-
Moderator
T - Tấm Bản Đồ nào đang có mặt trong nội tâm?
TẤM BẢN ĐỒ NÀO ĐANG CÓ MẶT TRONG NỘI TÂM
Sau bao nhiêu năm xa cách, về lại thăm viếng bà con xa gần, ở Hà Nội, tôi cần phải luôn luôn mang theo trên mình một tấm bản đồ, để nhận ra những con đường, tìm kiếm những địa chỉ.. .Trái lại, khi có bạn bè hoặc người thân cùng đi, tôi không cần ôm theo lè kè những phương tiện định hướng như vậy. Sau nhiều năm sinh sống và di chuyển, họ đã hội nhập tấm bản đồ của Thủ Đô trong đầu óc hay là nội tâm của họ. Tôi chỉ cần hỏi một người bạn cùng đi, để có thể quyết định đi tới hay là trở lui, quẹo qua tay trái hay là chọn hướng bên phải...
NHỮNG TẤM BẢN ĐỒ TRONG NỘI TÂM
Trong lãnh vực gia đình và nghề nghiệp, chính trị cũng như tôn giáo hay là xã hội, rất nhiều người cũng có xu thế « tấn phong » kẻ khác làm tấm bản đồ chỉ đường cho mình như vậy. Và trên mỗi đường đi nước bước, họ nhắm mắt đi theo, không cần xét lại làm gì cho nhọc thân nhọc trí. Lợi dụng và lạm dụng cơ hội, một số người khác đã biến thân thành người « chỉ đường chuyên nghiệp », thậm chí trong những vấn đề không thuộc về chuyên môn và khả năng hiện hành của họ. Chẳng hạn người làm chính trị lại khoác vào mình vai trò chỉ đạo, trong địa hạt tôn giáo. Người làm công tác tôn giáo lại hô hào đả đảo bên nầy, lật đổ phía kia, xuống đường, biểu tình, tuyệt thực, đập phá...
Thông thường, đối với những người có xu thế « chỉ đường và chỉ đạo như vậy », khi có một vấn đề xảy ra trong lòng xã hội và Quê Hương, nguồn gốc hay là nguyên nhân tạo ra vấn đề luôn luôn nằm ở đằng trước, phía bên kia, nơi kẻ đối phương và người đối diện. Còn họ : họ coi mình là con người luôn luôn trong trắng và vô tội. Họ chỉ là nạn nhân của bao nhiêu người đang có mặt trên giới tuyến « phản động, ác ôn, côn đồ » hay là « mặt trận của Bóng Tối ».
Để tránh những ngộ nhận có thể xảy ra do vấn đề sử dụng ngôn ngữ, tôi xin phân biệt : Chỉ đạo là điều khiển, lèo lái, áp đặt hoặc cưỡng chế từ trên hoặc từ ngoài, một cách độc tài, đơn phương và độc lộ. Trong địa hạt giáo dục, trái lại, người có trách nhiệm như cha mẹ, thầy cô... chỉ làm công việc soi sáng và hướng dẫn. Họ tạo điều kiện cho con cái và học sinh càng ngày càng trở nên tự lập và trưởng thành. Nhờ đó, từ từ con cháu của chúng ta có khả năng hội nhập, chuyển biến những bài học thành xương da, máu thịt và hơi thở ra vào của mình.
Trong tinh thần ấy, có bao giờ những người « chỉ đạo từ trên và từ ngoài » biết dừng lại, thay vì đưa tay lên, trỏ thẳng vào mặt phe bên kia để qui lỗi và tố cáo ? Có bao giờ họ đặt lại câu hỏi, để thú nhận một cách bình tâm và trung thực : « Tôi có thể lầm đường lạc lối, vì tấm bản đồ, mà tôi đang mang lè kè trong đáy sâu của nội tâm, đã lỗi thời, lạc hậu, không còn thích ứng với tình huống ở đây và bây giờ » ? Tôi không tìm ra đường và địa chỉ ở Hà Nội, phải chăng vì tôi đã cầm lộn tấm bản đồ của Thành phố Huế, khi đi ra khỏi nhà ? Hay là tấm bản đồ tôi đang sử dụng đã được xuất bản cách đây hơn một nửa thế kỷ ? Bao nhiêu tin tức mới mẽ chưa có mặt trên đó. Tệ hại hơn nữa là tôi nói về Quê Hương và anh chị em đồng bào của mình, bằng cách qui chiếu vào những tấm bản đồ được phát hành ở những thủ đô của Nước Ngoài như Paris, Rome, Moscou, Bắc Kinh và Washington...
Trong lãnh vực làm người, hay là trong những quan hệ với anh chị em đồng bào, chúng ta cũng thường gặp nhiều vấn đề tương tự, với những tấm bản đồ không được cập nhật hóa của chúng ta. Bao nhiêu hiện tượng tranh chấp, xung đột, hận thù và chiến tranh đang ngày ngày xảy ra giữa tôi và người khác, phải chăng đều xuất phát từ những tấm bản đồ nội tâm không còn tính hiện thực, trong điều kiện và hoàn cảnh hiện nay.
Lối nói « Tấm bản đồ nội tâm » đã được nhà tâm lý người Anh Kenneth CRAIK sử dụng lần đầu tiên, vào những năm thuộc thập niên 1940. Lúc ban đầu khi mới thành hình, tấm bản đồ là những lối nhận thức, những cách thuyên giải hay là những kết quả suy luận có mặt trong sinh hoạt hằng ngày của một người. Vì được lặp đi lặp lại nhiều lần, những hoạt động tâm linh nầy đã từ từ trở thành một tập tục tin tưởng, hay là một định kiến, thuộc loại trí nhớ dài hạn. Khi có một hay nhiều yếu tố dẫn khởi tương tự như trước đây tái xuất hiện trong môi trường, cả một kinh nghiệm thuộc quá khứ được đánh thức và ào ạt chỗi dậy, trấn áp toàn bộ nội tâm của con người, một cách tự động và máy móc.
Trên bình diện ngôn ngữ, những tấm bản đồ bên trong có thể thoát ra bên ngoài, bằng những lời tố cáo, phê phán, những cách chụp mũ, gắn nhãn hiệu... có sẵn ở đầu môi chót lưỡi của mỗi người trong chúng ta.
Theo cách giải thích và trình bày của tác giả Peter SENGE, loại bản đồ nội tâm làm bằng nhiều hình ảnh, nhiều giả thuyết chưa được kiểm chứng. Có thể đó là những câu chuyện, những điệp khúc.. . được lặp đi lặp lại, được kể lui kể tới nhiều lần, mỗi khi chúng ta nói về mình, về người khác hay là về môi trường sinh thái bao quanh chúng ta. Tấm bản đồ nội tâm thường được so sánh như những cặp kính tôi mang trên hai mắt. Nếu mặt kính có màu đen, mọi sự vật tôi nhìn thấy, đều nhuộm màu đen. Trái lại, khi mặt kính của tôi có màu đỏ, đối với tôi toàn thể cảnh vật lúc bấy giờ đều mang màu đỏ.
Cũng y hệt như vậy, tấm bản đồ có mặt trong nội tâm có xu thế bóp méo, xuyên tạc lối nhìn hay là cách thức tôi thuyên giải sự vật và con người đang có mặt ở đằng trước hay là bao quanh tôi. Khi thuyên giải một sự cố hay là tác phong của một người, tôi có xu thế khoác vào cho sự cố và tác phong ấy một ý nghĩa chủ quan, thể theo cách nhận thức, lề lối tư duy hay là tâm tình vui buồn đang xảy ra trong hiện tình của nội tâm.
Nói khác đi, những tấm bản đồ nội tâm đang điều hướng và điều hợp mọi đường đi và nẻo về của chúng ta trong lòng cuộc đời. Khi thay đổi tấm bản đồ nội tâm, chúng ta sẽ có cơ may và khả năng tác động, gây ảnh hưởng trên toàn diện con người của chúng ta, nhất là trong năm địa hạt : tác phong của năm giác quan, ngôn ngữ, lối nhìn, xúc động và quan hệ giữa người với người.
***
TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG MỘT TẤM BẢN ĐỒ TRONG NỘI TÂM
Nhằm xác định tầm ảnh hưởng rộng lớn của tấm bản đồ nội tâm trên toàn diện cuộc sống hằng ngày của con người, tôi cần khảo sát rất nhiều lãnh vực khác nhau. Trong khuôn khổ của bài chia sẻ nầy, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một vài điểm then chốt sau đây :
1.- Tấm bản đồ nội tâm là kết quả của một tiến trình học tập, từ ngày chúng ta sinh ra làm người.
Xuyên qua tấm bản đồ, chúng ta ghi nhận, tiếp thu và hội nhập tất cả những kinh nghiệm, mà chúng ta đã kinh qua. Tấm bản đồ ấy phản ảnh một phần nào những định luật đang chi phối cuộc sống, trong môi trường bao quanh chúng ta.
Tuy nhiên, tấm bản đồ không thể đồng hóa với xứ sở hay là thực tế cụ thể và bao la, đang có mặt trong môi trường sinh sống bao quanh chúng ta.
Xuyên qua tiến trình học tập, chúng ta đã sử dụng ba cơ chế - có nghĩa là ba thể thức sinh hoạt hay là ba cách làm khác nhau - để thiết lập tấm bản đồ nội tâm ấy.
- Cơ chế thứ nhất là tổng quát hóa. Từ hai ba sự kiện mà chúng ta đã ghi nhận, quan sát, chúng ta rút ra một định luật thường hằng và bất biến. Chẳng hạn, có dịp tiếp xúc với ba hoặc bốn người Bắc, tôi thấy họ ăn nói khéo léo và làm ăn rất tài tình. Từ đó, tôi kết luận : người Bắc - bất cứ ở chỗ nào, bất cứ vào thời buổi nào - luôn luôn ăn nói khéo và làm ăn giỏi.
- Cơ chế thứ hai là gạn lọc. Chẳng hạn, khi nói về người Bắc, tôi chỉ đưa ra hai tư cách là ăn nói khéo và làm ăn giỏi. Kỳ thực, tôi đã vô tình hay hữu ý bỏ qua mọi yếu tố khác, có khi còn quan trọng và đáng được lưu ý hơn, trong những lãnh vực khác như chính trị, tôn giáo hay là nghệ thuật.
- Cơ chế thứ ba là chủ quan hóa. Đối với tôi, người Bắc toát ra hai đặc điểm vừa được tôi đề cao và nhấn mạnh lui tới nhiều lần, khi có dịp trình bày ý kiến hay là quan điểm của mình. Một người bạn khác, ở sát cạnh nhà tôi, có thể có một kinh nghiệm khác và đề xuất một ý kiến khác, hoàn toàn ngược lại với lối nhìn của tôi. Tuy nhiên cả người ấy và tôi, không một ai SAI hoàn toàn một trăm phần trăm. Và cũng không một ai có khả năng chiếm hữu sự thật một cách toàn diện và tuyệt đối. Mỗi người đều dựa vào một số sự kiện cụ thể và khách quan, để rồi suy diễn, rút ra một kết luận hoàn toàn tổng quát, có khi xa rời khỏi thực tế được ghi nhận lúc ban đầu.
2.- Tấm bản đồ trong nội tâm là một dụng cụ cần thiết cho cuộc sống của con người.
Với bao nhiêu hạn chế ắt có, tấm bản đồ nội tâm vẫn là một bàn đạp hay là một điểm tựa đầu tiên, cho phép tôi càng ngày càng đi xa hơn, trên con đường học tập và hiểu biết. Không biết một, làm sao tôi có thể biết mười.
Hẳn thực, nhờ biết một, tôi có thể so sánh điều tôi đã biết với bao nhiêu điều còn lại, để bổ túc, kiện toàn hay là sửa sai.
Trái lại, nếu mỗi ngày phải bắt đầu từ số không, tôi không bao giờ có một cơ sở vững chắc hay là một kinh nghiệm, để tiếp xúc và trao đổi qua lại hai chiều với những người chung sống hai bên cạnh để thu hóa những bài học mới.
Chúng ta hãy nhìn, quan sát và lắng nghe một em bé vừa mới bặp bẹ học nói. Lúc ban đầu, em chi biết gọi lui gọi tới : mẹ mẹ. Không nói được tiếng « Mẹ », làm sao em có thể học nói thêm tiếng « Ba »...Dựa trên cơ sở ấy, em sẽ ngày ngày tiếp tục học, để gọi tên Trời, tên Đất và tên của cả Vũ Trụ Càn Khôn.
3.- Mọi tấm bản đồ đều bất toàn và phiến diện.
Để có thể càng ngày càng tiến xa hơn, trên con đường học tập, làm người và tu luyện nhân cách của mình, chúng ta cần ý thức một cách rõ ràng và chắc chắn về tính cách bất toàn và phiến diện của mọi loại bản đồ đang có mặt trong nội tâm của chúng ta.
Khi ý thức về điều quan trọng nầy, chúng ta sẽ biết lắng nghe và cẩn trọng người đang tiếp xúc, trao đổi và trò chuyện với chúng ta.
Hẳn rằng tôi có một câu chuyện phản ảnh tấm bản đồ nội tâm của tôi. Nhưng người khác cũng có một câu chuyện độc đáo của họ. Cả hai có thể bổ túc, kiện toàn hay là sửa sai cho nhau, thay vì khai trừ, loại thải hay là xung đột lẫn nhau.
Đàng khác, tuy dù bất toàn và phiến diện, tấm bản đồ nội tâm đang ngày ngày điều hướng mọi chương trình hành động. Khi ý thức về điều ấy, chúng ta sẽ không ngừng tìm mọi phương tiện, để làm mới, đánh sáng lại tấm bản đồ trong nội tâm của chúng ta.
Người Xưa đã thường nhắc lui nhắc tới về bài học và trách nhiệm cập nhật hóa ấy, nhất là trên con đường làm người và trong mỗi quan hệ trao đổi với anh chị em đồng bào. « Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân », phải chăng đó là gia tài và gia sản, mà Tổ Tiên và Cha Ông đã cô động và trối trăng lại cho chúng ta. Và ngày nay, chúng ta có bổn phận truyền thừa lại cho con cái và cháu chắt sau này. Mỗi ngày, đổi mới. Ngày ngày không ngừng đổi mới. Đổi mới hôm nay. Và ngày mai lại tiếp tục đổi mới tấm bản đồ nội tâm hay là lối nhìn của chúng ta. Tự khắc lúc bấy giờ, chúng ta sẽ trở nên « con người mới » có khả năng xây dựng Quê Hương và phục vụ anh chị em đồng bào, một cách thiết thực và hữu hiệu hơn.
***
PHƯƠNG THỨC ĐỔI MỚI TẤM BẢN ĐỒ NỘI TÂM
Tác giả Chris ARGYRIS là một trong những người đã trải qua suốt cuộc đời của mình để nghiên cứu và đề xuất một phương pháp nhằm đổi mới những tấm bản đồ có mặt trong nội tâm.
Phương pháp đổi mới ấy bao gồm những điểm then chốt sau đây :
THỨ NHẤT : Can đảm mang tấm bản đồ nội tâm ra vùng ánh sáng để khảo sát.
Những tấm bản đồ nội tâm thường bám chặt vào các tầng sâu của tâm hồn. Hơn nữa, chúng nó đã được thành hình, trong những ngày tháng xa xưa cổ đại, lúc chúng ta vừa bắt đầu học nói, học nhìn, học tiếp cận...
Trong tình huống hiện tại, chúng nó đã được chôn vùi, quên lảng ở đáy sâu của Vô Thức.
Tuy nhiên, như trước đây tôi đã trình bày và nhấn mạnh, những tấm bản đồ nội tâm tuy vô thức, vẫn ngày ngày điều hướng và điều hợp những chương trình hành động của chúng ta. Dưới hình thức ngụy trang, chúng nó len lỏi nằm vùng trong mọi sinh hoạt của chúng ta như : lề lối ghi nhận và gạn lọc những tin tức, cách thức thuyên giải các sự kiện, những phản ứng xúc động và tình cảm, chiều hướng kết dệt những quan hệ tiếp xúc và trao đổi với người khác.
Một cách đặc biệt, chúng nó thoát ra ngoài, qua con đường sử dụng ngôn ngữ mập mờ, úp mở, thiếu chính xác.
Nếu ngày ngày học hỏi, thực tập, tôi luyện khả năng LẮNG NGHE mình và LẮNG NGHE người khác một cách cẩn trọng, chúng ta có thể tiếp cận, đổi mới và chuyển hóa những tấm bản đồ nội tâm. Nhờ đó, chúng ta tránh được bao nhiêu ngộ nhận, tranh chấp và xung đột. Cũng nhờ đó, chúng ta có thể làm vơi bớt bao nhiêu khổ đau cho mình và cho người khác, trong lòng Quê Hương và cuộc đời.
THỨ HAI : Lắng nghe và chuyển hóa ngôn ngữ.
Ba cơ chế được nói tới trước đây như tổng quát hóa, thanh lọc và đề xuất một ý nghĩa chủ quan, là những phương tiện rất cần thiết trong công việc học tập.
Nhờ những cách làm nầy, chúng ta rút gọn, tóm lược, sắp xếp những bài học và kiến thức, vào trong kho tàng hoài niệm.
Tuy nhiên, khi nói về mình, về người khác hay là khi mô tả một sự việc, được chúng ta chứng kiến, chúng ta cũng dễ dàng bóp méo và xuyên tạc nhiều tin tức, vì những cơ chế ấy.
- Với những lối nói như « luôn luôn, không bao giờ, khi nào cũng vậy... », chúng ta chuyển biến những tin tức cụ thể, khách quan và chính xác... thành những mệnh đề phê phán, tố cáo, chụp mũ. Chẳng hạn, khi nói với bạn đồng liêu : « Bạn luôn luôn đến chậm », chúng ta đã phát biểu một qui luật bất biến và thường hằng. Trong thực tế, người bạn ấy đã đến chậm khi nào ? Mấy lần ? Vì lý do gì ?
- Khi đưa ra những nhận xét về « người Trung, người Nam, người Mỹ, người Pháp... », chúng ta đang bám chặt vào một nhãn hiệu rất trừ tượng. Trong những điều kiện cụ thể và chính xác, chúng ta đang thực sự nói đến người nào ? Tên gì ? Mấy tuổi ? Ở đâu ? Phái tính ?
- Khi sử dụng những mệnh đề trình bày « một việc làm » như « yêu Nước, phục vụ đồng bào, sống đạo, hy sinh vì Tổ Quốc », có bao giờ chúng ta xác định những động tác hay là những bước cụ thể cần được thực hiện : « Khi bạn yêu Nước, bạn làm những điều gì, mà tôi có thể quan sát và ghi nhận ? »
- « Người ta nói xấu tôi ở đây, họ làm những điều phản động, các anh là những thành phần thích bôi nhọ kẻ khác... ». Trong những câu nói ấy, chủ từ « người ta, họ, các anh... » là những người nào ? Những lối nói mơ hồ như vậy có phần vụ và hiệu năng gây hỏa mù trong tâm hồn của những người đang lắng nghe chúng ta.
- Trong những câu chuyện hằng ngày, chúng ta cũng thường có xu thế nêu lên những cách so sánh như : « tốt hơn, thích hợp hơn, hay hơn... ». Và chúng ta không giải thích : chúng ta dựa vào những tiêu chuẩn hợp lý và hợp pháp nào, để có thể xếp đặt và so sánh như vậy.
- Sau hết, với những lối nói như : « Mày PHẢI, mày KHÔNG NÊN, mày CẦN... » chúng ta áp đặt cho kẻ khác những qui luật, những mệnh lệnh từ trên và từ ngoài. Có bao giờ chúng ta giật mình, tĩnh thức, đặt ra cho mình câu hỏi : Ai đã thiết lập những qui luật ấy ? Tôi nhân danh người nào, để ra lệnh như vậy ? Nếu người ma tôi đang tiếp xúc, không tuân phục, cái gì sẽ xảy đến ?
Qua bao nhiêu nhận xét ấy, tôi muốn nhấn mạnh một điều : trong những quan hệ trao đổi với người khác, ngôn ngữ được chúng ta dùng hằng ngày, là nguồn gốc có thể phát sinh nhiều ngộ nhận, gây ra những tranh chấp và xung đột trầm trọng. Cho nên khi ý thức về ảnh hưởng của ngôn ngữ, chúng ta đã bắt đầu tôn trọng con người đang tiếp xúc với chúng ta. Nhờ vào đó, chúng ta có thể chuyển hóa những quan hệ giữa chúng ta và người ấy, từ tiêu cực thành tích cực. Từ tê liệt hoặc phá hoại thành xây dựng và năng động.
THỨ BA : Suy diễn một cách khoa học
Để có thể chung sống hòa bình và hợp tác với anh chị em đồng bào, chúng ta không thể không học tập lý luận và suy diễn một cách có hệ thống và khoa học.
Bước đầu tiên trong tiến trình suy diễn là trình bày một cách trong sáng những sư kiện cụ thể và khách quan. Với phương thức “Môi trường hóa”, chúng ta cần xác định một cách minh bạch và nghiểm chỉnh trong những hoàn cảnh nào, với những điều kiện nào…bao nhiêu sự kiện ấy được quan sát và ghi nhận.
Bước thứ hai là dựa vào các sự kiện ấy, đề xuất một hay nhiều giả thuyết.
Bước thứ ba là rút ra một kết luận cuối cùng, sau khi rà soát lại những dữ kiện và tin tức, cũng như chứng minh tính hợp lý hợp tình của giả thuyết.
Bước thứ tư là tiên liệu một chương trình hành động ăn khớp với kết luận cuối cùng.
Không từng bước đi lên một cách có thứ tự như vậy, chúng ta sẽ nhảy vọt lung tung, lộn xộn như vượn chuyển cành. Hệ quả tất yếu là chúng ta không còn có khả năng chia sẻ, trao đổi, góp chung lại và cùng nhau sáng tạo, với những người đang chuyện trò và thảo luận với chúng ta. Thay vào đó, sẽ bùng nổ lên những vụ tranh chấp « tao hơn mày thua », hay là những vụ xung đột, hận thù và bạo động « mày phải chết, để cho tao sống ».
THỨ BỐN : Nêu lên những câu hỏi đóng góp và xây dựng
Khi lắng nghe kẻ khác trình bày ra ngoài tấm bản đồ nội tâm của mình, qua con đường lý luận và suy diễn, chúng ta cần nêu lên những câu hỏi xây dựng và đóng góp, nhằm xóa tan những mây mù còn tồn đọng.
- Xin bạn làm ơn xác định : Những điều bạn vừa trình bày là những tin tức cụ thể, hay là những kết luận của bạn ?
- Nếu đó là những tin tức, xin bạn bổ túc : Bạn đã thu thập các tin tức ấy khi nào ? Ở đâu ? Trong hoàn cảnh nào ? Có ai chứng kiến cùng với bạn ?
- Nếu đó là kết luận của bạn, xin bạn bắt đầu nêu ra những dữ kiện làm bàn đạp cho cách suy luận của bạn ?
- Dựa vào những tin tức mà bạn đã đưa ra, bạn thuyên giải như thế nào. Giả thuyết của bạn là gì ?
- Với kết luận mà bạn đã rút ra, bạn tiên liệu chương trình hành động như thế nào ? Trong bao lâu ? Giai đoạn đánh giá kết quả lần đầu tiên sẽ được tổ chức thế nào ? Ở đâu ? Khi nào ? Có ai tham dự ? Chương trình sẽ được thực hiện, trong những điều kiện nào ?...
THỨ NĂM: Hóa giải những xúc động
Xúc động có thể là « con sâu làm rầu nồi canh », trong những quan hệ giữa chúng ta và người khác. Xúc động là những phản ứng tự động và máy móc xảy ra trong nội tâm, như buồn, lo, giận, sợ, ghét, trầm cảm, hận thù, tuyệt vọng. Những phản ứng nầy phát sinh từ những lối nhìn, ý kiến hay là tấm bản đồ có mặt trong nội tâm. Tuy nhiên, một khi đã xuất hiện, chúng nó trở lại làm ô nhiễm hay là khống chế những sinh hoạt của tư duy. Chẳng hạn khi đang ở giữa những tình huống giận hờn, trầm cảm, và lo âu... khả năng lý luận và suy diễn của tôi không còn hoạt động một cách bình thường. Trái lại, Tư duy bị méo mó và xuyên tạc. Lúc bấy giờ tuy có tai, tôi có thể không còn nghe. Tuy có mắt, tôi không còn thấy. Trong những quan hệ với tha nhân, những động tác như lắng nghe, hiểu biết, đồng cảm, hợp tác, đối thoại...lúc bấy giờ sẽ bị tổn thương và suy đồi, một cách trầm trọng.
Không ngày ngày học tập hoặc tôi luyện những phương thức diễn tả, bộc lộ ra ngoài, chúng ta sẽ dễ dàng đánh mất khả năng tự chủ và kiểm soát tình hình. Xúc động, trong những điều kiện như vậy, sẽ xô đẩy chúng ta đi vào con đường bạo động, hận thù, xung đột và chiến tranh.
Nhằm hóa giải những rối loạn trong địa hạt xúc động, tác giả M. B. ROSENBERG đề nghị cho chúng ta bốn bước đi lên như sau :
- Thứ nhất : xác định môi trường. Tôi thấy, tôi nghe những gì ? Ai ? Ở đâu ? Khi nào ? Bao lâu ? Thế nào ?...
- Thứ hai : Đặt tên hay là gọi tên một hay nhiều xúc động đang thành hình và từ từ xuất hiện trong nội tâm.
- Thứ ba : Khám phá nhu cầu cơ bản đang ẩn núp ở đằng sau hoặc bên dưới mỗi xúc động.
- Thứ bốn : Chia sẻ với những người đang có mặt lời yêu cầu tích cực và cụ thể, cũng như bao nhiêu nguyện vọng chính đáng của mình.
Khi có nhiệm vụ nâng đỡ ai, chúng ta cũng giúp họ đi qua bốn bước hóa giải vừa được giới thiệu và trình bày.
THỨ SÁU : Tự do và sáng suốt chọn lựa cho mình một tấm bản đồ năng động và xây dựng, thay vì khoán trắng cho người khác, trời đất hoặc thời tiết chỉ huy, lèo lái chúng ta.
Khi thực hiện hai động tác « chọn lựa và quyết định », tôi là con người tự do, có khả năng làm chủ bản thân và cuộc đời. Trái lại, khi « phản ứng một cách máy móc, bốc đồng và tự động », tôi chỉ là đối vật và nạn nhân. Tôi khoán trắng cho kẻ khác toàn quyền chỉ đạo mọi đường đi nẻo về của tôi.
Đối với tấm bản đồ nội tâm, chúng ta cũng đứng trước hai ngả đường tương tự như vậy:
Một bên, tôi chịu đựng, đầu hàng, làm nạn nhân.
Bên kia, tôi chọn lựa cho tôi tấm bản đồ nội tâm thích ứng với bản chất, nhu cầu và nguyện vọng làm người của tôi.
Với tấm bản đồ thứ hai nầy, tôi có những quyết định sáng suốt sau đây :
- Thực tế của tôi là những gì tôi thấy, tôi nghe, tôi xúc cảm... Những gì còn lại không ở trong tầm hiểu biết và quyền làm chủ của tôi.
- Lối nhìn của tôi bao gồm hai trọng điểm. Tôi là một con người toàn phần với những giá trị độc đáo. Người khác, trước mặt tôi, cũng là một con người toàn phần được tôi kính trọng vô điều kiện, mặc dù họ đã và đang có những hành vi sai trái, trong cuộc đời. Trong bất cứ hoàn cảnh và điều kiện nào, lối nhìn của tôi về người khác là lối nhìn Yêu Thương và Tha Thứ, Đồng Cảm và Đồng Hành.
- Xúc động tiêu cực và tê liệt có thể phát xuất từ con người của tôi. Với khả năng hóa giải, tôi làm chủ đời tôi. Trong một phút giây thiếu thức tĩnh, tôi có thể đánh mất tâm hồn an lạc. Nhưng thậm chí trong tình huống nầy, tôi vẫn có khả năng tìm lại con người đích thực của tôi.
- Trong lãnh vực quan hệ, tôi chọn lựa con đường « Người Thắng, Tôi Thắng, Chúng ta cùng Thắng ». Với tinh thần ấy, cả hai chúng ta hợp tác với nhau, sáng tạo với nhau, cùng nhau bắt tay xây dựng « Trời Mới, Đất Mới, Con Người Mới, Quê Hương Mới ».
Không « biết mình và biết người... » như vậy, làm sao chúng ta có khả năng xây dựng Đất Nước và phục vụ anh chị em đồng bào?
Lausanne, Thụy Sĩ
SÁCH THAM KHẢO :
1.- Chris ARGYRIS
- Overcoming Organizational Defenses - Needham, Mass. 1990.
- Reasoning, Learning, and Action - Jossey-Bass, San Francisco 1982.
- Action Science - Jossey-Bass, San Francisco 1985.
2.- P.M. SENGE - The Fifth Discipline, Fieldbook - Currency NewYork 1994.
3.- Marshall B. ROSENBERG - Nonviolent Communication - Pudle Dancer Press, Encitas CA 2001.
4.- NGUYỄN Văn Thành - Huyền Sử Việt Nam : Con đường luyện vàng của Con Rồng Cháu Tiên - Tình Người -
Lausanne 2004.
Nguyễn Văn Thành
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules