PHÚC CHO NGƯỜI BIẾT THƯƠNG XÓT


THÁNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ - 2009

Năm 1531, một nông dân tân tòng sắc tộc thiểu số bên Mêhicô tên là Quan Điêgô đang lần bước đi đến nhà thờ làng để giúp lễ. Khi đến chân núi ông Điêgô bỗng nghe tiếng nhạc êm dịu nổi lên phá tan sự yên tĩnh của buổi sáng ban mai vùng đồi núi. Ông ngạc nhiên đưa mắt nhìn về phía ngọn đồi nơi phát ra khúc nhạc thần tiên, thì ông thấy một móng trời xuất hiện trước một làn mây trắng. Khi ông Điêgô tròn xoe đôi mắt trước một cảnh tượng lạ kỳ thì tai ông nghe rõ ràng có tiếng gọi tên ông. Như bị tiếng gọi thôi thúc, ông Điêgô nhanh chân tiến lên ngọn đồi. Ông chợt thấy một phụ nữ đẹp không bút nào tả xiết, hiện ra dưới một vầng ánh sáng chan hoà. Phụ nữ mỉm cười bình thản cất tiếng hỏi: “Điêgô con yêu dấu của Mẹ, con đi đâu đó?”. Tuy quá bỡ ngỡ trước các diễn tiến đang xảy ra, nhưng ông Điêgô có đủ bình tĩnh, ấp úng trả lời: “Thưa Mẹ yêu dấu, con đến nhà thờ giúp lễ dâng lên để tôn kính Mẹ”. Bằng một giọng thật dịu dàng, Đức Maria cất tiếng nói: “Hỡi người con bé nhỏ của Mẹ, Mẹ cảm động vì lòng con tôn kính Mẹ và Mẹ yêu thích tấm lòng đơn sơ của con, Mẹ muốn con biết rõ điều này: Mẹ là Đức Trinh Nữ vẹn tuyền Maria. Mẹ ước ao một thánh đường được xây lên nơi đây, để Mẹ tỏ lòng và ban phát tình thương của Mẹ, ban phát lòng thương xót, sự giúp đỡ và sự âu yếm, vỗ về của Mẹ cho loài người. Mẹ là Mẹ của lòng thương xót đối với toàn thể nhân loại, đối với những ai tìm kiếm Mẹ, đối với tất cả những ai trông cậy Mẹ. Tại đây, Mẹ sẽ lắng nghe từng tiếng khóc than, và Mẹ sẽ chữa lành tất cả đau khổ cho họ”.

Sau phép lạ hình Đức Maria được in trên áo ông Điêgô, Đức giám mục sở tại đã quyết định cho xây cất một thánh đường tại nơi Đức Mẹ muốn. Để từ đó, đền thờ của Đức Mẹ, mệnh danh là Đức Mẹ Gôlaluppe, trở nên một trung tâm của lòng tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, nơi bao triệu tâm hồn đến để cầu khẩn Mẹ và được Mẹ an ủi bổ sức.

Hãy đến Gôlaluppé, hãy đến Lộ Đức, hãy đến Fatima và những nơi có dấu chân Mẹ đặt tới, bạn sẽ cảm nhận được sự dịu dàng sâu thẳm của Đức Maria, vì tại nơi Đức Maria đã hiện ra, sự hoà dịu và sự hiền lành của Mẹ ảnh hưởng cả đến trên khuôn mặt, trên cử chỉ, trên cách đối xử của những người hành hương, đến tìm sự an ủi vỗ về của Mẹ. Và không cần Đức Maria tự xưng với ông Điêgô: “Mẹ là Mẹ của lòng thương xót”, các con cái của Mẹ trải qua bao thế hệ và sinh sống khắp nơi đều cảm nghiệm được lòng thương xót của Đức Maria. Vì qua Kinh Thánh Tân Ước, họ kinh nghiệm được lòng thương xót thể hiện qua những bước chân vội vã của Mẹ trên con đường đồi núi, để đến viếng thăm và phục vụ bà chị họ Êlidabét trong lúc bà này sinh con mọn vào lúc tuổi già. Hay lòng thương xót được thể hiện tại tiệc cưới Cana, vì lòng thương xót giúp Đức Maria nhạy cảm chú ý đến sự bối rối của gia đình cô dâu, chú rể, trong lúc tiệc vui chưa tàn mà nhà đã hết rượu. Cũng chính lòng thương xót đã khiến Đức Maria tìm cách giúp đỡ họ. Mẹ đã tế nhị lưu ý Chúa Giêsu về nỗi lúng túng của chủ tiệc. Và Chúa Giêsu đã làm dấu lạ cho nước lã trở thành rượu ngon, để báo hiệu là thời gian vui mừng, thời gian hoan lạc của những người được Thiên Chúa chúc phúc đã đến, đó là những người có lòng khó nghèo, những kẻ khao khát sự công chính, những người hiền lành và những kẻ biết thương xót như Mẹ Maria. Thì ra, lòng thương xót của Đức Maria cũng giống như lòng thương xót của Chúa Giêsu, để qua đó lòng lân tuất của Thiên Chúa Cha được biểu lộ và nhờ sự noi gương Chúa lòng thương xót của Ngài được tiếp tục qua những hành động cụ thể của những ai muốn trở nên môn đệ đích thực của Chúa Giêsu cũng như của những ai muốn noi gương Mẹ để ngày một trở nên: “Mẹ nào con nấy”.