Hãi hùng nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội!
Khó tìm (vì hiếm hoi, lại không có biển chỉ dẫn), khó thở (vì mùi), khó "đi" (không giấy, không xà phòng, bồn rửa, nước xối...) là tình trạng chung của hầu hết các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Thủ đô.
Mặt trước nhà VSCC Trấn Vũ, với biển đề bé tí không rõ chữ
Hiếm có, khó tìm…
Anh Bùi Đức Tiến (ở Đội Cấn. Q.Ba Đình) tâm sự: Một lần hóng mát ở khu vực Hồ Tây, anh từng toát mồ hôi tìm nhà VSCC cho bạn gái. Rong xe lòng vòng mãi (mất gần bình xăng) đôi bạn mới thấy một cái nhà (giống mọi cái nhà khác) sâu trong một ngõ của phố Trấn Vũ.
Chẳng cần tả, cũng biết bạn anh mừng rỡ thế nào sau một cuộc tìm kiếm vất vả như vậy.
Anh Tiến khẳng định, nhà VSCC trên đất Thủ đô rộng lớn chỉ tính trên đầu ngón tay. Có khu vực, nhiều đoạn đường dài không có lấy một địa điểm "riêng tư" quý giá này.
Ngay cả khu Hồ Gươm, nơi tập trung rất đông khách du lịch ngoại tỉnh và nước ngoài, nhà VSCC cũng rất hiếm hoi: chỉ có 2 cái nằm cách nhau đúng… nửa vòng hồ; thật khổ cho những "nỗi buồn khó nói thành lời"!
Người đến 1 trung tâm du lịch khác, khu Hồ Tây, cũng thường rơi vào tình cảnh tương tự.
Mặt sau nhà VS này
Chỉ dẫn nhà VSCC: Trò chơi ú tim ?
Khó tìm là vậy, nhưng rất ít nhà VSCC ở Hà Nội có biển chỉ dẫn.
Nhà VSCC trên phố Trấn Vũ là một ví dụ. "Điểm nghỉ" này nằm trong ngõ, khuất sau hàng cây, biển đề bé tí tẹo (to hơn biển số nhà 1 chút). Nếu không soi tìm kĩ lưỡng, khó mà biết có một nhà VSCC nơi đây.
Đôi khi nhà VSCC cũng có biển chỉ dẫn, nhưng lại như "dụ" khách chơi trò ú tim. Biển hiệu nhà VSCC khu vực Hồ Gươm cách ngôi nhà này tới hàng cây số, không một dòng chỉ dẫn giúp khách tìm chính xác nơi cần đến. Trong khi, ngôi nhà này nằm khuất im lìm sau một cây cổ thụ lớn rậm rì cành lá, cửa e thẹn quay vào... bên trong.
Chỉ khách du lịch trong nước thấu hiểu tâm lý kín đáo (nhất là chuyện xả vệ sinh) của người Việt để đủ kiên nhẫn đi tìm những nhà VSCC "sợ phô trương thân thế" như ở Hà Nội.
Nền nhà bong gạch, cáu bẩn, chỉ nhìn, chưa ngửi đã thấy rùng mình
Của hiếm nhưng…không quý
Mất vệ sinh! Chao ôi là bẩn! Đó là tình trạng chung của hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội hiện nay.
Tấp xe vào một nhà VSCC trên phố Nguyễn Chí Thanh, chị Q. bàng hoàng, nhào ra thật nhanh. Cửa hỏng khoá, luôn khép hờ hững. Có người ở trong hay không khó mà biết. Không có nước xối, không có giấy vệ sinh, không có đồ rửa tay…chỉ có độc một cái bồn rửa. Mùi thì thôi rồi, khỏi phải nói!
Một vài nhà VSCC quanh đó, cạnh hồ Giảng Võ, trên đường Láng…, tất cả đều giống nhau như khuôn đúc. Cáu bẩn, mùi hôi thối nồng nặc. Đặc biệt nhất là, không thấy cái nào có nước sạch để xối cả. Mà có nước đi chăng nữa, người dùng cũng không dám đụng tay.
Tại nhà VSCC được coi là "lịch sự nhất" Hà Nội, trên bờ Hồ Gươm, ven đường Đinh Tiên Hoàng có…một mẩu xà phòng nhỏ xíu, nhưng là…xà phòng rửa. Nhưng, có để mà làm gì, khi lavabo đã... hỏng từ lâu.
Một nhà VSCC "lịch sự" khác, trên phố Lê Thái Tổ, đối diện cửa hàng Kem Thuỷ Tạ, cũng khách nước ngoài nườm nượp, nhưng hàng loạt vòi nước rửa tay đều đã hỏng; đất cát, chổi, xô, rác rưởi tụ lại thành đống lớn, chỉ liếc mắt cũng đã thấy rùng mình.
Cảnh tượng khó coi cùng thứ mùi đặc trưng nồng nặc trong các nhà VSCC khiến ai bước ra khỏi cửa cũng có những động tác giống hệt nhau: thở phào, lắc đầu, lè lưỡi, xua tay, chạy thật nhanh.
Chị Lan Anh, nhân viên marketing của một công ty có tiếng, khi nghe nói đến nhà VSCC, xua tay loạn xạ: "Khủng khiếp! Khủng khiếp! Như trong cơn khổ ải! Vào rồi chỉ có cách... nín thở" .
Chị Lan Anh có 1 lần vào nhà VSCC, và đương nhiên, đây có thể là lần duy nhất trong đời chị.
Nhà VS thành nơi...chứa rác (trên phố Lý Thái Tổ)
Gốc cây thành... nhà VSCC
Chị Lê Thanh, nhân viên tiếp thị của Yamaha tâm sự: "Chúng tôi thường xuyên có những đợt làm ngắn ngày. Quy tắc là phải đứng tại chỗ đó, chạy đi khu khác mà bị phát hiện là... trừ lương. Nhiều lúc cần nhà VSCC quá mà phải ngậm ngùi... nhịn".
Hậu quả là bây giờ, chị Thanh bị thận nặng.
Cánh "mày râu" thì dễ giải quyết hơn. Khó tìm nhà VSCC thì xả vào gốc cây ven đường, xuống một bãi cỏ, kể cả cạnh biển cảnh báo: “Không được dẫm chân lên cỏ”.
Thế mới hiểu tại sao đôi khi người đi đường cứ thấy một vài quý ông lúi húi bên gốc cây. Cảnh tức mắt nhưng nguyên nhân thì dễ hiểu, lý do lại càng chính đáng: Cơ quan bảo vệ văn minh đô thị khó mà bắt vi phạm bởi "khổ chủ" biết "xả nơi đâu khi mà nhà VSCC hiếm và "đáng sợ" đến vậy?