Giám mục bị tù



Một làn gió mới

Tại lễ tấn phong cha Vinh-sơn Nguyễn Văn Bản làm giám mục Ban Mê Thuột, người giảng lễ là đức cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm, giám mục phụ tá Sàigòn. Đọc bài giảng của ngài, tôi có cảm giác được một làn gió nhẹ thoảng qua giữa lúc trời oi bức. Thật ra những điều đức cha Khảm nói không mới. Cái mới là những điều đó lại do một giám mục nói ra, trong một cuộc lễ đặc biệt long trọng, với sự hiện diện của 20 giám mục, hơn 700 linh mục và tu sĩ, với trên 4.000 giáo dân. Xin ghi lại sau đây một vài cảm nghĩ.

Giám mục mù

Đức cha Khảm nói: … mỗi người –kể cả giám mục và linh mục– … có những lúc sống trong tình trạng mù loà và mất tự do. Như vừa nói ở trên, ý tưởng này không mới, và trong hoàn cảnh cụ thể của xã hội và Giáo Hội Việt Nam, nhiều người đã nói rồi. Còn phía các giám mục, thật ra trong thâm tâm, các ngài cũng nghĩ vậy thôi. Cái mới là có một giám mục không chỉ nghĩ, nhưng đã nói, và nói công khai. Thiết tưởng đây là cách gián tiếp trả lời cho những ai đã từng than phiền, đã từng trách móc: tại sao đối diện với bao nhiêu vấn đề nhức nhối, bao nhiêu chuyện động trời trong xã hội mà các giám mục cứ nhắm mắt làm ngơ. Nay đã có được một câu trả lời.

Giám mục thành tù nhân

Hiện tại các giám mục của chúng ta có khá nhiều tự do (dĩ nhiên còn phải xin phép, nhưng dễ được phép hơn xưa rất nhiều). Ví dụ tự do xây cất, tự do truyền chức linh mục, tự do tổ chức tĩnh tâm mỗi tháng hay mỗi năm, tự do đi ra nước ngoài… Nhưng ai cũng biết đó là những thứ tự do có điều kiện, theo một thứ luật bất thành văn. Có gì đâu: bánh ít đi, bánh quy lại. Nói chuyện thiêng liêng, chuyện trên trời, thì cứ thoải mái. Còn chuyện dưới đất, chuyện xã hội, thì phải coi chừng. Có nói thì cũng chỉ nói xa nói gần, nói cách chung chung, vô thưởng vô phạt. Nhất là những đề tài nhạy cảm thì chớ có dại mà xía vô: chuyện bất công, chuyện tham nhũng, chuyện dân oan… Các tín hữu Công Giáo cứ mỏi mắt dài cổ chờ một tiếng nói từ phía các giám mục mà không hề thấy. Nay thì đức cha Khảm đã cho chúng ta chìa khoá của mầu nhiệm. Đức cha Khảm nói: bản thân giám mục… cũng có thể… bị giam giữ trong những ngục thất vô hình. Các giám mục của chúng ta không được tự do như chúng ta mong muốn đâu. Bao nhiêu “ân huệ” Nhà Nước rộng tay ban phát là bấy nhiêu sợi dây thừng trói buộc các ngài.

Người dám chặt sợi dây thừng

Như mọi người đều biết: vị giám mục đầu tiên cả gan chặt đứt sợi dây thừng vừa nói là đức cha Giu-se Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Hà Nội, qua việc phản bác cơ chế xin-cho theo nội dung lá thư ngỏ của HĐGM/VN năm 2002 gửi lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Nhà Nước Việt Nam. Vào thời điểm 2002, rất ít ai biết đến nội dung lá thư ngỏ này. Nhưng 5 năm sau, đích xác là ngày 21-09.2007 tại trụ sở UBND Tp Hà Nội, khi đức Tổng Kiệt công khai phản bác cơ chế xin-cho với những ví dụ cụ thể, và thông tin đó được loan đi rộng rãi trên toàn thế giới, thì ngay tức khắc, ngài đã một thân một mình lãnh một đòn chí tử từ chính quyền Hà Nội.

Tù nhân được tự do lại bắt người khác bỏ tù

Khi đề cập đến bối cảnh xã hội, đức cha Khảm nói: có những người bị giam giữ trong nhà tù với hàng rào kẽm gai vây bọc, và chỉ mong được tự do. Nhưng khi đã được tự do rồi, thì chính họ lại dựng lên những nhà tù khác để giam giữ đồng loại của mình và để bảo vệ cái gọi là tự do của mình. Lời khẳng định này chỉ mang tính nguyên tắc, thế nhưng bất cứ ai sống trên đất nước Việt Nam mà không thấy những ví dụ rất ư cụ thể kể từ năm 1945 ngoài miền Bắc và từ năm 1975 trên cả nước Việt Nam ? Và nhận định mang tính nguyên tắc này có thể áp dụng cho nhiều phạm vi khác. Chẳng hạn có những người xuất thân là bần cố nông từ nhiều đời liên tiếp, nhưng khi đuổi được thực dân bóc lột rồi, triệt tiêu hết các đồng mình của mình rồi, thâu tóm hết quyền lực trong tay rồi, thì tha hồ vơ vét, cướp cả đất đai của những người nghèo thấp cổ bé họng.

Kết luận

Chẳng phải bài giảng của đức cha Khảm đã giải toả được mọi thắc mắc, giải quyết được mọi vấn đề: ta không có quyền đòi ngài làm phép lạ. Thế nhưng theo thiển ý, lời lẽ của ngài cho ta có lý do để hy vọng, như vừa ghi nhận trên đây. Trong những năm qua, ta thấy xuất hiện trong hàng ngũ giám mục những khuôn mặt tương đối trẻ, dám ăn dám nói, có khi dám làm. Tiếp theo sau đức Tổng Kiệt không chịu đi xin ơn, nhưng nhất quyết đi đòi quyền, đến lượt đức cha Tân không muốn câm, nay đức cha Khảm không muốn mù, đức cha Bản không muốn què, cương quyết “bước đi trong Thần Khí” có vẻ như từ lòng Giáo Hội Việt Nam đang bừng lên một khí thế mới, dưới sự thúc đẩy của Thần Khí: “Dậy mà đi!”

Sài-gòn, ngày 17 tháng 05 năm 2009


pascaltinh@gmail.com
LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, ofm