MẤT BÒ MỚI LO LÀM CHUỒNG



Có một người đến nhà người khác làm khách, nhìn thấy ống khói nhà bếp của chủ nhân xây thẳng đứng, lại còn đối diện với đống củi bên cạnh, thì nói với chủ nhân: “Tiên sinh, tôi cảm thấy ngài nên đem ống khói xây lại thành cong cong, rồi đem đống củi ra xa một chút, như thế mới có thể tránh được nạn cháy nhà.”

Bởi vì ống khói và đống củi trong nhà để như thế đã lâu rồi, và từ trước đến nay chưa xảy ra chuyện gì, cho nên chủ nhân cũng không làm gì cả và cũng không nghe ý kiến của anh ta.

Sau đó không lâu, gia đình ấy quả nhiên bị cháy. Người nhà, hàng xóm, bạn bè đều chạy đến giúp chữa lửa, không ít người vì đó mà bị lửa cháy tóc và da mặt, tất cả mọi người đều tận lực mới dập tắt được ngọn lửa. Để biểu lộ lòng biết ơn nên chủ nhân của nhà ấy làm một bữa tiệc rượu, và chiếu theo công lao lớn nhỏ của mỗi người mà sắp xếp chỗ ngồi.

Trước khi nhập tiệc, có người nói với chủ nhân: “Nếu lúc trước đây ông mà nghe theo lời của người khách ấy, thì hôm nay không cần phải giết bò mua rượu để đãi khách. Rốt cuộc, người có kiến nghị anh mất bò mới lo làm chuồng ấy không được mời đến, ngược lại người sém đầu dập trán lại được mời lên bàn nhất.”

Chủ nhân chợt tỉnh ngộ, lập tức đi mời người khách ấy đến, để anh ta ngồi ghế thượng khách.

(Ban cổ, Hán thư, Hoắc Quang Truyền)

Suy tư:

Nếu con người ta ai cũng có lòng khiêm tốn biết nghe lời ngay lẽ phải của người khôn ngoan, thì tránh được rất nhiều chuyện xấu, tiêu cực; nếu ai cũng biết khiêm tôn kiểm điểm công việc mình làm trong một ngày, thì đời sống tâm linh ngày càng hướng thượng, và cuộc sống sẽ tràn đầy những hy vọng và vui tươi hơn; nếu mỗi một người Ki-tô hữu biết nghe và thực hành Lời Chúa, thì không những cuộc sống của họ sẽ đổi mới, mà những người chung quanh họ cũng vì thế mà được thoải mái và hạnh phúc hơn.

Mất bò mới lo làm chuồng thì cũng còn có thể chấp nhận được, bởi vì họ biết suy tư và kiểm điểm lại cuộc sống của mình, nhưng tệ hại nhất chính là những người mất bò rồi mà cũng không lo làm chuồng, họ hoặc là người kiêu ngạo và tự tôn, hoặc là người tự ti mặc cảm không muốn người khác biết cái dở cái xấu của mình.

Chỉ có những ai có lòng khiêm tốn thật sự mới có lòng tự trọng và không tự ti, chỉ có những ai biết nghe lời nhắc nhở của người khác với lòng khiêm tốn mới không sợ mất bò rồi mới làm chuồng.

Mà người Ki-tô hữu thì luôn luôn biết lắng nghe Lời Chúa, nên cuộc sống của họ luôn vui tươi, vì họ không phải lo vì chuyện mất bò, nhưng họ biết phó thác tất cả vào tình yêu của Thiên Chúa...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.