Lễ hiến dâng thế giới cho Mẹ Thiên Chúa – khúc quanh lịch sử nhân loại


1. Bối cảnh

Vào chính ngày 13.5.1981, ngày của Đức Mẹ Fatima(1), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị Tông đồ vĩ đại của lòng tôn sùng Mẹ Maria, bị tên khủng bố Hồi giáo Mehmet Ali Agca, người Thổ Nhĩ Kỳ, ám sát trên chính quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma trong một buổi tiếp kiến chung. Tên khủng bố chỉ đứng cách Đức Gioan Phaolô II khoảng 4 thước nên tất cả bốn viên đạn thoát ra khỏi lòng khẩu súng lục của y đều trúng đích. Nhưng nhờ có «bàn tay hiền mẫu của Mẹ Maria»(2) chở che, đã lái hướng bay của các viên đạn định mệnh kia, nên không có một viên nạn nào trúng vào chỗ hiểm trên người Đức Thánh Cha. Do đó, ngài chỉ bị trọng thương, chứ không bị tử thương. Qua sự kiện lạ lùng đó, Đức Gioan Phaolô II hoàn toàn thâm tín rằng việc ngài thoát khỏi một cái chết hầu như không thể tránh khỏi như thế là một phép lạ của Đức Mẹ Fatima, nên một năm sau cuộc ám sát, năm 1982, ngài đã đích thân đi hành hương Fatima để tạ ơn Đức Mẹ và để dâng hiến cả thế giới cho Đức Mẹ.


Và ngày 25.03.1984, ngày Lễ Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lại một lần nữa dâng hiến cả thế giới cho Mẹ Maria một cách trọng thể tại Roma(3). Và ngài cũng yêu cầu tất cả các Giám Mục trên khắp thế giới hãy thực hiện như thế.

Một năm sau đó (1985), ở Liên Bang Sô Viết, strung tâm quyền lực của chế độ cộng sản vô thần quốc tế, ông Michail Gorbatschow được bầu làm Tổng bí thư Đảng cộng sản và nắm giữ mọi quyền hành trong tay. Mặc dù là một đảng viên cộng sản đầy xác tín và là cột trụ đầy quyền lực của Đảng, ông Gorbatschow cũng không thể đi ngược lại chương trình của Thiên Chúa đã ấn định được.

Thật vậy, khi lên nắm quyền bính do Đảng giao phó, ông Gorbatschow đã tìm cách củng cố Đảng cộng sản thêm vững mạnh và kiên cố hơn nữa bằng công cuộc đổi mới và mở cửa cho phù hợp với thời thế. Nhưng chính công cuộc đổi mới đó đã không xảy ra đúng như dự định của ông Gorbatschow và của Bộ chính trị trung ương Đảng cộng sản Liên Sô vào lúc bấy giờ mong muốn. Trái lại, công cuộc đổi mới đó đã trở thành nguyên nhân cho sự đổ vỡ của bức tường ô nhục Berlin ở Đức, một biểu tượng không những của sự chia đôi nước Đức từ sau trận thế giới II, nhưng còn là biên giới đầy mùi tử khí ngăn chia lục địa Âu Châu thành hai lực lượng thù địch nhau: Tây Âu và Đông Âu. Nhưng nhất là công cuộc đổi mới và mở cửa của ông Gorbatschow đã đưa tới sự sụp đổ và giải thể hoàn toàn của Đảng cộng sản tại Liên Sô cũng như tại các nước khác trong khối Đông Âu.

Nhưng điểm quan trọng ở đây là chính sự sụp đổ của chế độ cộng sản vô thần ở Liên Sô đã minh chứng một cách hùng hồn cho lời tiên báo của Đức Mẹ vào năm 1917 tại Fatima «Nước Nga sẽ ăn năn trở lại» đã hoàn toàn được ứng nghiệm. Vì theo lời chị Lucia thì lời tiên báo ấy là có ý chỉ sự chấm dứt chế độ cộng sản vô thần.

2. Nhưng lịch sử cần phải được tiếp tục

Và cho tới nay, 25 năm đã trôi qua kể từ ngày Đức Thánh Cha dâng hiến thế giới cho Mẹ Maria. Phong trào quốc tế truyền bá Kinh Mân Côi cũng như nhiều các đoàn thể trong Giáo Hội đã thỉnh nguyện xin Đức Thánh Cha nhắc lại một lần nữa lễ dâng hiến thế giới cho Đức Mẹ đã thực hiện năm 1984; Bởi vì, ngày nay thế giới nhân loại đang phải đối mặt với một khúc quanh mới, một thách đố mới, đó là: sự thay đổi từ một chế độ tư bản hà khắc, do một thiểu số người hay một số nhà nước ưu tiên nắm giữ, sang một hình thức kinh tế toàn cầu đang trên đường hình thành, mà cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay là bước khởi đầu. Nhưng hình thức kinh tế mới này đang cần có một tương lai ổn định.

Nhưng khúc quanh lịch sử mới này của thế giới đòi hỏi con người trước hết phải thực thi sự hoán cải tâm hồn, canh tân cách tư duy và các hành động của mình, đúng như Johann Wolfgang Goethe, nhà thi sĩ nổi danh người Đức đã viết: «Vấn đề thực sự, duy nhất và sâu kín nhất của thế giới và của lịch sử con người, mà tất cả các vấn đề còn lại khác đều phải tùy thuộc vào, đó là sự xung khắc giữa đức tin và thái độ chối từ đức tin».

Dĩ nhiên, trong sự hoái cải tâm hồn và canh tân cuộc sống này, con người luôn có Mẹ Thiên Chúa cùng đồng hành để dìu dắt và nâng đỡ, bằng cách Mẹ đưa dẫn chúng ta đến cùng Chúa Giêsu, Con Mẹ và là Đấng Cứu Thế duy nhất.

Để động viên chúng ta trong việc tin tưởng phó thác hoàn toàn vào sự dìu đắt đầy tình mẫu tử của Mẹ, chính Mẹ Maria đã công khai hứa với cả nhân loại năm 1917 tại Fatima: «Sau cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ sẽ toàn thắng!»


________________________

1. Ngày 13.5.1917, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên ở Faima để thông báo cho nhân loại Sứ Điệp quan trọng của Thiên Chúa liên quan đến sự tồn vong của cả thế giới, nên ngày 13 tháng 5 thường được gọi là ngày Đức Mẹ Fatima.

2. Vào chính lúc Đức Gioan Phaolô II bị ám sát ở Rôma, thì Sơ Lucia thuộc Dòng Kín Carmêlô ở Coimbra/Bồ Đào Nha cũng chứng kiến và cho hay là chính Đức Mẹ đã lái hướng bay của các viên đạn để Đức Thánh Cha không bị tử thương.

3. Sau lễ Đức Gioan Phaolô long trọng dâng hiến thế giới cho Trái Tim Đức Mẹ ở Rôma, Sơ Lucia đã cho hay là lễ dâng hiến đó đã làm đẹp lòng Thiên Chúa và đã được Người chấp nhận.

(Suy niệm Tháng Hoa 2009)
LM. Nguyễn Hữu Thy