Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (80)

801. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cầu nguyện tại Nhà Thờ Mồ Thánh Chúa Giêsu dịp hành hương Thánh Địa ngày 05-01-1964

Lạy Chúa Giêsu, nơi đây, Chúa vô tội mà bị xét xử, thánh thiện mà bị lên án.

Nơi đây, Chúa là Con Người và đã bị hành hung, đánh đập, đóng đinh và chịu chết.

Nơi đây, Chúa là Con Thiên Chúa mà đã phải người ta khinh mạn, nhạo cười, chối bỏ; là ánh sáng mà đã phải gặp những tối tăm; là Vua mà phải treo lên thập giá; là Sự Sống mà phải đành chịu chết, nhưng chết để mà sống lại!

Nơi đây, chúng con nhớ đến Chúa, Ớ Chúa Kitô, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con kêu cầu lên Chúa.

Nơi đây, lạy Chúa Giêsu, sự Thương Khó Chúa đã là lễ dâng được dọn sẵn, được nhận lãnh, được đồng ý trước; sự Tử nạn của Chúa đã là một hiến tế; Chúa là Của Lễ, là Thầy Tế Lễ.

Nơi đây, sự chết của Chúa đã là cái thước đo tội lỗi người đời, là của lễ toàn thiêu vượt trổi lên tất cả các cử chỉ anh hùng, là giá chuộc dâng lên cho Thiên Chúa chí công và là tang chứng của một tình yêu cao quý nhất.

Ớ Chúa Kitô,

nơi đây, sống và chết tương tranh;

nơi đây, Chúa đã vinh thắng khởi hoàn;

nơi đây, Chúa chết vì chúng con và sống lại cũng cho chúng con.

Lạy Chúa Thánh,

Lạy Chúa Uy Quyền,

Lạy Chúa Thánh và Muôn Đời, xin thương xót chúng con.

802. Cây thập giá Chúa Giêsu phải vác

Thập giá mà Chúa Giêsu phải vác và chịu đóng đinh vào đó, là hai lẻ gỗ to, đóng hình chữ thập, một lẻ dài 4 mét 50, một lẻ dài 02 mét. Hai lẻ nầy cân nặng chừng 100 cân.

Thập giá được làm ra nặng như thế, là cố ý cho tội nhân kiệt sức để dễ bị hành tội và đóng đinh.

Trước khi bị đóng đinh vào thập giá, tội nhân phải vác nó mà đi.

803. Thờ lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh chết trên thập giá

Chúng ta biết rằng trước khi Chúa Giêsu vác thập giá, thì theo lệnh các nhà cầm quyền Do Thái và Rôma, ngài đã bị quân lính đánh đòn nhiều trận chí tử. Riêng những trận đòn như thế cũng đủ làm cho Chúa phải chết rồi, hoặc ít ra cũng phải thoi thóp hấp hối vì roi đánh làm bằng da thú rất bền, lại có gắn thêm nhiều tua bọc móc sắt như lưỡi câu, nên mỗi lần quất roi vào, là tước ra một miếng thịt.

Thân hình Chúa Giêsu tiều tụy, bầm dập, đầy máu vì những trận đòn quá tàn bạo độc ác, giờ đây, còn mang nặng thêm hai lẻ gỗ một trăm cân, phải vác đi lối một cây số và trèo lên đồi cao lởm chởm gồ ghề sỏi đá, trong tiếng hò hét rủa nộp của tức giận và hận thù, với những làn roi tiếp tục thúc vào mình Chúa, cho nên Chúa đã ngã quỵ nhiều lần trên đường lên đồi Gôngôta.

Đến nơi xử tử là đỉnh đồi Gôngôta, Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá.

Bị xử tử bằng đóng đinh vào thập giá là một cách chết tủi nhục nặng nề nhất, dành cho các phạm nhân tử tội cở tướng cướp ác ôn hay phản loạn ghê gớm. Nạn nhân sẽ hết máu và sẽ chết khát.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thờ lạy Chúa bị đóng đinh trên Cây Thánh Giá!

Chúng thờ lạy Thánh Giá Chúa!

804. Cuốn sách Thánh Giá

Thánh Giá là cuốn sách ta phải học và phải đọc luôn trong suốt cuộc hành trình đức tin trên đường dương thế nầy.

Những trang sách là Thân Thể của Chúa Giêsu.

Những chữ là những Thương Tích của Chúa Giêsu.

Mực là Máu của Chúa Giêsu.

Ngòi viết là sự công bình và sự nhân từ vô biên của Đức Chúa Cha.

Tước hiệu cuốn sách là: Giêsu Nadarét, Vua Dân Do Thái.

805. Chúng ta là những ông Ximong.

Khi vác thập giá lên Núi Sọ, Chúa Giêsu được ông Ximong giúp vác.

Khi được ông Ximong giúp vác, Chúa Giêsu nghĩ đến tất cả chúng ta sau nầy sẽ giúp Chúa vác thánh giá của Ngài bằng cách vác thánh giá hằng ngày của mình.

Vì thế, lúc đó, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho mỗi một người chúng ta được những ơn lớn lao để chúng ta được mạnh mẽ, chịu đựng và phó thác, hầu chúng ta được nói như Chúa xưa: “Lạy Cha, xin theo ý Cha, chứ đừng theo ý con.”

806. Tin tưởng vào ai thì được người đó dành cho tình bạn.

Có một nhà quảng cáo nổi tiếng người Mỹ, tự nhiên cảm thấy một người bạn cũ của mình cứ lạnh nhạt dần với mình.

Cảm giác như vậy, ông liền đi nhờ người bạn nầy giúp mình thẩm tra một bản thiết kế một ống nước mới, đồng thời tỏ ra là bạn mình có thể cho ý kiến.

Người bạn, là kiến trúc sư đó, khi nhận được bản thiết kế ống nước, ngoài dự liệu của nhà quảng cáo nọ, người bạn nầy còn đưa ra rất nhiều ý kiến đóng góp quý báu. Hơn nữa, tình bạn lâu nay của hai người, từ ngày đó, cũng tốt đẹp trở lại. (Cuộc Sống Tươi Đẹp – Dale Carnegie)

807. Lo buồn là vô ích.

Trong suốt cuộc đời mình, tôi (Dadi Janki) không có gì phải lo buồn.

Cho dù ngày mai không còn gì để ăn, tôi cũng không lo lắng. Tôi cảm nhận rằng dù ngày mai có xảy ra việc gì đi nữa, thì đến ngày mai, chúng ta sẽ xem xét. Còn hôm nay, chúng ta còn cái gì đó để ăn.

Nếu có 50 hay 100 người đến nơi tôi ở, và tôi không có gì để đãi họ ăn, thì không bao giờ tôi có ý nghĩ: “Ta không có gì để đãi họ cả.” Ít nhất tôi cũng có thể đón chào họ nồng nhiệt với nụ cười, và mời họ cốc nước.

Nhưng nếu vẻ mặt tôi lộ vẻ buồn phiền, thì ngay cả việc đón chào và mời họ một cốc nước, tôi cũng không làm nổi. (Từ Nội Tâm Hướng Ra Bên Ngoài – Dadi Janki)

808. Hợp tác giữa người làm vườn và thiên nhiên

Bạn có biết công việc của người làm vườn diễn ra như thế nào không?

Đầu tiên là chọn đất, chọn giống theo mùa vụ thích hợp. Sau đó sẽ là việc cày xới đất, gieo hạt rồi tưới nước. Tiếp theo, anh ta phải đảm bảo luôn có đủ nước cho khu vườn, ngăn ngừa côn trùng tấn công.

Nhưng vẫn chưa đủ, khu vườn của anh ta tươi tốt hay lụi tàn còn phụ thuộc rất nhiều vào việc thiên nhiên có ban tặng điều kiện sống thich hợp cho nó hay không.

Anh ta hợp tác và giúp đỡ khu vườn, nhưng không thể can thiệp được vào các quy luật của tự nhiên: bão tuyết. giông tố, ngập úng, nắng hạn,...

Khu vườn đẹp là sản phẩm của sự hợp tác giữa anh ta và thiên nhiên. Anh ta cần biết đặt mình vào những quy luật của thiên nhiên, hiểu được rằng khi nào thì nên xen vào và khi nào thì phải chờ đợi. (Tư Duy Tích Cực – Trish Summerfield, Frederic Labarthe – Anthony Strano)

809. Bài học về cách cúi đầu

Một thanh niên tìm được việc làm trong một cửa hàng tạp hoá.

Ngay ngày đầu tiên đi làm, người chủ đưa cho anh ta một cây chổi và nói: “Anh quét nhà đi nhé!”

Quá ngạc nhiên, người thanh niên trả lời: “Nhưng tôi là người có bằng đại học mà!”

- “Ồ, xin lỗi,” ông chủ nói, “Tôi không biết là trường đại học không dạy anh việc đó. Đưa chổi đây, tôi sẽ chỉ cho anh làm.”

Một trong những bài học đặc biệt của cuộc sống là thỉnh thoảng, khi cúi đầu xuống, ta sẽ thấy hài lòng thật sự.

Có khi chúng ta tin rằng nếu chúng ta có thể vươn lên đến một mức sống nào đó, hoặc nếu chúng ta đạt đến một mức sống nào đó, hoặc nếu chúng ta đạt đến một mức thu nhập nào đó, hoặc có được một mức học vấn nào đó, chúng ta sẽ được hạnh phúc. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ nếm trải được hương vị ngọt ngào của hạnh phúc thật sự nếu chúng ta không học được những giá trị của sự đơn giản và tinh thần phục vụ. Đó là bài học về tính khiêm tốn – bài học về cách cúi đầu! (1 Phút Có Thể Thay Đổi Cuộc Đời – Steve Goodier)

810. Những chia sẻ thật lòng trong lúc khó khăn đã được đền đáp xứng đáng.

Tháng 12 năm 1995, xưởng dệt Malden bị thiêu rụi.

Chủ xưởng Aaron Feuerstein vô cùng thất vọng bởi anh đã đầu tư hết công sức và tiền của để phát triển nhà máy trước sức ép cạnh tranh gay gắt của các công ty nước ngoài.

Aaron lo lắng không biết xưởng dệt có tiếp tục hoạt động được không.

Càng nghĩ về công việc, anh càng nặng lòng với hơn 2000 công nhân – những người ngày ngày làm việc cật lực để cho ra sản phẩm có chất lượng.

Aaron quyết định không chỉ bắt đầu lại, mà vẫn tiếp tục trả lương cho họ trong suốt quá trình nhà máy được xây dựng lại.

Giọt nước mắt đau khổ trên mặt công nhân chuyển thành giọt lệ vui sướng.

Nhà máy xây dựng xong và đi vào hoạt động.

Năng xuất, trách nhiệm và tinh thần làm việc của công nhân trở nên khác hẳn.

Khi được hỏi những suy nghĩ về công nhân của mình, Aaron cho rằng: “Họ là những người chăm chỉ và trung thành nhất mà tôi biết được.”

Rõ ràng những chia sẻ thật lòng của anh trong lúc khó khăn với những người công nhân, đã được đền đáp xứng đáng. (Bí Quyết Của Thành Công – David Niven, Ph.D.)


Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang