CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU


Có lẽ không ai phủ nhận, ơn gọi tại Việt nam rất phong phú và đa dạng. Các Đại chủng viện, Dòng tu rất đông chủng sinh và các đệ tử. Ở các Giáo phận, con số các linh mục triều, linh mục dòng, các tu sỹ nam nữ rất dồi dào. Trong khi ở các nước phương tây, hay những nước lân cận, con số những người lựa chọn bậc sống độc thân, để dâng mình phục vụ cho Chúa rất là giảm sút. Vì vậy, Giáo hội mời gọi con cái mình cầu nguyện và đóng góp giúp đỡ, cho ơn gọi đặc biệt này là để có nhiều tâm hồn quảng đại, hy sinh phục vụ cho Tin mừng của Chúa Giêsu.

Dẫu rằng ơn gọi nào cũng cao quý và đều xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, thế nhưng những người hy sinh, quảng đại đi theo Chúa một cách triệt để, vẫn là nét son nổi bật nhất của Giáo hội. Đời sống của những con người tận hiến cho Chúa là một bằng chứng hùng hồn, chứng tỏ Đức Giêsu đang hiện diện và hoạt động trong Giáo hội. Qua dấu chỉ của tình yêu thương, sự hiệp nhất nên một và sự phục vụ cách vô vị lợi, thế gian sẽ nhận ra khuôn mặt của Đấng Phục sinh.

Dấu chỉ tình yêu

Như lời mà Đức Giêsu bảo ban các môn đệ Ngài: “ Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đệ Ta: ấy là nếu các ngươi có lòng yêu mến lẫn nhau”(Ga 13,35). Khi tỏ ra cho các môn đệ ở biển hồ Têbêria, Đức Giêsu, trước khi trao sứ mạng thủ lãnh cho Thánh Phêrô, Ngài cũng hỏi ông đến ba lần, con có yêu mến Thầy không. Thực tại của tình yêu thương không chỉ dừng lại ở bản thân, gia đình, những người mình yêu thích mà còn là trở nên hy tế và của lễ hiến dâng, cho tình yêu mà Đức Giêsu mời gọi: “ Không có lòng mến nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu”(Ga 15, 13).

Tình yêu trao nhau, không chỉ dừng lại ở trên sách vở, mà nó phải trở nên căn tính của người môn đệ của Đức Giêsu.

Dấu chỉ của sự hiệp nhất

Trong mỗi Giáo phận, sự hiệp nhất của các linh mục đươc thể hiện rõ nhất, qua những thánh lễ đại triều, xung quanh vị Giám mục của mình. Sự nên một mà Đức Giêsu mời gọi và đã trở thành khi Ngài phán: “ Ta và Cha là một”(Ga 10,30). Mong muốn của vị Thầy chí thánh luôn là: xin cho họ nên một. Hình ảnh Kinh thánh dùng để nói lên sự nhất thống trong một cộng đòan các tín hữu là cây nho và cành nho. Cây nho và cành nho gắn liền trong một thân cây duy nhất, nếu tách ra khỏi, cành và lá sẽ héo khô. Một trong bốn đặc tính của Giáo hội là duy nhất, trở một một xương một thịt, trong thân mình Đức Giêsu Kitô.

Dấu chỉ của sự hy sinh, phục vụ

Hy sinh không luôn dễ, quên mình không luôn vui, chỉ có thể với những ai có tâm hồn hy sinh, quảng đại. Con người của ngày hôm nay đầy ắp những thực tế và thực dụng. Những việc chung chung nhiều khi thiếu vắng địa chỉ của những tấm lòng rộng mở. Những người đành chấp nhận mất tất cả: lợi lộc, lạc thú trần gian... thì sẽ nhận được gấp trăm lần, ở đời này, lẫn đời sau.

Nhân ngày Quốc tế ơn thiên triệu, xin cho các vị chứng nhân của Tin mừng Phục sinh, hằng luôn gắn bó, và khiêm nhường phục vụ cho cánh đồng truyền Giáo được trổ bông chín vàng.


Lm Giacôbê Tạ Chúc