HOA SEN XANH, VÀNG, ĐỎ, TRẮNG
Chúng ta niệm Nam Mô A Di Đà Phật, như thế sẽ có hoa sen hiện ra trong nước tám công đức, ở ao bảy báu của thế giới Cực lạc.
Hoa sen ấy, ngày càng lớn nhưng nó vẫn chưa nở, đợi đến lúc chúng ta lâm chung, tự tánh chúng ta hiển lộ, sanh qua thế giới Cưc lạc
thì lúc đó hoa sen mới nở ra để đở lấy chân chúng ta. Cho nên, bạn muốn biết phẩm vị của mình cao hay thấp, từ thượng phẩm
thượng sanh, hay là trung phẩm trung sanh, hạ phẩm hạ sanh? Điều ấy còn phải tuỳ thuộc vào bạn niệm Phật nhiều hay ít. Nếu bạn
niệm phật nhiều thì đoá sen của bạn vừa cao vừa lớn, còn bạn niệm ít thì đoá sen của bạn sẽ vừa thấp vừa nhỏ. Cũng vậy, nếu bạn
không vun bồi, thực hành niệm Phật thì đoá hoa sen của bạn sẽ bị khô héo và sẽ chết mất. Cho nên, điều ấy hoàn toàn do bạn có
tranh thủ được quả vị tu tập của mình hay không?
GIÓ LAY NƯỚC LẶNG RỘNG DIỄN PHÁP ÂM
“Nước tâm trong sạch trăng tuệõ lại chiếu
Bầu trời chánh niệm mây phiền não tan”.
Khi hành giả niệm Phật đạt đến mức “Niệm Phật tam muội” thì bạn nghe tiếng gió thổi cũng trở thành tiếng Nam Mô A Di Đà Phật.
Bạn nghe tiếng nước đổ cũng trở thành tiếng Nam Mô A Di Đà Phật. Bạn nghe tất cả các thứ âm thanh đều sẽ trở thành câu niệm
Phật. “Nước chảy gió động đều rộng diễn nói pháp âm”, nghĩa là, khi bạn đạt đến “Niệm Phật tam muội” rồi, thì âm thanh của nước
chảy cũng là tiếng Nam Mô A Di Đà Phật, tiếng gió động cũng là Nam Mô A Di Đà Phật. Vì vậy Tô Đông Pha từng nói: “Vẻ đẹp của
núi non đều là tuớng lưỡi rộng dài”. Núi nọ, cảnh kia đều là tướng lưỡi rộng dài của đức Phật A Di Đà đang diễn nói pháp mầu. Tiếng
róc rách của khe suối, tiếng ầm ầm của thác đổ cũng đều là âm thanh thanh tịnh. Đây chính là đã đạt được “Niệm Phật tam muội”.
Trước đây, tôi có viết một đoạn kệ tụng, nay xin đọc ra cho mọi người nghe:
Niệm Phật chuyên niệm không gián đoạn
Miệng niệm Di Đà chẳng nghĩ toán
Niệm tạp không sanh, chứng Tam muội
Vãng sanh Tịnh độ chớ lo toan
Trọn ngày chán lìa Ta-bà khổ
Tâm niệm hồng trần sẽ đoạn ngay
Luôn nghĩ cầu sanh về Tịnh độ
Buông xả tạp niệm, thanh tịnh sanh
Câu: “Niệm Phật chuyên niệm không gián đoạn”, hành giả niệm Phật mãi miết, từ sáng đến tối chỉ nghe tiếng niệm Phật, không có thời
gian dừng nghĩ, đó gọi là không gián đoạn. “Miệng niệm Di Đà chẳng nghĩ toán” tức là miệng luôn luôn niệm Nam Mô A Di Đà phật,
như thế tạo thành một chuổi niệm Phật. “Tạp niệm không sanh chứng Tam muội”, khi hành giả cứ miên mật niệm Phật như thế, tâm
niệm được buộc vào câu Nam Mô A Di Đà Phật, khi ấy không còn những vọng tưởng tạp niệm dấy khởi, hành giả sẽ đạt được nhứt
tâm bất loạn, tức là đạt được định lực niệm Phật, đạt được cái thọ dụng của niệm Phật, đó là “Niệm Phật Tam muội”. Khi đạt được
tam muội ấy rồi, bạn không còn lo gì đến chuyện vãng sanh Tịnh độ! Sự mong muốn vãng sanh tịnh độ của hành giả nhứt định sẽ đạt
được. “Trọn ngày chán lìa Ta-bà khổ” tức là từ sáng đến tối chúng ta phải chán bỏ sự thống khổ của cõi Ta-bà, thì “Tâm niệm hồng
trần được đoạn ngay”. Bởi vì bạn thấy rằng, sống giữa thế giới Ta-bà này rất khổ, cho nên muốn xa lìa tất cả các thứ khoái lạc bụi trần
của thế gian. Khi các thứ tạp niệm đã đoạn trừ thì không còn các thứ tâm lý như dâm dục, ngã mạn, tâm tranh danh đoạt lợi, buông xả
tất cả cảnh duyên bên ngoài, nhìn thấy chúng là tạm bợ, không thật. Vì vậy, hành giả mới đoạn trừ được tất cả tâm niệm của thế gian.
Tâm niệm của bạn “Luôn nghĩ cầu sanh về Tịnh độ”, ý niệm đó vô cùng quan trọng để cho việc “Buông xả tạp niệm, thanh tịnh
sanh”. Khi buông xả các tâm lý ô nhiễm rồi, lúc ấy hành giả đã đạt được tâm niệm thanh tịnh.
Đoạn kệ tụng này là nói về đạo lý của pháp môn niệm Phật, tuy rất ngắn gọn, rõ ràng, nhưng bạn thử suy gẫm kỹ xem, ý nghĩa của nó
vô cùng thâm thuý, giúp cho người tu tập pháp môn niệm Phật này được nhiều lợi lạc.
NHỨT TÂM BẤT LOẠN THÀNH TAM MUỘI
Thành lập khoá tu niệm Phật để hằng ngày chúng ta chí tâm niệm phật. Đây là một phương pháp tu tập giúp cho chúng ta gieo trồng
hạt giống Phật đạo. Chúng ta niệm được một câu thánh hiệu Phật Đà thì chính chúng ta đã gieo trồng một hạt giống Phật đạo, niệm
được mười câu thánh hiệu Phật Đà thì đã gieo trồng mười hạt giống Phật đạo. Mỗi ngày chúng ta cứ mãi miết niệm đến trăm ngàn vạn
thánh hiệu của đức Phật thì chúng ta cũng đã gieo trồng vô số trăm ngàn vạn hạt giống Phật quả như thế. Đã gieo trồng hạt giống rồi
thì trong tương lai hạt giống ấy nhật định sẽ đơm hoa giác ngộ kết quả giải thoát. Bạn không cần phải lo lắng cho bạn, bởi niện Phật là
từ niệm tán tâm mà bước vào niệm định tâm. Có mấy câu thơ rất là hay như sau:
Thanh châu rơi xuống dòng nước cấu
Nước cấu không thể dơ thanh châu
Niệm phật đi vào trong tâm loạn
Tâm loạn không mất thể tánh sâu.
Thật đúng như vậy, hạt châu trong suốt khi bị rơi xuống dòng nước cáu bẩn, dù cho dòng nước ấy có đục dơ đến đâu đi nữa, thì viên
minh châu vẫn trong suốt thanh tịnh, bởi thể tánh của viên minh châu vốn trong suốt. Chúng ta niệm thánh hiệu của đức Phật cũng
giống như mang hạt minh châu bỏ vào trong nước thì nước ấy lại càng trong thêm. Niệm Phật là đi vào trong loạn tâm là bởi tâm thức
của chúng ta xưa nay vốn diên đảo rối bời, bị vọng tưởng hỗn loạn, suy cái này rồi nghĩ sang cái kia, niệm này qua rồi niệm khác đến.
Hay nói cách khác, tâm thức của chúng ta bị vọng tưởng chi phối, không một chút ngưng nghỉ. Khác nào những làn sóng vọng tưởng
xô ra tấp vào giửa biển khơi tâm thức, không một thời khắc ngưng nghỉ. Khi niệm phật tức là chúng ta bước vào trong biển tâm thức
sóng cuộn ấy, đằng sau từng loạt sóng ấy là thể tánh Phật đà trong suốt vẫn luôn tồn tại, không bị sóng vọng tưởng nhận chìm. Ngược
lại, tác dụng của câu niệm Phật là làm cho những loạt sóng điên đảo của tâm thức trở thành bình yên thanh lặng của tâm phật. Vì sao?
Khi hành giả niệm một câu thánh hiệu Phật đà thì trong tâm hành giả sẽ tồn tại một hạt giống thanh tịnh của Phật tâm. Niệm liên tục
được mười câu, trăm câu, ngàn vạn câu thì trong tâm của bạn sẽ có ông Phật niệm lại mình. Chúng ta niệm phật thì Phật sẽ niệm lại
chúng ta, giống như chiếc máy Radio vậy, khi hành giả niệm Nam-mô A Di Đà Phật thì chiếc máy Radio, chiếc máy thu thanh ấy sẽ
thâu lại tiếng niệm của bạn. Nói cách khác, những lời niệm Phật của bạn sẽ được tâm thức của bạn thâu lại, đó là niềm “cảm ứng đạo
giao”, là lẽ đương nhiên thôi. Do đó, như ý nghĩa của mấy câu thơ trên thì công đức niệm Phật của chúng ta thật không thể nghĩ bàn.
Khi đang niệm Phật tức là lúc ấy hành giả không có khởi tâm đoạn trừ các thứ vọng tưởng khác, không khởi tâm đoạn trừ các thứ
vọng tưởng khác thì chính đó là tự tánh công đức của hành giả. Vì sao? Vì câu niệm Phật ấy đã dẹp tan tất cả vọng tưởng rồi.
MUÔN SỰ ĐỀU KHÔNG VÀO LIÊN BANG
Người xưa có câu: “Nhàn cư vi bất thiện”. Đúng như vậy, từ sáng đến tối chúng ta nên tìm cho mình một công việc, công việc ấy là
thực hành tu tập, không nên để cho tâm rảnh rổi mà khởi lên nhiều thứ tạp niệm. Nếu chúng ta không chịu cột tâm vào một phương
pháp tu tập nào đó thì không bao giờ có được sự thông dong tự tại, và phương pháp tu tập ở đây chính là câu niệm Phật. Hành giả
niệm thánh hiệu của đức Phật thì cũng chính là hành giả đang thực tập thiền quán. Chúng ta đừng nên cho rằng: ngồi nhắm mắt lim
dim như các vị thiền sư ấy mới là ngồi thiền. Nếu như trương cả hai mắt lên thì cũng gọi đó là ngồi thiền vậy. Thiền là gì ? Thiền tức là
nhiếp tâm lại một chỗ, nếu khi đi đứng nằm ngồi mà hành giả nhiếp được tâm ý thì đó chính là thiền vậy.
Đi đứng nằm ngồi thảy đều thiền
Nói nín động tịnh thể an nhiên.
Người xưa có nói:
Có Thiền có Tịnh độ
Như hổ mọc thêm sừng
Đời này làm thầy người
Đời sau làm Phật tổ
Có Thiền không Tịnh độ
Mười người lầm đường chín
Không Thiền không Tịnh độ
Muôn tu muôn người bỏ
Pháp môn Tịnh độ là một pháp môn rất dễ tu tập. Trong quá khứ các vị Bồ-tát thường khen ngợi đường hướng tu tập của pháp môn
này như: Bồ tát Văn-thù, hay như trong phẩm Hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền thuộc kinh Hoa Nghiêm cũng hàm nhiếp mười
phương chúng sanh vãng sanh về thế giới Tịnh Độ, Bồ-tát Phổ Hiền cũng niệm phật để cầu sinh Tịnh Độ. Bồ-tát Quán Thế Âm cũng
niệm Phật, Bồ-tát Đại Thế Chí cũng khen ngợi pháp môn niệm Phật. Ai đã từng xem kinh Lăng Nghiêm thì sẽ biết đến chương Bồ-tát
Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông. Chương này nói về pháp môn niệm Phật rất cặn kẽ. Đây là các vị Bồ-tát trong quá khứ, các ngài
đều khen ngợi pháp môn Tịnh Độ, chuyên tu pháp môn Tịnh Độ.
Các vị Tổ sư trong quá khứ cũng vậy, ban đầu tu tập theo pháp môn thiền học, nhưng về sau đều trở về với pháp môn niệm Phật này.
Các ngài chỉ niệm Nam- mô A Di Đà Phật thì ngay lập tức hoá thân của đức Phật A Di Đà hiển lộ. Điều này, chính Thiền sư Vĩnh
Minh đã chứng đạt. Gần đây, Pháp sư Ấn Quang đem trọn cuôc đời mình xiển dương pháp môn Tịnh Độ. Tiếp đó, Thái Hư Đại sư
cũng đề xướng pháp môn này. Cho nên pháp môn niệm Phật là pháp môn dễ dàng cho việc tu tập nhất, đơn giản nhất mà lại viên dung
nhất đối với các pháp môn tu tập khác. Pháp môn tu tập ấy được mười phương chư Phật đồng khen ngợi. Chúng ta xem trong kinh A
Di Đà, chư Phật trong sáu phương đều hiện ra tướng lưỡi rộng dài, bao phủ cả ba ngàn đại thiên thế giới để khen ngợi pháp môn này.
Nếu như không phải là pháp môn tu tập đúng đắn thì làm sao chư Phật trong sáu phương đều thốt lời khen ngợi? Điều này chứng minh
được rằng: tu tập pháp môn niệm Phật, hành giả sẽ đạt đến giải thoát một cách dễ dàng hơn. Đặc biệt, đối với đời mạt pháp mà chúng
ta đang chung sống, mọi người nên chọn cho mình pháp môn tu tập này là tốt nhất.
ĐỐN NGỘ VÔ SANH PHẬT HIỆN TIỀN
Phương pháp trì danh niệm Phật áp dụng cho trong đời mạt pháp hiện tại của chúng ta, là một phương pháp rất thích hợp. Vì vậy, khi
phổ biến cho mọi người tu tập thì họ đều dễ dàng phát được niềm tin vào pháp môn này. Do đó, chúng ta đừng nên xem nhẹ nó.
Thiền sư Vĩnh Minh niệm một câu Nam-mô A Di Đà Phật thì ngay trong miệng của ngài có một vị Phật hoá hiện ra, những bậc chứng
được Ngũ nhãn, Lục thông sẽ nhìn thấy một cách rất rõ ràng. Vã lại, khi hành giả niệm phật đôi lúc sẽ phát ra hào quang, khi có hào
quang phóng ra thì các ma quái đều xa lánh. Vì vậy, công đức niệm Phật cao vời vợi chúng ta không thể nghĩ bàn đến được.