nắm lấy bàn tay thô ráp của chú Năm:
_ Cháu xin lỗi đã hỏi chú những chuyện không nên hỏi.
Chú Năm gạt nước mắt :
_ Không sao thầy à, phải kể cho thầy nghe, tui hy vọng mấy thầy dạy dỗ thế hệ trẻ lớn lên chúng xây dựng nước mình giàu mạnh để ngoại quốc tụi nó không dám hiếp đáp mình nữa...
Bầu nhiệt khí trong tim Linh cuồn cuộn bốc lên như những cơn bão dữ, chàng cắn môi:
_ Cháu xin hứa cháu sẽ dạy chúng như thế, cháu hứa!
Chú Năm kéo Linh bước vào ba căn phòng liền bên cạnh dãy nhà cầu thứ nhất, chú chỉ tay lên vách:
_ Mấy chục năm trước lúc tui mới vào gác trường, mấy căn phòng này còn âm u chớ không có sáng sủa như bây giờ. Lính Pháp nó giao lại cho chính phủ mình làm trường học. Mấy cái vách tường này Pháp nó sơn dầu hắc đen thùi hà thầy.
Linh ngạc nhiên vô cùng:
_ Để chi vậy chú?
Chú Năm nhìn trừng trừng lên màu nước vôi vàng, nhưng trước mắt lung linh một màu đen ảm đạm:
_ Để đánh đập dân mình máu văng lên không ai thấy?
Hai chân Linh bủn rủn, chàng loạng choạng, nghẹn thở:
_ Như vậy... như vậy... phải có nhiều người... chết ở đây lắm phải không?
Chú Năm rầu rầu:
_ Tui không rõ, nhưng chắc là có chớ, không có chúng bắt vô đây làm gì?
Phải cố gắng Linh mới dám hỏi một câu ghê rợn:
_ Chúng có bắt đàn bà con gái vào đây không?
Chú Năm nhìn Linh trợn mắt lên:
_ Làm gì không có?
_ Chúng làm gì?
Chú Năm nghiến răng:
_ Để làm gì thầy biết rồi, đâu cần phải hỏi nữa!
Chú Năm kéo thầy giáo Linh ngồi xuống chiếc băng ghế học trò dịu giọng:
_ Để tui kể cho thầy nghe một câu chuyện thương tâm mà tui nghe mấy ông bà cụ xóm ngoài kể lại đã xảy ra trong căn phòng này, thầy muốn nghe không?
Một nỗi bồi hồi xúc cảm dâng lên tỏng lòng chàng giáo trẻ:
_ Chú Năm kể đi, cháu muốn nghe lắm...
o0o
Những năm 1940, phát xít Nhật tràn vào Đông Dương, sau khi quân đội Nhựt đã chiếm lấy bán đảo Sơn Đông, Mãn Châu và Nam Kinh của Trung Hoa Dân Quốc trong thập niên trước, mà đã gây ra cuộc Trung - Nhật chiến tranh đẫm máu. Lính Nhật hãm hiếp hàng trăm ngàn phụ nữ Nam Kinh thật tàn bạo, tiếng kêu khóc của những người phụ nữ bất hạnh vang dội thảm thiết đến tận chín tầng trời cao, đến thánh thần cũng phải rùng mình. Quân Nhật bắt hai trăm ngàn đàn ông Nam Kinh trói quỳ trên đất rồi dùng gươm chém cổ, hay bắn súng vào đầu. Cuộc thảm sát kéo dài một tuần lễ, quân Nhật mới chém chết đến người cuối cùng. Có thể nói rằng quan niệm về chiến tranh và tù binh của người Nhật hoàn toàn khác với phần còn lại của Á châu. Được trang bị bằng truyền thống võ sĩ đạo cuồng tín, rằng người võ sĩ chiến bại không còn xứng đáng với cuộc sống con người, mà chỉ có cái chết mới gột rửa được cái nhục thua trận. Với niêm tin đó, quân phát xít Nhựt nhìn đâu cũng thấy người bại trận đáng chết, hay nếu có sống thì cũng bằng kiếp tôi mọi như một con thú. Tháng 3.1945, quân Nhật làm đảo chính lật đổ quân Pháp, tước khí giới và bắt giết sĩ quan Pháp, khiến chúng phải lủi trốn vào nhà dân Việt, ở những nơi mà lúc trước chúng hùng hổ ruông bố, bắt bớ và hãm hiếp. Với tấm lòng bao dung và độ lượng của người quân tử, dân Việt cũng vui lòng che chở cho những người Pháp thất thế.
Người Pháp nhận chịu sự thống trí của người Nhật và răm rắp, dĩ nhiên là với tất cả sự miễn cưỡng, những mệnh lệnh hay đòi hỏi, luôn luôn là quá đáng đến tàn nhẫn của chúng. Nhật buộc Pháp phải cung cấp mỗi năm trên dưới một triệu tấn gạo cho chúng. Để có thể làm được điều đó, Pháp cho in thêm tiền Đông Dương và mua ép giá nông dân Việt Nam, cưỡng buộc phải ứng cho đủ số lượng. Một tạ gạo thời đó giá 200 đồng, Phải chỉ mua có 25 đồng, người nông dân buộc phải dùng tiềm mua gạo giá mắc của gian thương tích trữ để nộp bán đủ số. Để làm cho sự thống khổ của dân Việt thêm oằn nặng, quân Nhật bắt nông dân miền Bắc trồng đay, gai thay lúa cho nhu cầu quân nhu của chúng. Nạn đói manh nha từ những năm trước, cho đến mùa xuân năm 1945, thì nó đã bùng vỡ lên thành một cơn dịch đói hãi hùng. Khắp miền Bắc ở đâu cũng thầy hàng ngàn người ôm đói như những bộ xương còn sống kéo nhau đi thất thiểu mọi nẻo đường. Gạo miền Nam không chở ra cứu trợ được, bởi lẽ phi cơ Đồng Minh oanh tạc ngày đêm quốc lộ 1 và các mỏ than. Nhật và Pháp cho dùng lúa miền Nam đốt lò hơi xe lửa để chuyên chở quân lính và tiếp liệu. Chính phủ Trần Trọng Kim dưới quyền lãnh đạo của vua Bảo Đại cố gắng tổ chức nhiều đoàn xe hàng chở gạo ra Bắc, nhưng chỉ như những hạt muối ném mất tăm xuống biển, trong khi, trời ơi, những kho trữ lúa gạo của Nhật ở miền Bắc vẫn chất cao như núi. Gần hai triệu dân miền Bắc đã chết tức uất bên những cánh cửa kho gạo đóng im ỉm đó.
Khi quân Nhật tiếp quản trại lính Pháp, chúng cũng làm cùng cái chuyện mà đồng bọn chúng ở Nam Kinh đã làm. Người ta không được biết lính Nhựt đã cưỡng hiếp bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam. Có một ngày, một cô gái Việt trẻ, đẹp, chừng mười bảy mười tám bị bắt vào dâng cho tên đội trưởng trại lính Nhựt. Gã sĩ quan Nhựt đang ngồi gác chân lên bàn phì phà thuốc đưa đôi mắt trắng đục đầy những sợi chỉ máu nhìn chằm chằm lên thân thể cô gái nhỏ. Cô nàng run lẩy bẩy đứng nép vào góc phòng, nàng không dám ngước nhìn khuôn mặt đầy góc cạnh, hai chiếc gò má xương xẩu cao vút và bộ râu cứt mũi quái gỡ của hắn. Chẳng biết quan niệm về thẩm mỹ của bọn sĩ quan Nhựt là thế nào, mà bọn chúng tỉa râu mép thành một chỏm ngắn ngủn ngay dưới chóp mũi, trông vừa buồn cười vì giống những tên hề, vừa nham hiểm và tàn bạo như những tên đồ tể. Gã sĩ quan Nhựt tháo thanh gươm với chiếc vỏ từ tốn đặt lên bàn, chắc rằng hắn muốn thân thể gọn nhẹ cho một cuộc truy hoản hả hê sắp diễn ra. Hắn thè lưỡi liếm môi tưởng tượng lúc hắn phóng tới vồ lấy cắn xé con nai tơ non thơm phức trước mặt, sẽ dày vò nàng suốt đêm cho đến khi cái thân thể đó nhầy nhụa và chết ngất đi mới thôi. Gã sĩ quan Nhật từ từ đứng dậy, hắn tháo bớt mấy hột nút áo, lắc lắc đầu đằng hắng vài cái. Cô gái Việt hoảng sợ đưa mắt nhìn cánh cửa đã đóng kín, nàng muốn kêu lên cầu cứu, nhưng biết kêu ai bây giờ. Phía sau kia là một bầy lang sói đang nhe nanh vuốt chờ, mà sau khi tên đội trưởng đã hưởng thụ chán chê rồi, hắn sẽ quảng nàng ra cho chúng cấu xé. Tên Nhật bước tới mấy bước, con sâu róm đen dưới mũi hắn động đậy trong một tiếng cười dâm dục, hai tay hắn giang ra chuẩn bị ôm cô gái vào lòng. Cô gái nhỏ sợ chết điếng, nàng co rúm người ngồi xuống đưa tay lên miệng để nén tiếng khóc sắp sửa vỡ òa. Đột nhiên, nàng quỳ xuống chắp tay lạy gã sĩ quan Nhật, mái tóc đen xõa tung rối bời, trong tiếng khóc kinh hoàng:
_ Lạy ông tha cho con... lạy ông... con còn nhỏ... con lạy ông... con không biết gì...