Mẹ Thiên Chúa và Tiệc cưới Cana
Bởi nét dịu hiền ngọt ngào của người nữ, trong văn hóa Việt Nam, người mẹ được ví với những thức ăn đậm đà hương thơm vị ngọt,
Mẹ già như chuối ba hương.
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Bởi cưu mang và dưỡng nuôi là hai đặc tính thiên phú của người nữ, trong văn thơ, khi cần phải tô đậm nét quê hương và vùng đất của nơi chôn nhau cắt rốn, người ta hay nói quê mẹ và đất mẹ,
Chiều chiều ra đứng ngõ sau.
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.
Việt Nam và Do Thái là hai nền văn hóa lâu đời của thế giới, bởi thế cả hai có rất nhiều nét tương đồng. Nếu người Việt Nam đã từng được dạy dỗ, “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, người Do Thái cũng có điều răn thứ Tư của Mười Điều Răn, “Thứ Bốn thảo kính cha mẹ”, dạy dỗ con cái về Đạo làm con và làm người. Đức Giêsu là một người đàn ông Do Thái. Người sinh ra tại thành phố Bethlehem, vào khoảng năm 6-4 B.C. Bởi Đức Giêsu là người Do Thái, Ngài cũng tuân theo những luật lệ của xã hội Do Thái, đặc biệt là bộ luật Môisen, hay nói ngắn gọn là Mười Điều Răn. Một trong những điều luật căn bản này nói theo ngôn ngữ Do Thái là, “Thảo kính cha mẹ”, hoặc nói theo ngôn ngữ Việt Nam là, “Uống nước nhớ nguồn. Làm con phải hiếu”. Bởi vậy, độc giả Kinh Thánh không lạ chi, sau biến cố “lạc” trong Đền Thờ, cậu bé Giêsu vâng lời, theo bố mẹ về lại thôn làng Nazareth, và Ngài tiếp tục, lớn lên dưới sự dạy dỗ và dưỡng nuôi của dưỡng phụ Giuse và thân mẫu Maria (Luke 2:51-52).
Phép lạ Tiệc Cưới Cana là một câu chuyện Tin Mừng tô đậm nét hiếu thảo của Đức Giêsu đối với thân mẫu của Người. Trong khi quan khách đang ngà ngà say trong tiệc cưới, tự nhiên rượu cạn khô. Người Do Thái, trong những sinh hoạt hằng ngày, không uống trà xanh, Coke, hoặc bia, nhưng rượu. Bình thường còn như thế, nói chi tiệc cưới. Tiệc cưới cạn rượu, do đó, là một điềm xấu trong nền văn hóa Do Thái. Không rượu trong tiệc cưới, cô dâu chú rể chắc chắn sẽ mất mặt với hàng xóm, láng giềng. Mất mặt là một chuyện, lo sợ cho vận xám của đời sống lứa đôi trong tương lai là chuyện còn quan trọng hơn nhiều. Rượu cạn khô ngay giữa tiệc cưới là một điềm xấu, ý muốn nói sợi dây tơ hồng nối buộc cô dâu và chú rể của tiệc cưới Cana rất mỏng manh. Cho nên chỉ ngày một ngày hai, khi giông tố ào ào nổi lên, sợi dây tơ hồng này sẽ bị thổi đứt. Dưới lăng kiếng thần học, rượu bốc hơi, cạn khô, biến mất trong tiệc cưới là một điềm xấu, ý muốn nói ngay cả Giavê Thiên Chúa cũng không chúc lành cho đôi tân hôn.
Theo như thánh sử Gioan, không ai hay biết, chẳng ai hay rượu cưới đang bốc hơi cạn khô trên bàn tiệc Cana. Ngay cả ông quản tiệc, người có trách nhiệm về rượu của tiệc cưới, cũng không biết chi. Không ai biết, chẳng ai hay là điềm xấu đang đứng gõ cửa, thế mà Mẹ Maria đã tinh tế, nhanh nhẹn nhận ra tình trạng, “Nhà người ta hết rượu rồi” (Gioan 2:3). Và Mẹ quyết định hành động. Trước khi ông quản tiệc hay bất cứ người nào có dịp vỗ trán, đấm ngực, than thở, đổ lỗi cho nhau, Đức Mẹ tiến tới, nói với con của mình,
— Nhà người ta hết rượu rồi!
Thoạt tiên, Đức Giêsu từ chối can thiệp, nhưng Ngài giải thích với thân mẫu của mình,
— Giờ của con chưa tới (Gioan 2:4).
Trước lời giải thích đầy những nét thần học của Đức Giêsu, Đức Mẹ không nói thêm chi với Cậu Trưởng Nam. Quay sang những người hầu, Mẹ nói,
— Ngài nói chi, cứ làm theo (Gioan 2:5).
Điều luật thứ Tư trong bộ luật Môisen, “Hiếu thảo với bố mẹ”, hay “Làm con phải hiếu” trong “bộ luật” Việt Nam, là một trong những nguyên nhân chính giải thích thái độ lạ kỳ của Đức Giêsu trong tiệc cưới Cana; đó là, thoạt tiên trước lời yêu cầu của thân mẫu, Ngài từ chối, nhưng chung cuộc lại làm theo lời đề nghị của mẹ mình. Bởi người phụ nữ nói với Đức Giêsu câu nói, “Nhà người ta hết rượu”, là người đã từng cưu mang Ngài chín tháng mười ngày, nuôi dưỡng Ngài khôn lớn, Đức Giêsu cuối cùng đã đổi ý, và Ngài vâng lời Đức Mẹ. Thế là rượu thơm ngập tràn khắp nơi trong tiệc cưới. Rượu nồng nàn đôi má chú rể, tô hồng đôi môi cô dâu, long lanh ánh mắt quan khách. Người ta say với rượu, ngập tràn trong rượu. Rượu nổ vang tiếng cười tiếng nói trong tiệc cưới Cana. Nhìn dưới lăng kiếng thần học, Đức Giêsu chính là Chú Rể của Trời Cao, Người đã ban phát rượu tới quan khách của tiệc cưới Cana. Và bởi sự can thiệp của Mẹ Maria, tiệc cưới Cana lại ngập tràn rượu, khiến cho chú rể, cô dâu, và quan khách lại tiếp tục đỏ hồng đôi má.
Vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời, trên cây thập giá, Đức Giêsu đã trối lại thân mẫu của Ngài cho người môn đệ được Ngài thương yêu, và người môn đệ cho Mẹ của Ngài (Gioan 19:26-27). Từ giây phút đó trở đi, Mẹ Maria đã trở thành không phải chỉ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng còn là Mẹ của tất cả những người được Thiên Chúa thương yêu, bồng ôm vào lòng, ân cần chăm sóc.
Suy Niệm
Bởi Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, và bởi Đức Giêsu là một người con hiếu thảo, hãy chạy đến với Mẹ những khi bạn cần người tâm sự, thổ lộ nỗi lòng của trăm khúc tơ vò, không biết bày tỏ cùng ai.
Riêng nói về rượu, chúng ta biết rượu có chất men làm cho người ta say nồng, yêu đời, đặc biệt trong tình yêu. Nhưng trong tình yêu, không phải lúc nào người ta cũng nồng nàn yêu nhau. Có những lúc thức giấc, vợ chồng bàng hoàng nhận ra nhà của mình đã hết rượu, rượu hôn nhân đã cạn khô, hai vợ chồng không còn yêu nhau nồng nàn, thắm thiết như thuả nào. Những lúc cạn rượu hôn nhân, mời bạn hãy chạy đến với Mẹ Thiên Chúa. Ngày xưa trong tiệc cưới Cana, chưa ai nhận ra rượu của tiệc cưới cạn khô, nhưng Mẹ đã tế nhị, nhận ra tình trạng chết kẹt của đôi tân hôn. Và thế là Mẹ can thiệp, ngay cả trước khi chú rể và cô dâu chạy đến mở miệng nhờ Mẹ giúp đỡ. Ngày hôm nay, vào những giây phút mà bạn cảm thấy cuộc sống hôn nhân lứa đôi đang bị đe dọa, nếu bạn chạy đến cầu nguyện với Mẹ, nói với Mẹ, “Mẹ ơi! Nhà con đã hết rượu rồi!”, chắc chắn rượu của tiệc cưới sẽ lại ngập tràn trong ánh mắt và đôi môi của chàng và của nàng.
Lời Nguyện
Lạy Chúa, bởi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ cũng là Mẹ của chúng con. Cám ơn Chúa đã ban cho chúng con một người Mẹ dịu ngọt như chuối ba hương và tuyệt vời như vầng trăng rằm. Những lúc nhà của chúng con hết rượu, xin dạy chúng con biết chạy đến nói với Mẹ Thiên Chúa, “Mẹ ơi! Nhà con hết rượu rồi".
Nguyễn Trung Tây, SVD