-
Moderator
T - Tình hình tự do tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam
Tình hình tự do tôn giáo trên Thế giới và ở Việt Nam
Bản tường trình của tổ chức ”Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ” về hiện tình tự do tôn giáo trên thế giới:
Ngày 23 tháng 10 vừa qua tổ chức ”Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ” đã công bố bản tường trình về hiện tình tự do tôn giáo trên thế giới. Đây là lần thứ 8 tổ chức công bố kết qủa các nghiên cứu và tin tức liên quan tới tình hình tự do tôn giáo. Bản tường trình năm 2008 dài 600 trang và liệt kê danh sách 60 quốc gia vẫn tiếp tục đàn áp tự do tôn giáo. Bản tường trình đã được dịch ra 7 thứ tiếng khác nhau và được giới thiệu đồng loạt tại Italia, Pháp, Tây Ban Nha và Đức.
Buổi họp báo giới thiệu bản tường trình về hiện tình tự do tôn giáo trên giới hôm 23 tháng 10 vừa qua tại Roma do bà Paola Rivetta điều hợp. Trong số các người tham dự có Linh Mục Joaquin Alliende, Giám đốc tổ chức ”Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ”, Linh Mục Bernardo Cervellera, Giám đốc hãng thông tấn Asianews và hai nhà báo Camille Eid và Marco Politi.
Trong số 13 nước bách hại tự do tôn giáo trầm trọng có 10 nước Á châu là Arập Sauđi, Yemen, Iran, Turkmenistan, Pakistan, Trung Quốc, Bhutan, Myanmar, Lào và Bắc Hàn. Ngoài ra có 15 nước Á châu trên tổng số 24 nước giới hạn tự do tôn giáo, trong đó có Việt Nam.
Ngỏ lời trong dịp này Linh Mục Alliende ghi nhận sự kiện số các quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo gia tăng trên thế giới. Nhưng việc tự do sống lòng tin tôn giáo vẫn luôn luôn là thước đo quyền tự do và công lý, cũng như tình hình dân chủ của một quốc gia. Cha Cervellera, thuộc Hiệp Hội Truyền Ggiáo Nước Ngoài Milano, gọi tắt là PIME, Giám đốc hãng thông tin Asianews, thì ghi nhận rằng cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay khiến cho các chính quyền tây âu coi việc bênh vực và bảo vệ các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, là hàng thứ yếu. Bên cạnh các thái độ bạo lưc bất khoan nhượng tôn giáo thường có các lý do chính trị nữa, chẳng hạn như trong trường hợp của Ấn Độ. Tại đây các nhóm quyền bính muốn duy trì các thành phần thuộc giai tầng thấp kém hơn trong tình trạng nô lệ để tiếp tục khai thác bóc lột họ trên bình diện kinh tế. Thí dụ điển hình thứ hai là Trung Quốc, nơi nhà nước cộng sản lo sợ các vị lãnh đạo tôn giáo có thể hướng dẫn cuộc phản kháng của xã hội chống lại các lạm dụng của chế độ độc tài đảng trị.
Tuy nhiên trong năm thê thảm vì các cuộc bách hại tôn giáo này, người ta cũng thấy ló rạng một ánh sáng tích cực: đó là vai trò của dư luận công cộng gia tăng mạnh mẽ. Dân chúng tại nhiều nơi đã xuống đường biểu tình phản đối ngọn đuốc Thế Vận Hội Băc Kinh, một ngọn đuốc vấy máu của người dân Tây Tạng. Họ cũng biểu tình phản đối các cuộc đàn áp tàn bạo của nhà nước Myanmar chống lại các tăng ni phật tử, sinh viên học sinh và dân chúng.
Nhà báo Camille Eid, người Libăng, đã đề cập đến tình hình bách hại các kitô hữu và các tôn giáo thiểu số tại Irak. Mặc dù có các áp lực của Tây Âu tình hình đã không khả quan hơn. Ông tố cáo chiến dịch cưỡng bách kitô hữu bỏ gia cư làng mạc và thành phố của họ. Nhà báo Marco Politti, chuyên viên các vấn đề Vaticăng của nhật báo ”Cộng Hòa”, đánh giá cao công việc của tổ chức Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ trong việc thu thập các chứng cớ liên quan tới các vi phạm quyền tự do tôn giáo trong các năm qua.
Bản tường trình năm 2008 cho thấy tình hình bách hại tự do tôn giáo gia tăng một cách tồi tệ tại Á châu. A Rập Sauđi là quốc gia tuyên bố mình hoàn toàn hồi giáo, vẫn tiếp tục cấm mọi biểu lộ lòng tin công khai không phải là hồi giáo, cấm mang sách Kinh Thánh, thánh giá, tràng hạt và cầu nguyện giữa nơi công cộng.
Tại Bhutan tuy Hiến Pháp cho tự do tôn giáo, nhưng lại có khoản cấm chiêu dụ tín đồ. Ngoài ra chính quyền chỉ thừa nhận Phật giáo là quốc giáo và ngăn cấm các tôn giáo khác. Nhà nước không chỉ ngăn cấm không cho các thừa sai không phải là phật giáo vào Bhutan, mà cũng hạn chế hay không cho phép xây cất các nơi thờ tự không phải là phật giáo. Năm 2005 nhà nước Bhutan thiết định rằng luật Phật giáo được áp dụng cho tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo. Nhà nước cấm Giáo Hội Công Giáo cử hành thánh lễ hay cầu nguyện công khai, và không cấp chiếu khán cho các linh mục xin vào Bhutan. Được phép dâng thánh lễ tại tư gia, nhưng việc từ chối cấp chiếu khán cho các linh mục khiến cho phép này trở thành vô hiệu. Thế rồi mọi công dân đều bị bắt buộc phải mặc y phục như chủng tộc Ngalop trong các bàn giấy công, trong các tu viện, trường học và trong các lễ nghi chính thức.
Bên Iran Hồi giáo Shiít và chính quyền là một. Chỉ có 3 tôn giáo thiểu số được nhà nước hồi công nhận là Kitô giáo, Do thái giáo và đạo Zoroastro. Các tôn giáo thiểu số khác kể cả hệ phái hồi Sunnít, Hồi Ahmadi và Ba Hai cũng bị kỳ thị và thường phải gánh chịu nhiều bạo lực. Họ phải sống trong tình trạng tư pháp bấp bênh, trong khi các nhóm được thừa nhận thì sống trong tình trạng ”được che chở” và tất cả chỉ là các ”dhimmi” tức các công dân hạng hai, thường bị chèn ép bất công, thiếu các quyền lợi phát xuất từ sự tự do tôn giáo đích thật và bị bó buộc phải ủng hộ chính sách của nhà nước hồi. Giáo Hội công giáo đông phương Armeni và Canđê và Giáo Hội công giáo Latinh tương đối được tự do làm việc phụng tự, nghĩa là có các nhà thờ để cử hành các nghi thức tôn giáo, nhưng không thể bầy tỏ lòng tin bên ngoài các nơi thờ tự và cộng đoàn của mình. Mọi diễn tả bề ngoài và mọi hoạt động truyền giáo đều bị cấm ngặt và bị ghép tội chiêu dụ tín đồ. Cả khi tổng thống Ahmadinejad có khoe rằng thiểu số kitô được hưởng bình quyền như tín hữu hồi, nhưng các cộng đoàn kitô phải sống tình trạng ”ghetto”.
Tại Pakistan tuy Đảng Nhân Dân có khuynh hướng đời và hòa hoãn đã thắng cử, nhưng trong hai năm qua các vụ tấn công các nhóm tôn giáo thiểu số gia tăng. Chúng thường có hình thái “fatwa”, tức án lệnh của tòa án hồi giáo có quyền kết án tử cả các tín hữu không theo Hồi giáo. Các vụ tấn kích vũ trang các nơi thờ tự hay bắt cóc tín hữu các tôn giáo thiểu số cũng gia tăng. Một trong những dụng cụ người hồi hay lạm dụng để thanh toán tư thù là luật phạm thượng đối với Kinh Coran, có thể bị kết án tù chung thân, và nói phạm thượng tới Mahomet, có thể bị kết án tử hay tù chung thân. Ngoài ra còn có luật ”Hudood” phạt đánh đòn hay ném đá các tội ngoại tình, cờ bạc và uống rượu. Rất nhiều kitô hữu và tín hữu các tôn giáo thiểu số khác đã là nạn nhân của các luật bất công này.
Bên Ấn Độ các nhóm ấn giáo cuồng tín ngày càng gia tăng các cuộc bách hại các kitô hữu, đặc biệt trong bang Orissa. Nhưng hiện nay phong trào bách hại cũng lan sang các bang khác như Madhya Pradesh, và cả Kerala ở miền nam Ấn nữa. Trong bang Orissa từ cuối tháng 8 vừa qua đã có hơn 60 kitô hữu thiệt mạng, 18.000 người bị thương, 5.000 căn nhà bị đốt cháy, hàng chục nhà thờ và các trung tâm bác ái xã hội bị phá hủy, và hơn 50.000 tín hữu phải chạy trốn vào rừng hay tới các trại tị nạn.
Tại Trung Quốc nhà nước cộng sản tiếp tục bách hại các Giám Mục, Linh Mục Tu sĩ nam nữ và giáo dân thuộc Giáo Hội thầm lặng hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội hoàn vũ. Các Giám Mục Linh Mục tu sĩ và chủng sinh thuộc Giáo Hội công khai được nhà nước thừa nhận và cho tự do hoạt động cũng chịu nhiều sách nhiễu, và phải thường xuyên học tập, vì đa số các Giám Mục đã xin hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. Chính quyền Bắc Kinh cũng bách hại đã man các tăng ni phật tử và nhân dân Tây Tạng.
Tại Bắc Hàn nhà nước cộng sản Bình Nhưỡng vẫn cấm đạo nghiêm ngặt. Người dân chỉ được phép tôn sùng hai cha con Chủ tịch nước là Kim Nhật Thành và Kim Long Nhật. Các kitô hữu và phật tử phải đăng ký trong các tổ chức do nhà nước kiểm soát. Những người không chịu đăng ký bị đàn áp dã man. Từ khi chế độ cộng sản nắm quyền tại Bắc Hàn hồi năm 1953 đến nay khoảng 300 ngàn tín hữu công giáo đã biến mất, cũng không còn linh mục và tu sĩ, vì các vị đã bị sát hại trong các cuộc bách hại. Nhà nước Bắc Hàn chia xã hội thành 51 giai tầng khác nhau. Các tín hữu không chịu gia nhập các tổ chức tôn giáo do nhà nước điều khiển thuộc các gia tầng thấp nhất và thường xuyên bị áp bức.
Tại Lào, tuy hiến pháp thừa nhận quyền tự do tôn giáo, nhưng sắc lệnh ban hành năm 2002 bắt buộc mọi hoạt động tôn giáo phải có phép của nhà nước. Chính quyền Lào đặc biệt đàn áp các kitô hữu Hmong. Hồi cuối tháng 7 năm ngoái 2007 đã có 13 tín hữu bị sát hại và các cuộc lùng bắt kitô hữu có sự tham dự của cả 200 binh sĩ cộng sản Việt Nam nữa.
Tại Myanmar tình hình tự do tôn giáo năm 2007 đã trở nên tồi tệ chưa từng thấy. Trong hai tháng 8 và tháng 9 năm ngoái hàng ngàn tăng ni đã xuống đường biểu tình ôn hòa chống lại các bất công và đường lối chính trị sắt máu của chế độ quân đội độc tài nắm quyền từ năm 1962 đến nay. Nhưng nhà nước đã tàn sát các tăng ni và những người biểu tình. Ủy Ban Quân Quản cầm quyền từ năm 1988 tới nay mà không có Hiến Pháp. Tự do tôn giáo không được luật lệ nào bảo vệ, và chính quyền kiếm soát nghiêm ngặt mọi nhóm xã hội và tôn giáo để đừng ai nói tới dận chủ và các quyền con người.
Tại Việt Nam chính quyền cộng sản liên tục tìm mọi cách hạn chế các quyền tự do, ăn cướp đất đai tài sản của các tôn giáo, sách nhiễu, gây khó dễ, kỳ thị đàn áp, vu khống mạ lị các vị lãnh đạo tôn giáo, hành hung và bắt giam các tín hữu và đả thương cả nhà báo quốc tế. Điển hình như trong vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà trong các tháng qua, đã được các báo đài quốc tế rộng rãi đưa tin.
Bên Indonesia và Phi Luật Tân, các nhóm du kích quân hồi giáo cũng tấn công các kitô hữu, bắt cóc và sát hại các thừa sai kitô.
Tại Nigeria bên Phi châu, tuy Hiến Pháp thừa nhận quyền tự do tôn giáo nhưng từ năm 2000 12 trên tổng số 36 tiểu bang toàn nước đã áp dụng luật Sharia của Hồi giáo cho cả các tín hữu thuộc các tôn giáo khác. Các hành động kỳ thị tôn giáo và bất khoan nhượng thường xảy ra trong các bang có đông dân theo Hồi giáo: các giáo sư và sinh viên kiô bị vu khống nói phạm thượng chống Hồi giáo và phải bỏ trường. Chính quyền cũng cấm xây các nơi thờ tự và nghĩa trang kitô. Giới trẻ kitô bị cưỡng bách theo Hồi giáo còn những tín hữu hồi theo Kitô giáo bị đe dọa sát hại. Trong các ngày từ 18 đến 24 tháng giêng năm 2006 các vụ bạo động đã khiến cho 157 tín hữu thiệt mạng.
Tại Sudan sau khi Hiến Pháp tạm thời và Hiến Pháp cho miền Nam Sudan được chấp nhận năm 2005, có hai hệ thống luật tự do tôn giáo đươc áp dụng cho hai miền Nam Bắc Sudan. Trên lý thuyết tự do tôn giáo được bảo đảm cho tín hữu mọi tôn giáo trong 10 vùng miền Nam Sudan. Trong khi tại 16 vùng miền Bắc Sudan mọi người đều phải tuân giữ luật Sharia của Hồi giáo. Luật này phạt tử hình những ai bỏ Hồi giáo để theo một tôn giáo khác, chặt chân tay những ai ăn trộm ăn cướp, cấm lấy chồng không hồi giáo, và đánh đòn những ai uống rượu.
Bên Cuba Hiến Pháp năm 1976 tuyên bố Cuba là quốc gia vô thần và nhà nước cộng sản hạn chế tối đa việc thực hành đạo. Tuy nhiên cách đây 10 năm chuyến viếng thăm của ĐGH Gioan Phaolo II (21-25 tháng giêng 1998) đã khiến cho Cuba cởi mở hơn với thế giới. Nhưng chế độ vô thần thấm nhiễm tâm thức và cung cách sống của người dân nhất là giới trẻ, vì thế các tín hữu thực hành đạo cũng ủng hộ phá thai và ly dị.
(Avvenire 24-10-2008; ASIANEWS 23-10-2008)
Linh Tiến Khải
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules