-
Moderator
Y - Ý nghĩa sâu xa của Hang đá Bê-lem
Ý nghĩa sâu xa của Hang đá Bê-lem
Biến cố lịch sử Chúa Giáng Sinh và Hang đá Bê-lem là hai sự kiện luôn gắn chặt với nhau bất khả tách rời, đến nỗi người ta không thể tưởng tượng được một Lễ Giáng Sinh mà lại thiếu sự hiện diện một Hang đá tại các Giáo đường cũng như tại đa số các gia đình. Nhưng một điều mà nhiều người chưa hiểu rõ được về Hang đá Bê-lem, nơi Chúa giáng sinh, đó là ý nghĩa đặc trưng của những hình tượng được trình bày trong đó.
Trước hết các kiểu cách và hình thức trưng bày Hang đá trên thế giới rất đa dạng và phong phú, tuỳ thuộc vào quan niệm và truyền thống văn hóa của các dân tộc. Nhưng tất cả mọi trưng bày về Hang đá đều mang một nội dung đồng nhất: Trình bày quang cảnh mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh!
Về nguồn gốc sự trưng bày Hang đá Bê-lem người ta có thể nói được rằng, đó là một khám phá của thánh Phanxicô Assisi. Vào năm 1223 trước khi thuyết giảng ở Greccio về mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa giáng sinh làm người trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn nghèo hèn, thánh nhân đã cho dàn dựng lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội một Hang đá bằng gỗ, bên cạnh có các con bò lừa. Từ thế kỷ XV, các hình tượng bằng nhựa được tưng bày đầy đủ để mọi người có thể chiêm ngắm. Nhưng một điều mà nhiều người chưa biết rõ được là những hình tượng được trưng bày trong Hang đá Giángh Sinh còn mang những ý nghĩa rất sâu xa, chứ không chỉ dừng lại nơi hình thức trình diễn nghệ thuật mà thôi. Mỗi hình tượng có một ý nghĩa tượng trưng riêng biệt.
1) Chúa Hài Đồng
Hình tượng nhỏ nhất trong Hang đá phải kể là tượng Chúa Hài Đồng, và tuy nhỏ nhất nhưng lại là trọng tâm của Hang đá, được đặt nằm trong một chiếc máng ăn của loài vật lót đầy cỏ khô và được bọc một chiếc khăn trắng. Chiếc máng ăn của chiên bò và nắm cỏ khô lót trên đó là tượng trưng cho sự nghèo hèn tột độ, đến trở thành vô sản đúng nghĩa. Còn chiếc khăn trắng bọc lấy Hài Nhi Giêsu là dấu hiệu báo trước chiếc khăn trắng lượm xác Người sau cái chết thảm thương trên núi sọ vì tội lỗi nhân loại.
2) Mẹ Maria
Từ năm 1400 trở đi, tượng Mẹ Maria được trưng bày trong Háng đá như một người Mẹ đang chìm sâu vào trong sự thờ lạy và suy ngắm mầu Giáng sinh của Chúa Cứu Thế mà Mẹ đã từng được diễm phúc cưu mang và sinh hạ. Nhưng lòng Mẹ Maria cũng không tránh được những băn khoăn lo âu như bao người mẹ khác khi sinh con đầu lòng, với như tư tưởng buồn vui lẫn lộn, chẳng hạn như: rồi đây Con Mẹ sẽ lớn lên thế nào trong một gia đình vô sản như gia đình Mẹ và Thánh Giuse, trăm bề thiếu thốn nghèo nàn? Hay: Con Mẹ sẽ sống ra sao trong một thế giới thiếu tình người và chỉ biết ích kỷ, hận thù và ghen ghét? Đó là tất cả những điều được trình bày trên nét mặt đầy suy tư của tượng Mẹ Maria. Dĩ nhiên, tuy Mẹ băn khoăn suy nghĩ, nhưng Mẹ không buồn phiền thất vọng, vì Mẹ tín thác tất cả cho sự quan phòng của Thiên Chúa tình thương.
3) Thánh Giuse
Thánh Giuse mang một chiếc áo choàng rộng, tượng trưng cho sứ mệnh cao cả nhưng đầy khó khăn mà Thiên Chúa Cha đã giao phó cho thánh nhân. Đó là bảo vệ Con Một của Người, Ấu Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế của cả nhân loại cũng Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thánh của Người. Chiếc đèn thắp sáng mà thánh nhân cầm trong tay muốn nói lên sứ mệnh săn sóc gìn giữ Chúa Hài Đồng Giêsu, ánh sáng vĩnh cửu «chiếu soi mọi người đang nồi trong bóng tối sự chết». Tượng Thánh nhân được đặt đứng ở phía phải, bên cạnh các con bò và đang chiêm ngắn Chúa Hài Đồng với vẻ mặt vui sướng và tin tưởng.
4) Các Thiên thần
Trong đêm Thiên Chúa giáng sinh trong hang chiên lừa xa xôi hẽo lánh, thiếu bóng người qua lại thăm viếng, nhưng ca đoàn các Thiên Thần từ trời cao hiện đến thờ lạy và ca hát mừng Chúa Hài Đồng với những điệu nhạc thiên đàng du dương huyền diệu: «Gloria in excelsis Deo»: Vinh Thiên Chúa trên chốn trời cao thẳm! Chính các Thiên thần là những vị đã báo tin cho các chú mục đồng đang ngủ vùi trong đêm đông về tin vui hồng ơn cứu độ của nhân loại.
5) Các Mục đồng
Các chú mục đồng với nét mặt vô cùng vui mừng và ngạc nhiên chiêm ngắm Ấu Chúa Giêsu mới giáng sinh, họ là biểu tượng cho từng lớp nhân loại nghèo hèn mà Thiên Chúa đặc biệt quan tâm ưu ái. Chính họ là đối tượng được Chúa Cứu Thế sau này yêu thương, bảo vệ và đề cao, vì «họ sẽ chiếm hữu được Nước Thiên Chúa làm của mình». Chính Người đã muốn trở nên một người trong họ và hoàn toàn đứng vào hàng ngũ của họ qua sự sinh hạ trong cảnh cực kỳ thiếu thốn nghèo hèn. Hơn thế nữa, Người đã tự đồng hóa với họ khi tuyên bố: «Những gì các ngươi làm hay không làm cho một kẻ nghèo hèn bé mọn nhất, là các ngươi đã làm hay không làm cho chính Ta vậy.»
6) Các con bò và lừa
Các con loài vật thực sự là «các bầy tôi» dễ thương phục dịch cho Ấu Chúa Giêsu, Vua của các vua, ngay từ giờ phút đầu tiên khi Người cất tiếng chào đời. Những con bò tượng trưng cho Do-thái giáo đang phải gồng mình dưới sức nặng của Luật pháp, nhưng đồng thời cũng tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực. Còn những con lừa tượng trưng cho dân ngoại đang phải mang kiếp con vật chuyên chở trên mình bao gánh nặng tội lỗi, trong đó có gánh nặng nề nhất là tội không nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Tối Cao duy nhất và Tạo Hoá muôn loài. Nhưng những con lừa cũng tượng trưng cho sự lao công và sự thờ tự. Sự hiện diện của những con bò và lừa trong Hang đá Bê-lem muốn nói lên rằng Đức Kitô gánh vác mọi tội lỗi nhân loại và sau cùng sẽ hiến tế thân mình làm lễ đền tội cho họ.
7) Ba Vua
• Melchior quì gối dâng lên Ấu Chúa Giêsu vàng, tượng trưng cho quyền lực và sự giàu sang. Ông là một người Âu Châu.
• Balthasar đứng ôm trên tay bình đựng nhũ hương, tượng trưng của lễ hiến tế và sự cầu nguyện. Ông là người Á Châu.
• Caspar là vị đạo sĩ trẻ nhất, đứng sau hai vị kia và ôm trên tay bình đựng mộc dược, tượng trưng cho sự đau khổ và sự chết. Ông là người gốc Phi Châu với nước da đen sậm.
• Một vị vua thứ bốn tên là Artaban, ít khi được được nhắc đến và được trưng bày trong Hang đá, tượng trưng bằng viên đá quý.
Ở Đức quốc, hằng năm vào dịp Lễ Chúa Hiển Linh hay cũng được gọi là Lễ Ba Vua, tất cả các thiếu niên Công Giáo trong các Giáo Xứ và Giáo Họ trên toàn quốc tổ chức thành các nhóm nhỏ - gồm có ba em đóng vai ba vị vua, một em cầm ngôi sao lạ đi đầu và một em cầm bị đựng tiền - để đi thăm viếng tất cả mọi gia đình trong Giáo xứ, mang đến cho họ sứ điệp Giáng Sinh và đồng thời lạc quyên tiền bạc cho các trẻ em ở các nước nghèo, mỗi năm số tiền lên tới từ 40 đến 50 triệu Euro. Khi đến thăm các gia đình như thế, các em đã viết lên cửa nhà các gia đình dấu hiệu: 20+C+M+B +08. Đó là tên Ba Vua như đã nói trên. Nhưng ý nghĩa thực sự của ba chữ viết tắt đó là câu chúc lành bằng tiếng La-tinh: «Christus mansionem benedictat»-2008: xin Chúa Kitô chúc lành cho nhà này trong năm 2008.
8) Các hình tượng khác
Tuỳ theo quan niệm văn hóa và sở thích của mỗi nơi, mỗi miền, người ta còn trưng bày trong Hang đá những hình tượng khác nữa, mặc dù trên thực tế những tượng đó không có chỗ đứng chính thức và quen thuộc trong số các hình tượng của Hang đá, nhưng mỗi hình tượng cũng mang một ý nghĩa tượng trưng rất sâu sắc. Ví dụ: tượng bác nông phu đang cầm cày, tượng trưng cảnh thiên nhiên chốn thiên đàng trong Đêm Giáng Sinh. Bác tiều phu, tượng trưng cho người quản trị những mầu nhiệm nguyên thuỷ của nhân loại, mà ngày nay trong thời đại kỹ thuật đã bị đào thải. Bác ngư phủ tượng trưng cho sự cứu thoát đã được thực hiện. Và sau cùng là các nhạc công tượng trưng cho sứ mệnh đi loan báo Tin Mừng cho mọi người.
Nguyện xin Chúa Hài Đồng, qua lời bầu cử của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, ban cho quý vị và các bạn một Lễ Giáng Sinh đầy ơn phúc Thiên đàng và niềm vui tâm hồn.
Lm Nguyễn Hữu Thy
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules