HÃY YÊU KẺ THÙ VÀ LÀM ƠN CHO KẺ GHÉT MÌNH


Vào thời Cha thánh Pio thành Pietrelcina (1887-1969) còn sống, các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới lũ lượt kéo về San Giovanni Rotondo ở miền Nam nước Ý nơi có Tu Viện của Các Cha Cappuccini để được gặp mặt và nhất là, để được một lần xưng tội với Cha Pio. Sau đây là lời dạy và chứng tá của Cha Pio về nghĩa vụ tha thứ của tín hữu Công Giáo.

Một lần kia, một phụ nữ Công Giáo trẻ tuổi người Ý than phiền với Cha Pio về việc mình bị cư xử bất công, bị liên lỉ nhục mạ từ phía gia đình nhà chồng. Vào cuối buổi xưng tội, với lời lẽ dịu dàng chan chứa niềm cảm thông, Cha Pio nói:
- Con có trái tim đầy tràn uất hận dành cho thân nhân của chồng con. Con có lý do, bởi lẽ con có lý, nhưng vì Tình Yêu THIÊN CHÚA, con hãy sẵn sàng tha thứ cho họ!

Một lần khác, Cha Pio bất ngờ hỏi một hối nhân nơi tòa giải tội:
- Con có biết làm việc xét mình không?

Thình thình bị hỏi, hối nhân lúng túng không biết trả lời sao. Thấy vậy, Cha Pio nói tiếp:
- Bây giờ xem thử nhé! Nếu một người xúc phạm đến con, làm mất lòng con thì con phản ứng như thế nào?

Hối nhân trả lời:
- Ồ thưa Cha, dĩ nhiên con phản ứng liền, phản ứng mạnh, rồi sau đó con hối hận và cố gắng tha thứ cho người ấy!

Cha Pio hiền từ nói:
- Vậy là con lầm rồi! Nếu có người xúc phạm đến con, thì ngay lúc bị xúc phạm, con phải tha thứ cho họ! Tha thứ mà không có phản ứng dữ dội nào hết. Tha thứ sau khi đã phản ứng là chuyện đã muộn!

Thế nhưng không phải Cha Pio chỉ nói suông, chỉ giáo huấn suông về nghĩa vụ tha thứ. Chính Cha Pio là người đầu tiên thực thi và nêu cao gương sáng về sự tha thứ. Bà Cleonice Morcaldi (1904-1987) làm chứng như sau.

Vào thập niên 1920 - thời kỳ mà Cha thánh Pio bị rất nhiều vu khống sỉ nhục - có một bác sĩ từ San Giovanni Rotondo đích thân đến thủ đô Roma mang theo các lời cáo buộc về Cha Pio. Khi ông trở về và đến Tu Viện, thì một tu sĩ biết chuyện, tìm cách ngăn cản không cho ông đến Phòng Thánh nơi Cha Pio đang giải tội. Nhưng Cha Pio nói với tu sĩ cứ để yên cho ông bác sĩ vào. Và khi ông đến gần, Cha Pio gọi đích danh ông và nói lớn tiếng:
- Ồ, bạn đi xa lâu ngày quá! Chúng ta hãy ôm chào nhau đi!

Và Cha Pio âu yếm ôm hôn ông bác sĩ trước mặt mọi người.

Chưa hết! Ngoài việc tuyệt đối chống lại lòng thù hận, Cha Pio còn tìm cách bài trừ ngay cả sự mất cảm tình, cái linh tính xem người khác là đối thủ hoặc chỉ là người mình không ưa. Một hôm, một phụ nữ Công Giáo nói với Cha Pio nơi tòa Giải Tội:
- Thưa Cha, con phải khó nhọc lắm mới có thể chào hỏi những người con không thích!

Cha Pio trả lời ngay:
- Mấy người ngoại giáo cũng làm y như con! Vậy thì, là tín hữu Công Giáo, con có nghĩa vụ phải tha thứ và yêu thương cả những người con không thích, không có cảm tình!


... Đức Chúa GIÊSU ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: ”Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước THIÊN CHÚA là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì THIÊN CHÚA sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên Trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế .. Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho cho kẻ ghét anh em. Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh em má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh em, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh em, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy .. Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Luca 6,20-23/27-35).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, 7 giorni di formazione e di informazione cattolica, Anno X, n.5, 6 Febbraio 2011, trang 2-3)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt