Cho dù cả thế gian, cũng không bằng một Mẹ.


BÀI GIẢNG LỄ AN TÁNG BÀ CỐ MATTA LÊ THỊ THANH THỌ

MẸ SR. ANÊ HOÀI HƯƠNG DÒNG MTG NHA TRANG.

GIÁO XỨ MẸ VÔ NHIỄM


Ngày 16.2.2009

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, 84 tuổi, đã qua đời tại nhà nghỉ của Ngài trong sự thanh thản và bình an, vào lúc 9 giờ 37 phút ( giờ Rôma) đêm Thứ Bảy ngày 2/04/2005, tức vào lúc 2 giờ 37 phút sáng Chúa Nhật 3/04/2005 (giờ Việt Nam), kết thúc 26 năm, 5 tháng và 17 ngày trong cương vị Đại Diện Chúa Kitô trên trần thế.

Trước khi giã từ cuộc sống trần thế, trên giường bệnh Đức Giáo Hoàng đã thì thào với vị thư ký riêng: “Cha đang vui mừng, ước gì các con cũng vậy.” Ước mong, lời trăn trối này là “một di chúc” dành cho tất cả mọi tín hữu trên toàn thế giới.

Bà cố Matta Hồ Thị Thanh Thọ được Chúa gọi về lúc 10giờ ngày 14.2, ngày lễ tình yêu. Bà về với Chúa an bình nhẹ nhàng. Bà ra đi lặng lẽ một mình thanh thản.

Những tháng ngày vừa qua, căn bệnh ung thư bao tử hành hạ thân xác bà đau đớn. Tìm thầy chạy thuốc khắp mọi nơi, y học đành chịu thua trước bệnh tật và cái chết. Bà cố ra đi mang theo bao nổi ưu tư khắc khoải của một người mẹ còn nhiều đứa con chưa yên bề gia thất.

Trước Tết hai tuần, bà kiệt sức, gia đình lo lắng sợ bà chết trong dịp Tết. Tôi đến xức dầu, mọi người cầu nguyện xin Chúa khoan cất bà về. Chúa nhậm lời để đến hôm thứ bảy 20 Tết, bà lặng lẽ xuôi hồn về với tổ tiên. Bà cố chết trong Chúa như lời sách Khải huyền đã nói: ngay từ bây giờ, phúc thay những người đã chết mà được chết trong Chúa. Thần khí phán: phải, họ sẽ được nghĩ ngơi, không còn vất vả nhọc nhằn nữa, vì các việc họ làm vẫn theo họ (Kh 14,13).

Bà Matta chết trong Chúa, từ nay hết đau khổ nhọc nhắn, giả từ cuộc sống trần gian để về với Chúa. Cụ bà 80 tuổi, mẹ bà cố run rẩy khóc thương con “là xanh rụng xuống, lá vàng trên cây”. Quả thật, cuộc sống con người ở đời chỉ là tạm bợ. Trần gian chỉ là nơi ta sống đợ ở nhờ. Tất cả mọi người sinh ra nơi trần thế đều là lữ khách hành hương đi về cội nguồn của mình. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói lên tâm sự lữ khách ấy qua lời ca: Con chim ở trọ cành tre, con cá ở trọ trong khe nước nguồn, tôi nay ở trọ trần gian, mai sau về chốn xa xăm với người. Cuộc sống trần gian chỉ là quán trọ. Ai ai cũng phải trải qua một cuộc hành trình ngắn dài tương đối. Để đi về đâu? Không ai xác định được điều ấy, người ta chỉ nói tử quy, thác về. Đối với chúng ta, chết là về với Chúa. Thành ngữ: về với Chúa rất thích hợp với người Việt Nam Công giáo chúng ta, vì một mặt nó diễn tả đúng ý nghĩa Thánh kinh, đúng với niềm tin của Giáo hội nhưng mặt khác nó cũng rất gần gũi với niềm khát vọng của người Việt là được về với ông bà cha mẹ tổ tiên mà “Cha trên trời chính là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất “ (Ep 3,14).

Khi nói về cái chết của mình Chúa Giêsu cũng dùng kiểu nói: Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha. Cái chết như vậy có nghĩa là một sự hội ngộ khiến chúng ta đựơc quy tụ về với Đấng đã sinh thành ra mình. Đây là một cuộc trở về nhà Cha thật sự. Con người có sinh có tử, đó là luật của Đấng Tạo Hoá đã an bài, không ai biết được mình sẽ ra đi vào ngày giờ tháng năm nào và ở đâu. Con người không chọn và không định được ngày giờ ra đi. Sự sống và sự chết đều là kỳ công của Tạo Hoá, con người không thể làm ra sự sống cũng không tài nào cản ngăn được sự chết.

Những ngày này đang đi dần về cuối mùa xuân, bên linh cửu của bà cố đây, chúng ta nghe như lời tâm sự của Ns. Trịnh Công Sơn.

Vừa tàn mùa xuân rồi vào mùa hạ,
Rọi xuống trăm năm một või đi về.
Mấy che trên đầu và nắng trên vai,
Đôi chân ta đi sông còn ở lại.
Còn tình yêu thương vô tình chợt gọi.
Rọi xuống trăm năm một cõi đi về.


Những người thân trong tang quyến, bà con làng xóm, cộng đoàn giáo xứ lại thấy đâu đây hình bóng của bà vẫn còn hiện hữu, hình bóng lung linh như ánh sáng những ngọn nến nhạt nhoà như khói sương toả vào ký ức những kỷ niệm nhớ thương dấu ái.

Hình ảnh cảm động nhất đối với tôi và bà con trong giáo xứ chúng ta là suốt cả tuần lễ, Ông Hai cõng bà Hai đi lên nhà thờ đọc kinh cầu nguyện bên đài Đức Mẹ. Mỗi tối tôi ng8ám nhìn hình ảnh ông cõng bà nhạt dần phía cổng Nhà thờ, lại thấy xót xa. Mấy ngày gần đây không thấy ông cõng bà nữa, tôi mới hỏi thăm, ông bảo là bà yếu quá không bám tay vào cổ để ông cõng, ông đi một mình đến cầu nguyện với Đức Mẹ. Nhìn bóng ông một mình lủi thủi đi về, tôi nghĩ từ nay, đời ông đi một mình thiếu vắng người vợ yêu dấu. Ông ngắt mấy cọng lá đi nhanh về cho bà uống, ông nói uống lá thuốc đài Đức Mẹ giúp bà giảm cơn đau hành hạ. Mấy lần đến thăm nói chuyện với bà. Bà nói trong nước mắt là bà không muốn chết. Tám đứa con, mới có hai đứa lập gia thất, một đứa đi tu dâng cho Chúa, còn một đàn con nhỏ chưa có gia đình, không có mẹ thì ai chăm sóc cho chúng nó hả cha?. Nghe bà tâm sự thều thào trong hơi thở nhẹ như gió thoảng, tôi bùi ngùi xúc động. Tôi chỉ biết động viên an ủi bà, hãy dâng cho Chúa cho Đức Mẹ tất cả để các ngài lo liệu. Hành trình 54 tuổi đời của bà còn biết bao gánh nặng gia đình chưa lo toan trọn vẹn. Nhiều người đến thăm, ai cũng cảm động đến rơi lệ khi nghe bà bày tỏ những thổn thức về đàn con nhỏ. Nhạc sĩ Y Vân là người đã được cái cảm nhận xuất thần khi ông khai triển đề tài mẹ qua nhạc phẩm bất hủ “Lòng Mẹ”: “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào”; và Thiền Sư Nhất Hạnh cũng rất thổn thức khi viết: “mẹ là dòng suối dịu hiền”. Thiếu dòng suối ấy, thiếu đại dương tình thương ấy, người con không thể nào sống hạnh phúc.

Có một người con viết cho mẹ những vần thơ đầy xúc cảm.

Đời Mẹ chưa bao giờ nở một Mùa Xuân
từ thuở đôi mươi đến hôm nay mái đầu bạc trắng
Chỉ biết hy sinh thầm lặng
nhận về mình bao phần cay đắng
gánh trên vai bao vất vả nhọc nhằn…
Những tháng-năm-khoai-sắn
Mẹ chạy ngược chạy xuôi
Buôn thúng bán bưng, phơi lưng cuốc rẫy
lượm lặt cho con từng hạt gạo hiếm hoi
để ngoài bữa sắn khoai còn thấy màu cơm trắng…
Căn chòi nhỏ mong manh những đêm mưa lạnh
Tám Mẹ con co ro…
chăn màn chắp vá
chỗ khô ráo cho con, nơi dột ướt Mẹ nằm.
Những đêm Giao thừa
cả nhà đi ngủ sớm
giờ phút thiêng liêng, nghe tiếng Mẹ thở dài
Không áo mới cho con
chẳng thịt thà bánh trái
mặc thời gian cứ thế trôi đi…
Vậy mà đàn con vẫn lớn khôn
giờ mỗi người mỗi ngả
Đứa lấy vợ, đứa theo chồng
đứa đang theo đại học
Mẹ vẫn chưa thôi tháng ngày khó nhọc
Đôi mắt nhạt nhoà dòng nước mắt thương con
Chưa được nhìn con đứng vững giữa đời
vẫn một mình nơi quê nghèo còm cõi
hố mắt rưng vui nghe con cháu tụ về
rồi lại đứng thẫn thờ đầu ngõ
lúc cháu con lần lượt chào Mẹ đi…
Cả đời Mẹ cho con đôi cánh
Con bay đi góp mặt với đời
Chưa nuôi Mẹ được một ngày
Lúc ốm đau đâu dễ về chăm sóc
Vẫn có đứa làm buồn lòng, Mẹ khóc!
Nổi lo oằn trên vai Mẹ chưa thôi…
Để xấu hổ cho tôi
mỗi khi nghe con trẻ hát
“Em sẽ là Mùa Xuân của Mẹ…”
Tôi lại cảm thấy mình có lỗi
bởi quá nửa đời người
tôi vẫn chưa là Mùa Xuân cho Mẹ
Mẹ ơi!
Người con ấy nhắn gởi rằng:
Xin những ai còn mẹ
Hãy về để thăm mẹ, Ôm mẹ và hôn mẹ
Vì một ngày nào, Mẹ sẽ mãi ra đi
Con muôn đời hối tiếc, Nhưng đã mất mẹ rồi
Cho dù cả thế gian, cũng không bằng một mẹ.


Ca dao VN có viết: cây có gốc mới nở nghành sanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu, người ta có gốc từ đâu có cha có mẹ rồi sau có mình. Lòng thảo hiếu biết ơn của con cháu đối với ông bà cha mẹ rất quan trọng đối với người Việt nam chúng ta. Tình cảm này không những được thể hiện qua cách đền ơn đáp nghĩa của con cháu đối với ÔBCM khi còn sống mà cả khi các ngài đã qua đời. Bởi vì đối với người việt: con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn. Công cha như núi thái sơn,nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Con người sinh ra ở đời chẳng có ai thân yêu gần gũi bằng cha mẹ của mình. Công ơn sinh thành, công lao dạy dỗ, tình yêu thương ấp ủ khiến con cháu lo sao cho tròn chữ hiếu. Đạo hiếu là lòng biết ơn, biết ơn trời đất, biết ơn cha mẹ. Nói đến công ơn cha mẹ người ta nói đến ơn chín chữ, đức cù lao, ơn võng cực biển trời: ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao, dục báo chi đức, hạo thiên võng cực. Con cái có bổn phận kính trọng yêu mến, hiếu thảo.

Người Việt nam sống chết đều gắn bó với quê hương, vì lá rụng về cội. Khi sinh ra cái nhau của ta được chôn nơi sân trong vườn nhà mình, có khi là dưới viên đá lát lối đi. Khi ta chết,ta cũng muốn được chết tại quê hương, được chôn cất trong đất của tổ tiên, đất Thánh Giáo xứ. Quê hương là đất nước là nơi chôn nhau cắt rốn, vì vậy người Việt nam suốt đời gắn bó với quê hương, với tổ tiên, ÔBCM.

Thi sĩ Chế Lan Viên đã viết về miền đất quê hương ấy qua hai câu thơ ý nghãi: khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hoá tâm hồn. Bà cố Matta đã ra đi về nhà Cha, nhưng mảnh đất Tân Hà này đã hoá thành tâm hồn của bà vì ở đó còn có mẹ già 80 tuổi, có chồng, có đàn con cháu, có bà con lối con, có cộng đoàn giáo xứ, hàng ngày vẫn luôn nhớ cầu nguyện cho ông trong mầu nhiệm hiệp thông của Giáo hội. Bà ra đi trong lòng mến chúng ta ở lại trong lòng tin. Cái chết như một huyền nhiệm, như nhịp cầu đưa bà ra đi về nhà Cha, nơi yên nghĩ muôn đời, một cõi đi về đợi ngày tái ngộ trong cõi vĩnh hằng. Chúng ta tin rằng bà cố đã an giấc ngàn thu, nhưng vẫn có ngày chỗi dậy, đó là ngày Chúa quang lâm. Và chúng ta có thể hát lên với Ông Gióp: tôi tin rằng đấng cứu chuộc tôi hằng sống, và ngày tận thế,từ bụi đất, tôi sẽ đứng lên, một ngày kia chính trong trong thân xác này tôi sẽ được nhìn thấy Chúa, Đấng cứu độ tôi. Bà cố ra đi trong niềm hạnh phúc và hy vọng sống trong sự sống mới của Chúa Kitô Phục Sinh. Bà về với tổ tiên, về với cội nguồn của mình. Trong niềm khát vọng ấy, thi sĩ Tagore đã viết lời kinh tha thiết:

Như đàn hạc hoài hương
Bay thẳng về tổ ấm
Trên đỉnh núi vút cao
Qua vùng trời thăm thẳm
Lên tận chốn huyền siêu. (Gitanjali 103,4).


Lời nguyện cầu của cộng đoàn là lễ vật là hương thơm bay lên chốn huyền siêu trước tôn nhan Đấng Tối Cao. Xin Chúa đoái thương đón nhận và dẫn đưa bà cố về dự tiệc vui muôn đời. Amen.

LM. Giuse Nguyễn Hữu An