Ân tình ngài con mãi không quên

Vào những dịp cuối năm, tôi thường dành ra một ít thời gian để nhìn lại những sự kiện đã xảy ra trong cuộc sống của chính mình, dầu đó là thành công hay thất bại. Đôi khi có những biến cố diễn ra ngoài cả dự tính và tiên liệu của chính bản thân. Đối với những việc như vậy tôi coi đó như là hồng ân, vì trong thực tế, tôi không nghĩ mình thực sự có khả năng để làm được điều ấy.

Trong cuộc đời của tôi, suốt hơn 45 năm vừa qua, tôi đã trải qua nhiều sự thăng trầm, sóng gió của cuộc đời. Có những lần tôi đã lâm vào tình trạng bế tắc, không lối thoát, hoàn toàn không một tia hy vọng. Những lúc như thế, tôi vô cùng thất vọng, và chỉ còn biết cầu xin vào ơn trên giúp đỡ. Tôi đã cầu nguyện một cách hết sức thành khẩn, van nài Đấng thiêng liêng cứu giúp và giải thoát tôi khỏi cơn hiểm nguy, cho tôi có được một con đường sống. Tôi đã nhìn thấy cái chết sờ sờ trước mắt. Tôi bất lực hoàn toàn và chỉ biết phó mạng cho ông Trời để ngài quyết định.

Trải qua những cơn nguy nan, cùng cực và đầy khổ sở, tôi dần dà khám phá ra được chân lý của cuộc đời, đó chính là, “sau cơn mưa trời lại sáng.” Người xưa có câu: “Sông có khúc, con người có lúc.” Nghiệm cho cùng thì điều này rất chí lý, không ai trong chúng ta mà không trải qua những tháng ngày cùng cực, đen tối, dù ngắn hay lâu, dù nhiều hay ít. Âu đó cũng là quy luật của kiếp sống con người. Chả có ai trong chúng ta, từ khi lọt lòng mẹ sinh ra mà không nếm mùi đau khổ. Đau khổ về thể xác, về tâm lý hay về mặt tinh thần. Cái đau khổ của mỗi người có thể có cường độ khác nhau, nhưng tóm lại, hễ là con người thì chúng ta, ai nấy đều chia sẻ sự khổ đau. Dù muốn hay không, ít nhiều, chúng ta đều trải qua cái kinh nghiệm của đau khổ. Nhưng đau khổ không thể giết chết chúng ta, chỉ có sự thiếu ý chí và muốn buông xuôi tất cả, điều đó làm cho chúng ta nhụt chí, muốn tìm quên lãng, thậm chí dẫn đến việc muốn quyên sinh, đôi khi chọn con đường tự tử để lẫn tránh đau khổ.

Tôi may mắn, vì là người Kitô Hữu, tôi đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Tôi tin rằng Ngài sẽ nâng đỡ tôi, nhất là những khi tôi gặp khó khăn, khi tôi cùng đường, hoặc những khi tôi bị bủa vây bởi địch thù tứ phía. Kinh nghiệm trong cuộc sống dạy cho tôi là mỗi khi như vậy, tôi nên tìm nơi nương náu và trú ẩn nơi Thiên Chúa, vì Ngài chính là kiên thuẫn và là thành trì kiên cố cho tôi trú ngụ. Ở bên Ngài, tôi sẽ được che chở và không có gì sẽ hãm hại được tôi (xem ThánhVịnh 22). Chính Thiên Chúa, Ngài là Đấng Cứu Độ tôi, là đá tảng và là hang động cho tôi ẩn náu. Tất cả những điều này, tôi đã khám phá ra với dòng thời gian suốt gần nửa thế kỷ.

Hôm nay nhân dịp ngày cuối cùng của niên lịch 2007, tôi ước ao được chia sẻ cùng qúi vị độc gỉa thân thương một cảm nghiệm sâu sắc của cá nhân như thể một chứng từ mời gọi chúng ta hãy tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Chúng ta hãy phó thác cuộc đời và tương lai của chúng ta cho sự an bài nhiệm mầu của Thiên Chúa, Đấng tác tạo nên chúng ta và là người Cha (Mẹ) rất nhân từ, hết lòng yêu thương chúng ta là những con cái của Ngài.

Trong cuộc đời của tôi, thỉnh thoảng Chúa hay dành cho tôi những sự "ngạc nhiên", như tựa đề của cuốn sách được viết bởi linh mục dòng tên, cha Gerard W. Hughes, S.J. God of Surprises (Thiên Chúa của Sự Ngạc Nhiên). Ngạc nhiên vì tôi không thể nào hay biết trước, và cũng chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Điều này suy ra cũng rất dễ hiểu, vì nó vượt quá thân phận mọn hèn của tôi, thế nên càng ngày, tôi càng cảm thấy thấm thía kinh "Magnificat", lời ca vãn của Đức nữ đồng trinh Maria, khi được sứ thần Gabriel báo tin là Bà sẽ được Thiên Chúa ưu ái tuyển chọn để làm Mẹ của Đấng Tối Cao. Mẹ Thiên Chúa. Ôi! Hạnh phúc thay! Ôi niềm vui tuyệt vời và niềm vinh dự không thể ngờ tới, khi Mẹ được báo tin trọng đại này. Làm gì có thể xảy ra điều đó, một thiếu nữ tầm thường, vô danh như Mẹ, tại một thôn làng nhỏ bé mà lại được Thiên Chúa chiếu cố đến? Đó là sự "ngạc nhiên" mà Thiên Chúa đã dành cho Mẹ yêu dấu của chúng ta, Đức Trinh nữ Maria. Bởi vậy mà Mẹ đã lớn tiếng ca ngợi, tán dương Thiên Chúa vì lòng lân tuất và vì tình yêu bao la mà Chúa đã dành cho Mẹ.

"Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung ô Chúa í a... Thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Chúa Đấng cứu độ tôi. Chúa đã dũ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ, vì vậy đến muôn đời sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phước, sẽ khen tôi muôn đời đến muôn đời... Đấng quyền năng đã làm cho tôi những điều cao trọng, danh Người là thánh, lượng từ ai trải qua, từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người. .."

Có lẽ đó chính là tâm tình mà tôi đã có được trong những ngày cuối năm. Tôi say sưa cùng với Mẹ dâng lời cảm tạ và tán dương Thiên Chúa, vì Ngài đã đoái thương đến tôi, một tôi tớ của Ngài.

Trong những ngày qua, tôi đã bỏ ra khá nhiều thì giờ để ôn lại dĩ vãng của đời mình, kể từ khi tôi rời xa quê hương bằng con đường vượt biển... Cuộc vượt biên của tôi đầy cam go, khổ sở và vô vàn hiểm nguy. .. nhiều lần tôi và những người bạn đồng hành tưởng chừng đã phải bỏ cuộc, chúng tôi dường như không có lối thoát.… đành phải mạo hiểm và phó mặc số mạng của mình cho ông "Trời". Lúc ấy chúng tôi thực sự cảm nghiệm được một cách sâu xa về sự mỏng giòn của mạng sống con người. Quả thực nó không khác gì như "sợi chỉ mành, treo trước gió". Nó mong manh quá. .. chỉ cần chú tài công ngủ gật và trật bánh lái thì con thuyền nan nhỏ bé của chúng tôi sẽ bị nhận chìm dưới lòng biển cả. Nhưng không hiểu vì lý do nào, mà mặc dù sóng gió và bão tố lúc ấy có khi lên đến cấp 6 hoặc cấp 7, con thuyền bằng gỗ nhỏ bé của chúng tôi, vỏn vẹn chỉ có 11 mét chiều dài, và độ hơn 3 mét chiều ngang, ấy vậy mà nó vẫn lướt sóng. Và sau 4 ngày trời vất vả chèo chống với sóng cả ba đào, chúng tôi đã cập bến bình an, cơn ác mộng đã tạm thời trôi qua... ai nấy đều thì thầm dâng lời cảm tạ và tri ân Thượng Đế, vì Ngài đã giải cứu chúng tôi thoát khỏi cơn hoạn nạn và đã cho chúng tôi cơ hội may mắn để sống còn.

Thế nhưng, gian truân vẫn chưa hết, nhất là trên hành trình tìm kiếm ơn gọi của bản thân tôi... Những tháng ngày sống tại trại tị nạn ở đảo Pulau Bidong, Mã-Lai-Á là những ngày tháng cùng cực và đầy lo âu sợ hãi, lo sợ vì không có gì bảo đảm cho một ngày mai tươi sáng. Bởi vậy, tôi thiết nghĩ: nếu như anh chị em nào đã một lần trải qua cái kinh nghiệm vượt biên... và đã từng sống tại các trại tị nạn ở vùng Đông Nam Á, thì có lẽ sẽ mường tượng và cảm nghiệm được một cách sâu sắc điều mà tôi đang chia sẻ.

Đối với tôi, 6 tháng trời sống tại đảo Pulau Bidong là một kinh nghiệm thật đặc biệt, mà nhờ đó sau này, tôi am tường và có thể cảm thông được với nhiều người, nhất là những ai cùng mang thân phận "tị nạn" như tôi. Tôi hiểu được thế nào là tâm tình của một người mất xứ và xa quê hương, nơi hầu hết tất cả mọi thành phần trong gia đình ruột thịt của tôi vẫn còn đó. Niềm nhớ thương gia đình, nơi tôi phải đành lòng bỏ lại để ra đi, lắm lúc làm cho tim tôi thắt lại, tôi cảm thấy một niềm đau vô tận, nó dày vò và đay nghiến tâm hồn tôi. .. có những lúc tưởng chừng như không có gì có thể làm cho tôi nguôi ngoai. Nỗi nhớ thương người thân yêu trong gia đình đã làm cho tôi thẫn thờ chết điếng, mặc dù hơi thở vẫn còn đó. Vì đối với tôi lúc bấy giờ, ra đi là vĩnh viễn không có ngày trở về. Cái làm cho tôi đau đớn nhất là biết rằng từ nay trở đi, tôi sẽ không bao giờ có dịp gặp lại những khuôn mặt yêu dấu: như cha mẹ và anh chị em cùng các cháu của tôi. Ngay cả khi các ngài khuất bóng, tôi cũng sẽ không có cơ hội để trở về. .. Hẵn nhiên bây giờ hoàn cảnh đã thay đổi. .. và đó không còn là điều bất khả nữa.

Có lẽ, chính những tháng ngày khi sống lưu lạc tại trại tị nạn, mà bây giờ tôi hiểu được phần nào (và dần dà tôi cũng đã cảm nghiệm được) cái suy tư của các nhà thần học gia như Hans Urs von Balthasar cũng như Jungen Moltmann khi các ngài bàn đến cái thực trạng ở hỏa ngục. Đối với các ngài thì hỏa ngục là "nơi" mà không có hy vọng. Vì lẽ đó, sống trong sự tuyệt vọng, thì có lẽ một cách nào đó, chúng ta đang sống và cảm nghiệm được hỏa ngục là gì.

Sáu tháng trời trên hòn đảo nhỏ bé, thiếu thốn hầu như về mọi phương diện, từ vật chất lẫn đến tinh thần, nhưng điều đó vẫn có thể chấp nhận và chịu đựng được. Tuy nhiên, cái đau khổ lớn lao, theo tôi, chính là: "không biết tương lai mình sẽ đi về đâu", vì ở vào hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ, tôi không có thân nhân ruột thịt, như anh chị em hay cha mẹ ruột, đang định cư ở đệ tam quốc gia, bởi vậy mà hầu như không có quốc gia nào họ muốn nhận mình cả, vì mình không thuộc diện có ưu tiên, cho nên chỉ nằm chờ "hốt rác"(1). Chờ đợi theo tôi là một đau khổ, quí vị hoặc anh chị em nào đã trải qua cái "thời gian chờ đợi" thì sẽ hiểu, nó khổ sở đến chừng nào.

Nhưng có lẽ số của tôi vẫn còn đỏ, vận vẫn còn may, nên sau 6 tháng trời chờ đợi trong sự tuyệt vọng, tôi may mắn được phái đoàn Úc kêu lên phỏng vấn và cho đi định cư ở Úc. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cái giây phút khi tôi nhận được tin là trong danh sách của những người sắp sửa rời đảo có tên của tôi. Thế là tôi được rời đảo để chuyển sang trại chuyển tiếp, chuẩn bị làm thủ tục hồ sơ để lên đường đi định cư, tôi sung sướng ngây ngất, vì cuối cùng tôi cũng đã thoát được cái "trại giam" không biên giới này, vì ở đó, mặc dầu tôi vẫn được tự do đi lại, nhưng biết đi đâu … vì chung quanh chỉ là biển cả...

Tôi đặt chân đến thành phố Perth, tiểu bang Tây Úc - Western Australia - vào tháng 8 năm 1982, cho đến tháng 8. 2007 vừa qua là giáp 25 năm trời, kể từ khi tôi được định cư tại nước Úc. Nhìn lại một phần tư thế kỷ vừa qua, biết bao những thăng trầm trong cuộc sống. ..!!! Có những lúc tưởng chừng như tôi đã muốn buông xuôi bỏ cuộc. .., vì những khó khăn trong cuộc sống mới, nơi một đất nước mà tôi hoàn toàn xa lạ. Cái khó khăn đầu tiên và có lẽ lớn nhất, đó là khó khăn về mặt ngôn ngữ. Tôi không biết thông thạo tiếng Anh, khi tôi đặt chân đến nước Úc, lẽ đó nên tôi đã tham gia các lớp học tiếng Anh dành cho người mới đến. Tôi bắt đầu học tiếng Anh bằng những mẫu tự: A, B, C....

Những giờ sinh ngữ đầu tiên bằng tiếng Anh vẫn là một kỷ niệm đẹp đối với tôi. Tôi cố gắng chu môi, méo miệng để phát âm cho thật đúng như bà giáo kính yêu người Úc của tôi đã dậy, nhưng có lẽ cũng chỉ hoài công vô ích, vì sau đó… chả có mấy ai hiểu tôi muốn nói gì. .. Thế nhưng tôi vẫn không nản chí, tôi cố gắng siêng năng học tập và quyết tâm sẽ khắc phục được cái khó khăn này bằng những phương pháp mà tôi đã được gợi ý... Thế rồi thời gian qua đi, mỗi ngày, tôi cảm thấy mình tự tin nhiều hơn, và khả năng Anh ngữ của tôi có được một bước tiến rất khả quan, từ đó, tôi có đà và cứ như thế tôi thăng tiến trong công việc học tập của chính mình … Đến bấy giờ khi nhìn lại 25 năm trời vừa qua, với những đoạn đường mà tôi đã trải qua, mà có lẽ một lúc nào đó trong qúa khứ tôi đã nghĩ: mình sẽ không có đủ khả năng và nghị lực để vượt qua. Vì đối với tôi, lúc đó, nó là một điều không tưởng, vì thú thật, tôi có cảm tưởng như Chúa đã mời tôi làm một điều, mà điều đó có thể được coi như ngoài sức lực của chính mình. Nhưng sau này nghiệm lại, tôi xác tín rằng: CHÍNH CHÚA ĐÃ LÀM MỌI SỰ TRONG ĐỜI TÔI, phần tôi, tôi chỉ là công cụ bé nhỏ của Ngài. Những gì mà tôi đã gặt hái và thành đạt cho đến ngày hôm nay, tất cả điều đó đều là ân sủng và là hồng ân của Chúa. Bởi vậy, tôi luôn luôn dâng lời cảm tạ và hết lòng tri ân thật thẩm sâu trước tình yêu bao la, không bờ bến mà Chúa đã ban cho tôi. Ngài đã đoái nhìn đến phận hèn của tôi, và đã giải cứu tôi khỏi những bách hại vì danh Ngài. .. và nay Ngài đã cho tôi một cơ hội quí báu không thể ngờ được. Ngài đã cho tôi "trời mới, đất mới. .. và đường đời tôi đổi mới. .. xin ca ngợi lòng thương xót Chúa đến muôn đời. .. vì đời đời Ngài đã yêu tôi và Chúa đã ấp ủ tôi dưới cánh tay của Ngài."

Bởi vậy đối với tôi: TẤT CẢ ĐỀU LÀ HỒNG ÂN CỦA CHÚA, và suốt đời ÂN TÌNH NGÀI CON MÃI KHÔNG QUÊN.

Viết để thay lời cảm tạ trong ngày cuối năm 2007, và xin được gởi đến tất cả quí vị, cũng như quí bạn hữu xa gần, tấm lòng tri ân của tôi, vì quí vị đã yêu thương nâng đỡ tôi trong hành trình ơn gọi vừa qua. Xin quí vị nhận nơi đây tấm lòng biết ơn sâu thẳm của tôi, và xin Thiên Chúa, cũng như Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ yêu dấu của chúng ta, ban cho quí vị và gia đình muôn vàn hồng ân, đặc biệt trong năm mới 2008 này.

Thành Phố Perth, Western Australia.

Linh mục Trần Mạnh Hùng, C.Ss.R L.J. Goody Bioethics Centre

Email: phtran-ljgbc@iinet.net.au


(1) Từ "hốt rác" là một trong những từ rất quen thuộc dành cho những anh chị em tị nạn chính trị, mà không có thuộc diện ưu tiên, để phái đoàn họ mở hồ sơ và cấp giấy thông hành cho đi định cư ở đệ tam quốc gia. Nên phải bị liệt vào diện "hốt rác", nghĩa là phải nằm tại đảo chờ cơ hôị may mắn. .. khi phái đoàn Mỹ họ mở những đợt nhân đạo thâu nhận những người tị nạn, cho đi định cư ở Mỹ mà không cần giấy bảo lãnh của thân nhân ruột thịt.
Lm Trần Mạnh Hùng, C.Ss.R