SỰ UỶ THÁC CỦA CHÚA GIÊSU



Một buổi sáng kia, bé Jenny bẩy tuổi ngồi ăn điểm tâm trên chiếc bàn nhỏ trong bếp. Ngay lúc đó, cha em bước vào. Ông vội vã đến cạnh bé để lấy món đồ gì đó.

Bé Jenny đứng dậy, đi theo ông, nắm lấy cánh tay ông, và nói, “Bố ơi, bố có quên một điều. Bố quên nói ‘good morning’ với con”.

Ông ôm lấy bé, và nói, “Xin lỗi con. Bố đang nghĩ đến những khó khăn ở sở làm.”

Sau đó, tay vẫn ôm lấy cánh tay của bố, bé Jenny nói, “Bố ơi, sáng nay bố có cầu nguyện không?” “Không,” ông bố thú nhận một cách ngượng ngùng.

Bé Jenny nói, “Đến đây với con. Chỉ mất có vài phút thôi.” Bé kéo ông ra khỏi phòng ăn và đi vào phòng của nó. Dẫn bố đến góc phòng mà bé thường cầu nguyện, Jenny nói, “Bố ơi, nhắm mắt lại.” Ông vâng theo.

Sau đó, bé Jenny cũng nhắm mắt và nói nhỏ, “Chúa Giêsu nói, ‘Đừng sợ. Ta luôn ở với con.’”

Sau khi im lặng đôi chút, bé mở mắt ra và nói, “Bố hãy suy nghĩ về điều đó, và bố sẽ thấy an tâm.”

Tôi thích câu chuyện này vì hai lý do. Thứ nhất, chính là điều mà em gái này thi hành. Thứ hai, chính là điều mà ông bố của em Jenny cần đến vào lúc đó.

Ông cần nhớ đến lời Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ trong những lời sau cùng, như được chép trong Phúc Âm Mátthêu. Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ luôn ở với anh em cho đến tận thế.”

Điều đúng với ông bố của bé Jenny thì cũng đúng với tất cả chúng ta.

Chúng ta có khuynh hướng quá bận rộn với những khó khăn ngày này sang ngày khác trong cuộc sống, chúng ta cần tạm ngưng hàng ngày, và nhớ lại điều mà bé Jenny đã nắm vững và diễn tả thật hay.

Chúng ta cần nhớ rằng Chúa Giêsu luôn hiện diện với chúng ta ngay bây giờ, như khi Người hiện diện với các môn đệ khi còn sống ở thế gian.

Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn vào ngày lễ Thăng Thiên hôm nay khi Chúa Giêsu lên trời. Đó là một ngày lễ quan trọng nhất của năm phụng vụ và bao gồm hai sự cử hành.

Thứ nhất, lễ này mừng sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên tội lỗi và sự chết và sự trở về vinh hiển với Chúa Cha trên thiên đàng.

Ở đó Người ngự ở bên hữu Chúa Cha, với tư cách là đầu của Thân Thể, là Hội Thánh, và là vua của mọi tạo vật.

Điều này đưa chúng ta trở về với câu chuyện của bé Jenny. Lễ Thăng Thiên không mừng sự vinh hiển tột cùng của sự hiện diện bằng thân xác của Đức Giêsu trong thế gian.

Đúng hơn, lễ này mừng sự tiếp tục hiện diện của Chúa Giêsu giữa chúng ta trong sự vinh hiển mầu nhiệm qua một phương cách hoàn toàn mới và mạnh mẽ hơn.

Lễ này vui mừng với sự kiện rằng Chúa Giêsu không còn hiện diện với chúng ta qua thân xác con người trong một phương cách vật chất.

Đúng hơn, Người hiện diện với chúng ta qua thân thể mầu nhiệm của Người trong một phương cách thiêng liêng.

Và vì thế điều đầu tiên chúng ta cử hành trong ngày lễ trọng đại này là sự lên trời vinh hiển của Chúa Giêsu; và Người tiếp tục hiện diện với chúng ta như đầu của thân thể Người, là Hội Thánh.

Điều này đưa chúng ta đến chiều kích thứ hai của việc mừng lễ Thăng Thiên.

Chúng ta vui mừng với sự uỷ thác mà Chúa Giêsu trao cho chúng ta, các môn đệ của Người. Điều đó được nói rõ trong bài đọc một và bài phúc âm hôm nay.

Trong bài đọc một, Đức Giêsu nói với các môn đệ:
Khi Thánh Thần ngự trên anh em, anh em sẽ được đổ đầy sức mạnh, và sẽ trở nên nhân chứng cho Thầy… cho đến tận cùng trái đất. CVTĐ 1:8

Trong Phúc Âm, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng sau khi Người lên trời, họ phải trở về Giêrusalem để cầu nguyện và chuẩn bị đón Chúa Thánh Thần đến.
Khi Chúa Thánh Thần đến, họ sẽ được đổ đầy sức mạnh để ra đi và trở nên nhân chứng cho đến tận cùng trái đất.

Chúng ta có thể so sánh lễ Thăng Thiên như người chạy đua tiếp sức chuyền lại cây gậy nhỏ cho người khác.

Nói về thực tế, điều này có nghĩa gì cho chúng ta đang quy tụ ở đây?

Nó có nghĩa chúng ta được mời gọi để tiếp tục công việc mà Đức Giêsu đã khởi sự ở trần gian, khi Người hiện diện trong thân xác.

Có phải điều này có nghĩa rằng chúng ta phải ra đi và thực sự rao giảng về Chúa Giêsu như Thánh Phêrô và các môn đệ khác đã thi hành hay không?

Thí dụ, có phải điều này có nghĩa là dựng lên một trạm thông tin trong trung tâm thương mãi nào đó, và mời người ta đến uống nước và giải thích những gì chúng ta đang thi hành và tại sao chúng ta lại thi hành điều ấy không?

Có lẽ đối với một số người điều này có nghĩa đúng như vậy, nhất là khi chúng ta về hưu, có tài chánh bảo đảm, và thuộc về một nhóm nào đó.

Nhưng, với hầu hết chúng ta, có lẽ nó có nghĩa một điều gì đó ít gây ấn tượng hơn. Tối thiểu, nó có nghĩa sống Phúc Âm trong đời sống hàng ngày.

Tối thiểu, nó có nghĩa trở nên nhân chứng cho Chúa Giêsu trong chính gia đình mình, như bé Jenny.

Chỉ khi nào chúng ta bắt đầu nghiêm trọng nói về ơn gọi Kitô Hữu của mình, sứ điệp của Chúa Giêsu sẽ có ảnh hưởng trong thế giới chúng ta.

Và, nếu chúng ta bước đi trong đức tin và sống đức tin ấy, nó sẽ tạo nên sóng lăn tăn trong thế gian. Và nếu nhiều người chúng ta thi hành điều ấy, sóng lăn tăn sẽ trở nên một ngọn sóng lớn.

Và ngọn sóng ấy – được thêm sức bởi Chúa Thánh Thần – sẽ canh tân bộ mặt trái đất trong một phương cách mà chúng ta không bao giờ dám mơ tưởng.

Đây là điều chúng ta cử hành trong ngày lễ hôm nay.

Trước hết, chúng ta cử hành sự hiện diện mầu nhiệm của Chúa Giêsu giữa chúng ta trong thân thể thiêng liêng của Người, là Hội Thánh.

Thứ hai, chúng ta nhớ đến sự uỷ thác mà Chúa Giêsu đã trao cho chúng ta là làm chứng cho Người – tối thiểu – bởi chính đức tin và gương mẫu của mình, như bé Jenny đã làm.


Lm Mark Link, SJ