Của Thiên Trả Thiên, Của Địa Trả Địa (CN 29 TN năm A)


Trình thuật Phúc Âm tuần này xoay quanh vấn đề Thuế, của người Do Thái với chính quyền đế quốc Rôma. Bình thường, thuế là tiên thu mọi công dân đóng góp vào qũy chung, giúp chính phủ điều hành sinh hoạt cộng đồng được tốt đẹp. Bởi vậy, việc đóng thuế là nghĩa vụ tự giác của mỗi cá nhân, qua đó họ hưởng quyền lợi làm cho xã hội được phồn vinh, phát triển mọi kế hoạch công bình, công ích.

Có hai loại thuế chính: thuế trực thu, chính phủ đánh thẳng vào mức thu nhập hay tài sản cá nhân – và thuế gián thu, chính phủ đánh qua trung gian nhà sản xuất và kẻ tiêu dùng là đối tượng chịu thuế sau cùng. Sống ở Hoa Kỳ lâu năm, ai cũng biết chính phủ Mỹ rất nghiêm nhặt trong vấn đề đóng thuế. Hàng năm, mọi công dân phải kê khai và nộp thuế Thu Nhập cho chính phủ, trễ nhất là 15/4 mỗi năm. Đôi khi ta chỉ thiếu thuế khoảng 10 cents, Ty Ngân Khố Quốc Gia hoặc Sở Tài Chánh Liên Bang cũng không ngại tốn con tem 44 cents để gửi thư riêng đến địa chỉ cư trú, nhắc nhở ta hoàn tất nghĩa vụ.

Việt Nam ngày xưa một ngàn năm bị nô lệ Trung Hoa, nhà Vua mỗi năm phải sai Sứ Giả mang lễ vật sang đất Tàu triều cống, “nộp thuế” cho mẫu quốc. Đến thời Pháp Thuộc, chính phủ đô hộ áp dụng chế độ thuế thân đánh thẳng vào mỗi công dân Việt Nam từ 18 tuổi đến 60 tuổi. Thân phận của người dân ở các nước nhược tiểu mãi mãi lầm than trước chính sách phi lý ấy. Họ xem con người là một loại sản phẩm, sẵn sàng đánh thuế thân trong quốc gia mà họ cai trị.

Từ đó, ta có thể hiểu phần nào bối cảnh nước Do Thái thời Chúa Giêsu. Thời ấy, xứ Palestine là một tỉnh của đế quốc Rôma, bị người Rôma đô hộ. Mỗi năm, ngoài các loại thuế gián thu phải đóng, người Do Thái còn nộp thêm cho Hoàng Đế Rôma một thứ thuế đặc biệt để tỏ dấu tùng phục Nhà Vua. Thế nên, họ rất ghét loại thuế ngoại thường này, luôn né tránh từ chối để chỉ muốn thuộc về Giavê Thiên Chúa mà thôi.

Và họ đã trực tiếp đến gặp Đức Giêsu Kitô, xin Ngài cố vấn cùng góp ý: “Có nên nộp thuế cho Hoàng Đế Cêsarêa hay không?”. Thực tế, câu chuyện không đơn giản ở câu trả lời chung kết Yes hay No, song đúng hơn, cả hai nhóm Biệt Phái và Hêrôđê đều chủ yếu đưa Vị Tôn Sư Giêsu vào thế cờ “tiến thoái lưỡng nan” nhằm có thể tố cáo, kết án Ngài.

A. Những thế cờ “tiến thoái lưỡng nan” trong đời rao giảng công khai của Chúa Giêsu.

Khi nhập thể vào thế trần để cứu độ loài người, Con Thên Chúa chấp nhận một cuộc tuyên chiến mạnh mẽ với thế lực Satan, kẻ cầm đầu liên minh tội lỗi. Dù “con cái thế gian luôn khôn ngoan hơn con cái sự sáng”, Đức Giêsu Kitô vẫn không nao núng trước những cạm bẫy mà nhóm lãnh đạo Do Thái thời ấy giăng ra, để nhục mạ khinh bỉ Ngài.

1. Vào một ngày Sabbat, (Mt 12:9-14) có người bại tay sinh hoạt ở hội đường. Nhóm lãnh đạo khôn khéo gài bẫy rình mò để tìm lý do tố cáo Chúa. Họ giả vờ khiêm tốn:

Thưa Thầy, Thầy nghĩ sao có nên chữa bệnh trong ngày sabbath được chăng?”.
Trong mắt họ, Chúa Giêsu phải “tiến thoái lưỡng nan”: trả lời Có, được phép chữa bệnh làm việc xác ngày Sabbath sẽ vi phạm luật Chúa truyền / trả lời Không, chẳng khác gì thiếu yêu thương giúp đỡ kẻ khốn cùng, tự mâu thuẫn chính lời Ngài giảng dạy.

Do đó, Chúa nói Có cũng chết, nói Không cũng kẹt, khó xử. Họ đã lầm lẫn. Chúa khẳng khái cho họ thấy: “Con Người làm chủ ngày Sabbat”; trong ngày ấy, được phép thánh hoá làm việc thiện hơn là điều xấu, được chữa lành hơn là giết chết.

2. Trong dịp Lễ Lều (Ga 8:1-11) có chị phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và theo luật Môisen, chị phải bị ném đá xứ tử. Nhóm lãnh đạo lại thử thách Chúa, tìm cách gài bẫy lần nữa để có bằng cớ tố cáo Ngài. Họ cũng tỏ vẻ khiêm tốn:

Thưa Thầy, Thầy nghĩ sao có nên ném đá chị phụ nữ ngoại tình này ư?”.
Chắc chắn, Chúa cũng gặp “tiến thoái lưỡng nan”: trả lời Không, thì Ngài vi phạm luật Môisen / trả lời Có, chẳng khác gì mâu thuẫn với lời dạy “đừng xét án, đừng lên án, hãy Tha Thứ, Yêu Thương” của chính Ngài. Bởi thế, Ngài nói Yes cũng khổ, nói No càng mệt hơn.

Họ cũng lầm lần nữa. Chúa mạnh dạn chỉ điểm: “Ai trong các ông thấy mình sạch tội, thì cứ ném đá chị này trước đi”. Chúa ghét tội nhưng luôn yêu thương tội nhân, mong họ sám hối.

3. Và hôm nay (Mt 22:15-21), nhân việc nộp thuế hàng năm cho đế quốc Rôma, nhóm Hêrôđê cùng nhóm Pharisiêu mới hội nhau tìm cách làm cho Chúa phải lỡ lời mà mắc bẫy. Cũng với thái độ giả hình quen thuộc, họ tế nhị thỉnh ý Chúa:

Thưa Thầy, Thầy nghĩ sao có nên nộp thuế cho Cêsarê hay không?
Câu trả lời sẽ đặt Chúa trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: trả lời Có, thì Chúa bị gán cho là người thiếu lòng ái quốc, tự chủ dân tộc / trả lời Không, cũng sẽ bị tố cáo là kẻ gây rối chính trị, không trung thành với Hoàng Đế Rôma.

Như vậy, dù nói Có cũng mắc bẫy, mà nói Không cũng bị chụp mũ xấu. Họ càng lầm lẫn thêm. Sau khi cho xem đồng tiền, Chúa tuyên bố dứt khoát, khiến cả hai nhóm bẽ bàng hụt hẫng: “Của Cêsar trả cho Cêsar, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”.

Khi sống cho sinh hoạt trần thế, đừng quên những nghĩa vụ cao qúi với Nước Trời mai sau.

B. Nguyên tắc hợp lý: của Thiên trả Thiên, của Địa trả Địa.

Con người có xác, có hồn. Mỗi kitô hữu vừa là công dân trần thế, vừa là công dân Nước Trời. Bởi thế, nhân đức Công Bình đòi buộc họ: trả cho thế gian những gì thuộc về thế gian và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa.

- Là công dân trần thế: đóng Thuế hàng năm, giúp Chính Phủ có lợi tức phát triển mọi công ích, phân phối điều hành cân đối mọi sinh hoạt an ninh, kinh tế, chính trị...buộc ta phải chu toàn.Vì vậy, trốn Thuế để làm giàu thêm cho mình là một thái độ ích kỷ, một trọng tội, lỗi công bằng.[/LIST]

  • Nhà tỷ phú Warren Buffet, một nhà đầu tư tài ba, mỗi năm thu nhập cao, phải đóng thuế nhiều. Ông dâng tặng 99% tổng tài sản của mình cho bốn qũy từ thiện mà gia đình ông điều hành, đồng thời, chuyển một số cổ phiếu vào Qũy Bill & Melinda Gates, giúp họ thực hiện nhiều chương trình công ích khác khắp thế giới.
  • Ông Steve Jobs, một thiên tài kỹ thuật điện toán, đã qua đời trong tiếc nuối, vì thế giới chưa thấy công ty Apple tài trợ bất cứ một công việc thiện nguyện nào xưa nay.

- Là công dân Nước Trời: kitô hữu nhận được nhiều hồng ân, nhiều thành quả tốt đẹp Chúa tặng ban, có nghĩa vụ đóng góp, xây dựng Giáo Hội, phát triển Nước Chúa giữa muôn người. Thí dụ: tiền Collection hàng tuần cho giáo xứ, đóng góp Khánh Nhật Truyền Giáo, giúp các hoạt động Catholic Charities, ủng hộ Qũi Trợ Cấp Người Nghèo trong Xứ.

  • Có ba người chết cùng một ngày: Đức Giáo Hoàng, một Linh Mục và một thương gia. Khi đến cổng Thiên Đàng, Thánh Phêrô cho họ thấy ba toà nhà giống nhau. Đức Giáo Hoàng và vị linh mục được dẫn vào một Toà Nhà chật chội, đông người cư ngụ. Riêng ông thương gia lại được Thánh Phêrô dẫn vào một toà nhà rộng rãi, thoáng mát. Đức Giáo Hoàng và vị linh mục tự nghĩ rằng: mình đọc kinh cầu nguyện nhiều, ít đóng góp tiền bạc nên cư ngụ chỗ chật chội, còn ông kia có lẽ chơi trội, dâng cúng dồi dào nên được nơi cư trú thoải mái hơn. Thánh Phêrô bèn giải thích: “Này các con, nơi đây có khá nhiều linh mục, Giáo Hoàng rồi, toà nhà mới chật chội. Tuy nhiên, vị thương gia này, mới là nhà buôn đầu tiên vào chốn thiên đường: toà nhà ấy ít người, rộng rãi”.

Thế mới hiểu: quá mãi mê việc trần thế, mà quên đóng thuế vào Nước Trời, nguy hại biết bao!

C. Trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài.

Thánh Phaolô đã từng xác quyết:“Không có quyền bính nào mà không đến từ Thiên Chúa” (Rm 13:1). Theo dòng thời gian, các quốc gia trên thế giới hôm nay đều phân biệt Thần Quyền (thuộc về tôn giáo) và Thế Quyền (thuộc về chính trị), tôn trọng sự tự do độc lập của mỗi bên.

  1. Luật Hôn Nhân Công Giáo một vợ một chồng, chung thủy cho đến chết, không được ly dị. Vua Henri VIII quá ích kỷ, lạm dụng vương quyền Anh Quốc bó buộc các Giáo Sĩ quốc nội đồng thuận cho Vua hủy hôn nhân cũ với Hoàng Hậu Catherine để tái hôn với Anne Boleyn. Đức Giáo Hoàng cương quyết phản đối, Vua tự ý ly khai Giáo Hội, lập ra Anh Giáo riêng.
  2. Lễ Giáng Sinh (Christ-Mas) là lễ mừng Con Thiên Chúa giáng trần. Thế giới đòi dẹp bỏ từ Merry Christmas để thay thế bằng Happy Holidays là phi lý, đánh mất ý nghĩa cơ bản truyền thống từ ngàn xưa của ngày Lễ.
  3. Việc phong chức các Giáo Sĩ Công Giáo xưa nay thuộc thẩm quyền Giáo Hội. Chính Phủ Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa đòi quyền tự quyết duyệt xét và phê chuẩn các tiến chức trong nước là vi phạm sự độc lập giữa Thần Quyền và Thế Quyền. Mọi quốc gia trên thế giới đều công nhận quyền bất khả xâm phạm ấy thuộc Toà Thánh Vatican.

Nhìn chung, sự xung đột giữa thần quyền và thế quyền thường xảy ra khi con người không tôn trọng quyền tự do tôn giáo. Đời sống tâm linh bao giờ cũng vượt trên đời sống thể lý. Tuy đôi chân con người chạm đất, song tâm trí họ vẫn không ngừng hướng thượng đến trời cao. Bởi đó, cần “trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài”.

D. Lời Nguyện kết thúc. ( Lời Thánh Inhaxiô de Loyola )

Lạy Chúa! Khi con vào đời, xin giúp con biết thích nghi với trào lưu xã hội chung.
Khi con đến với Chúa, xin giúp con biết gắn bó với giáo huấn của Ngài.
Xin Chúa hãy nhận tất cả: tự do, trí khôn và ý chí của con.
Chúa đã ban cho con những gì con có, con xin dâng lại cho Chúa những gì con làm nên. AMEN.


Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.