XÁO TRỘN


Ngày 11 tháng 9 năm 2001, tháp đôi Manhattan tại Trung tâm thương mại bên Hoa Kỳ bị phá.
Sự kiện khủng khiếp này gây nên nhiều hậu quả đáng buồn. Tôi chỉ cảm được chung chung những nỗi buồn lo ấy.
Đến khi đọc một cuốn sách tiếng Pháp mới xuất bản, tôi giật mình về một hậu quả không những đáng buồn, mà còn đáng sợ. Sách mang tựa đề: “Đối thoại với thiên thần bổn mạng của tôi”. Tác giả là Henri Tisot. Theo tác giả kể, thì thiên thần bổn mạng của ông đã nói với ông về nhiều vấn đề. Trong đó có biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Tất nhiên nội dung đối thoại này là chuyện riêng tư. Toà Thánh không có ý kiến gì. Nhưng nếu chúng ta biết, thì cũng không phải một hiểu bi?t dư thừa.
Ở đây, tôi chỉ xin rút ra đôi chút.
Trùng hợp.
Thiên thần bổn mạng của ông Tisot cho ông hay: Một hậu quả quan trọng của biến cố 11 tháng 9 năm 2001 có thể đọc thấy trong Kinh Thánh, quyển Sáng Thế, đoạn 11 câu 9.
Những con số 11.9 về hai biến cố rất xa nhau lại trùng nhau.
Tôi mở Sáng Thế, đoạn 11 câu 9, thì đọc thấy những lời Kinh Thánh như sau:

“Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Baben. Vì tại đó, Đức Chúa đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất. Và cũng tại đó, Đức Chúa đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất” (St 11,9).
Trước mấy dòng trên đây, Sáng Thế kể lại chuyện người ta thời bấy giờ tập trung ở Sina. Họ đổ công sức, xây một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ý đồ của họ là muốn lưu danh tiếng mình lại lẫy lững đến muôn đời (x. St 11,4).
Như vậy, theo chỉ dẫn của thiên thần, tháp Baben xưa bị sụp đổ đã gây hậu quả là làm xáo trộn và phân tán. Nay tháp đôi kia bị phá đổ cũng gây nên hậu quả như thế.
Tôi để ý đến Xáo trộn và thấy đúng. Hiện tượng đó đang xảy ra ở nhiều lãnh vực tại nhiều nơi. Chẳng hạn như:

Hiện tình.
Nhiều an ninh bị xáo trộn.
Nhiều trật tự bị xáo trộn.
Nhiều sự thực bị xáo trộn.
Nhiều giá trị bị xáo trộn.
Nhiều gia đình và cộng đoàn bị xáo trộn.

Ở đây, tôi chú tâm đến lãnh vực đạo đức. Tôi thấy đó đây đang bắt đầu có những dấu chỉ của sự xáo trộn đạo đức:
1/ Xáo trộn ở chỗ tìm rập theo thói thế gian hơn tìm thực thi ý Chúa.
Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng có rập theo thói đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: Cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2).

Lời khuyên trên đây vốn được một số người tín hữu thực hiện, nhưng cũng đang bị một số tín hữu bỏ ngoài tai. Điều đáng buồn đó đang trở nên bình thường.
Trong một đất nước mở ra, nhiều trào lưu mới xuất hiện. Những trào lưu mới này vừa có cái tốt, vừa có cái xấu. Cái xấu cái tốt xáo trộn vào nhau. Người sống Phúc Âm thực sự biết phân biệt trong chọn lựa khôn ngoan dưới ánh sáng Phúc Âm. Còn người sống hời hợt hễ thấy người ta sao thì mình cũng muốn vậy, yêu theo thế gian, ghét theo thế gian. Đối với họ, sự rập theo thói thế gian được coi là hợp thời. Đôi khi còn cho là làm sáng danh đạo Chúa, có sức truyền giáo.
Thứ đạo đức “theo thói thế gian” đang được viết ra trong vài sinh hoạt tôn giáo nặng nề hình thức phô trương, lợi dụng danh Chúa để kiếm lợi cho cái tôi của mình.
Thực là xáo trộn!

2/ Xáo trộn ở chỗ chạy theo tiền của hơn tìm đến người nghèo.

Sách Thánh nói về Chúa Giêsu: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4,18).
Lời Kinh Thánh trên cũng được áp dụng cho Hội Thánh nói chung và cho các người truyền giáo của Hội Thánh nói riêng.
Nhiều nơi, nhiều người vẫn sống theo tinh thần Lời Chúa đó. Không để nơi mình ở, và chính bản thân mình trở thành hình ảnh một Hội Thánh giàu có, chạy theo người giàu sang, đang khi người nghèo chỉ được đoái nhìn đến một cách miễn cưỡng, theo công thức.
Họ sợ cảnh xáo trộn, vì người của Hội Thánh Chúa bị sai khiến bởi tiền bạc, danh vọng.
Nhưng trên thực tế, những cái mà họ lo xáo trộn như vậy cũng đã xảy ra, nơi này nơi nọ, với một mức độ khác nhau.
Thực có xáo trộn.

3/ Xáo trộn ở chỗ làm điều ác nhân danh Chúa.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người rằng: “Sẽ đến giờ, kẻ nào giết anh em cũng tưởng đó là phụng thờ Thiên Chúa” (Ga 16,2).
Tôi có cảm tưởng là giờ đó đã đến cho nơi này nơi nọ. Có nơi bị chia rẽ trầm trọng. Bên phá cũng phá nhân danh Thiên Chúa. Họ tưởng việc mình trừ khử bên kia là một việc thờ phượng Chúa.
Cũng do xáo trộn.
Xáo trộn ở chỗ cắt nghĩa sai Lời Chúa.
Xáo trộn ở chỗ hiểu sai thánh ý Chúa.
Xáo trộn ở chỗ lòng mình không có Thánh Thần của Đức Kitô.
Xáo trộn ở chỗ mình biết ít mà ảo tưởng mình biết sâu hiểu rộng.
Xáo trộn ở chỗ họ không có đức tin đích thực.
Phải chăng đó là tình hình Chúa Giêsu muốn ám chỉ, khi Ngài than thở một lời bi quan: “Khi Con Người trở lại, liệu Ngài còn thấy đức tin trên mặt đất này không?” (Lc 18,8). Tôi nghĩ trên mặt đất sẽ còn nhiều người tin, nhưng niềm tin của họ không là đức tin đích thực.

Hiểm nguy và hy vọng.
Cảnh xáo trộn mà tôi sợ nhất chính là cảnh xáo trộn trong lòng con người. Bề ngoài coi như bình an, ổn định. Nhưng bên trong lại đầy dẫy những xáo trộn. Những xáo trộn này giống như những làn sóng ngầm. Lúc nào đó bất ngờ, chúng sẽ dâng trào thành hỗn loạn.

Ngày 11 tháng 9 năm 2001 là một bi kịch. Nó chỉ là khởi đầu cho một tình hình. Nhiều xáo trộn sau đó không dính dáng gì đến ngày buồn thảm kia. Nhưng dù phát xuất từ đâu, các thứ xáo trộn đã đang và sẽ không là những cánh nhạn báo tin về một mùa Xuân đang tới. Đừng kể trường hợp chúng ta biết sám hối đón nhận Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, đang tìm chúng ta. Chúa là nguồn bình an. Chính Người là hy vọng cho những ai muốn phấn đấu, vượt qua các thứ xáo trộn, để tìm bình an đích thực.


GB. BÙI TUẦN