Phản Ứng Của Người Việt Trong, Ngoài Nước Trước Những Biến Động Ở Tây Tạng



2008.03.18

Đỗ Hiếu, phóng viên đài Á Châu Tự Do

Thời sự quốc tế mấy ngày gần đây tập trung chú ý vào các cuộc đàn áp của quân lính Trung Quốc nhắm vào tu sĩ và người dân Tây Tạng để dập tắt tiếng nói ôn hòa, đấu tranh cho độc lập. Người Việt trong và ngoài nước có phản ứng gì trước hành động này từ phía Bắc Kinh. Đỗ Hiếu ghi nhận.

Mục sư Trần Mai, vị lãnh đạo tinh thần phụ trách Liên Đoàn Phúc Âm Việt Nam, từ Văn Phòng Hội Thánh ở Sài Gòn nhấn mạnh với Đài Á Châu Tự Do rằng, hành động của Trung Quốc sử dụng võ lực để đàn áp các tu sĩ và Phật Tử bên Tây Tạng là một sự xúc phạm đến Thượng Đế. Ông phản đối bất cứ chánh quyền nào, chế độ nào, muốn tước đoạt quyền tự do của con người.

Theo mục sư Trần Mai thì việc Bắc Kinh tuyên chiến với tôn giáo, đó chính là đầu mối của mọi sự bất ổn hiện giờ tại Hoa Lục.

Mục sư Trần Mai: Tôi là Mục sư Trần Mai, mục sư hội trưỏng của Liên Đoàn Truyền Giáo Phúc Âm, đại diện cho giáo hội chúng tôi, có vài phát biểu ý kiến sau đây:

Khi Thượng Đế dựng lên con người, Thượng Đế để cho con người quyền tự do ý chí, tự do để quyết định về số phận của cuộc đời của mình. Quyền tự do đó là quyền cơ bản mà không ai có quyền để tước đoạt nó được. Đó là quyền của Thượng Đế ban cho vì vậy bất cứ ai tước đoạt quyền tự do của con người, đó chính là xúc phạm đến quyền lãnh đạo của Thượng Đế.

Và chúng tôi đứng hẳn về phía Thượng Đế để muốn nói với nhân loại toàn thế giới rằng phải để cho con người được tự do chọn lấy quyết định riêng cho số phận của cuộc đời của mình.

Chúng tôi phản đối hoàn toàn bất cứ một thế lực nào, một chế độ nào, một thể chế nào, một quyền lực nào mà tìm cách cướp đoạt, khủng bố hay áp bức cái quyền tự do của con người, nhân quyền cũng như là tự do tôn giáo.

Vì vậy chúng tôi lên tiếng kêu gọi các nhà cầm quyền khủng bố tôn giáo hãy ngưng tay để cho con người thật sự là con người và con người sống trong sự hoà bình. Nếu mình lãnh đạo một quốc gia mà mình tuyên chiến với tôn giáo thì chính những người lãnh đạo quốc gia là thủ phạm của tình trạng bấtảôn xã hội chứ không phải là tôn giáo. Vâng. Cảm ơn quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do.

Xúc động trước cảnh ngộ của người Tây Tạng

Các cuộc biểu tình ở Tây Tạng đã biến thành bạo động. Hôm 14-3-2008, công an Trung Quốc đã súng vào đoàn biểu tình, làm ít nhất 2 người thiệt mạng. AFP PHOTO.
Bà Lê Bùi Tuyết Nga, thường xuyên theo dõi tin tức thời sự mấy hôm nay và đang chứng kiến tận mắt các cuộc tập họp biểu tình của người dân Tây Tạng từ khắp Châu Âu kéo về Bruxelles, thủ đô Vương Quốc Bỉ, để phản đối Trung Quốc, đã nói lên nỗi đau khổ của dân tộc Tây Tạng cũng như của người Việt Nam từng bị Tàu đô hộ suốt hàng ngàn năm.

Bà không biết là, tiếng kinh cầu của người Tây Tạng khắp thế giới có vang đến Thuợng Đế để cản ngăn và chấm dứt hành động của bạo quyền bắn giết người tu hành và những người dân đấu tranh ôn hoà. Bà mong được góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc đấu tranh chính đáng của người Tây Tạng.

Bà Lê Bùi Tuyết Nga: Tôi có cảm tưởng như là những người Việt đều đồng cảnh ngộ, đồng cái đau khổ của người Tây Tạng. Mây hôm nay tôi ngồi ở trung tâm Bruxelles, tôi nghe những người biểu tình Tây Tạng họ ngồi họ đọc kinh.

Thật ra thì tôi nghe tôi rất là xúc động. Sự đấu tranh ở Lhasa, ở Tibet đó thì không biết nó như thế nào, nhưng mà ở Bruxelles này tôi thấy rất là hoà bình, và (người biểu tình Tây Tạng) cứ ngồi đọc kinh mà tôi cảm động muốn rớt nước mắt. Hổng biết là kinh này có thấu đến Thượng Đế hay là như thế nào mà để cho người dữ họ bớt dữ để mà trả lại đất đai Tibet, trả lại cho người ta có tự do tín ngưỡng, tự do hưởng cái văn hoá của chính họ.

Thành ra tôi thấy rằng đây là một điều đau khổ giống như chúng ta hồi 1975 đi và cũng đau khổ giống như họ mà họ triền miên như vậy. Rồi chúng tôi nhớ đến Việt Nam mình cũng bị Tàu đô hộ tới một ngàn năm, thì trong một ngàn năm đó cũng đau khổ giống như Tây Tạng, th ra tôi thấy bất nhẫn không biết nói sao, và sẵn sàng làm gì để tương trợ cho các anh chị Tây Tạng đó, đi ngang trước mặt tôi mà đi biểu tình đó thì họ la và tôi cũng muốn la theo họ vậy.


Lên án các hành động trấn áp

Ông Trần Tuấn cũng quan tâm đến chuyện đổ máu ở Tây Tạng ngay từ lúc đầu, ông nhấn mạnh rằng ngày nay lãnh đạo Trung Quốc vẫn duy trì đầu óc của thời quân chủ, phong kiến, muốn mọi sắc tộc, trong đó có người Tây Tạng phải thần phục mình tuyệt đối. Mọi sự lên tiếng dù ôn hòa để đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân quyền, đều bị dập tắt tức khắc, bằng súng đạn:

Ông Trần Tuấn: Cái đất nước Trung Quốc từ ngàn xưa tới giờ đó, họ có truyền thống quân chủ và phong kiến, có nghĩa là muốn tất cả mọi người phải thần phục mình và không có sự nào là đối lập, tức là vua là thiên tử, vua phán thế nào thì quần thần ở xung quanh và các chư hầu cũng phải đều tuân theo như thế.

Và dưới mặt họ, họ muốn thu tóm cả thiên hạ về một mối. và trong bối cảnh hiện nay thì ngoài cái việc họ sắp sửa khai mạc Thế Vận Hội, họ muốn quảng bá cái tên tuổi của họ, nhưng chính cái hành động của họ đối với xứ Tây Tạng của các nhà sư trong cái tinh thần người ta phản ứng, người ta bày tỏ bằng cách bất bạo động mà dùng vũ lực mà xả súng bắn như thế thì không có cái chữ nghĩa nào có thể nói lên được cả.

Tuy nhiên, đó là một điều mà nói theo cái mệnh trời và cái đạo lý của trời, nếu người ta muốn tin như vậy, thì chăc chắn là những ngày tàn của những chế độ như vậy rồi, không thể chấp nhận được. Thứ nhất, cái ngưyện vọng và những cái yêu cầu của phía Tây Tạng như thế là chính đáng. Người ta đòi hỏi một cái nền tự trị mà từ ngàn xưa đất nước người ta sống như vậy thì các bậc sư sải, các giới tu hành người ta đã theo tinh thần nhập thế người ta bắt buộc thay người dân người ta lên tiếng như vậy.

Theo ông Tuần thì, ngày trước, chế độ cộng sản còn có thể bưng bít, che đậy, ngụy biện khi họ sử dụng bạo lực, nhưng hiện giờ thì tin tức, hình ảnh về những vụ đàn áp, bắn giết đã được loan tải nhanh chóng khắp thế giới, vì thế mọi hành động gây đổ máu, tấn công nhà chùa và sát hại tu sĩ đang bị công luận thế giới lên án gay gắt:

Ông Trần Tuấn: Trước đây họ có thể bưng bít tất cả các hành động của họ để thế giới ở ngoài không biết. Họ phải hiểu rằng ngày hôm nay cái bức màn sắt của chế độ cộng sản đó đã mục quăng ra rồi, không thể che giấu một điều gì được cả, không thể biện bạch một cách khôi hài.

Đã đến lúc các quốc gia tự do dân chủ trên thế giới phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa và phải có thái độ cứng rắn hơn nữa. Bên cạnh những yếu tố kinh tế ràng buộc hoặc là có những cái tương quan, nhưng trên lương tâm con người thì chính ra ngoài các chính phủ thì còn có những đoàn thể, còn có những lực lượng, còn có những tổ chức đồng loạt lên tiếng và tố cáo.

Điều quan trọng phải nói cho chế dộ cộng sản Trung Quốc họ hiểu rằng ngày hôm nay không còn ai có thể tin được những điều họ nói nữa, cho nên trước việc làm - hành động như vậy quá nhẫn tâm, để nhắc nhà cầm quyền Trung Quốc rằng trong thời buổi hiện tại và hiện nay phải chung sống trong một thế giới toàn cầu và điều đó không có nghĩa là anh muốn làm gì thì làm.

Các tin tức mới nhất Đài Á Châu Tự Do thu thập được cho biết lệnh giới nghiêm vẫn còn hiệu lực ở Lhasa, đường phố hầu như váng bóng người. Và quân đội, công an Trung Quốc vẫn tiếp tục truy lùng những người Tây Tạng từng dẫn đầu đoàn biểu tình.

Tuy nhiên, ở những thành phố khác, ngay trên lãnh thổ Hoa Lục, nhiều cuộc biểu tình cở nhỏ do tập thể người Tây Tạng tổ chức vẫn liên tục diễn ra, đặc biệt ngay thủ dô Bắc Kinh. Các sinh viên Tây Tạng theo học trường đại học dành cho người thiểu số cũng tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ phản dối hành động nổ súng giết người của quân đội Trung Quốc.

Tiếng Việt