Giai đoạn mười một


Mở lòng ra với ân sủng tha thứ




Chính trong lòng sự tha thứ mà công cuộc sáng tạo tái sinh trong sự tinh tuyền ban đầu của nó.

Philippe Le Touzé

Sự trống rổng nội tâm mà bạn đã tạo ra bằng cách từ bỏ hữu thể độc nhất tác giả sự tha thứ của bạn làm cho bạn nên sẵn sàng đón tiếp tình yêu của Thiên Chúa. Bạn tự chuẫn bị mình để tha thứ dưới tác động của Chúa. Bạn đáp lại mời gọi của Chúa Giêsu : "Hãy nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ" (Lc.6,36). Không phải bạn nhằm bắt chước Chúa bằng cách cậy dựa vào sức riêng của bạn, nhưng bạn sẵn sàng đón nhận sự sống của Ngài, suối nguồn tình yêu và tha thứ.

Có thể rằng bạn còn cảm thấy do dự và bất lực để tha thứ, ngay cả sau khi đã kêu xin sự trợ giúp của Chúa. Giải thích sự ách tắc nầy thế nào ? Có lẽ nó đến từ những hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa làm che khuất bạn khuôn mặt đích thực đầy tình yêu và trắc ẩn của Ngài.

1. Từ vị thiên chúa công lý đến Thiên Chúa chân thật :

Tuyên xưng trong lý thuyết rằng Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa tình yêu và nhân từ là một việc khá dễ dàng. Nhưng đạt tới sống thực sự điều đó thì lại không dễ dàng chút nào. Quả thật, không dễ dàng biện phân vị thiên chúa muốn làm sáng tỏ công lý của óc tưởng tượng tôn giáo của mình với vị Thiên Chúa Tình Yêu và Nhân Hậu. Tuy nhiên, ngay lúc tha thứ, sự biện phân nầy bắt buộc phải có. Chúng ta sẽ không bao giờ thành công trong việc tha thứ thực sự, nếu trước đó đã không đi vào trong tương quan với Thiên Chúa chân thật.

Trong thực hành lâm sàng, tôi thường có cơ hội hướng dẫn các khách hàng phân biệt vị thiên chúa muốn làm sáng tỏ công lý với Thiên Chúa Tình Yêu. Câu chuyện sau đây của một nữ khách hàng của tôi có thể làm sáng tỏ những điều tôi nói.

Sau khi mẹ bà qua đời, một nữ tu nọ cứ bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng sự trừng phạt của Thiên Chúa vừa đổ xuống trên bà. Cùng lúc bà cảm thấy mình vừa bị bối rối vừa bị nhục nhã trở thành nạn nhân của một cơn ám ảnh như thế. Là giáo sư môn Giáo lý, bà dạy cho các sinh viên của mình một Thiên Chúa Tình yêu và Nhân hậu. Vậy mà ở mức độ "lòng dạ" của bà, bà bị đeo đuổi bởi một vị thiên chúa quấy rầy và trả thù, tất cả vì bà đã chưa là một "nữ tu tốt".

Lúc khởi đầu, công việc trị liệu nhằm ưu tiên trên cái chết của mẹ bà. Một khi khơi mào được tang chế của mẹ bà, tôi đã tìm được thời gian thuận tiện để gợi lên quan niệm của bà về vị thiên chúa trả thù và cơn khủng hoảng về cảm giác có lỗi do đó mà sinh ra. Bàg tỏ ra bực tức khi nhắc lại điều đó, nhưng bất chấp những ngập ngừng của bà, tôi đánh liều hỏi bà xem cảm giác có lỗi mà bà cảm thấy là một phản ứng riêng lẻ hay đó là một khuynh hướng thường ngày. Sau khi cho tôi biết rằng tôi quá coi trọng một biến cố không đáng kể như thế, bà đã thú nhận rằng trong những hoàn cảnh lo âu, ý tưởng về một thiên chúa trừng phạt đã đến ám ảnh bà. Bà đã tỏ bày cho các vị hướng dẫn thiêng liêng của bà, nhưng các vị nầy đã khuyên bà suy gẫm về lòng tốt lành của Thiên Chúa và đừng nghĩ là mình có lỗi nữa. Những lời khuyên nầy đã tỏ ra không có hiệu quả.

Tôi xem ra thật khẩn cấp là bà phải được giải thoát một lần dứt khoát khỏi một hình ảnh sai lầm như thế về Thiên Chúa, hoàn toàn không thích hợp với đời sống cầu nguyện và công việc dạy giáo lý của bà, điều mà bà cũng ý thức rõ. Bà cũng xin tôi giúp bà loại bỏ khỏi cuộc đời mình vị thiên chúa trừng phạt đó. Tôi biết rõ rằng không những chúng ta không thể loại bỏ khỏi một mặc cảm tâm lý trầm trọng như thế, nhưng chúng ta còn không được tìm cách làm điều đó nữa. Khách hàng của tôi phải học thuần hóa mặc cảm ấy và sống với nó. Chính vì vậy tôi xin bà bắt đầu đối thoại với nó.

Đó là điều bà đã làm trong suốt một cuộc tĩnh tâm. Bà quá đổi ngạc nhiên, đàng sau cái hình ảnh lạ lùng về thiên chúa đó, bà nhận ra hình ảnh của mẹ bà. Mẹ bà đã khắc sâu trong trí não bà từ hồi bà còn nhỏ một nỗi sợ hãi bệnh hoạn đối với Thiên Chúa. Mẹ bà thường nói với bà về những người bà con và bạn bè đã bị Chúa phạt vì họ đã không vâng lời Ngài. Khám phá nầy, dù có tính chất giải thoát, đã làm cho bà buồn nhiều. Bởi vì cùng lúc bà nhận thấy phần lớn cuộc đời bà đã phải chịu cái hình ảnh của vị thiên chúa nghiêm khắc và đe dọa đó thống trị.

Những ngày kế tiếp, bà theo đuổi cuộc đối thoại với vị thiên chúa quan tòa và trừng phạt của mình. Bà xin vị thiên chúa nầy nhường chỗ dần dần cho Thiên Chúa Tình Yêu của Chúa Giêsu Kitô và đừng đứng ở giữa bà và Ngài nữa, nhất là trong những lúc gặp khủng hoảng. Hơn nữa, bà bảo đảm với vị thiên chúa đó rằng bà tán dương ý hướng tích cực của người muốn làm cho bà thành một người có hạnh kiểm luân lý không thể chê trách vào đâu được hết.

Câu chuyện chứng tỏ tầm quan trọng phải chăm chú khảo sát quan niệm của mình về Thiên Chúa và sửa chữa nó, nếu muốn khá phá thấy mình đáng tha thứ và chính mình trở nên có khả năng tha thứ. Chúng ta không thể cứ giữ mãi những hình ảnh trẻ con về Thiên Chúa, những hình ảnh của một quan tòa vô tâm, một người cha nghiêm khắc, một cảnh sát, một giáo sư cầu toàn, một con người vô cảm, một nhân vật ngọt ngào đầu môi chót lưỡi, một nhà luân lý sợ sệt, v.v... Những vị thiên chúa đó làm cho tín đồ của họ thành bất lực trong vệc tha thứ.



2. Trong tình yêu của Ngài, Thiên Chúa không bị giới hạn bởi những sự tha thứ nghèo nàn của chúng ta :

Nhưng đó không phải là những hình ảnh sai lầm duy nhất về Thiên Chúa cản trở việc tha thứ. Còn có hình ảnh của một vị thiên chúa mà sự tha thứ bị điều kiện bởi những sự tha thứ của con người. Thiên Chúa chỉ tha thứ cho tôi với điều kiện tôi tha thứ cho kẻ khác. Lối suy tư về tha thứ nầy rất phổ biến, tôi đã gặp nó nơi đa số các tham dự viên những khóa học về tha thứ của tôi. Họ tưởng rằng có thể biện minh cho lối suy tư đó bằng cách nêu lên những lời của Kinh Lạy Cha: "Xin tha thứ cho những xúc phạm của chúng con như chúng con tha thứ cho những kẻ xúc phạm chúng con".

Làm sao cắt nghĩa việc các tín hữu kitô đã đi đến một quan niệm như thế về sự tha thứ của Thiên Chúa ? Có nên nghĩ rằng một truyền thống kitô như thế đã đánh mất sứ điệp thứ nhất của Phúc Âm không ? Từ ý niệm về sự tha thứ nhưng không của Thiên Chúa, dần dần chúng ta đã trượt vào ý niệm của một tha thứ-phần thưởng của chính những sự tha thứ của mình. Thiên Chúa đặt giới hạn cho tình yêu của Ngài và thôi lấy sáng kiến tha thứ để chạy theo những sự tha thứ nghèo nàn của con người sao ?

Ý niệm về sự tha thứ của Thiên Chúa được xem như một thứ công bằng ban thưởng có thể tìm thấy dấu vết trong Tin Mừng theo thánh Matthêu : "Quả thực, nếu các ngươi tha thứ cho người khác lầm lỗi của họ thì Cha các ngươi trên trời cũng sẽ tha thứ cho các ngươi ; nhưng nếu các ngươi không tha thứ cho người ta, thì Cha các ngươi cũng không tha thứ cho các ngươi lầm lỗi của các ngươi đâu" (Mt.6,14-15). Các nhà chú giải giải thích định hướng nầy của Matthêu là do sự kiện Matthêu nói với một cử toạ còn thấm nhiễm Lề Luật Cựu Ước. Ngay cả trong những bản văn khác, khi khẳng định rõ ràng tính nhưng không của ơn cứu độ, Matthêu cũng khai triển cả một dòng tư tưởng rabbi bị tinh thần vụ luật chế ngự. Chính tư tưởng nầy lại được gặp thấy trong ý niệm về tha thứ. Chúng ta ghi nhận ảnh hưởng của Phúc Âm Matthêu có ưu thế trong việc đào luyện tâm thức kitô giáo, bởi vì mãi cho đến Công đồng Vatican II, chúng ta đọc hầu như mọi bản văn của Matthêu trong các phụng vụ Chúa nhật. Vậy chẳng ngạc nhiên chi khi người tín hữu nghĩ rằng có thể mua lấy sự tha thứ của Thiên Chúa bằng các công nghiệp của chính những sự tha thứ của mình. Như vậy, sự tha thứ mang hình thức của một cuộc mặc cả tinh vi giữa Thiên Chúa và con người.

Ý tưởng về một vị thiên chúa cho qua cho lại không xứng hợp với lòng nhân hậu vô cùng của Thiên Chúa. Nó tạo nên một lầm lẫn lớn và một ngõ cụt lớn hơn trong đời sống thiêng liêng, đặc biệt nơi những người cảm thấy không thể tha thứ. Để bảo đảm ơn cứu độ đến từ sự tha thứ của Thiên Chúa, họ phải cố gắng tha thứ bằng mọi giá, ngay cả khi cảm thấy bất lực để làm việc đó. Hoặc là họ thú nhận không thể tha thứ nên không đáng được sự tha thứ của Chúa vì sự thiếu quảng đại của họ, hoặc là họ tự dối mình trong việc thỏa thuận trao ban một sự tha thứ giả dối, hoặc ít ra là không trung thực. Chúng ta thấy những kẻ tưởng mình có thể đáng hưởng sự tha thứ của Chúa rơi vào trong một lưỡng đạo xao xuyến như thế nào !

Làm sao thoát ra khỏi con đường không lối thoát nầy ? Phương thế duy nhất là nhận rõ hai chân lý nầy.

- Thứ nhất là Thiên Chúa luôn giữ sáng kiến đi bước đầu trong việc tha thứ, như chỉ Ngài mới có sáng kiến tình yêu. Thánh Gioan không do dự khẳng định điều đó : "Không phải chúng ta đã yêu mên Thiên Chúa, mà chính Ngài đã yêu thương chúng ta trước" (1 Jn.4,10).

- Chân lý thứ hai phát xuất từ chân lý thứ nhất. Tha thứ không phải là hành động của ý chí chỉ tùy thuộc ở mình. Tha thứ trước hết là hoa trái của một cuộc hoán cải của tâm hồn, một sự mở ra với ân sủng tha thứ. Sự hoán cải nầy, ngay cả khi nó có thể là tức thời và tự phát trong một số trường hợp, thường sinh ra, chín muồi và tiến hóa trong suốt một giai đoạn dài hoặc ngắn.

Quả thế, nếu không xác tín về hai sự thật nầy, chỉ nên đọc lại dụ ngôn người mắc nợ không có khả năng chi trả (Mt.18,23-35). Đó là câu chuyện của một ông chủ có sáng kiến tha một món nợ rất lớn cho một trong các con nợ của ông. Nhưng con nợ nầy không có cùng lòng khoan hồng đó đối với một người nghèo mắc nợ y một số tiền nhỏ. Chúng ta biết phần còn lại của câu chuyện : ông chủ, một khi biết được sự cứng cỏi và khắc nghiệt của người mắc nợ không có khả năng chi trả, đã sai bỏ tù anh ta cho đến khi trả hết món nợ.

Hai điểm đáng ghi nhận trong dụ ngôn liên quan đến sự tha thứ. Một đàng, chính ông chủ, trường hợp nầy là Thiên Chúa, có sáng kiến đưa ra một cử chỉ thương xót. Đàng kia, con nợ được đặc ân không để mình bị đánh động hay chịu ảnh hưởng bởi lòng quảng đại của chủ nợ. Lòng quảng đại đáng lẽ phải dẫn anh ta tha thứ cho con nợ của mình khi đến lượt anh ta. Anh ta đã không đón nhận cách sâu xa sự tha thứ của chủ anh, đến độ để mình được biến đổi và trở nên có khả năng đưa ra một cử chỉ khoan hồng tương tự. Chính trong việc đó mà anh tự kết án mình.

Huyền nhiệm tự do của con người có thể đi tới chỗ từ chối ân sủng. Nên thêm rằng mặc dầu Ngài có sáng kiến trao ban sự tha thứ, Thiên Chúa không thể bắt ép buộc chúng ta đón nhận nó. Một cách nào đó, Chúa tự làm cho mình ra bất lực trước sự từ chối "tha nợ" - tha thứ của Ngài. Chắc chắn khác với ông chủ của dụ ngôn, Thiên Chúa tỏ ra kiên nhẫn hơn và biết chờ đợi lúc thuận tiện cho các con tim mở ra, ngay cả những tâm hồn ngoan cố nhất.


3. Sự tha thứ khiêm tốn của Thiên Chúa của Chúa Giêsu:

Nhưng ai là Thiên Chúa tha thứ đích thực ? Để hiểu rõ các phong cách của Thiên Chúa trong việc tha thứ, chúng ta hãy nhìn ngắm cách Chúa Giêsu đối xử với các "tội nhân". Đối với họ, Ngài không tỏ ra một thái độ trịch thượng, dạy đời hoặc khing miệt, mà lại tỏ ra giản dị, khiêm tốn và cảm thông. Ngài có sáng kiến đi thăm những con người bị tù đày trong lầm lỗi của họ. Rồi một khi ở với họ, Ngài làm cho họ thêm giá trị bằng cách tự đặt mình trong trạng thái đón tiếp họ : Với người đàn bà Samaria, Ngài xin nước uống ; nhìn thấy Giakêu, Ngài tự mời mình đến trọ nhà ông ; Ngài để cho Maria Madalêna xức dầu hôn chân Ngài. Ngay cả trước khi nói đến tha thứ, Ngài bắt đầu thiết lập một mối tương quan giữa người với người. Vậy chính trong sự đón tiếp căn bản con người mà Chúa Giêsu biểu lộ sự tha thứ của Ngài.

"Làm thế nào mở lòng mình ra với ơn tha thứ của Chúa ? Làm sao bắt chước Ngài ?" Jean-Marie Pohier hạnh phúc trả lời : "Thiên Chúa của Kinh Thánh vừa mạc khải cho chúng ta rằng Ngài không bị tổn thương - Ngài là người cha của đứa con trai hoang đàng, là người đi tìm con chiên lạc - vừa cho chúng ta biết rằng Ngài từ chối bắt chúng ta phải trả giá. Đó là một nghịch lý không chịu nổi đối với chúng ta. Tôi cũng nghĩ rằng người ta chỉ có thể bắt chước sự tha thứ của Chúa cách rất xa. Hy vọng rằng nhờ năng lui tới với Chúa, cuối cùng Ngài có thể ảnh hưởng trên chúng ta một chút..."



4. Để mở lòng ra với ân sủng tha thứ :

Như đối với các cuộc tập luyện khác, bạn giữ một tư thế thoải mái và loại khỏi bạn mọi sự chia trí.

Bạn hãy để mình được dẫn qua một bức tranh tâm trí. Trong khi lắng nghe những lời của bức tranh, bạn hãy chú ý tôn trọng nhịp điệu riêng của bạn.

Bạn hãy để thời giờ đi vào trong chính mình để đuổi kịp thế giới biểu tượng và thiêng liêng của bạn. Nhắm mắt lại nếu điều đó giúp đỡ bạn.

Bạn tìm thấy mình ở trong một cánh đồng đầy hoa, chan hòa ánh sáng mặt trời. Bạn hãy để thời gian chiêm ngắm quang cảnh ấy và thưởng thức sự tươi mát của địa phương.

Dưới kia, bạn thấy một căn nhà được bao bọc bởi một ánh sáng đặc biệt. Bạn đi về phía nó. Bạn tìm thấy ở đó một cầu thang bằng đá dẫn xuống tầng hầm. Từng bước một, bạn xuống bảy bậc. Bây giờ bạn đang đứng trước một cánh cửa dày bằng gỗ sến được chạm trổ tinh vi với những mẫu hình duyên dáng. Sự tò mò thúc đẩy bạn mở cửa ra và đi vào. Bạn ở trong một gian phòng ánh sáng kỳ lạ. Hết sức ngạc nhiên, bạn thấy một bản sao của chính bạn bị cột vào một chiếc ghế. Hãy để thời giờ khảo sát kỷ các dây buộc bạn. Những phần nào nơi thân thể bạn bị buộc chặt ? Loại dây gì trói chúng ? Các dây đó làm bằng vật liệu chi ? Bạn bắt đầu nhận thức ra sự xúc phạm đã trói buộc bạn thế nào. Bạn dần dần ý thức được chính bạn đang ở đó, bị trói chặt vào ghế. Bạn đi vào trong chính mình để chỉ làm nên một với người bị trói.

Rồi bạn nhận thấy rằng không phải chỉ có một mình bạn ở trong phòng. Bạn ngờ vực sự hiện diện của một hữu thể quyền năng. Bạn nhận ra Chúa Giêsu. Ngài hỏi bạn : "Con có muốn Ta giúp con cởi trói không ?". Ngạc nhiên về sự giúp đỡ của Ngài, bạn tự đặt lại câu hỏi : "Có phải tôi thực sự muốn được giải thoát không ? - Có phải tôi sắp thoát khỏi xiềng xích không ? - Tôi có thể chịu đựng tình trạng mới tự do không ? - Những lợi ích nào tôi có thể rút ra được từ hoàn cảnh tù ngục của tôi ?". Bạn để ít thời gian tranh luận về những câu hỏi quan trọng nầy.

Nếu bạn muốn được giải thoát, hãy trình bày ước muốn ấy với Chúa Giêsu. Hãy nói với Ngài về những sợi dây trói buộc bạn và ngăn cản bạn tha thứ cho kẻ xúc phạm bạn. Cứ mỗi lần bạn xác định rõ mỗi trở ngại cho tha thứ, bạn hãy nhìn Chúa Giêsu đang tháo gỡ dần dần những cái ràng buộc bạn.

Mỗi khi một phần thân xác bạn được giải thoát, bạn hãy dừng lại để thưởng thức sự nâng đỡ mà sự tự do mới của bạn mang lại cho bạn. Các sợi dây cứ càng buông ra thì bạn càng để cho sự hòa điệu, trong sáng và bình an xâm chiếm tất cả con người của bạn.

Trong tình trạng ân sủng mà bạn cảm nhận tình yêu Thiên Chúa cư ngụ trong bạn, bạn hãy nhìn con người xúc phạm bạn đang tiến đến gần bạn. Bạn có bắt đầu nhận ra có cái gì đó thay đổi trong bạn không ? Bạn hãy nhìn vào đôi mắt con người nầy. Bạn có thể thẳng thắn nói với y "tôi tha thứ cho anh" không ? Nếu có, thì bạn hãy làm đi. Nếu không, bạn hãy trở về với chính mình và tự hỏi những sợi dây nào còn giữ bạn lại. Bạn có thể nối lại cuộc đối thoại với Chúa Giêsu để xin Ngài giải thoát bạn khỏi những trở ngại cuối cùng đối với sự tha thứ. Bạn cũng có thể dừng lại nơi đây, dù phải làm lại sau nầy cùng một tập luyện bức tranh, ngõ hầu đi xa hơn trên con đường tha thứ. Một ngày sẽ tới, bạn sẽ hết sức ngạc nhiên thấy sự tha thứ chảy ra từ suối nguồn của trái tim bạn.

Nếu bạn đã thành công trong việc tháo cởi hết mọi dây ràng buộc bạn, bạn hãy tự hỏi bạn sẽ làm gì trong tương lai, với những sợi dây đó. Chúng sẽ được sử dụng cho bạn như những biểu tượng, nhắc nhở bạn những bài học quí giá mà bạn sẽ rút tỉa được từ kinh nghiệm của mình.

Bây giờ bạn sẽ cử hành thế nào sự giải thoát mới của bạn ?

Khi bạn cảm thấy đã sẵn sàng, bạn hãy đứng và ra khỏi phòng. Bạn mở cánh cửa sến và trèo lên bảy bậc cấp để lộ ra trong ánh sáng ban ngày. Từ từ bạn bắt lại liên lạc với bên ngoài. Bạn ý thức các tiếng động. Bạn mở to mắt. Bạn cảm thấy an tĩnh, thư giản, mát mẻ và khoan khoái.

Chắc chắn bạn muốn chia sẻ những cảm nghĩ của bạn với một người nào đó, hoặc bạn hãy ghi lại trong nhật ký.

Xin tha thứ cho chúng con những xúc phạm của chúng con.

Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con những xúc phạm của chúng con,

Không theo mức độ của những tha thứ nghèo nàn của chúng con,

Không như chúng con có thói quen tha thứ,

Không theo gương những tha thứ có tính cách thương mại và tính toán của chúng con.

Nhưng hẳn là :

- để khám phá ra lòng thương xót dịu dàng của Chúa

- để cảm nhận sự dịu dàng nguôi ngoai của Chúa

- để dạy cho chúng con cũng tha thứ

- để tha thứ cho những ai cùng chia sẻ cơm bánh với chúng con

- để không rơi vào tuyệt vọng vì xấu hổ

- để từ chối ước muốn tha thứ cách ngạo mạn

- để lột mặt nạ những sự ngay thẳng giả dối và những phẩn nộ của chúng con

- để chúng con có thể tha thứ cho chính mình

- để những tha thứ của chúng con trở thành phản ánh sự tha thứ của Chúa.

Giaiđoạn 1 - Hai - Ba - Bốn - Năm - Sáu - Bảy - Tám - Chín - Mười - MườiMột - MườiHai