CON ĐƯỜNG KỲ LẠ

Hành trình Giêrusalem đi Emmaus chỉ vỏn vẹn trong quãng đường chừng mười một cây số, hai môn đệ từ Giêrusalem trở về quê nhà Emmaus chỉ là một chuyện bình thường giữa muôn ngàn những chuyện bình thường. Nhưng con đường đó đã trở nên con đường độc đạo duy nhất diễn tả được đầy đủ những nẻo đường của nhân loại chúng ta. Tất cả câu chuyện trở nên quan trọng do nhân vật thứ ba xuất hiện. Người mà hai môn đệ gọi là khách hành hương duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy ngày qua. Sở dĩ hai môn đệ không nhận ra Đức Giêsu Kitô đồng hành với mình là vì “Mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người”(Lc 24,16).

Từ lúc người đồng hành thứ ba xuất hiện, con đường thất vọng từ Giêrusalem đi Emmaus đã trở thành con đường của Kinh Thánh, bắt đầu từ Môisê và tất cả các ngôn sứ quy chiếu về Đức Giêsu Kitô. Một Đức Giêsu Kitô phải qua khổ hình, sự chết mới vào trong vinh quang của Ngài. Hai môn đệ đi từ não nề thất vọng, sợ hãi và lạnh lùng trở nên bừng cháy trong lòng vì Lời Kinh Thánh. Họ bắt đầu nhận ra một chân lý tiềm ẩn: “Nhờ Thập giá tới vinh quang” họ khám phá ra những ứng nghiệm lời các tiên tri nói về Đấng Messia được hội tụ trong con người Giêsu Nazareth. Họ hồi tưởng những biến cố xảy ra tại Giêrusalem đã được chính Đức Giêsu Kitô tiên báo trước. Chỉ khi ấy họ mới bắt đầu tỉnh ngộ và chặng đường Thánh Kinh được dẫn đến chặng đường gặp gỡ giữa con người với con người.

Ở chặng đường gặp gỡ này họ đã sớm đi tới tình hiệp thông chia sẻ khi cùng dùng bữa với khách bộ hành thứ ba. Bằng cử chỉ thân mật và hơn nữa, là động thái hiến tế, người khách bộ hành này đã cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ. Họ đã sững sờ đến kinh ngạc nhận ra cử chỉ trao ban chính mìmh Chúa Giêsu trong bữa Tiệc ly. Đến đây thì mắt họ sáng ra và nhận ra Người – Đức Giêsu Kitô đã Phục Sinh.

Điều kỳ diệu gì đã xảy ra?

Chặng đường từ Giêrusalem đi Emmaus là chặng đường thất vọng thì chặng đường Emmaus về Giêrusalem lại trở thành chặng đường hy vọng. Trên đường đi người ta nói về sự chết, đường trở về, người ta nói về sự sống, và chính họ trở thành chứng nhân về những điều ấy. Như vậy một chặng đường mười một cây số đã bao hàm những chặng đường từ đau khổ, sự chết tới hiệp thông hiến tế và kết thúc bằng loan báo Tin mừng Phục sinh.

Người Kitô hữu hôm nay cũng hành trình tương tự. Khởi đi từ đau khổ và nhiều thất vọng, mắt họ bị chính những đau khổ thất vọng ấy che phủ nên không nhận ra Chúa đang đồng hành với mình. Phải nhờ qua tình hiệp thông chia sẻ và đặc biệt trong sức sống Lời Chúa, họ khám phá ra một Đức Giêsu Kitô đang đồng hành như thánh Phaolô đã diễn tả: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi” Khi đó họ cũng nhận ra một sứ mạng quan trọng là phải trở về Giêrusalem loan báo Tin Mừng Chúa Kitô Phục Sinh. Có cảm nghiệm từ bên trong, từ chính trong đau khổ não nề của mình thì chặng đường Phục Sinh mới ý nghĩa và thấm thía. Tới đó, sứ mệnh của người Kitô hữu được Giáo hội gồm tóm trong thánh lễ bằng lời tuyên xưng ngay sau khi truyền phép Mình Máu Thánh Chúa: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.

Có một tu sĩ muốn vẽ chân dung Chúa Giêsu, ông rảo khắp nơi tìm người mẫu thích hợp. Chẳng có người nào trên trần gian này hoàn toàn giống Chúa, và ông đi tới kết luận: khuôn mặt Chúa Giêsu phải là tổng hợp mọi nét của con người.

Bởi đó, thay vì chọn người mẫu, ông đã thu góp tất cả những nét đẹp của mọi khuôn mặt mà ông bắt gặp. Gặp các trẻ em, ông góp được nét đơn sơ. Từ bé gái ca hát nô đùa, ông gặp nét vui tươi trong cuộc sống. Nơi một người đàn ông lực lưỡng đang gồng gánh, ông tìm ra được nét sức mạnh của con người.

Nhưng chân dung Chúa không chỉ có nét hùng, nét đẹp, mà còn phải có một nét gì khác nữa. Mỗi người một vẻ, nhà hoạ sĩ cố gắng đưa tất cả vào chân dung Chúa Giêsu. Nhưng ông vẫn chưa hài lòng, vì ông thấy trên khuôn mặt Chúa vẫn còn thiếu nét nào đó mà ông chưa xác định được.

Ngày kia, ông vào một khu rừng ông chợt thấy một người che mặt bỏ chạy, ông chạy theo và khám phá ra đấy là một người phong cùi. Ánh sáng bỗng loé lên trong ông, thì ra điều còn thiếu trên khuôn mặt của Chúa Giêsu, đó là mầu nhiệm. Với ý nghĩa đó, ông lấy cọ vẽ lên khung vải trắng khuôn mặt Chúa Giêsu.

Khi tác phẩm được hoàn thành, tất cả những ai đã cung cấp cho hoạ sĩ một nét riêng của mình đều hớn hở đến để nhìn ngắm nét ấy trên gương mặt Chúa. thế nhưng họ chỉ nhìn thấy một tấm vải trắng che phủ khuôn mặt. Trước sự ngạc nhiên và thắc mắc của mọi người, hoạ sĩ điềm nhiên giải thích: Mãi mãi Chúa Giêsu vẫn là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm ấy luôn mời gọi con người tuyên xưng bằng tất cả niềm tin và cuộc sống của mình.

Hành trình rời rã Emmaus
Trở thành liên đới trao nhau tình người.
Giêsu hiện đến diệu vời
Hai môn đệ bỗng mắt ngời sáng lên.
Emmaus về lại Sa-lem
Trở thành nhân chứng vội đem Tin Mừng
Chúa nay sống lại sáng bừng
Con đường kỳ lạ – CON ĐƯỜNG PHỤC SINH.


LM. Phêrô Hồng Phúc