http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/In...07&ChannelID=3
Vịnh Nha Trang không phải tài sản riêng của Khánh Hòa
>> Xin rút Vịnh Nha Trang khỏi danh sách danh thắng quốc gia: “Vì nó ảnh hưởng đến sự phát triển”
Nhiều danh thắng ở Nha Trang bị đào bới, san ủi như thế này - Ảnh: P.S.N
TT - Phản ứng với thông tin UBND tỉnh Khánh Hòa xin rút tên vịnh Nha Trang khỏi danh sách danh thắng quốc gia để tránh các qui định của Luật di sản văn hóa và Luật bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin (VH-TT) Trần Chiến Thắng cho biết:
- Về nguyên tắc, khi đã xảy ra những vi phạm liên tục đối với danh thắng quốc gia như thời gian qua ở Khánh Hòa thì Bộ VH -TT sẽ tự động rút tên danh thắng đó ra khỏi danh sách danh thắng quốc gia chứ không có tiền lệ là địa phương chủ động xin rút.
* Nhưng nếu như địa phương cứ chủ động xin rút thì sao, thưa ông?
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin (VH-TT) Trần Chiến Thắng. Ảnh: Việt Dũng
- Vâng, họ đã đề nghị được công nhận thì họ cũng hoàn toàn có thể làm một hành động ngược lại. Chỉ có điều tôi xin nói thẳng: có lẽ đây là ngoại lệ duy nhất trên thế giới. Cả thế giới đều ra sức phấn đấu bảo tồn, tu bổ, gìn giữ và tìm mọi cách vận động để danh lam thắng cảnh, di sản của mình được các tổ chức quốc tế, quốc gia có uy tín công nhận, khi đã được công nhận thì làm tất cả để giữ được danh hiệu. Chỉ có một mình Khánh Hòa không làm thế.
Tôi không trực tiếp nghe vị lãnh đạo địa phương nào phát ngôn, nhưng tôi nghĩ khi nói như vậy họ đã quên mất tỉnh là một bộ phận của quốc gia chứ không phải một vương quốc, và vịnh Nha Trang không phải là tài sản riêng của Khánh Hòa, mà là tài sản chung của quốc gia, thậm chí của toàn nhân loại.
* Cũng từng có nhiều tiếng kêu ca của các lãnh đạo địa phương và nhà đầu tư là ở những vùng “đụng đâu cũng là di tích” thì khó làm ăn gì được chứ chưa nói đến phát triển?
- Sao họ không thấy là may mắn vì đất nước ta có nhiều di tích? Chúng ta từng có nhiều cảnh đẹp, nhiều di sản quí giá, nhưng một thời gian quá dài không được quan tâm gìn giữ đúng mức nên đã bị hủy hoại quá nhiều. Bây giờ đã đến lúc phải cố giữ nốt những gì còn lại. Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển là mâu thuẫn mà quốc gia nào cũng đã và đang gặp phải. Nhưng kinh nghiệm của những mô hình kinh tế - xã hội thành công nhất cho thấy họ không bao giờ chấp nhận phát triển bằng mọi giá. Phát triển để môi trường bị hủy hoại, để vùi lấp các giá trị truyền thống, phát triển để mình không còn là mình nữa thì phát triển để làm gì?
* Vậy Bộ VH-TT sẽ giải quyết ra sao khi nhận đề nghị chính thức xin rút vịnh Nha Trang khỏi danh sách danh thắng quốc gia của UBND tỉnh Khánh Hòa?
- Như tôi đã nói ở trên, vì đây là một việc chưa hề có tiền lệ, và vì vịnh Nha Trang không phải là tài sản riêng của tỉnh Khánh Hòa, nên Bộ VH-TT sẽ cho đăng báo công bố toàn bộ các thông tin trên và sẽ mở diễn đàn thực hiện trưng cầu ý kiến toàn dân. Nhưng tôi vẫn hi vọng Bộ VH-TT không phải làm việc đó.
THU HÀ thực hiện
Ông Paul Stoll - tổng giám đốc Công ty tư vấn dịch vụ du lịch quốc tế Celadon:
Phải biết mình muốn đạt gì trong tương lai
Ông Paul Stoll
Tôi nghĩ chính quyền tỉnh Khánh Hòa đừng vì những lợi ích trước mắt mà quên đi một tiềm năng chẳng phải nơi nào cũng có thể có được. Trong quá trình phát triển, bạn phải biết mình muốn đạt được thành tựu gì trong tương lai.
Nếu đã chọn phát triển theo kế hoạch dài hơi thì không thể ngay lập tức có thể thu được lợi nhuận. Thành công trong kinh tế không chỉ đo bằng số tiền mà chính quyền đó thu được, đó còn là sự trong sạch của môi trường sống, cuộc sống của người dân hạnh phúc hơn! Phát triển kinh tế thành công để làm gì khi môi trường sống càng trở nên tệ hơn. Nếu chỉ tập trung cho phát triển kinh tế, liệu có đảm bảo môi trường và cảnh quan của vịnh Nha Trang sẽ tốt hơn bây giờ?
LÊ NAM ghi
>> Ý kiến của bạn như thế nào? Xin vui lòng gửi email đến chúng tôi theo địa chỉ tto@tuoitre.com.vn (để đảm bảo chính xác về nội dung, bạn đọc vui lòng gõ font unicode có dấu)