[SIZEe="3"] Suy Niệm Lời Chúa, Chúa Nhật 14 Thường Niên Năm C[/SIZE]



Kính thưa quí ông bà anh chị em, Chúa nhật tuần trước, lời Chúa cho chúng ta thấy được ơn gọi làm tiên tri, ơn gọi làm tông đồ, nhưng sự đáp trả ơn gọi bị ngăn trở nhiều cách. Còn lời Chúa qua bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này cũng nói về ơn gọi và sự sai đi; ngoài 12 tông đồ được Chúa Giêsu tuyển chọn, Ngài còn chọn thêm 72 môn đệ nữa và sai đi cứ hai người một đến các thành và các nơi. Hành trang của các môn đệ mang theo là gì? Thưa những hành trang các môn đệ mang theo chẳng có gì cả, dù là những cái tối thiểu của một người bộ hành như: túi tiền, bao bị, giày giép. Nếu theo con người ngày hôm nay, các môn đệ được sai đi mà không được mang những sự cần thiết như thế thì không khác gì người lính ra chiến trường đánh giặc mà không được mang theo gươm giáo, súng ống. Và nếu cấp trên làm như thế thì có người lính nào dám đi không? Và người ta cũng không cho rằng đó là người lãnh đạo biết chiến thuật, chiến lược và những gì cần thiết cho một người lính. Thế nhưng hành động của Chúa Giêsu thì ngược lại với cái tính toán và suy nghĩ của con người, hay nói khác đi, Chúa Giêsu trang bị cho người chiến sĩ của Ngài, những thứ mà người đời không thể làm được, đó là Ngài trao sự bình an cho các môn đệ; sự bình an ở đây là chính Chúa. Sức mạnh mà các môn đệ có được không phải nhờ vào tiền bạc, mà là sự đoàn kết đồng tâm hiệp lực. Hai người đi với nhau là vậy đó, rồi lại nữa: người môn đệ của Chúa phải chấp nhận hoàn cảnh nơi mình đến, “ở lại nhà nào thì ăn uống những thứ họ có.” Một điều các môn phải có là: không gây gánh nặng cho người khác. Cái chính yếu của kẻ được sai đi là rao giảng lời Chúa và chữa các bệnh nhân, đây là khí cụ Chúa trao ban và đây cũng là khí cụ hữu hiệu của người chiến sĩ của Chúa Kitô. Quả thật các môn đệ đã thành công thắng trận, vui mừng trở về báo cáo thành quả: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con.” Các môn đệ đã thành công mỹ mãn trong cuộc truyền giáo đầu tiên, nhưng Chúa sợ các ông tự hào, tự mãn vì một vài thành công, nên Ngài mời gọi họ; cái vui mừng không phải hệ tại những thành công đó mà là: “Tên các con đã được ghi trên trời.” Đến đây ta mới hiểu được Chúa Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo mà lại không cho họ mang theo những sự cần thiết để các ông hoàn toàn cậy dựa vào sức mạnh quyền năng của Thiên Chúa, để khi các ông làm được chuyện này chuyện kia khỏi tự hào vì tài năng riêng của mình. Đây là điều mà người tông đồ lừng danh thánh Phaolo đã đi theo con đường của Chúa. Người tông đồ cho dân ngoại đã bôn ba khắp đó đây, với những lời rao giảng hùng hồn và cũng làm được phép lạ, lôi kéo biết bao người theo Chúa, danh ngài lẫy lừng, nhưng ngài không tự hào tự mãn về những điều đó, mà ngài lại tự hào về điều mà thế gian tránh né, thế gian cho là khờ khạo và điên dại. Đây ta nghe lời của Thánh Phao lô nói: “Ước gì tôi đừng khoe khoang mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Đức Kitô” (Gl 6, 14).

Trọng tâm trong cuộc đời truyền giáo của vị tông đồ dân ngoại này là: Đức Kitô chịu đóng đinh, chết và đã sống lại. Ngoài Đức Kitô, ngài không màng đến của cải tiền bạc, danh tiếng, địa vị, mà chỉ một mực chú tâm đến ân sủng và ơn cứu độ của Đức Kitô dành cho mọi người bởi đức tin chứ không phải là một mớ lề luật hình thức bên ngoài mà không có hồn bên trong; lề luật, nghi thức, nghi lễ linh đình mà không chuyển tải được tâm tình mến yêu đối với Chúa qua cuộc sống với anh em thì tất cả đều vô ích và Chúa chán ngán, ghê tởm những của lễ đó, như lời Đức Chúa nói qua miệng tiên tri Amos: “Lễ lạt của ngươi, Ta chán ghét khinh thường; hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú. Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu, những của lễ của các ngươi, Ta không vui nhận, chiên bò béo tốt của các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. Hãy dẹp bỏ tiếng đàn của ngươi Ta không muốn nghe nữa. Ta chỉ muốn cho lẽ phải tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn” (Am 4, 21-24).

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta sống niềm tin mạnh mẽ, để cuộc sống của chúng ta cậy dựa vào ơn thánh của Chúa, cho dù chúng ta có thành công gì đi chăng nữa thì đó cũng là ơn của Chúa ban, và chỉ những tâm hồn khiêm tốn mới nhận ra tất cả mọi sự mình có là do Chúa ban, nên cuộc sống này là những lời tạ ơn được nối dài mãi mãi từ trần gian này và cũng không ngừng khi vào thiên quốc. Amen.


Lm. Phaolo Cao Thế Bình, SDD