Sống trong bóng ma Fukushima Daiichi
Phường Haramachi của Thành phố Minamisoma thuộc Hạt Phủ doãn Fukushima giờ chỉ còn là bãi rác. Người ta vẫn còn thấy biển trong đất liền. Ảnh: Ikuko Takano
Sau thảm họa mọi người đều bỏ đi chỉ còn lại bốn người Công giáo trong một giáo xứ. Thành phố Minamisoma nằm gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Một số vùng ngoại ô thành phố nằm trong bán kính 20 km đã được sơ tán, trong khi những người sống xa hơn trong bán kính 30 km được khuyên đề phòng đặc biệt như ở trong nhà bất kỳ khi nào có thể.
Thành phố bị cả hai trận động đất và sóng thần hôm 11-3 tàn phá: hơn 300 người đã được xác nhận tử vong, 1.100 người vẫn còn bị mất tích và 1.800 ngôi nhà gần biển bị phá hủy. Hiện nay do các sự cố tại nhà máy hạt nhân, khoảng 50.000 trong số 70.000 cư dân đã chuyển đến các nơi khác thậm chí còn đến các hạt phủ doãn khác.
“Trong hai tuần sau các vụ nổ tại nhà máy hạt nhân hôm 12 và 14-3, người dân kéo nhau đi khỏi thành phố” – Ikuko Takano, 58 tuổi, phát biểu trên tờ tuần báo Công giáo phát hành trên toàn quốc Katorikku Shimbun hôm 4-4. Takano là giáo dân tại nhà thờ Haramachi ở Minamisoma, cách Fukushima Daiichi 25 km.
Cũng trong hai tuần đó, những người ở lại bị cắt đứt liên lạc vì người ta vẫn không thể phát lương thực và xăng dầu cho vùng này được. Takano, cũng ở lại đó, đã đến Koriyama – một thành phố khác thuộc hạt phủ doãn Fukushima – và đã sống một tuần ở đây trước khi trở về Minamisoma.
Cuối tháng ba, nhiên liệu và lương thực cũng được chuyển đến vùng này mặc dù các siêu thị lớn vẫn còn đóng cửa. Người dân có thể mua xăng dầu dù chỉ dùng được trong thời gian ngắn.
“Nhưng bưu điện vẫn chưa hoạt động, vì thế cho dù người ta có gửi hàng tiếp tế cho chúng tôi thì chúng tôi cũng không thể nhận được” – bà nói.
Hơn 20 người thường đi lễ ở nhà thờ Haramachi trước thảm họa. Giờ đây chỉ còn bốn người, mặc dù nhà thờ này không bị hư hại.
Bà Takano kể: “Một giáo dân ở thành phố Sendai có đến một lần và mang cho chúng tôi gạo và nước uống. Tôi nghĩ người này thật là can đảm đã băng qua các con đường hư hỏng để đến với vùng này cách 30 km. Chúng tôi rất biết ơn.
“Khi kết hôn và chuyển đến thành phố này, tôi chưa bao giờ nghĩ những chuyện như thế có thể xảy ra với tôi, cách nhà máy điện hạt nhân cả 30 km. Họ nói đất trong vùng này rắn chắc và chống được động đất. Ngoài ra, gần đây tôi thường xuyên nghe nói ‘năng lượng hạt nhân là năng lượng sạch’. Động đất mạnh, sóng thần kinh hoàng và còn nổ lò phản ứng hạt nhân – tất cả đều nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi”.
Tất cả điều đó đột nhiên thay đổi hôm 11-3. “Hiện nay nguy hiểm đang đến gần và chúng ta có thể cảm nhận được. Con người chúng ta phát triển công nghệ, nhưng ở đây chúng ta đã tạo ra một thứ mà không thể ngăn chặn được. Theo tôi đây là tính ngạo mạn của con người. Có nhiều người trong vùng làm việc tại nhà máy hạt nhân đó, và nhiều người dính líu đến nó theo nhiều cách khác”.
Nhiều người mất mạng trong sóng thần và điều này gây ra cho những người sống sót đau khổ hơn tất cả. “Nỗi đau tại sao gia đình hay bạn bè không được cứu sống là cảm giác mà tất cả chúng ta đang bị ám ảnh trong suốt thời gian này. Do sợ phóng xạ sau sự cố hạt nhân, hầu hết trẻ em tình nguyện đi sơ tán. Nếu chúng ta có thể xua tan những lo sợ về phóng xạ, chúng ta đã có thể mở cửa trường học lại. Nếu chúng ta có thể làm điều đó, tôi chắc chắn sẽ có nhiều người trở về”.
Thắp nến canh thức cầu nguyện cho tương lai không có hạt nhân
Đã một tháng trôi qua từ khi Nhật Bản gánh chịu động đất và sóng thần. Để kỷ niệm thảm kịch này, Greenpeace tổ chức canh thức đốt nến tại tượng đài Victoria trong công viên Cubbon của Bangalore lúc 17h30 ngày 11-4.
Giờ canh thức tại Bangalore nằm trong chiến dịch toàn quốc của Greenpeace và các nhà hoạt động chống lại năng lượng hạt nhân ở Ấn Độ.
Các giờ canh thức khác sẽ được tổ chức tại hơn 15 thành phố ở Ấn Độ.
Đặc phái viên ucanews.com từ thành phố Minamisoma