VUA FEDERICO II VÀ BỨC TƯỢNG ĐỨC MẸ MARIA

Thời vua Federico II (1196-1249) trị vì vương quốc Sicilia (Nam Ý), xảy ra câu chuyện sau đây liên quan đến bức tượng Đức Mẹ MARIA bồng Đức Chúa GIÊSU.

Một ngày, bức tượng thật đẹp Đức Mẹ bồng Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng được mang từ Bồ Đào Nha đến Sicilia, vương quốc dưới sự trị vì của vua Federico II.

Công cuộc di chuyển bức tượng được nghiên cứu thật trang trọng kỹ lưỡng. Vua Federico II ủy thác cho đại công tước Di Getafe nhiệm vụ điều khiển chiếc tàu mang bức tượng Đức Mẹ MARIA. Công tước là cánh tay phải trung tín của nhà vua đồng thời là nhà hàng hải đại tài, từng vượt bao ngàn dặm qua các đại tây dương. Bức tượng Đức Mẹ MARIA được đặt vào chỗ xứng đáng nhất, an toàn nhất và đẹp nhất trên chiếc tàu. Vua Federico II còn cẩn thận ra lệnh đặt một ngọn đèn luôn thắp sáng ngay dưới chân bức tượng Đức Mẹ MARIA.

Trong khi đó, nơi vương quốc Sicilia, trong ngôi vườn của hoàng cung, vua Federico II chuẩn bị sẵn sàng chiếc trụ để đặt bức tượng. Chiếc trụ đúc bằng vàng và bạc, chung quanh trụ trang hoàng các đóa hoa hồng vàng và đỏ, hai màu của vương miện hoàng gia Tây Ban Nha.

Vào thời kỳ ấy, người dân Bồ Đào Nha, nơi xuất xứ bức tượng Đức Mẹ MARIA, kể cho nhau nghe rằng, đôi mắt của Đức Mẹ MARIA trông thật hiền dịu. Bất cứ kẻ nào nhìn đôi mắt Đức Mẹ cũng đều cảm thấy lòng rung động và ước muốn yêu mến Đức Mẹ nhiều hơn. Chưa bao giờ người ta chiêm ngắm một bức tượng diễn tả hình ảnh Đức Mẹ MARIA trông thật trẻ, nét trẻ đẹp của một thiếu nữ ở lứa tuổi trăng tròn!

Thế mà, khi Chúa muốn, thì không một ý muốn nhân trần nào khác có thể cưỡng lại thánh ý THIÊN CHÚA. Cũng vậy, khi Chúa muốn chọn lựa một nơi, thì không nơi chốn nào khác trên trái đất này xứng đáng hơn, kể cả khung cảnh huy hoàng tráng lệ của vương quốc Sicilia.

Đúng như thế. Khi chiếc tàu do đại công tước Di Getafe điều khiển và mang bức tượng Đức Mẹ MARIA bồng Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng đi ngang bờ biển nước Pháp thuộc Địa-Trung-hải, bỗng nhiên chiếc tàu đứng hẳn lại. Cùng lúc, mọi người chứng kiến một quang cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mở rộng trước mắt. Trên biển, nhô lên một tảng đá thật lớn tách đôi làm thành một hang đá màu xanh. Ánh sáng mặt trời chiếu xuống mặt nước biển làm phản lại tia nắng rất đẹp dọi thẳng vào hang đá, khiến hang đá trông thật huy hoàng. Chưa hết. Rải rác chung quanh hang đá rực rỡ đủ mọi loại hoa muôn sắc. Một quang cảnh tuyệt đẹp. Giống như thiên đàng dưới thế!

Chính trước hang đá này mà chiếc thuyền mang bức tượng Đức Mẹ MARIA bồng Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng đến từ Bồ Đào Nha bỗng như bị sức mạnh vô hình giữ yên tại chỗ. Thuyền không nhúc nhích. Vị thuyền trưởng cùng thủy thủ đoàn tìm đủ mọi cách, vẫn không điều khiển được chiếc tàu. Lúng túng và lo âu, đại công tước Di Getafe liền gởi sứ giả tức tốc đi báo cho vua Federico II biết và xin nhà vua truyền lệnh phải làm gì.

Vừa trông thấy vị sứ giả, vua Federico II lo sợ một chuyện không may xảy ra. Nhưng sau khi đọc bức thư của công tước Di Gerafe, nhà vua cũng cảm thấy lúng túng và lo âu không kém. Sau cùng, nhà vua quyết định đích thân đến tận nơi xem xét sự việc ra sao.

Lạ lùng thay, Trời Cao như đợi chờ vua Federico II đến để tỏ lộ dấu hiệu rõ ràng. Một luồng ánh sáng xanh biếc bao trùm chiếc tàu có bức tượng Đức Mẹ MARIA. Một lúc sau, khi luồng sáng biến đi thì cùng lúc bức tượng cũng không còn trên tàu. Mọi người trông thấy bức tượng Đức Mẹ MARIA bồng Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng đang đứng trong hang đá. Nét đẹp dịu hiền của Đức Mẹ MARIA như tăng thêm vẽ huy hoàng lộng lẫy cho hang đá màu xanh.

Vua Federico II thật sự cảm động. Nhà vua quỳ phục xuống và cầu nguyện lớn tiếng rằng:

- Domine Deus: fiat voluntas tua! Lạy Đức Chúa Trời, xin tuân phục thánh ý Ngài!

Trong khi đó, mọi người có mặt trên tàu đồng thanh kêu cầu:

- Xin THIÊN CHÚA che chở đức vua!

... Đứng gần Thánh Giá Đức Chúa GIÊSU KITÔ, có Thân Mẫu Người, Chị của Thân Mẫu, bà Maria vợ ông Clopas, cùng với bà Maria Magdala. Khi thấy Thân Mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Chúa GIÊSU nói với Thân Mẫu rằng: ”Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: ”Đây là Mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình (Gioan 19,25-27).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, n.15, 6-4-2003, trang 15)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt