Giáo dân, nói chung đều tốt cả



Tập Hồi Ký của Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng (Chứng từ của một Giám Mục) rất hấp dẫn về nhiều mặt, nhất là có nhiều chi tiết thú vị dù xót xa trong một bối cảnh lịch sử không thuận tiện cho đời sống đức tin.

Đặc biệt, Đức cố Giám mục Phaolô đánh giá rất cao vai trò của người tín hữu giáo dân trong Hội Thánh. Điều này hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Hội Thánh, nhất là từ thời Công Đồng Vatican II. Thành thử, có thể nói rằng Đức Cha Phaolô sống và suy tư theo tinh thần Công Đồng, dù ngài ở miền Bắc vào thời kỳ nhiều khó khăn nhất.
Đức Cha Phaolô viết: “Giáo dân, nói chung đều tốt cả. Người ta nói: ngày nay Chúa Thánh Thần hoạt động nơi giáo dân hơn là nơi giáo sĩ. Không biết có đúng không, nhưng có hiện tượng như thế” Ngài còn viết mạnh hơn ở những dòng sau đó, nhất là khi ngài so sánh thái độ giáo sĩ và giáo dân trong việc phong thánh cách đây hơn hai mươi năm.

Đó là một lời khích lệ cho người tín hữu giáo dân trong thời đại mà Hội Thánh luôn đề cao đặc tính tham gia và hiệp thông của mình.

Giáo dân là những con người giúp “hoàn thành sứ mạng trần thế của Giáo Hội” khi họ thi hành “những trách nhiệm liên quan đến việc xây dựng, tổ chức và vận hành xã hội”. Giáo huấn Xã Hội Công giáo đã xác định điều ấy một cách rõ ràng. (x. Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, CĐ Vatican II và Thông điệp Populorum Progressiocủa ĐGHPhaolô VI).

Sứ mạng trần thế của Giáo Hội phù hợp với bậc sống và điều kiện của người tín hữu giáo dân nên Giáo Hội uỷ thác và khuyến khích giáo dân thi hành sứ mạng ấy. Nhưng Giáo Hội là Mẹ không đứng ngoài cuộc mà quan sát và càng không thể bỏ bê. Tại sao thế?

Chính Giáo Hội trả lời: Đó là “quyền cũng đồng thời là nghĩa vụ của Giáo Hội, vì Giáo Hội không thể bỏ bê trách nhiệm này mà đồng thời không chối bỏ chính mình và bất trung với Đức Kitô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16).

Giáo Hội còn nói rõ hơn: “Vì Tin Mừng và đức tin có liên hệ đến đời sống chung như thế, vì các hậu quả của bất công hay của tội rất tai hại, nên Giáo Hội không thể giữ thái độ thờ ơ với các vấn đề xã hội”. (x. Tông huấn Evangelii Nuntiandi, ĐGH Phaolô VI)
Nhận xét của Đức Cha Phaolô trong thời kỳ mà thông tin từ Toà Thánh bị hạn chế, hoá ra lại hoàn toàn phù hợp và đi đúng con đường Hội Thánh. Đó vừa là sự khích lệ cho người tín hữu giáo dân, vừa giúp các chủ chăn về vai trò ủng hộ, nâng đỡ, chỉ dẫn và khuyến khích con cái mình can đảm làm chứng cho Tin Mừng giữa xã hội trần thế.

Người giáo dân nào cũng cảm thấy được an ủi nhiều khi đọc lời Đức Cha Phaolô: “Giáo dân, nói chung đều tốt cả”. Bất cứ người con nào, dù đời sống không theo chuẩn mực, vẫn đầy hy vọng và yêu thương khi nghe cha mẹ mình âu yếm nói nhỏ: “Con cái bố mẹ nói chung đều tốt cả”. Tương lai đứa con chắc chắn sẽ rất đẹp và rất sáng.

Trong bối cảnh xã hội phân hoá và bất định, mỗi người tín hữu giáo dân được sai đi để làm chứng cho Tin Mừng trong một vai trò khác nhau. Có những người con của Giáo Hội nhiệt thành và hăng say, đi nhanh hơn vai trò hướng dẫn của một vài chủ chăn nhiều e dè. Nhưng chắc chắn Chúa Giêsu đã đi trước họ nhiều lắm. Do đó niềm khát khao của người giáo dân hôm nay là được chạy như bay đến với Thầy Chí Thánh, có sự đồng hành và nâng đỡ của các chủ chăn của mình.

Và khi được các chủ chăn nâng đỡ, người giáo dân nhận thấy chính mình càng phải có trách nhiệm, không chỉ với tư cách một thành viên trong xã hội, mà còn là một “thừa sai” làm chứng tá cho Tin Mừng và thi hành sứ mạng mà Mẹ Hội Thánh giao phó.

Xã hội này cố ý trình bày sai lạc hình ảnh người giáo dân. Họ muốn cho thế gian thấy người tín hữu là người sống xa cách với cuộc đời, là những người hay gây hấn hoặc là những kẻ vọng ngoại. Thực tế thì hoàn toàn khác hẳn. Người giáo dân là người sống trọn vẹn thân phận con người giữa xã hội để nâng xã hội lên.

Các Thánh Tử Đạo Việt nam là các tiền nhân anh dũng, không chỉ chết để làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh, mà các ngài còn sống thật đẹp cuộc sống giữa thế gian. Chính quá khứ hào hùng và yêu thương ấy đã tạo cho người tín hữu giáo dân Việt nam một lối sống đạo, sống cho Chúa và cho đồng loại một cách đặc biệt hơn.

Quá khứ hào hùng ấy và hiện tại đầy yêu thương hôm nay đang hoà thành một, như lời Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt: “Ta là ta như hôm nay chính vì được nhào nặn trong dòng lịch sử. Tất cả những biến cố, những con người chung quanh, dù ẩn khuất vào bóng tối quá khứ, vẫn là một thành phần của đời ta. Ta có thể tìm thấy tất cả những điều ấy trong tập hồi ký của Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng”.


Gioan Lê Quang Vinh, VRNs