Truyền Giáo


Nhìn về ý thức chứng nhân truyền giáo dựa theo kinh nghiệm sống của thánh Phaolô tông đồ. Nhìn ngắm tinh thần truyền giáo của ngài chúng ta được khuyến khích canh tân tinh thần truyền giáo của mỗi người chúng ta.

Chính giữa những thử thách và những chống đối mà thánh Phaolô được ơn Chúa soi sáng để ý thức nhiều hơn nữa về ơn gọi của ngài.

Ngày nay có thể xảy ra cho chúng ta như vậy, những khó khăn, thử thách, chống đối là những dịp tốt để ý thức hơn về ơn gọi của mình và về những lý do thúc đẩy chúng ta làm chứng cho Chúa.

Chúng ta tuần tự đọc một vài đoạn thơ thánh Phaolô nơi thơ thứ hai, đây là bức thơ có tích chứa nhiều về cuộc đời, nhất là về tinh thần truyền giáo của ngài. Khi viết thơ này ngài bị thúc đẩy để biện minh cho chính mình khi bị những tấn công, những hiểu lầm của những người xung quanh.

Trong đoạn đầu của bức thơ thứ hai, chúng ta có thể đọc được mười lăm lần thánh Phaolô Tông đồ nhắc đến ý thức chứng nhân nơi ngài và mỗi lần nói đến tuỳ theo khía cạnh những vấn đề được đặt ra lúc đó mà ngài muốn trả lời cho.

Trước hết nơi (II Cor 1,21), thánh Phaolô quả quyết: "Ðấng đã liên kết chúng tôi với anh em trong Ðức Kitô, Ðấng đã xức dầu cho chúng tôi chính là Thiên Chúa, Ðấng đã đóng ấn tín vào mình chúng tôi và là Ðấng đã đổ Thánh Thần vào lòng chúng tôi làm bảo chứng".

Rồi sau đó nơi (I Cor 2,17), thánh Phaolô viết tiếp về chính mình: "Chúng tôi không phải như nhiều người khác làm sai lạc Lời Chúa, trái lại chúng tôi đã thành thực giảng đúng Lời Chúa, được Ngài thôi thúc hướng dẫn và trước thiên nhan Ngài chúng tôi rao giảng trong sự kết hiệp với Chúa Kitô".

Và nơi (II Cor 4,1-2), thánh Phaolô đã tâm sự: "Vì lòng nhân từ Chúa đã trao ban cho chúng tôi trách vụ này nên chúng tôi không ngã lòng, ngược lại chúng tôi từ bỏ những âm mưu giả dối đáng hổ thẹn, không giở trò bịp bợm, không xuyên tạc sai lạc Lời Chúa nhưng rao giảng công khai sự thật, chúng tôi giới thiệu mình cho mọi lương tâm con người trước mặt Thiên Chúa".

Qua ba đoạn trên chúng ta học được nơi thánh Phaolô điều gì?

Trước hết chúng ta học được nơi chương thứ nhất, thánh Phaolô ý thức rõ về Thiên Chúa là chủ, là Ðấng kêu gọi và sai ngài ra đi, là Ðấng xức dầu cho ngài, là Ðấng đổ tràn Thánh Linh vào tâm hồn ngài để giúp ngài làm chứng cho Chúa Kitô. Và ơn gọi đó luôn luôn có chiều kích Giáo Hội, chiều kích đại đồng chứ không phải là một ơn gọi cô lập đơn biệt tách khỏi cộng đồng: "Thiên Chúa là Ðấng liên kết giữa anh em với chúng tôi trong Ðức Kitô". Gương chứng nhân luôn ý thức mình là thành phần của cộng đoàn Giáo Hội Chúa Kitô chứ không phải là một người riêng rẽ cô lập.

Thánh Phaolô ý thức rõ ràng trách nhiệm của ngài đối với Lời Chúa, ngài không thể nào sống như những kẻ lạm dụng Lời Chúa, dùng Lời Chúa để phục vụ cho lợi ích riêng tư. Những kẻ mà ngài gọi bằng danh từ là: "Làm sai lạc Lời Chúa theo tư tưởng hay ý thức hệ riêng, nhưng là ý thức mình là một người thành thật tuân giữ Lời Chúa, được ThiênChúa thôi thúc hướng dẫn và hành động quang minh chính đại trước mặt Thiên Chúa trong sự kết hiệp với Chúa Kitô".

Qua đoạn trích trên, chúng ta có thể tóm lại thực thể của chứng nhân truyền giáo là một thực thể hướng về kẻ khác, một thực thể do Thiên Chúa ban cho hướng về với anh em trong cộng đoàn đức tin và hướng về liên kết đặc biệt với Chúa Giêsu Kitô, không thể nào có việc chứng nhân truyền giáo tự mình phong cho mình chức vụ và hoạt động một cách riêng rẽ.


Lạy Chúa, xin ban ơn cho chúng con được nhìn thấy những sơ sót, những sai lầm trong thái độ sống của chúng con để làm chứng cho Chúa trọn vẹn hơn, hữu hiệu hơn.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn kết hiệp với Chúa và liên kết với anh em xung quanh trong cuộc đời làm chứng cho Chúa mọi nơi, mọi lúc. Amen
.


Của Ðài Phát Thanh Chân Lý