LINH MỤC & GIÁO DÂN CÓ GÌ KHÁC BIỆT KHÔNG?

Trong tác phẩm The Joy of Priesthood, tác giả là linh mục Stephen J. Rossetti kể rằng: “Có một vị thừa tác viên Thánh Thể ở giáo xứ X., sau khi phân chia công tác cho các vị thừa tác viên khác ở trong phòng thánh xong thì ông ta quay lại nói với vị linh mục chủ tế (mới về nhận xứ) rằng: “Father, you will be giving out communion in the choir loft. This is so people will see there is no difference between the priest and everyone else…(xin được tạm dịch là) … còn cha, cha sẽ trao Mình Thánh cho ca đoàn trên gác đàn để cho giáo dân thấy rằng không có gì khác biệt giữa linh mục và giáo dân” (p.49).

Bạn thấy vị thừa tác viên Thánh Thể này có hồ đồ và trịch thượng khi mở miệng nói với vị linh mục tân chánh xứ của ông rằng “…không có gì khác biệt giữa cha và giáo dân” không? Tôi nói thật dù cho cha xứ của ông ta có bất tài, có ăn nói kém cỏi, có chậm chạp, có khờ khạo, có xấu xí, có dở hơi, có tội lỗi, hay có tệ đến đâu đi chăng nữa thì ngài cũng có rất nhiều sự khác biệt với ông ta và với những người giáo dân khác. Tôi xin đơn cử ra ba sự khác biệt, mà tôi cam đoan rằng một người Công Giáo khô khan, nguội lạnh nhất trong Giáo Hội cũng phải thấy:

1. CHA SỞ CỦA ÔNG LÀ NGƯỜI CÓ CHỨC THÁNH: Ngài được Đức Giám Mục đặt tay thánh hiến và được trao cho quyền tế lễ và tha tội… có quyền thay mặt Chúa Kitô là Đầu để cử hành các bí tích (Presbyterorum Ordini, chapter 1, # 2).

2. CHA SỞ CỦA ÔNG LÀ THỪA TÁC VIÊN LỜI CHÚA: Trong Thánh Lễ, linh mục là người có năng quyền công bố Phúc Âm và giảng dạy Lời Chúa … bởi vì sau khi lãnh nhận chức thánh, linh mục là thầy dạy của dân Chúa (Presbyterorum Ordini, chapter 2, # 4 & 6).

3. CHA SỞ CỦA ÔNG LÀ THỪA TÁC VIÊN CÁC BÍ TÍCH (Presbyterorum Ordini, chapter 2, # 5).

* Ngài có năng quyền cử hành Thánh Lễ, truyền phép để bánh và rượu trở nên Mình và máu Thánh Chúa Kitô.

* Ngài là người có năng quyền ban bí tích Xức Dầu Bịnh Nhân và ban phép lành cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

* Ngài là người được đặt làm đại diện cho Chúa Kitô, có năng quyền ngồi trong toà giải tội, lắng nghe hối nhân xưng tội, khuyên bảo, ra việc đền tội và tha tội cho hối nhân.

Còn nữa, nếu ông thần nước mặn thừa tác viên Thánh Thể này mà học giáo lý cho đàng hoàng, cho tử tế thì chắc chắn ông ta sẽ thấy được sự khác biệt ít là giữa ông ta và với cha sở của ông ở ba điểm căn bản này:

1. VỀ DANH XƯNG: Giáo dân có thể gọi ông ta là ông, bác, chú, cậu hay chỉ gọi tên của ông ví dụ như Mr. Brown, Smith, Guy … Thế nhưng đối với đại đa số giáo dân, cha sở đóng một vai trò như là the Shepherd, như là Father, như là chủ chăn, như là một người cha của họ bởi vì trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, [và qua phép Rửa] chính [linh mục] đã sinh ra [họ] (1 Cor 4:15).

2. VỀ MẶT XÃ HỘI: Ông có thể tham gia vào các đảng phái chính trị, buôn bán, làm ăn thương mại, đi nhậu, đi nhảy đầm… Còn cha sở của ông thì còn khuya mới được thoải mái như vậy!

3. VỀ MẶT TÂM LINH: Cha sở của ông là người được Giáo Hội giao phó cho trách nhiệm như là một vị lãnh đạo tinh thần. Ngài có nhiệm vụ và bổn phận đọc kinh thần vụ mỗi ngày ít là bốn lần sáng trưa chiều tối, rồi dâng lễ, chầu Thánh Thể, suy gẫm Lời Chúa và cầu nguyện cho giáo dân, cho Giáo Hội… Còn bản thân của ông đâu có những trách vụ thiêng liêng như vậy!

Không ai có thể phủ nhận được là linh mục và giáo dân có rất nhiều điểm giống nhau, linh mục cũng có những yếu đuối, tội lỗi, khiếm khuyết… họ không tránh được những tham sân si và cũng dễ bị sa ngã như mọi người. Thế nhưng cũng không có ai có thể phủ định được những sự khác biệt mà tôi vừa nêu ra bên trên, và nhất là không thể chối bỏ được rằng chức linh mục rất THÁNH THIÊNG, CAO QUÝ & RẤT ĐẶC BIỆT.

Bạn có biết tại sao tôi dám nói chức linh mục rất THÁNH THIÊNG, CAO QUÝ & RẤT ĐẶC BIỆT như vậy không?

Chức linh mục được xem là thánh thiêng là bởi vì họ chính là những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa (1 Cor 4:1), vai trò của các linh mục trong việc ban phát các màu nhiệm rất quan trọng bởi vì “không có linh mục thì không có Bí Tích Thánh Thể.” (Pope John Paul II, Gift and Mystery. On the Fiftieth Anniversary of My Priestly Ordination, New York, 1996, pp.77-78). Và nếu không có linh mục thì cũng sẽ không có bí tích Giải Tội là bởi vì chính Chúa Giêsu đã trao năng quyền ấy cho họ: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Jn 20:23).

Chức linh mục được xem là cao quý là bởi vì đó là một món quà tặng của Thiên Chúa ban cho loài người: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại (Jn 15:16). Nói về món quà ơn gọi linh mục, chúng mình không thể quên được lời dạy dỗ của Đức Cố Giáo Hoàng John Paul II: “Thiên chức linh mục không phải là quyền lợi của một cá nhân, nhưng là một mạc khải và là món quà tặng của Chúa Giêsu và của Giáo Hội”(States the Declaration, # 6).

Chức linh mục được xem là đặc biệt là bởi vì các linh mục là những con người rất TẦM THƯỜNG nhưng họ lại được Thiên Chúa chọn làm những việc PHI THƯỜNG.

• Không phải ai cũng hiểu được [giá trị cao quý của đời sống tu trì], nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu (Mt 19:11)

• Khi [họ] được Chúa kêu gọi, thì trong [họ] đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái … [họ được] Thiên Chúa chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và … để hạ nhục những kẻ hùng mạnh (1 Cor 1:26-27)

• Họ được thánh hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, thầy Cả Thượng Phẩm vĩnh viễn … [được giao cho] chức vụ giao hòa và an ủi đối với các tín hữu thống hối và bịnh tật… (Lumen Gentium, chapter 3, # 28).

Bạn thân mến, nếu hôm nay bạn đã nhận ra được rõ ràng và minh bạch của hai vấn đề:

1. Những sự khác biệt giữa linh mục và giáo dân.

2. Tính thiêng liêng, cao quý và đặc biệt của chức linh mục.

… thì xin bạn hãy thêm lời cầu nguyện cho các linh mục nhiều một chút và cũng xin bạn cầu nguyện cho những ai đang thuộc nhóm bị dị ứng với chức linh mục, những người theo nhóm Anticreticalism và cho những người có con virus Bài Giáo Sĩ để họ biết quý trọng ơn gọi linh mục giống như bạn.

Và nếu bạn còn đang độc thân và còn đang phân vân chưa biết phải lập gia đình hay đi tu (nam cũng như nữ) thì xin bạn hãy mạnh dạn liên lạc với các dòng tu, gọi phone cho các văn phòng ơn gọi của các địa phận hay email cho tôi để chúng tôi có thể giúp bạn tìm hiểu nhiều hơn và rõ hơn về ơn gọi đời sống tận hiến.

Cuối cùng, thay cho lời kết, tôi xin gửi đến bạn lời chia sẻ của Mẹ Teresa thành Calcultta: “Without priests, we have no Jesus. Without priests, we have no absolution. Without priests, we cannot receive Holy Communion. Thiếu các linh mục, chúng ta không có Chúa Giêsu. Thiếu các linh mục thì chúng ta không lãnh nhận được bí tích tha tội. Thiếu vắng các linh mục thì chúng ta không thể lãnh nhận Mình Thánh Chúa ” (Priestly Celibacy: Sign of the charity of Christ).

Đi tu đi! Giáo Hội và dân của Chúa cần bạn lắm! Có Chúa ở cùng bạn mà lo gì? Ngài đã cam đoan với chúng mình rồi: “Đừng sợ hãi, có Ta ở với Ngươi. Đừng nhát đảm, Ta là Chúa của ngươi!” (Is. 41:10).

LM Ansgar Phạm Tĩnh, SDD