Yêu Thương- Nối Kết- Cây nho- Cành Nho


Kính thưa quí ông bà anh chị em, chúng ta vẫn thường nghe: “Yêu như cải lương” nghĩa là, yêu bằng đầu môi chót lưỡi, chứ không phải bằng một tình yêu chân thành.

Qua thơ thứ nhất của Thánh Gio-an Tông Đồ mà chúng ta nghe Chúa Nhật này, ngài cũng kêu mời mọi người hãy yêu thương chân thành đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi. Đâu là tiêu chuẩn của một tình yêu chân thành nếu không phải là bằng hành động bởi những lời nói yêu thương tốt đẹp đó sao! Hay nói khác đi; hành động là minh chứng cho tình yêu. Và hơn ai hết, cả cuộc đời của Chúa Giê-su là chuổi hành động cho tình yêu; miệt mài rao giảng cũng vì yêu, đau khổ và chết tất tưởi trên thánh giá cho người mình yêu.

Trở lại lời nói của Thánh Gio-an: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi” (Ga 3, 18). Những người nào chỉ có yêu bằng miệng lưỡi thì kẻ đó tự dối lòng mình đã đành, mà họ còn gây biết bao đau khổ cho những người nhẹ dạ cả tin bởi sự ngọt ngào đầu môi chót lưỡi. Tình yêu đầu môi chót lưỡi nó không có sự sống lâu bền vì nó là tình yêu giả dối, tình yêu miệng lưỡi. Cũng vậy, một người luôn nói yêu Chúa, nói về Chúa mà lại làm ngược lại những lời Chúa dạy thì đó cũng là yêu đầu môi chót lưỡi. Thánh gia-cô-bê tông đồ nói: “Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 26). Tương tự như cành nho mà không dính với thân nho thì chắc chắn nó phải chết; biết rằng cành nào mà lìa cây đều chết, nhưng hình ảnh cây nho và nhành nho mà Chúa Giê-su muốn nói ở đây rất đặc biệt; đặc biệt ở chỗ là, cành nho dĩ nhiên phải gắn liền với thân và hơn thế nữa cành nho cần phải sinh hoa trái mà muốn sinh hoa trái thì cành đó phải được cắt tỉa, và càng nào càng được cắt tỉa bao nhiêu thì cành đó lại mang lại hoa trái nhiều bấy nhiêu. Đây là điểm độc đáo của cây nho nên Chúa Giê-su dùng hình ảnh cây nho và nhành nho được để áp dụng vào đời sống mỗi Ki-tô hữu thật cụ thể và dễ hiểu. Cây nho bản chất là chuyển tải nhựa sống cho cành nho cũng vậy, Chúa Ki-tô bản chất là yêu thương và chuyển tải yêu thương đến cho mọi người, nên dù muốn dù không mỗi người Ki-tô hữu phải gắn liền với tình yêu của Thiên Chúa Ki-tô mới sinh hoa qủa của tình yêu; tình yêu cứu rỗi.

Nếu cành nho không chịu để cho người ta cắt tỉa thì chỉ có lá sum suê mà thôi, không đúng với nguyện vọng của ông chủ. Cũng vậy, người Ki-tô hữu mà không để cho lời Chúa cắt tỉa thì không khác gì nhành nho không sinh hao trái và số phận của nó bị cắt và đốt đi. Còn những cành nho bị cắt tỉa xơ xác, rướm mủ đau lắm. Cũng vậy, con người để cho lời Chúa cắt tỉa cũng đau không kém; như chịu thiệt thòi, mất mát, bị khinh chê, bị bỏ rơi, đau khổ, lép vế… nhưng nó mang lại dịu hiền, khiêm tốn, tươi vui, yêu thương, hạnh phúc cho người khác và cũng là niềm hạnh phúc của chính. Người có Chúa thật sự trong tâm hồn, hay nói khác đi người để cho Chúa cắt tỉa uốn nắn thì họ chính là người hưởng được Tám Mối Phúc thật . Điều này thể hiện qua bao vị thánh trong Giáo Hội, như ta thấy gần đây Mẹ Tê-rê-xa Culcuta, Đức cố Giáo Hoàng Phao Lô II là những sống các mối phúc và mang lại hương thơm cho thế giới nhất là những người nghèo, bị bỏ rơi trong xã hội, mọi người yêu quí, thế giới ngưỡng mộ. Những điều này ai cũng biết vậy đó nhưng hy sinh quả là khó, như lời đức cố hồng y Phan-xi-cô- sa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận trong Đường Hy Vọng viết: “Ai cũng kính trọng những người được in năm dấu thánh, nhưng ai cũng sợ Chúa in năm dấu thánh trên mình bằng hy sinh” (# 152).

Xin cho mỗi người trở thành cành nho được tháp nhập vào cây nho và để cho Chúa cắt tỉa, có như vậy chúng con mới được sự sống đời đời với Cây Nho là chính Chúa. Xin Mẹ Ma-ri-a cầu bầu cho chúng con, đặc biệt trong tháng năm này là tháng hoa của Mẹ, chúng con hướng về Mẹ nhiều hơn nữa. Amen.

Lm Phaolô Cao Thế Bình, SDD