Cây dâm bụt/Thực vật trị bệnh


Cây dâm bụt là một cây bình thường trong đời sống hàng ngày, nó được dùng để làm hàng rào, nhưng qua công dụng thực tế là một cây thuốc chữa được nhiều bệnh, là một cây thuốc dễ kiếm, rẻ tiền và hiệu quả.

Cây Dâm bụt có họ Malaceae, tên khoa học: Hibiscusrosa, SinensisL. Ngoài ra còn có các tên gọi khác như Bông bụt, Bông bụp (miền Nam).

Cây dâm bụt mọc thành từng bụi, người ta hay trồng dọc theo bờ rào, lá mọc so le, có màu xanh đậm. Hoa màu đỏ, dáng cong, cánh lá có răng cưa.

Cây dâm bụt được dùng trong y học dân tộc, với tên gọi phổ biến là Mộc Cận. Tính chất dược liệu: có vị ngọt, trơn nhầy, tính bình, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, tiêu sưng u nhọt, nhiều bộ phận của cây dâm bụt được dùng làm thuốc để chữa bệnh.
Lá: lá dâm bụt(50gr) hành củ (50gr) giã nhỏ, thêm nước, gạn lấy nước uống, bã đắp ngoài, chữa được bệnh quai bị cho người lớn lẫn trẻ em.

Lá dâm bụt phối hợp với lá si, lá đào, lá mận, lá thài lài tía, mỗi thứ 40gr, thái nhỏ phơi khô, sao qua lửa, ngâm với ? lít rượu có nồng độ từ 40 đến 50 độ, dùng xoa bóp hàng ngày, chữa chân bị đau nhức, đôi khi chân đau, sưng, co cứng không đi lại được.

Rễ: thu hái quanh năm, rửa sạch, chỉ lấy vỏ ngoài của rễ, phơi khô. Khi dùng, lấy 30gr dược liệu trên, thái nhỏ, sắc với 200ml nước, còn 50ml, uống trong ngày, chữa được bệnh đàn bà, kinh nguyệt không đều. Trong trường hợp rong kinh, hành kinh nhiều, lấy rễ dâm bụt, cùng với lá huyết dụ khoảng 40gr, sắc uống, uống từ 4 đến 6 ngày, sẽ hết.

Vỏ cây dâm bụt: vỏ thân cây dâm bụt, đem cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, lấy 50gr thái nhỏ, sao vàng, sắc uống, chữa được bệnh khí hư (bạch đới) của phụ nữ. Cách dùng: uống từ 6 đến 7 ngày, nghỉ 10 ngày, dùng lại 6-7 ngày, cho đến khi theo dõi thấy bệnh hết.

Vỏ thân cây dâm bụt 50gr, bồ kết khô 10 quả, bỏ hạt, gừng tươi 2 củ, thái nhỏ, sắc cho đến khi cô lại sền sệt để nguội, bôi lên ngày 2 lần, chữa được bệnh Chàm ở mặt, ở cổ.
Vỏ cây dâm bụt 50 gr, lá búp táo ta 50gr, gừng tươi 3 củ, thân cây dâm bụt, cạo bỏ vỏ ngoài, chỉ lấy lớp bạch bì (vỏ lụa) thái nhỏ sao vàng, hạ thổ, cùng với lá táo, thái nhỏ sao vàng, sắc uống, chữa bệnh kiết lỵ lâu ngày không khỏi.

Hoa: hoa dâm bụt phơi khô, hãm với nước sôi, uống thay chè, chữa bệnh khó ngủ, hồi hộp, nước tiểu đỏ.

Dùng ngoài da: hoa dâm bụt, với lá trầu không, lá thồm lồm, mỗi thứ 50gr, giã nát đắp lên, chữa mụn nhọt, nhất là nhọt đang mưng mủ, đau nhức.

Hoa dâm bụt, gỗ vang, mỗi thứ 50gr, gừng tươi 2 củ, thái mỏng, sắc uống, chữa chứng nhức đầu, chóng mặt của phụ nữ (Nam dược thần hiệu).

Lá và hoa dâm bụt, giã với ít vôi ăn trầu, đắp lên, làm cho mụn nhọt chóng vỡ mủ.
Theo tài liệu nước ngoài (ở Malaysia) (Philippin) sắc hoa dâm bụt, hãm cho đặc dùng để chữa ho, viêm phổi lâu ngày, không khỏi.

Nước sắc của hoa dâm bụt và ép lá cây cúc bạc đầu (lấy nước) uống vào dùng để trục rau nhau thai, sau khi sanh, bị sót rau. (Nam dược thần hiệu).