Lâu nay người dân đi mua gạo chỉ chọn loại gạo nào thơm, ngon dẻo để mua, chứ ít ai bận tâm đến việc người bán sử dụng các hương liệu ướp hương thơm cho gạo. Điều đáng lo ngại là hương liệu có hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Ướp hương liệu tạo mùi thơm
Theo tìm hiểu của PV, người buôn bán gạo đã sử dụng nhiều biện pháp bảo quản, nhưng đáng lo ngại là họ sử dụng "chiêu"... tẩm thuốc chống côn trùng. Để có thể bảo quản gạo được lâu, nhiều đại lý gạo đã đầu tư "công nghệ" bảo quản quy củ, bài bản và đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, các đại lý này cũng chỉ có thể trữ gạo trong vòng tối đa 1 năm là phải lo bán gấp, mà chất lượng gạo lúc đó đã giảm đi đáng kể, đặc biệt là mùi thơm của gạo cũng không còn. Do vậy, ngoài việc dùng hoá chất bảo quản chống mối, mọt, họ còn sử dụng hương liệu để "lên đời" gạo.
Theo kinh nghiệm của bà Hương (chuyên bán gạo quê trên phố Bạch Mai), điều đầu tiên để giữ hương thơm cho gạo thơm là khi gặt, hạt lúa phải chín tới. Nếu gặt non, khi phơi hạt gạo dễ vỡ và nhựa gạo sẽ mất nhiều hơn, để lâu ăn sẽ không thấy thơm nữa. Bà Hương nói rằng, thóc phơi kỹ (3-4 nắng) khi xát gạo bị đớn (bị gẫy), tỷ lệ tấm cao rất hao gạo nhưng bù lại để được lâu, không lo mối mọt. Còn thóc phơi không đủ nắng (1 nắng), làm ra hạt gạo óng đẹp nhưng khó bảo quản, dễ bị mối mọt vì độ ẩm trong gạo cao. Chính vì thế, để giữ được mùi hương và bảo quản gạo (nhất là khi trời nồm, độ ẩm cao gạo dễ lên mốc) nhiều đại lý thường dùng "độc chiêu" ướp hương liệu tạo mùi.
Lân la tìm hiểu tại nhiều đại lý, cửa hàng bán gạo, câu trả lời mà chúng tôi nhận được đều là: "Làm gì có chuyện dùng hoá chất hương liệu bảo quản gạo. Gạo được nhập về toàn là gạo quê, đảm bảo an toàn tuyệt đối". Quả thật, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì chúng tôi cũng chẳng thể phân biệt đâu là gạo không tẩm và đâu là gạo đã được tẩm hương liệu tạo mùi thơm
Nhà ông Tuấn chỉ ăn gạo mua từ quê Thái Bình
Phun, tẩm thuốc diệt côn trùng
Nhà tôi vốn là khách quen của một đại lý gạo (đường Tam Chinh- Hoàng Mai, HN) hơn chục năm. Tuy nhiên, mới đây chủ đại lý đã không còn làm nghề này. Sau nhiều lần tôi ngỏ ý được tìm hiểu về cách thức bảo quản gạo, bà Hạnh cứ lắc đầu từ chối. Cuối cùng, "nể mặt" khách quen, bà Hạnh cũng chịu bật mí về nghề đã quá vãng. Bà Hạnh bảo rằng, gạo dễ bị sâu, mọt và vi sinh, men, mốc tấn công, nên khi bảo quản gạo yêu cầu kỹ thuật công nghệ chặt chẽ hơn so với bảo quản thóc.
Thông thường các cửa hàng bán gạo nhỏ lẻ, số lượng hàng lấy về ít, vấn đề bảo quản cũng đơn giản. Gạo chỉ được bảo quản ở dạng đóng bao, bên trong là túi nilông chống ẩm mốc. Còn với những đại lý ( mà theo cách nói của bà Hạnh là "cỡ bự") thì khâu bảo quản cũng "có vấn đề”. ở các đại lý này, gạo được bảo quản ở dạng đóng bao và được xếp lô. Nhưng nếu chỉ xếp lô như vậy rất dễ ẩm và bị chuột, côn trùng các loại và vi sinh vật... tấn công. Tại các đại lý lớn- kênh phân phối gạo đến người tiêu dùng, người ta thường thiết kế thông gió để làm khô gạo, hạn chế phát sinh, phát triển của vi sinh vật gây hại. Tuy nhiên, cách đó cũng chỉ làm hạn chế phần nào.
Bà Hạnh chùng giọng nói: "Nghề nào mà chẳng có ngón nghề. Nếu không thì chuột, bọ "ăn" hết cả lãi...". Bà Hạnh mách nhỏ: "Nhiều chủ hàng tư nhân, họ thường dùng thuốc chống côn trùng để bảo quản gạo. ở nhiều nơi họ rắc một lớp thuốc chống côn trùng dạng bột dưới nền kho rồi trải một lớp bạt lên, sau đó xếp gạo thành từng chồng. Có nơi người ta trộn một lượng thuốc côn trùng (một lượng nhỏ) trực tiếp vào gạo rồi đóng bao". Bà Hạnh bảo rằng, có một cách làm "không để lại dấu vết" là dùng thuốc diệt côn trùng dạng nước, phun ngoài bao gạo. Cách làm này, thời gian bảo quản gạo có thể kéo dài, chống côn trùng hiệu quả.
Nghe bà Hạnh nói vậy, tôi hỏi: "Thế trước đây cửa hàng mình...cũng dùng thuốc bảo quản?". Bà Hạnh ậm ừ một lúc và bảo: "Có. Tôi rải thuốc chống côn trùng xuống nền nhà rồi kê giá để gạo cách mặt đất 50 cm. Thuốc không ảnh hưởng gì đến gạo. Nhà tôi cũng vẫn ăn... có sao đâu!?".
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhiều cửa hàng bán gạo còn dùng thuốc chuột, thuốc diệt côn trùng nhập lậu từ Trung Quốc để chống sự xâm nhập của côn trùng... Thuốc Ars rat killer để diệt chuột không ăn gạo là một ví dụ. Theo như quả quyết của một chủ cửa hàng: "Thuốc này có nhiều miếng mồi dạng cốm, liều lượng chỉ gây hại đối với chuột mà không gây độc hại đối với người". Nhưng đằng sau sự quả quyết đó, tôi trộm nghĩ, chẳng may lũ chuột tha những miếng mồi này lẫn vào gạo, người mua sẽ gánh chịu hậu quả!.
Nguy hiểm rình rập
Theo cảnh báo của các chuyên gia, các chế phẩm diệt côn trùng dạng bình xịt của Trung Quốc dùng để phun ngoài bao gạo đều nằm trong danh mục hóa chất, chế phẩm cấm sử dụng trong gia dụng và lĩnh vực y tế. Các chế phẩm này được xác định có chứa hoạt chất thuộc nhóm phốt pho, tồn lâu trong môi trường, gây nhiễm độc đường hô hấp, tiếp xúc nhiều lần có thể gây ung thư.
Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, trên thị trường lưu hành rất nhiều loại thuốc diệt chuột của Trung Quốc như: loại ống thủy tinh 5 cc (nước màu trắng, cam và tím), 558, thuốc diệt chuột siêu tốc, linh thần kỳ... giá chỉ 1.200-3.500 đồng /ống. Loại thuốc viên màu trắng - xanh - đỏ... giá mỗi gói khoảng 40 viên chỉ 3.500 đồng.
Ông Bùi Sỹ Doanh- Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hoạt chất gây độc của các loại thuốc diệt chuột (nhất là thuốc 558 và siêu tốc) rất mạnh, có thể nói là cực độc. Việc sử dụng loại thuốc này để diệt chuột trong kho gạo rất nguy hiểm, chất độc hại sẽ nhiễm vào gạo.
Nếu người bán gạo sử dụng chế phẩm diệt côn trùng thường xuyên thì có tác dụng phòng chống các dịch bệnh côn trùng lan truyền, nhưng nếu dùng quá liều lượng hoặc dùng các chế phẩm trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc rất có hại cho sức khỏe.
Sau câu chuyện của "người trong cuộc", hẳn chúng ta không khỏi lo ngại cho sức khoẻ người tiêu dùng bởi cách bảo quản gạo không khoa học của nhiều tiểu thương hiện nay.
Theo Ngân Giang
Đời sống và pháp luật