TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI CỦA THƯƠNG BINH PHÁP

Hồi ấy là năm 1914. Thế chiến thứ nhất (1914-1918) bùng nổ. Trên chiến trường nơi biên giới Pháp và Đức, một lính Pháp bị thương nặng vì làn đạn bắn như mưa của quân Đức. Hai người đồng binh chủng vội chạy đến đặt bạn trên cáng khiêng đi. Nhưng người lính bị trọng thương nói với hai bạn:

- Hãy để yên tôi nằm chết tại đây. Không cần cấp cứu, bởi tôi không sống được bao lâu!

Hai bạn trả lời:

- Chính vị chỉ huy trưởng ra lệnh như thế.

Binh sĩ bị thương liền nói:

- Vậy hai anh cứ tuân lệnh!

Hai người lính khiêng bạn đi nhanh về phía có trạm thuốc cấp cứu gần nhất. Đàng sau chiếc cáng, vị chỉ huy trưởng cũng vừa chạy đến. Ông muốn tận mắt lượng định tình trạng nguy ngập của người lính can đảm ông hết lòng yêu mến.

Cả ba người cùng im lặng bước đi. Những tia nắng ban mai bắt đầu dọi chiếu trên các đỉnh đồi nằm xa xa. Đi được một quãng dài, người lính trọng thương làm hiệu ngõ ý muốn xin vị chỉ huy đến gần. Vị chỉ huy cúi sát xuống người bị thương và hỏi:

- Anh khát nước, muốn uống phải không?

Người bị thương vừa lắc đầu vừa nói:

- Không, em không khát. Nhưng xin đại úy làm ơn lấy hộ em tràng chuỗi Mân Côi nằm trong túi áo bên phải của em.

Vị chỉ huy chìu ý ngay. Ông cho tay vào túi người bị thương và rút ra tràng hạt Mân Côi. Ông cẩn trọng đặt tràng chuỗi vào tay người lính. Bàn tay anh trắng bạch. Khuôn mặt anh trắng bạch và đôi mắt chỉ he hé mở.

Vị chỉ huy chăm chú nhìn những ngón tay người lính đang chầm chậm lần từng hạt chuỗi. Sau khi xong chục hạt Kinh Kính Mừng thứ nhất, vị chỉ huy ra lệnh cho hai người khiêng cáng dừng lại, để cáng xuống nghỉ. Chỉ lúc này đây, cả 3 người mới nhận ra tràng chuỗi Mân Côi đã rơi khỏi tay người lính trọng thương. Anh đã êm ái trút hơi thở cuối cùng..

Câu chuyện thứ hai liên quan đến đảng viên cộng sản cuồng nhiệt người Ý. Ông tên Matteo, bị đau nặng và đang nằm nhà thương. Năm ấy, bức tượng thánh du Đức Mẹ FATIMA được rước qua từng thành phố của toàn nước Ý..

Khi bức tượng thánh du Đức Mẹ FATIMA rước tới thành phố nơi có nhà thương ông Matteo đang điều trị bỗng có tin tung ra:

- Bức tượng thánh du trên đường đi tới nhà thờ chính tòa sẽ dừng lại nơi khu vườn của nhà thương!

Tức tốc, mọi bệnh nhân trong nhà thương vui mừng chuẩn bị tiếp rước Đức Mẹ MARIA. Về phần ông Matteo, từ ngày gia nhập đảng cộng sản, ông hoàn toàn bỏ rơi Đạo Công Giáo. Ông lập gia đình theo nghi thức đời chứ chưa theo nghi thức Đạo. Giờ đây, tin đồn bức tượng thánh du Đức Mẹ FATIMA sẽ đến viếng thăm bệnh nhân, khiến lòng ông xôn xao giao động. Ông tìm đến Linh Mục Tuyên Úy nhà thương và thưa:

- Xin Cha làm ơn giúp con lãnh nhận bí tích Hôn Phối, trở về với Giáo Hội Công Giáo. Con không muốn khi Đức Mẹ MARIA đến đây lại trông thấy con ở trong tình trạng hôn nhân không hợp lệ.

Dĩ nhiên Cha Tuyên Úy chỉ đợi chờ có thế. Cha vui mừng giúp ông Matteo, - đảng viên cộng sản - sốt sắng chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối cùng với vợ. Và khi bức tượng Thánh Du Đức Mẹ FATIMA rước đến nhà thương, ông Mattêô cảm thấy vô cùng sung sướng đón tiếp Mẹ. Không sao kể xiết nỗi niềm hiếu thảo và tri ân, ông trìu mến dâng lên Mẹ THIÊN CHÚA.

... ”Tiếng tốt danh thơm thì hơn dầu quý và ngày chết hơn ngày sinh. Đi đám tang thì tốt hơn đi đám tiệc, vì đó là điểm kết thúc của mọi người, người còn sống phải để tâm suy nghĩ. Phiền muộn thì tốt hơn vui cười, vì bộ mặt rầu rĩ giúp lòng người được cải thiện. Dạ người khôn ở nơi tang tóc, lòng kẻ dại ở chốn vui chơi. Nghe người khôn trách móc thì tốt hơn nghe kẻ dại ca khen; vì tiếng cười của kẻ dại khác nào cành gai nó lách tách dưới nồi, điều ấy cũng chỉ là phù vân. Bị áp bức, người khôn hóa dại, của biếu xén làm hư hỏng lòng người. Làm xong một việc thì tốt hơn mới bắt đầu, nhẫn nại thì tốt hơn huênh hoang tự đắc” (Sách Giảng Viên 7 1-8).

(Sac. Pietro Ceccato, ”Alla Scuola della Madonna”, Centro Mariano Montfortano, 1961, trang 233-234)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt