Được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2009, nhưng đến nay mới qua 18 tháng khai thác, mặt cầu Thanh Trì đã bị lún nhiều điểm. Những vệt lún ngày càng sâu, có nơi sâu hơn 10cm và kéo dài hơn 1km trên mặt cầu.


Những chiếc ô tô cũng nhấp nhô theo những nhịp lượn sóng của rãnh lún
trên mặt cầu.

Ghi nhận của PV tại hiện trường cho thấy, những vệt lún xuất hiện từ Km 160 870 và kéo dài đến hết cầu Thanh Trì. Làn đường theo hướng từ Gia Lâm về Hà Nội những vệt lún xuất hiện nối tiếp nhau và chia mặt đường thành 2 rãnh lớn với độ sâu lên đến 10cm, bề ngang của vết lún rộng hơn 1m. Làn đường ngược lại theo hướng từ Hà Nội đi Gia Lâm cũng có hiện tượng lún, xô mặt đường. Nhiều đoạn, thảm nhựa bị xô lệch tạo thành những gợn "sóng" trên mặt cầu.
Càng tiến về chính giữa mặt cầu, những vệt lún xuất hiện càng rõ. Vệt lún hoằm xuống xô khối bê tông giữa đường nhô lên tạo thành những “con mương” lớn giữa mặt cầu.
Chiều 17/11, lượng phương tiện lưu thông trên cầu Thanh Trì rất đông. Nhiều xe ô tô khi đi vào những đoạn đường bị lún đã bị rung lắc mạnh. Cả thân xe cũng bị nhấp nhô theo những nhịp lượn sóng trên mặt cầu, dập lên dập xuống phát ra những tiếng động đặc biệt lớn. Theo quan sát của PV, khi lưu thông qua các đoạn đường bị hư hại, nhiều phương tiện trọng tải lớn đã "né" làn và đi vào phần đường dành cho xe máy.
Anh Hoàng Tiến Minh (36 tuổi), trú tại Quán Toan, Q. Hồng Bàng, TP. Hải Phòng, lái xe container đi từ hướng Gia Lâm về Hà Nội khi đến giữa cầu đã phải bất thình lình dừng xe để xuống kiểm tra. Anh Minh cho biết: “Đi đến đây, đột nhiên tôi thấy xe rung lắc mạnh, cứ ngỡ xe bị làm sao nên phải xuống để kiểm tra. Hóa ra mặt cầu tại đây nhấp nhô kinh khủng nên khi xe trèo lên những gờ của vệt lún thì xe đã bị chao đảo”.
Lái xe tải 5 tấn, Nguyễn Văn Hùng, trú tại huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, người thường xuyên đi qua cầu Thanh Trì bức xúc nói: “Những vệt lún trên cầu càng ngày càng sâu và kéo dài so với trước đây. Nếu lái xe đi mà không để ý rất dễ mất lái và đi sang phần đường của xe khác và tai nạn cũng rất dễ xảy ra. Thật là nguy hiểm!”
Một người bán hàng dưới dốc phía Bắc cầu Thanh Trì (địa phận Gia Lâm) cho biết: “Vào buổi tối, nhiều xe máy đi không để ý đã lọt xuống rãnh lún, mất lái, bị ngã xuống đường. Những hôm trời mưa, xe máy và ô tô vừa đi vừa đánh võng trên đường”.
Trước đó, những vệt lún đầu tiên trên mặt cầu Thanh Trì đã được phát hiện vào tháng 10/2009, ngay khi cầu mới được đưa vào khai thác khoảng 3 tháng. Đến ngày 12/10/2009, Ban Quản lý Dự án Thăng Long đã cho nhà thầu tiến hành sửa chữa những vết lún đó. Nhưng cho đến nay, các vệt lún lại bắt đầu xuất hiện trở lại với tình trạng sâu hơn và kéo dài hơn so với lần lún đầu.
Trao đổi về PV vấn đề này, ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc của Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, hiện Ban quản lý dự án vẫn thường xuyên theo dõi các vệt lún ở trên cầu. Ban đã thuê Công ty Tư vấn công nghệ thiết bị và Kiểm định xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) tiến hành khoan tại những nơi xuất hiện lún để lấy mẫu phân tích. Dự kiến, đến giữa tháng 12/2010, việc phân tích này mới hoàn thành và khi đó mới xác định được nguyên nhân khiến mặt cầu Thanh Trì bị lún.

Chiều 17/11, PV ghi lại một số hình ảnh cầu Thanh Trì đang bị lún:


Bằng mắt thường đã có thể nhìn thấy những rãnh sâu do những vệt lún tạo ra trên mặt cầu Thanh Trì.


Ba vị trí được khoan trên những điểm lún trên mặt cầu để lấy mẫu nhựa bê tông đưa đi phân tích.


Những rãnh lún nhìn rõ hơn khi đặt một thanh ngang mặt cầu.


Những vệt lún xuất hiện ở khắp cây cầu.


Có nơi lún sâu hơn 10 cm.


Một gờ nhựa đường nổi lên giữa hai rãnh lún cao sát gầm xe máy.


Chiếc cặp bị dốc xuống khoảng 45 độ so với mặt đường.


Xe máy lảo đảo, nghiêng ngả khi trèo lên những gờ nổi trên cầu.


Nhiều ô tô đã bỏ làn đường đi sang phần đường của xe máy.

Quang Tùng
(theo vtc)