NHẬN DIỆN XẢO KẾ CỦA THẦN DỮ
(Chúa Nhật I Mùa chay A)
“Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,4-5). Là Kitô hữu trưởng thành, chắc chắn không ai ngộ nhận rằng nguyên tổ loài người vì ăn trái cây ở giữa vườn địa đàng, vốn được cho là trái táo, mà phạm tội. Chịu khó suy tư, thì người ta cũng khó chấp nhận chuyện “muốn biết điều thiện, điều ác” là phạm trọng tội. Trái lại, đã là người, là loài có trí khôn, thì cần phải biết, đúng hơn là phải nỗ lực phân định và nhận biết cái nào là tốt cái nào là xấu, sự gì là thiện, sự gì là ác, việc gì là lành, việc gì là dữ. Vì đây chính là một trong những nét ưu việt của loài người trên các loài hữu hình được dựng nên. Thế thì tội của nguyên tổ loài người ở đâu?
“Nên như những vị thần biết điều thiện ác”. Tội của nguyên tổ là ở điểm này. Sự thường, chỉ có người sản xuất mới có khả năng thẩm định chất lượng tốt xấu của sản phẩm, vì chính họ là người đặt ra các tiêu chí chất lượng của các sản phẩm khi sản xuất ra chúng. Những người tin vào Thiên Chúa nhìn nhận duy chỉ mình Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi hiện hữu. Chính Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên mọi vật mọi loài từ hư vô. Và như thế chỉ mình Người mới có thẩm quyền và có khả năng thẩm định loài nào, cá thể nào,, tập thể nào… là tốt hay xấu, đúng hay sai, lành hay dữ. Một dữ kiện, một hành vi, một cá nhân hay một tập thể được xem là lành, là tốt khi chúng xảy ra, được thực thi hay hiện hữu đúng theo tiêu chí và ý hướng Thiên Chúa vạch định, nếu trái lại thì bị xem là xấu, là dữ.
Như thế, con người vốn là loài thọ tạo, tự mình không thể có tư cách và khả năng thẩm định điều tốt xấu, lành dữ. Tuy nhiên, con người nhờ được Thiên Chúa phú ban trí khôn, có thể nhận biết và phân định điều tốt xấu, lành dữ một cách chuẩn mực nào đó, nhưng phải luôn tuân theo thánh ý của Thiên Chúa, nghĩa là theo sự soi sáng, hướng dẫn của Người. Tội của nguyên tổ khi muốn “nên như những vị thần biết điều thiện ác” là muốn tự mình thẩm định điều thiện ác, tốt xấu theo ý riêng của mình. Ý riêng của con người vốn bị chi phối bởi tình yêu vị kỷ. Chính vì thế người ta dễ dàng cho là tốt, là lành những gì hợp với mình, có lợi cho mình, cho dù những điều ấy có khi là xấu với tha nhân hoặc thậm chí gây thiệt hại cho tha nhân.
Được mùa lúa, úa mùa xoài. Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa. Điều này có lợi cho anh và anh cho rằng tốt nhưng nó là có hại cho tôi nên tôi cho rằng xấu. Khi cái tiêu chí là ý riêng mà sự thường xuất phát bởi lợi ích vị kỷ, được dùng để thẩm định tốt xấu thì trật tự khách quan không còn và đương nhiên xảy ra tình trạng hỗn độn giữa người với người, giữa cả loài người với vũ trụ thiên nhiên. Đây là hiện thực mà những chương đầu Sách Sáng Thế đã trình bày. Thần dữ đã không cám dỗ nguyên tổ trực tiếp làm điều xấu. Nó đã tinh quái cám dỗ tổ tiên chúng ta làm một việc tốt đó là phân định điều tốt xấu, lành dữ, nhưng không theo thánh ý Thiên Chúa mà theo ý riêng mình. Nguyên tổ loài người, Ađam cũ đã thua chước cám dỗ khi chọn mình và ý riêng của mình làm cứu cánh.
Đức Kitô, Ađam mới đã chiến đấu và chiến thắng thần dữ khi công khai rao giảng Tin Mừng. Cùng một xảo kế như thưở đầu của buổi tạo dựng, thần dữ không cám dỗ Chúa Kitô làm điều xấu. Nó không cám dỗ Con Thiên Chúa làm người, từ bỏ công trình cứu độ, nhưng cám dỗ Người thực thi công trình cứu độ theo ý riêng mình và dĩ nhiên là trái với thánh ý Chúa Cha.
Mặc dù có chút khác biệt nhỏ, nhưng cả ba Tin Mừng Matthêu, Maccô, Luca đều tường thuật giống nhau về nội dung các chước cám dỗ. Chúng ta có thể nhận ra chước cám dỗ của thần dữ mang tính toàn diện, nghĩa là nó cám dỗ Chúa Giêsu về cả đức tin, đức cậy và đức mến mà mẫu số chung là cách thế thực thi công trình cứu độ như thế nào.
“Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” Ma quỷ không dại gì cám dỗ Chúa Giêsu không yêu thương loài người, nhưng nó tinh ranh cám dỗ Ngưòi thể hiện tình yêu cách phiếm diện. Con ngưòi trong thân phận xác phàm tất yếu bị chi phối bởi nhu cầu lương thực. Bày tỏ tình yêu bằng cách cung cấp lương thực vật chất cho tha nhân dường như là cách thế dễ thuyết phục nhất. Thế nhưng, con người không phải là hữu thể thuần vật chất. Con người là hữu thể xác-hồn duy nhất. Nếu chỉ yêu thương về phần xác thì chưa hẳn đã là yêu thương con người. Chúa Giêsu đã nhận rõ sự tinh quái của thần dữ và Người khẳng định: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.
Sống đức mến là kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn…trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình. Kitô hữu chúng ta, từ người giáo dân đến hàng mục tử rất có thể bị cám dỗ sống đức mến cách phiếm diện. Và nguời ta thường có đủ lý do để biện bạch cho cách thế yêu thương của mình mà thực ra chỉ là yêu thương theo ý riêng của mình chứ không phải theo thánh ý Thiên Chúa.
“Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình từ nóc Đền thờ xuống đi, vì Thiên Chúa sẽ cho thiên sứ nâng đỡ”. Là Kitô hữu, chúng ta phải tin cậy vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Tuy nhiên sự tin cậy này đòi hỏi chúng ta vừa phải biết khôn ngoan vừa phải biết nỗ lực sử dụng mọi khả năng Thiên Chúa ban. “Ngươi không được thử thách Thiên Chúa!”. Bắt Thiên Chúa phục vụ mình là một tội, lỗi đức cậy. Nhiều khi chúng ta những tưởng rằng mình phó thác cậy trông vào Thiên Chúa khi liều mình sống trong những tình cảnh “cheo leo”, nguy hiểm, nhưng đây là một hình thức bắt Thiên Chúa phải theo ý riêng mình.
“Sấp mình bái lạy thần dữ” là một trọng tội, lỗi đức tin. Khuôn mặt của thần dữ ít khi tỏ lộ nguyên tướng. Nhưng nó thường ẩn mình dưới sức mạnh của tiền bạc, của quyền lực. “Không được làm tôi hai chủ”. Không được vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được (x.Mt 6,24-25). Thoả hiệp với quyền lực thế trần một cách bất chính cũng là một cách thế chối từ Đấng tối cao. Chúa Giêsu đã thẳng thừng quát thần dữ: “Satan, hãy xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Người phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4,10).
Mục đích không thể biện minh cho phương tiện. Đây nguyên tắc mà Kitô hữu chúng ta được Giáo Hội căn cứ vào lời mạc khải truyền dạy cho. Để đạt mục đích tốt, chúng ta cần phải sử dụng những phương tiện tốt, đúng thánh ý Thiên Chúa. Ma quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu thì nó cũng chẳng kiêng dè bất cứ ai trong nhân loại chúng ta.
Ai lại không muốn được việc, nhất là khi việc ấy là việc tốt. Ai lại không muốn được việc, nhất là khi việc ấy có vẻ đem lại lợi ích cho nhiều người, thậm chí cho giáo hội nữa. Và thế là chúng ta dễ bị cám dỗ sử dụng những phương thế theo ý riêng mình mà không phải là thánh ý Thiên Chúa. Thực tế cho thấy vẫn có đó nhiều người cùng nhắm một mục đích tốt nhưng lại sử dụng những phương thế khác nhau, nhiều khi là trái ngược nhau. Ngay cả ngoài xã hội, người ta ít tranh luận về mục đích tốt như là xây dựng hoà bình, bảo vệ môi sinh, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh… nhưng người ta lại khó đồng thuận với nhau về phương cách để đạt các mục đích ấy. Và đây chính là lãnh vực thần dữ xen chân vào.
Là Kitô hữu giáo dân hay giáo sĩ, chúng ta cần tự hỏi: Để xây dựng Nước Trời, để làm cho Danh Chúa cả sáng, thì các việc tôi làm, các phương cách tôi sử dụng có đúng với thánh ý Thiên Chúa không hay chúng chỉ là do ý riêng của mình?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột