CHÚ ƠI! TẠI SAO NHÀ NƯỚC KHÔNG TRẢ ĐẤT CHO CHÚNG CHÁU...!!!”

Xem hình cầu nguyện sau Lễ thiếu nhi Xứ Thái Hà đã đăng trên bản tin Vietcatholic




Mấy đưa trẻ tuổi mười hai, mười ba quây quần bên bức chân dung Mẹ hay làm phép lạ. Chúng chẳng bận tâm tới khách qua đường. Sau một hồi chuyện vãn, một đứa rút trong túi ra tờ giấy. Cả mấy đứa cùng nghiêm trang nguyện cầu.

Tôi đứng nhìn mà lòng se lại.

Một lúc lâu sau, tôi tiến lại vờ như một khách qua đường. Mấy đưa trẻ nhìn tôi ái ngại, nhưng cũng không quên lí nhí gửi tôi một lời chào.

Tôi hỏi các cháu: “Các cháu làm gì thế? Cho chú xem tờ giấy được không?”.

Cả bấy nhiêu đứa đều đồng thanh đáp lại: “Chúng cháu đọc kinh. Tờ giấy này là bản kinh của chúng cháu.”

Tôi giả bộ như không biết và đề nghị chúng cho xem. Cô bé nhỏ nhắn nhất trong bọn vội vàng đưa tôi tờ giấy và chỉ cho tôi xem những kinh chúng vừa đọc. Khi tôi vừa hỏi kinh này là kinh gì, thì nhận được ngay một câu trả lời đầy hàm ý: “Kinh này mà chú không biết thì chắc chú là công an”.

Tôi ngỡ ngàng, đang định phủ nhận, nhưng muốn biết chúng nghĩ gì nên tôi đã gặt đầu: “Chú là công an”.

Ngay lập tức những đứa trẻ trợn tròn mắt. Tôi trấn an chúng rằng: “Chú không làm gì các cháu. Chú được cấp trên cử đến để giữ gìn trật tự an ninh”.

Sau khi được trấn tĩnh, một đứa trong bọn đã hỏi tôi: “Chú ơi! Tại sao nhà nước không trả đất cho chúng cháu???”.

Tôi hỏi chúng: “Đất nào?”

Cả bọn chỉ tay về mảnh đất xí nghiệp Dệt thảm (nay là Công ty may Chiến Thắng) đang tạm quản lý. Một đứa nói: “Đất tổ tiên chúng cháu để lại đấy. Vậy mà chả hiểu làm sao người la lại lấy để chia nhau... Nhà nước mình đứt thần kinh xấu hổ với bạn bè quốc tế rồi sao hả chú...?”
Tôi đứng chết lặng. Chẳng biết trả lời chúng thế nào. Tôi nhìn chúng, những đôi mắt trong veo cũng đang nhìn tôi và chờ tôi trả lời. Khi ấy, tôi cảm thấy hối hận vì đã tự nhận mình là “công an” để bây giờ rơi vào một tình cảnh khó xử. Tôi phải nói gì đây cho các cháu nhỏ này để giải toả những uẩn khúc trong tâm hồn thơ ngây của các cháu.

Tôi tự nhủ: “Tốt nhất đánh bài chuồn”, nhưng trước khi bỏ đi, tôi cũng trả lời các cháu một cách chiếu lệ: “Chú cũng không biết, nhưng để chú hỏi cấp trên của chú”.

Tôi tưởng thế là xong. Dọc đường về nhà, những câu hỏi tại sao thơ ngây cứ long tong nhảy nhót. Những tiếng nói trẻ thơ cứ âm ỉ trong lòng: “Chú ơi! Tại sao nhà nước không trả đất cho chúng cháu?”.

Tôi không biết có vị lãnh đạo nào có thể trả lời thay cho tôi câu hỏi này không? Tôi không biết các vị sẽ nghĩ gì nếu phải nghe những câu hỏi như vậy từ môi miệng của các cháu nhỏ đang mong người lớn có một giải đáp thoả đáng cho những trăn trở rất thật và chân thành này. Tôi không biết các vị lãnh đạo nhà nước, có thấy những chuyện như vậy đang xảy ra trên khắp đất nước này hay không, hay lại giống như chuyện em Nguyễn Thị Bình, 13 năm sống trong kiếp nô lệ trong tủi nhục, khi được một người dân tốt bụng giải thoát, hỏi tới chính quyền có biết không thì đều được các vị cán bộ trả lời một cách máy móc: “Chúng tôi không thấy các cấp báo cáo”.

“Chú ơi! Tại sao nhà nước không trả đất cho chúng cháu.” Tôi không đủ thẩm quyền để trả lời câu hỏi này. Tôi cũng không muốn để các cháu nhỏ, ngay từ bé đã có ấn tượng không tốt về nhà nước này. Vì thế, tôi nhường câu trả lời cho các vị lãnh đạo quốc gia với một lời nhắn nhủ rằng:

“Không có gì ở mặt đất này tồn tại mãi. Không có chính thể nào là trường tồn. Đảng cộng sản Việt Nam cũng chẳng “muôn năm” như quý vị vẫn hằng rêu rao, nhồi nhét vào đầu các cháu nhỏ. Sẽ tới một lúc, lịch sử sẽ sang trang, Đảng và chính quý vị cũng chẳng còn. Vì thế, đừng để cho con cái quý vị phải lãnh nhận những hậu quả do những việc làm bất xứng mà hôm nay quý vị đang gây ra trên đất nước này; đừng để cho các thế hệ mai sau mỗi khi nhắc lại giai đoạn này của lịch sử, thì luôn gắn vào đó hai chữ “đau thương” mà quý vị chính là người phải chịu trách nhiệm; đừng đánh cắp tuổi thơ của các cháu nhỏ, những mầm non tương lai của đất nước. Hôm nay, quý vị có thể dối trá, nhưng mai sau, lịch sử sẽ vạch mặt chỉ tên.”

29/1/2008
Xuân Thành